Tin giả và người đọc có trách nhiệm

Đừng đổ lỗi cho mạng xã hội hay Internet, sở dĩ tin giả hay kể cả thông tin có nội dung xấu nói chung, có môi trường để tồn tại và lây lan chính là bởi mỗi người đọc trong chúng ta đã vô tình hay hữu ý đẩy nó lên thành “hot trend”, thành vấn đề mà người vốn không quan tâm cũng tò mò muốn biết nó là cái gì. Và rồi người không tin cũng bắt đầu ngờ ngợ.

Chú thích ảnh
Người sử dụng Facebook cần chia sẻ thông tin có trách nhiệm để ngăn chặn sự lây lan của tin giả. Ảnh: AFP/ TTXVN

Cũng phải thừa nhận tin giả dễ thu hút người đọc bởi nó thường ăn theo những vấn đề, sự kiện được nhiều người quan tâm, có tính chất độc, lạ, câu khách, đánh trúng tâm lý tò mò. Nếu như trước kia, khi chưa có mạng xã hội và mức độ phổ cập Internet còn hạn chế thì tin giả thường là những lời đồn thổi, “buôn chuyện” ở quán nước, vỉa hè, lúc trà dư tửu hậu… Sự lan truyền của những tin đồn ấy được qua “cơ chế thì thầm”, phụ thuộc vào uy tín, trình độ hiểu biết của người đưa tin cũng như người tiếp nhận thông tin. Thậm chí, khi tin đồn lan đến người hiểu biết về sự việc thì tin giả có thể bị dập tắt ngay bởi những bằng chứng xác thực của chính người nghe.

Nhưng trên môi trường mạng Internet, tin giả lan truyền với tốc độ và quy mô nhanh chóng theo cấp số nhân chỉ bằng một cái click chuột máy tính. Theo mặc định của các thuật toán, chỉ cần một động tác vô tình theo “phản xạ” là đã góp thêm một “view” (lượt truy cập), một “like” (yêu thích) hay “share” (chia sẻ), góp phần cho tin giả càng chiếm lĩnh không gian mạng. Ngay cả những trang mạng xã hội lớn nhất thế giới như Facebook hay YouTube… cũng “đau đầu” với việc ngăn chặn các tin giả bởi khối lượng thông tin quá lớn được đăng tải hàng ngày.

Khi mà các thuật toán chỉ giúp thông tin đến người đọc nhanh hơn mà chưa phân biệt để ngăn chặn được tin giả một cách hiệu quả, thì người đọc tin, người sử dụng mạng xã hội cần phải tự nâng cao ý thức, trách nhiệm để phòng chống “virus” tin giả cũng như các thông tin độc hại nói chung. Trong thời đại hiện nay, chúng ta không thể “đóng cửa” hay “bế quan tỏa cảng” với thông tin trên mạng. Nhưng để khai thác, sử dụng hữu ích công nghệ thông tin, người dùng phải được trang bị kiến thức, phông văn hóa như một thứ vắc xin phòng bệnh, đặc biệt là với giới trẻ.

Trong các bài trước, chúng tôi đã phân tích về nhận diện, quy mô, hậu quả của tin giả, mục đích của người tung tin… Dưới góc độ người đọc, có thể phân loại tin giả theo mức độ xác thực dễ hay khó. Với những tin giả mà căn cứ dẫn chứng rất mơ hồ kiểu như: bắt cóc trẻ em, mổ lấy nội tạng bán sang Trung Quốc; hay thông tin người ăn thịt lợn bị nhiễm bệnh tả lợn châu Phi…, người đọc chỉ cần tỉnh táo một chút, có kỹ năng kiểm chứng ngay trên mạng từ các nguồn chính thức, có uy tín thì dễ dàng biết đúng hay sai.

Còn một loại tin giả mà nhờ công nghệ thông tin, người ta cố ý làm giả chứng cứ bằng hình ảnh, thậm chí video clip như thật để thuyết phục người xem. Điển hình là việc làm giả quyết định công nhận thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên rồi tung tin trên mạng nhằm thổi giá đất hồi tháng 3 vừa qua; chế một bản tin của Thông tấn xã Việt Nam về việc huyện đảo Phú Quốc trở thành thành phố trực thuộc Trung ương đúng ngày Cá tháng Tư; hay vụ hình ảnh loạt xe sang biển xanh gây xôn xao dư luận thực chất là xe đồ chơi dưới gầm giường… Với những tin giả tinh vi như vậy, phải mất một khoảng thời gian để cơ quan chức năng vào cuộc xác minh. Nhưng trong trường hợp còn bán tín bán nghi như vậy, người đọc cũng cần hết sức bình tĩnh, tránh tình trạng bị gọi là “tay nhanh hơn não” khi lan truyền thông tin.

Như trên đã phân tích, tin giả dù dễ hay khó nhận biết mà người đọc thiếu trách nhiệm đều sẽ trở thành tác nhân giúp cho tin giả lan rộng. Trên không gian mạng “ảo”, người dùng dễ rơi vào trạng thái quên mất vị trí công dân của mình (chưa kể những người không đăng ký bằng tên thật), nhất là những người có danh vị uy tín trong xã hội như nhà giáo, bác sỹ, kỹ sư… mà đọc tin thiếu trách nhiệm thì vô cùng đáng lo. Thậm chí cả những phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí non nớt về nghiệp vụ hoặc mải chạy theo trend để câu view cũng sẽ thành trợ thủ đắc lực cho tin giả. Nhiều cơ quan báo chí đã bị xử phạt về việc đưa tin không đúng sự thật trong thời gian qua.

Khi xác định được đúng sai, hậu quả của tin giả đã kịp gây thiệt hại lên đến hàng trăm tỷ đồng và những bất ổn xã hội không đong đếm được. Nhưng có một thực tế là việc chia sẻ thông tin đính chính về tin giả lại ít hơn thông tin sai sự thật trước đó. Thường thì chỉ có các cơ quan báo chí hoặc người bị xử phạt đăng tin đính chính, còn những “trợ thủ” góp phần chia sẻ tin giả trên mạng lại im lặng “rút kinh nghiệm” rất vô trách nhiệm.

Trong xu thế hiện nay, chúng ta hay nghe nói đến tiêu dùng có trách nhiệm, du lịch có trách nhiệm… để bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Và đọc tin, chia sẻ thông tin có trách nhiệm cũng là một cách chung tay vì một xã hội nhân văn, tiến bộ.

Trần Ngọc Tú (TTXVN)
OANA 44: Đối mặt với thách thức 'tin giả' trong xu hướng báo chí hiện đại
OANA 44: Đối mặt với thách thức 'tin giả' trong xu hướng báo chí hiện đại

Hội nghị Ban Chấp hành OANA lần thứ 44 diễn ra tại Hà Nội từ ngày 18-20/4/2019 do Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đăng cai với chủ đề “Vì một nền báo chí chuyên nghiệp và sáng tạo”, nhấn mạnh tầm quan trọng và cần thiết hơn bao giờ hết của báo chí chuyên nghiệp trong bối cảnh sự xuất hiện của truyền thông xã hội và những thách thức mà nó đặt ra.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN