Tài sản bất minh 'khó nuốt'

Cuối năm là đến thời điểm định kỳ cán bộ, công chức phải kê khai tài sản, thu nhập theo quy định. Trong Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) vừa được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 6 lại không có quy định xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được về nguồn gốc như dự thảo ban đầu đưa ra. Nhưng điều đó không có nghĩa là không xử lý được những tài sản bất minh này.

Theo dự thảo đưa ra trình Quốc hội cho ý kiến, ở Điều 52 quy định về “Xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc” có 2 phương án. Thứ nhất là Tòa án sẽ xem xét, quyết định thu hồi tài sản cho Nhà nước trong trường hợp người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý. Phương án hai là trường hợp người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc tài sản nhưng cơ quan có thẩm quyền cũng không chứng minh được tài sản, thu nhập này do vi phạm pháp luật mà có, thì cơ quan thuế sẽ áp thuế thu nhập cá nhân.

Lý giải về việc rút quy định xử lý tài sản, thu nhập bất minh ra khỏi dự thảo được thông qua, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết, khi thảo luận, các đại biểu cho rằng đây là vấn đề mới, phức tạp. Hiện nay, tài sản thu nhập tăng thêm của cán bộ, công chức và cả nhân dân có nhiều nguồn khác nhau, trải qua nhiều thời kỳ khác nhau, nhiều tài sản rất khó chứng minh về nguồn gốc. Nhà nước chưa có hệ thống kiểm soát tài sản, thu nhập của người dân và cũng chưa kiểm soát được thu nhập của cán bộ, công chức.

Hệ thống thu thuế, thanh toán qua tài khoản chưa đáp ứng yêu cầu... Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội về các phương án xử lý, song ý kiến đại biểu rất phân tán. Do chưa có đủ căn cứ, cơ sở quy định, nên trước mắt vẫn theo các quy định hiện hành.

Vậy quy định hiện hành về vấn đề này là gì? Đó là tài sản do phạm tội mà có vẫn phải bị thu hồi theo quy định của pháp luật hình sự. Thu nhập tăng thêm mà chưa nộp thuế thì vẫn phải bị truy thu thuế theo quy định. Tuy nhiên, việc xử lý tài sản bất minh này chỉ là phần ngọn trong công tác phòng, chống tham nhũng. Trước đó phải là kiểm tra, giám sát xem cán bộ, công chức có kê khai tài sản, thu nhập trung thực hay không.

Theo thống kê của Thanh tra Chính phủ, trong số hơn 1,1 triệu đối tượng phải kê khai tài sản thu nhập năm 2018, cơ quan chức năng chỉ tiến hành xác minh 44 người, trong đó phát hiện 6 người vi phạm. Như vậy, so với mức độ đánh giá về tham nhũng hiện tại cũng như nhiều vụ việc tham nhũng bị phanh phui hàng năm, thì giải pháp kê khai tài sản dường như vẫn mang tính hình thức.

Bởi vậy, vấn đề cấp thiết hơn của phòng ngừa tham nhũng không hẳn là xử lý tài sản bất minh mà là kiểm tra việc kê khai tài sản có trung thực không và giải trình nguồn gốc tài sản có hợp lý không. Việc kê khai tài sản được tiến hành hàng năm và trước mỗi lần cán bộ được bổ nhiệm cũng có kê khai. Nếu làm tốt biện pháp phòng ngừa này, tham nhũng sẽ bị phát hiện từ sớm, chứ không như thực tế các vụ việc bị xử lý vừa qua thường kéo dài nhiều năm trời mới bị phát hiện.

Trên thực tế, những “biệt phủ”, “xe sang” của cán bộ, công chức bị báo chí và dư luận nêu dấu hỏi thường được giải thích bằng những lý do thiếu thuyết phục như: chạy xe ôm, buôn chổi đót… Trong vụ án đánh bạc công nghệ cao mà Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ đang xét xử, bị cáo Phan Văn Vĩnh, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát đã khai chiếc đồng hồ Rolex đeo tay trị giá 1,1 tỷ đồng là mua từ tiền bán cây cảnh chứ không phải nhận hối lộ (!?).

Những tài sản này được sử dụng công khai, không hề phải giấu giếm; cách giải trình nguồn gốc thì… khôi hài. Vấn đề này lại phụ thuộc người có trách nhiệm có quyết liệt trong việc kê khai và giải trình tài sản hay không. Nếu làm tốt biện pháp minh bạch tài sản, thu nhập, tham nhũng sẽ được phát hiện sớm hơn, tính phòng ngừa sẽ cao hơn.

Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) vừa được thông qua tuy chưa đưa ra quy định xử lý tài sản bất minh nhưng cũng đã bổ sung rất nhiều giải pháp phòng, chống tham nhũng như: mở rộng phạm vi điều chỉnh phòng, chống tham nhũng sang khu vực tư; quy tắc ứng xử của người có quyền hạn, nhận quà tặng, bổ sung quy định mới về kiểm soát xung đột lợi ích; quy định cụ thể, chặt chẽ các căn cứ xác minh tài sản, thu nhập, bổ sung quy định liên quan đến cơ sở dữ liệu kiểm soát tài sản, thu nhập. Nếu phát hiện ra sai phạm thì xử lý về mặt Đảng, Nhà nước, xóa tên nếu là đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân… Khi đó, tài sản bất minh sẽ như “cái kim trong bọc”, khó mà “nuốt trôi”.

Trần Ngọc Tú
‘Phấn trắng, bảng đen’ thời công nghệ số
‘Phấn trắng, bảng đen’ thời công nghệ số

Thay cho phấn trắng, bảng đen, thay cho giáo án bút mực giấy kẻ ngang, cùng với những bước tiến vũ bão của thời công nghệ 4.0, hình ảnh người thày giờ đây đã được gắn với Slide, Power Point, Video clip, Laptop, máy chiếu, bút trình chiếu…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN