Nhìn lại 4 năm Mỹ can dự quân sự tại Syria

Tổng thống Donald Trump ngày 19/12 bất ngờ tuyên bố rút toàn bộ binh sĩ khỏi Syria ngay lập tức, khép lại 4 năm can dự của Mỹ tại nước này và báo hiệu một thay đổi lớn trong chính sách Trung Đông của Washington.

Chú thích ảnh
Lực lượng Mỹ tại tổng hành dinh của Các đơn vị bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG) sau khi bị Thổ Nhĩ Kỳ không kích vào 25/4/2017.

 Bắt đầu can dự

Tháng 9/2014, Tổng thống Mỹ khi đó Barack Obama đã phát động chiến dịch không kích tiêu diệt khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria, chỉ một tháng sau khi bắt đầu không kích IS tại nước láng giềng Iraq.

Thời điểm đó, IS đã xây dựng được cơ sở quân sự lớn mạnh ở Syria, nơi được chúng sử dụng để làm bàn đạp càn quét khắp miền tây và bắc Iraq vào đầu năm 2014.

Chú thích ảnh
Cuộc xung đột tại Syria bùng phát từ đầu năm 2011. Ảnh: AFP

Cuối năm 2015, những lính bộ binh Mỹ đầu tiên đặt chân tới Syria. Ban đầu chỉ với con số “thăm dò” là 50 thủy quân lục chiến, sau lên tới con số chính thức hiện tại là khoảng 2.000 quân. Họ đã nhanh chóng chiêu mộ, tổ chức và cố vấn cho hàng ngàn chiến binh Arab và người Kurd Syria, tập hợp trong hàng ngũ của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), một lực lượng đối lập chính tại Syria, và đẩy dần IS ra khỏi hầu hết các căn cứ địa của phe này.

Lợi thế không kích

Tới nay, liên quân do Mỹ dẫn đầu đã tiến hành không kích nhằm vào ít nhất 17.000 địa điểm tại Syria kể từ khi bắt đầu can dự. Ngay tuần trước, liên quân đã không kích 208 vị trí, chủ yếu nhằm vào các chiến binh IS và cơ sở của chúng ở Thung lũng miền Trung sông Euphrates (MERV).

Hàng ngàn tay súng IS đã bị tiêu diệt hoặc bắt giữ, nhưng giới chức quân đội Mỹ cho biết, hiện vẫn còn tới 2.000 tên còn đang cố thủ ở khu vực MERV và một số khá lớn khác trốn thoát tới nhiều địa điểm trên khắp đất nước.

Video bộ binh Mỹ trong chiến dịch ở Manbij, tây bắc Syria:

Bên cạnh việc hỗ trợ vũ khí, huấn luyện cho lực lượng nổi dậy và trực tiếp đưa không quân, bộ binh tham chiến, quân đội Mỹ đã hai lần trút tên lửa Tomahawk xuống các mục tiêu của chính quyền Tổng thống Assad.

Đêm 7/4/ 2017, Hải quân Mỹ theo mệnh lệnh của tổng thống Mỹ Donald Trump tiến hành cuộc tập kích tên lửa vào sân bay quân sự Shayrat ở tình Homs của không quân Syria. Hoạt động quân sự này được công khai với những cáo buộc: Quân đội Syria dưới quyền của tổng thống Bashar al-Assad thực hiện vụ tấn công hóa học ở thành phố Khan Shaykhun, tỉnh Idlib vào ngày 4/4/2017, cáo buộc đã bị cả Syria và Nga bác bỏ là vô căn cứ và dựa trên một sự kiện được dàn dựng.

Chú thích ảnh
Tên lửa Tomahawk phóng từ tàu khu trục Mỹ tấn công Syria đêm 7/4/2017. Ảnh: Hải quân Mỹ

Một năm sau đó, ngày 14/4/2018, liên quân Mỹ, Anh và Pháp đã mở chiến dịch không kích chung nhằm vào Syria. Động thái này cũng được tiến hành dựa trên cáo buộc quân đội của Tổng thống Bashar al-Assad tấn công hóa học ở thành phố Douma, gần thủ đô Damascus ngày 7/4/2018. Chính phủ Nga và Syria sau đó tuyên bố đã tìm thấy bằng chứng cho thấy vụ tấn công này được dàn dựng bởi tổ chức Mũ bảo hiểm trắng (White Helmet), phục vụ cho các ý đồ của phương Tây.

Chú thích ảnh
Dòng người tị nạn chạy khỏi các khu vực xung đột tại Syria. Ảnh: AFP
Chú thích ảnh
Trại tị nạn người Syria ở biên giới Jordan. Ảnh: AP

Chiến trường phức tạp của những "ông lớn"

Sau Mỹ, Nga đã can dự quân sự vào chiến trường Syria kể từ mùa thu năm 2015. Moskva cử lực lượng tới quốc gia này theo đề nghị của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad nhằm hỗ trợ tiêu diệt và trấn áp các tổ chức khủng bố.

Washington phản đối việc quân đội Nga hậu thuẫn Tổng thống Syria Bashar Assad và cho rằng điều đó khiến chiến dịch tiêu diệt IS trở nên khó khăn hơn. Để tránh các cuộc đối đầu và sự cố trên không, giới chức quân đội Mỹ và Nga đã thiết lập một đường dây nóng, đến nay vẫn còn hiệu lực.

Chú thích ảnh
Quyết định rút quân khỏi Syria của Tổng thống Trump đã để lại nhiệm vụ truy quét khủng bố IS cho lực lượng Nga và quân Chính phủ Syria. Ảnh: AP

Trong khi đó, mối quan tâm của Thổ Nhĩ Kỳ lại xoay quanh mối liên hệ giữa lực lượng dân quân người Kurd Syria do Mỹ hỗ trợ và quân nổi dậy người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ (vốn bị Ankara coi là tổ chức khủng bố). Sự can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ vào Syria đã gây thêm rắc rối cho Washington. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ nhiều lần đưa quân vào miền bắc Syria, khiến người Kurd ở Syria tạm thời từ bỏ cuộc chiến chống IS.

Chính quyền Mỹ cho rằng, bên cạnh việc cung cấp vũ khí cho Damascus, Iran cũng duy trì hiện diện quân sự tại Syria và hậu thuẫn Tổng thống Assad.

Trong khi đó, sứ mạng can dự của Mỹ tại Syria cũng đối mặt với một lỗ hổng quan trọng: không được thông qua bởi Quốc hội. Việc đưa quân kiểm soát vùng lãnh thổ của một quốc gia nước ngoài thù địch là hành động chiến tranh, và hiến pháp Mỹ quy định chỉ Quốc hội mới có thẩm quyền tuyên chiến.

Chú thích ảnh
Đất nước Syria bị tàn phá nặng nề sau nhiều năm xung đột. Ảnh: AFP

Quyết định rút quân

Ngày 19/12, Tổng thống Mỹ Donald Trump đăng dòng trạng thái trên Twitter: “Chúng ta đã đánh bại ISIS ở Syria, lý do duy nhất của tôi cho sự hiện diện (của binh sĩ Mỹ) ở đó dưới thời Tổng thống Trump”.

Ngay sau đó, người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders chính thức xác nhận quân đội Mỹ bắt đầu rút quân về nước sau khi thực hiện sứ mạng chống IS. Một quan chức Mỹ cho biết toàn bộ các nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ rời khỏi Syria trong vòng 24 giờ tới và quá trình rút toàn bộ binh sĩ Mỹ sẽ mất từ khoảng 30 ngày tới vài tháng.

Trước khi công bố quyết định rút quân khỏi Syria, chính quyền Tổng thống Trump cũng đã từ bỏ yêu sách buộc Tổng thống Bashar al-Assad phải ra đi trong tiến trình chính trị cho Syria.

Chú thích ảnh
Tổng thống Donald Trump thăm Khu 60 thuộc Nghĩa trang quốc gia Arlington (nơi chôn cất nhiều binh sĩ Mỹ tử trận tại Iraq và Afghanistan) ngày 15/9/2018. Ảnh: Getty Images

Phản ứng trái ngược

Quyết định rút khỏi Syria đã đã vấp phải nhiều phản ứng trái chiều. Brett McGurk, đặc phái viên của Mỹ trong cuộc chiến chống IS tại Syria, phát biểu hôm 11/12: "Sẽ thật liều lĩnh nếu chúng ta chỉ nói IS đã bị đánh bại, vì vậy chúng tôi có thể rời đi ngay bây giờ".

Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio gọi cuộc rút quân là "thảm họa". Thượng nghị sĩ Dân chủ Jeanne Shaheen cho rằng, đó là một cuộc "rút tiền" thiếu sáng suốt và vội vàng có thể thổi sức sống mới vào IS và các nhóm nổi dậy khác, và "cũng sẽ nhượng lại những lợi ích khó khăn của Mỹ trong khu vực cho Nga, Iran và (Tổng thống) Assad".

Trái lại, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Rand Paul lại cho biết ông "rất ủng hộ" quyết định này. "Lần đầu tiên trong đời, chúng tôi có một tổng thống với lòng can đảm tuyên bố chiến thắng và đưa quân đội về nước. Chúng ta không có một tổng thống nào trong 20 hoặc 30 năm có thể tìm ra cách tuyên bố chiến thắng", ông nói.

Thượng nghị sĩ Cộng hòa Bill Cassidy bình luận rằng "người Mỹ không muốn quân đội ở Syria vĩnh viễn. Chúng ta đã mang họ đến đó để nghiền nát IS. Và chúng ta đã nghiền nát IS".

Thu Hằng/Báo Tin tức
Trung Quốc tung S-400 ra thử nghiệm, bắn rụng mục tiêu đạn đạo siêu thanh
Trung Quốc tung S-400 ra thử nghiệm, bắn rụng mục tiêu đạn đạo siêu thanh

Lần đầu tiên đưa S-400 nhập từ Nga ra thử nghiệm, Lực lượng tên lửa Quân đội Trung Quốc đã bắn hạ mục tiêu đạn đạo giả ở cách xa 250km và bay với vận tốc siêu thanh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN