Tướng Navarre và con đường tới Điện Biên Phủ - Kỳ 2: Sứ mệnh của Navarre

Tướng Navarre đang ở trong tình thế cực kỳ khó khăn về chiến lược và chính trị.

Pháp ngoan cố bám giữ các thuộc địa Việt Nam, Lào và Campuchia bất chấp cuộc chiến tranh du kích ngày càng khiến Pháp tổn thất nghiêm trọng kể từ sau năm 1945. Giữa năm 1946 và 1952, Pháp đã có trên 90.000 binh sĩ mất mạng, bị thương và mất tích ở Đông Dương. Dù vậy, Navarre vẫn đảm nhiệm vị trí chỉ huy một lực lượng chiến đấu mạnh và lớn.

Chú thích ảnh
Một chiếc xe tăng M24 Mỹ cung cấp cho Pháp được triển khai tại chiến trường Điện Biên Phủ. Ảnh: Wikipedia

Báo cáo của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ viết tháng 4/1954 cho biết tổng lực lượng quân đội Pháp ở Đông Dương là hơn 402.000 quân chính quy, được tổ chức thành 89 tiểu đoàn thuộc Lực lượng Viễn chinh Pháp và 188 tiểu đoàn từ các nước Đông Dương. 

Khi Navarre nhận nhiệm vụ chỉ huy tháng 5/1953, tiếng nói phản đối chiến tranh Đông Dương ngày càng gia tăng và mạnh mẽ ở cả Quốc hội Pháp và cả đất nước nói chung. Thủ tướng Pháp Mayer khi đó đã quyết định ngồi vào bàn đàm phán với đối phương khi ông phái Tướng Navarre tới Việt Nam.

Theo Jules Roy - tác giả cuốn “The Battle of Dien Bien Phu” (Trận chiến Điện Biên Phủ), Navarre được Thủ tướng yêu cầu “tìm một con đường danh dự để cho phép chính phủ đàm phán và chấm dứt chiến tranh”. Trung tướng Phillip Davidson xác nhận thông tin này và khẳng định Tướng Navarre có một chỉ đạo chiến lược duy nhất là “tạo thế trên chiến trường Việt Nam để tiến tới một giải pháp danh dự về chính trị”. 

Một trong những vấn đề chiến lược chính mà Tướng Navarre phải đối mặt vẫn là chủ đề gây tranh cãi nhiều trong lịch sử: bảo vệ Vương quốc Lào. Thuộc địa của Pháp tại Đông Dương gồm Lào, Campuchia và Việt Nam ngày nay. Khi đó, Việt Nam gồm ba khu vực là Tonkin (Bắc Kỳ), Annam (Trung Kỳ) và Cochin China (Nam Kỳ). Năm 1953, khi lực lượng Việt Minh bắt đầu chuẩn bị chiến dịch Thượng Lào, Navarre tuyên bố rằng với tư cách là Tổng tư lệnh quân Viễn chinh Pháp ở Đông Dương, ông ta phải bảo vệ Lào trước Việt Minh.

Chú thích ảnh
Binh sĩ Pháp hoạt động trong hào. Ảnh: Wikipedia

Điện Biên Phủ có vị trí chiến lược rất quan trọng với hoạt động di chuyển quân và tiếp tế giữa Việt Nam và Lào. Trong nhiều thế kỷ qua, Điện Biên Phủ là nằm ở tuyến đường mà nhiều thế lực muốn chiếm thung lũng thượng lưu sông Mekong thường đi qua trong nhiều thế kỷ. Sông Mekong chảy qua nhiều khu vực ở Việt Nam.

Để tìm cách phát triển và thực hiện kế hoạch quân sự quan trọng, sứ mệnh mà Navarre cho là bảo vệ Lào có ảnh hưởng lớn tới nghệ thuật chiến dịch của ông ta. Bởi vì Điện Biên Phủ được nhận định là sẽ trở thành chiến trường chính để kiểm soát toàn bộ Đông Dương, nên việc chọn Điện Biên Phủ làm địa điểm để “bảo vệ Lào” cũng có tầm quan trọng lớn về chiến dịch.

Navarre cho rằng Chính phủ Pháp có lỗi trong thất bại tại Điện Biên Phủ, còn ông ta chỉ chiếm Điện Biên Phủ vì nhiệm vụ lớn nhất trong sứ mệnh của ông ta là “bảo vệ Lào”. Ông ta cho rằng Chính phủ Pháp sẵn sàng không “bảo vệ Lào” nhưng lại không giải thoát cho ông ta khỏi sứ mệnh đó.

Tướng Navarre từng viết rằng: “Bảo vệ Lào luôn là một trong những nghĩa vụ thường trực của Tổng tư lệnh tại Đông Dương”. Dù tin chắc như vậy nhưng Navarre hoài nghi về nghĩa vụ này. Ông ta liên tục chất vấn cấp trên về việc “bảo vệ Lào”. Ông ta nhớ lại rằng câu trả lời của cấp trên rõ ràng muốn ám chỉ là không để mất Lào. Navarre viết: “Khi được tôi tham vấn trong những ngày đầu tiên tháng 11, Tổng ủy viên thông báo với tôi rằng không đặt ra vấn đề về việc không bảo vệ Lào".

Ông Marc Jacquet, Bộ trưởng Thuộc địa người đến Đông Dương hồi giữa tháng 11, cũng nói với tôi quan điểm tương tự, rằng nếu Việt Minh tới Mekong thành công, cú sốc mà dư luận Pháp phải trải qua sẽ lớn tới mức việc tiếp tục chiến tranh Đông Dương sẽ không còn khả thi nữa”.

Dù Navarre có nghi ngờ về sự hỗ trợ của chính phủ trong việc “bảo vệ Lào” thì nhiệm vụ của ông ta vẫn rõ ràng. Sứ mệnh của ông ta vẫn y nguyên. Navarre cố gắng thiết lập chính xác sứ mệnh của mình ở Đông Dương bằng cách về Paris và thảo luận tình hình với giới lãnh đạo chính trị. Các chính trị gia và viên tướng ngoài mặt trận dường như không thể giao tiếp với nhau. Đây là thời gian cực kỳ bất ổn trong lãnh đạo chính trị Pháp. 

Chú thích ảnh
Nhóm chiến lược của Pháp: Rene Cogny (đầu tiên bên trái), De Castries (không đội mũ) và Henri Navarre (giữa). Ảnh: DTInews

Vụ Thủ tướng Pháp Mayer bị thay thế tháng 7/1953 đã được mô tả chi tiết như sau: Navarre bay tới Paris vào tháng 7 để trình bày kế hoạch với Chính phủ Pháp mà Thủ tướng là ông Joseph Laniel vừa được cất nhắc. Cũng dễ đoán trước sẽ sẽ có xáo trộn. Navarre đến với một công thức chiến thắng, nhưng ông Laniel không bao giờ giải thích rõ ràng rằng ông chỉ muốn ổn định tình hình ở Việt Nam để đàm phán hòa bình có thể bắt đầu, như ở Triều Tiên. Ông cũng không nói rõ với Navarre rằng có thể bỏ rơi Lào nếu cái giá để “bảo vệ” là quá cao.

Do đó, Navarre trở về chiến trường và tin rằng mình được chỉ đạo ngăn chặn Tướng Võ Nguyên Giáp đưa quân vào Lào. Niềm tin này được củng cố thêm vào tháng 10/1953, khi Pháp nói bóng gió trong một hiệp ước về việc sẵn sàng bảo vệ Lào với tư cách là một thành viên của Liên hiệp Pháp.

Trong chuyến đi Paris hồi tháng 7/1953, Tướng Navarre trình bày ý tưởng trước cả các tham mưu trưởng Pháp và Ủy ban Quốc phòng. Cuộc gặp này quan trọng trong quyết định số phận của Bắc Đông Dương nói chung và Điện Biên Phủ nói riêng. Navarre về sau khăng khăng rằng sau cuộc thảo luận dài và rắc rối, chưa có quyết định nào về vấn đề được đặt ra. 

Tướng Georges Catroux, người đứng đầu một ủy ban điều tra thất bại Điện Biên Phủ của Chính phủ Pháp năm 1955, có xu hướng cùng quan điểm với Navarre về điểm này. Navarre cho rằng Chính phủ Pháp không hỗ trợ ông ta. Chính phủ Pháp không thể nói hoặc viết rằng sẽ không bảo vệ Lào. 

Navarre có thể đã từ bỏ sứ mệnh liên quan tới Lào để tập trung nỗ lực vào một việc quan trọng mà ông ta tự chọn. Tuy nhiên, ông ta không được hướng dẫn về trường hợp này. Những hoài nghi của Navarre đè nặng tâm trí ông ta, được thể hiện khi Navarre chần chừ điều đủ lực lượng cho một sứ mệnh mà ông ta nghi không phải là sứ mệnh đáng tin cậy.

Kỳ 3: Kế hoạch Navarre

Thùy Dương/Báo Tin tức
Tướng Navarre và con đường tới Điện Biên Phủ - Kỳ cuối: Lý giải thất bại của Navarre
Tướng Navarre và con đường tới Điện Biên Phủ - Kỳ cuối: Lý giải thất bại của Navarre

Lãnh đạo cấp cao quân đội Mỹ đồng ý với phán quyết của lịch sử rằng Navarre chịu trách nhiệm chính cho thảm họa mà quân đội Pháp phải chịu tại Điện Biên Phủ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN