Tin giả hoành hành khắp thế giới

Tin giả là một hiện tượng xã hội không tồn tại đơn lẻ, mà liên quan đến nhiều chủ thể khác nhau, trong đó có cả những tập đoàn lớn và các nhân vật có nhiều quyền lực. Vì vậy, cuộc chiến chống "fake news" xem ra vẫn chưa sớm nhìn thấy hồi kết.

Nếu như tin giả mới trở thành một hiện tượng đáng lo ngại ở ta trong thời gian gần đây, cùng với sự phổ biến của mạng xã hội, thì vấn nạn này từ lâu đã lộng hành ở nhiều quốc gia trên thế giới, khiến nhiều chính phủ lo ngại.

Chú thích ảnh
Tin giả đã được sử dụng như những vũ khí chính trị giữa các phe phái. Ảnh: legalzoom.com

Tin giả (fake news) được định nghĩa trong từ điển Collins là “những thông tin sai, thường là tin giật gân, được phát tán dưới vỏ bọc tin tức". Ngoài Collins, một số từ điển khác đã chọn "fake news" là "từ của năm 2017", do mức độ phổ biến và tầm ảnh hưởng của thuật ngữ này đã tăng tới 365% trong vòng 1 năm sau khi được Tổng thống Mỹ Donald Trump nhắc đến nhiều lần.

Tin giả biến tướng muôn hình vạn trạng, với quy mô và cấp độ nguy hại khác nhau, đối tượng và động cơ phát tán vô cùng phức tạp. Vòi bạch tuộc của nó không chỉ len lỏi vào cuộc sống của người dân, mà nguy hiểm hơn nó còn được sử dụng như những vũ khí chính trị giữa các phe phái. Với chính quyền nhiều nước hiện nay, vấn đề lớn nhất trong các kỳ bầu cử không còn là sự công khai, minh bạch. Tin giả đã và đang gây xáo trộn chính trường, làm đảo lộn niềm tin của cử tri và khiến nền dân chủ mà các nước phải tốn hàng trăm năm gây dựng bị lung lay.

Trong cuộc bầu cử Mỹ năm 2016, ứng cử viên Hillary Clinton được cho là một nạn nhân của fake news khi bị các tài khoản cá nhân trên mạng xã hội tung tin giả để triệt hạ uy tín. Tại Đức, nữ Thủ tướng Angela Merkel bị đồn xâm hại tình dục một bé gái sau khi bà chủ trương ủng hộ chính sách giúp đỡ người nhập cư. Tại Áo và Pháp, các ứng cử viên chức thủ tướng cũng bị vướng tin đồn bị bệnh sắp chết, hoặc là thành viên tổ chức khủng bố Hồi giáo cực đoan IS.

Tại Nga, trước cuộc bầu cử tháng 3/2018, Tổng thống Putin là nạn nhân của các thông tin giật gân như sở hữu khối tài sản hơn 200 tỷ USD, đang sống với người tình trẻ. Thậm chí ông còn bị đồn là một… người máy.

Nếu như ở Mỹ và châu Âu mục tiêu của tin giả thường là giới chính trị gia và người nổi tiếng, thì ở các nước đang phát triển ở châu Á, Trung Đông, châu Phi… tin giả là liều thuốc độc lan truyền vào vấn đề tôn giáo để gây thù chuốc oán hoặc làm động cơ chính trị cho các phe phái. Từ những bản tin bịa đặt, các cộng đồng tôn giáo có thể thù ghét, xung đột lẫn nhau, từ đó tạo ra những mầm mống bất ổn mang tầm khu vực và thế giới. Điển hình là phong trào "Mùa Xuân Arab" trong đó các mạng xã hội bị lợi dụng để đưa tin kích động biểu tình bạo loạn và tiến tới lật đổ các chính phủ hợp hiến tại Tunisia, Ai Cập, Yemen, Libya…

Trong một số trường hợp, tin giả còn được sử dụng để gây mâu thuẫn giữa các quốc gia. Hẳn còn nhớ vụ "chết giả" của nhà báo Arkady Babchenko, người Nga. Tháng 5/2018, nhà báo này được công bố đã thiệt mạng trong một vụ sát hại mà thủ phạm được đồn đoán là các mật vụ Nga. Tuy nhiên, ngay sau đó Babchenko bất ngờ xuất hiện công khai, khiến giới chức Nga phẫn nộ nói rằng đây là "một hành động khiêu khích Nga".

Chuyên gia David Lazer tại Viện nghiên cứu Brookings cho rằng về mặt tác động xã hội, thông tin giả nguy hiểm vì có khả năng ảnh hưởng đến sự tiếp nhận của người đọc, kích thích tư duy phân biệt đối xử và trong trường hợp cực đoan còn là chất xúc tác cho bạo lực. Trên thực tế, tin giả mang tính kích động đã nhiều lần được phát tán khiến người dân không đủ tỉnh táo và bị cuốn vào làn sóng bạo loạn, lật đổ. Trong một cuộc điều tra, có tới 90% tại Tunisia và Ai Cập thừa nhận sử dụng mạng xã hội để lan truyền lời kêu gọi biểu tình.

Một trong những nguyên nhân khiến tin giả ngóc đầu và lộng hành là tầm ảnh hưởng của báo chí ngày càng suy giảm do bị cạnh tranh gay gắt. Nhưng công bằng mà nói, trong nhiều trường hợp, chính báo chí cũng bị lợi dụng làm công cụ để tin giả lan truyền, khiến lòng tin của người dân ngày càng mai một. Trong khi đó, mạng xã hội - nơi sự minh bạch và trách nhiệm phát ngôn thường bị coi nhẹ - thì lại ngày càng phát triển, hình thành môi trường thuận lợi cho các âm mưu đen tối của tin giả.

Giật mình trước mối nguy hiểm đó, chính phủ các nước, các nhà điều hành mạng xã hội, các tổ chức quốc tế và người dân đang liên tục áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật và pháp lý để ngăn chặn tin giả, trong đó phải kể đến sự vào cuộc cụ thể và quyết liệt của nhiều quốc gia châu Á.

Tại Singapore, chính quyền đã thành lập một ủy ban đặc biệt để nghiên cứu cách thức chống lại những đối tượng truyền bá thông tin sai lệch một cách cố ý, đặc biệt là trong các cuộc bầu cử và trưng cầu dân ý. Mới đây nhất, chính phủ nước này đã công bố một dự luật theo đó những người bị kết tội truyền bá “những thông báo hay thực tế sai sự thật” trên mạng phải đối mặt với mức phạt lên tới 1 triệu đô la Singapore (17 tỉ đồng) hoặc tối đa 10 năm tù. Các trang mạng xã hội như Facebook và Twitter sẽ phải gỡ bỏ hoặc đính chính các thông tin mà chính phủ cho là sai sự thật.

Tại Philippines, Tổng thống Rodrigo Duterte đã có những tuyên bố mạnh mẽ đối với những tờ báo thuộc sở hữu của nước ngoài cũng như các mạng xã hội mà ông cho là đã lan truyền nhiều tin giả chống chính quyền. Mạnh tay hơn, đầu tháng 4 vừa qua, chính quyền Malaysia đã hình sự hóa tội tung tin giả trên mạng, theo đó các đối tượng cố ý tung tin giả có thể bị phạt tù tới 6 năm.

Tin giả là một hiện tượng xã hội không tồn tại đơn lẻ, mà liên quan đến nhiều chủ thể khác nhau, trong đó có cả những tập đoàn lớn và các nhân vật có nhiều quyền lực. Vì vậy, cuộc chiến chống "fake news" xem ra vẫn chưa sớm nhìn thấy hồi kết.

Xử lý vấn nạn tin giả đòi hỏi một cách tiếp cận toàn diện. trong đó phải có sự hợp tác chặt chẽ về mặt kỹ thuật từ các mạng xã hội và các tổ chức quốc tế, sự vào cuộc mạnh mẽ về mặt pháp lý của các quốc gia. Nhưng nhân tố quan trọng nhất vẫn là cộng đồng - những người hàng ngày bị tin giả tấn công: Tự nâng cao khả năng miễn dịch, luôn thẩm định chéo trước mọi thông tin, tỉnh táo trước những phán xét. Khi đó, tin giả mới không còn đất sống.

 

Vũ Hội
Tin giả, hậu quả thật
Tin giả, hậu quả thật

Không thể lường hết được những hậu quả của tin giả (fake news). Tuỳ theo sự việc, đối tượng mà tin giả “nhắm” tới, nó có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực, nguy hại tới một cá nhân, một bộ phận, hoặc toàn xã hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN