Tướng Navarre và con đường tới Điện Biên Phủ - Kỳ 3: Kế hoạch Navarre

Công thức chiến thắng của Navarre mang tên chính ông ta. Kế hoạch Navarre là một chiến dịch được vị tướng này “chào hàng” mạnh, được thiết kế để giành thế chủ động và cuối cùng là đảm bảo Pháp chiến thắng ở Đông Dương.

Khi Navarre lần đầu nắm quyền chỉ huy, ông ta đi lại rất nhiều, thường là rất mạo hiểm, để đánh giá tình hình và nói chuyện với nhiều quan chức quân sự, dân sự.

Tình hình năm 1953 rất ảm đạm đối với Pháp. Navarre công khai thừa nhận rằng Việt Minh có thế chủ động chiến dịch. Kế hoạch Navarre là một chiến dịch từng bước tham vọng, trong đó đánh giá thực tế về tình hình quân sự ở Đông Dương và tập trung lực lượng Pháp một cách có hệ thống để giành lợi thế quân sự quyết định. 

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Jphn Foster Dulles. Ảnh: AP

Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ John Foster Dulles tuyên bố dựa trên rà soát của Mỹ về Kế hoạch Navarre rằng kế hoạch này chắc chắn sẽ phá vỡ cơ quan có tổ chức của Việt Minh vào cuối mùa giao tranh năm 1955. Tướng Giáp nhận xét Kế hoạch Navarre là một kế hoạch chiến lược tương đối hoàn hảo và hiểm độc.

Thiết kế chung của Kế hoạch Navarre như sau:

1. Chia Đông Dương thành hai chiến trường riêng rẽ, một ở phía Bắc, một ở phía Nam, dọc vĩ tuyến (để tham khảo: ranh giới giữa miền Bắc và miền Nam Việt Nam là vĩ tuyến 17). Chiến trường miền bắc gồm Bắc Việt Nam và Lào.

2. Giành thế phòng thủ chiến lược ở miền Bắc, nơi Việt Minh có lực lượng vượt trội trong giai đoạn 1953-1954.

3. Tăng cường binh lực Pháp ở Đông Dương bằng cách bổ sung thêm 12 tiểu đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn pháo binh và một tiểu đoàn công binh từ quân đội Pháp ở châu Âu. Nhờ đó, tổng lực lượng Pháp ở Đông Dương sẽ tương đương 5 sư đoàn. 

4. Thực hiện một loạt vụ tấn công phá hoại ở chiến trường miền Bắc khi đang ở thế phòng thủ chiến lược. Điều này sẽ làm gián đoạn các cuộc tấn công đã lường trước của Việt Nam tại đó.

5. Mở chiến dịch bình định lớn để chiếm đồng bằng Bắc Bộ (Pháp là người đầu tiên dùng thuật ngữ bình định ở Việt Nam. Nhiều năm sau, Mỹ cũng có một chương trình với tên tương tự và mục đích tương tự).

6. Thực hiện các hành động tấn công vào chiến trường miền Nam năm 1953-1954. Tại đây, lực lượng Pháp chiếm ưu thế hơn. Các hành động sẽ diễn ra ở Trung Kỳ và Tây Nguyên.

7. Đẩy nhanh thành lập và huấn luyện Quân đội Quốc gia Việt Nam.

8. Thành lập 6 hoặc 7 sư đoàn cơ động vào mùa Thu 1954. Điều này sẽ giúp Pháp có lực lượng tương đương hoặc mạnh hơn một chút so với Việt Minh.

9. Tìm kiếm một trận chiến lớn với lực lượng Việt Minh của Tướng Võ Nguyên Giáp trong mùa chiến dịch 1954-1955. Kết quả xấu nhất sẽ là thế bế tắc, tốt nhất sẽ là một chiến thắng quyết định. Dù kết quả nào thì cũng sẽ đạt được mục tiêu chính trị là cho phép Pháp đàm phán một cái kết có danh dự cho cuộc chiến.

Kế hoạch Navarre được phần lớn mọi người ca ngợi, coi là hợp lý, ngay cả khi đánh giá nó sau những gì đã xảy ra. Sự ủng hộ Navarre mạnh mẽ nhất tới từ phía Mỹ, nước chống lưng quan trọng nhất cho Pháp. Tới thời điểm này, Mỹ đã cung cấp phần lớn vật lực chiến tranh cho lực lượng Pháp ở Đông Dương. Hiện diện và ảnh hưởng của Mỹ với Tướng Navarre là rất lớn.

Trung tướng Mỹ John W. “Iron Mike” O’Daniel, Tư lệnh Lực lượng Lục quân Mỹ đặc trách Thái Bình Dương, có ảnh hưởng lớn tới ấn tượng ngày càng tích cực của người Mỹ về Navarre và kế hoạch của ông ta. Trung tướng O’Daniel là một sư đoàn trưởng thành công và được tặng nhiều huân chương trong Chiến tranh Thế giới thứ 2. Ông được Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ phái đi đánh giá tình hình Đông Dương và báo cáo lại với Washington về nỗ lực của Pháp ở đó.

Chú thích ảnh
John W. “Iron Mike” O’Daniel. Ảnh: Traceofwar

Khi tới Đông Dương ngày 20/6/1953, Trung tướng O’Daniel đã thị sát nhiều nơi và gặp Navarre nhiều lần. Báo cáo mà ông nộp cho Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân vào tháng 7 toàn lời ca ngợi Navarre và kế hoạch quân sự của ông này ở Đông Dương. Ông O’Daniel nói với giới lãnh đạo Mỹ: “Tôi cảm thấy tự tin rằng với sự lãnh đạo tốt và tái tổ chức hiệu quả, lực lượng quân sự chống Cộng ở Đông Dương giờ có thể giành chiến thắng quân sự”.

Tuy vậy, ông O’Daniel cũng nhận ra áp lực chính trị mà Navarre phải chịu: Mặc dù Bộ chỉ huy tối cao Pháp mới sẵn sàng thực hiện những bước đi cần thiết theo mong muốn một cách đúng hướng, nhưng khi cân nhắc về mặt chính trị, họ sẽ không, có lẽ là không thể, tính tới việc thực hiện các chiến dịch quân sự đã được vạch ra để giành toàn thắng với lực lượng hiện có.

Kết quả là, một chiến thắng quân sự toàn diện phải phụ thuộc vào diễn biến lực lượng quân sự tại các nước thuộc địa hoặc bổ sung các sư đoàn Pháp từ ngoài Đông Dương. Trong thực tế, xây dựng lực lượng bản địa và quân tiếp viện Pháp đều quan trọng với Kế hoạch Navarre. Nhiều năm sau, khi bình luận về lời kêu gọi của Tổng thống Mỹ Richard Nixon về việc “Việt Nam hóa” chiến tranh Mỹ ở Việt Nam, Navarre đã nói với phóng viên hãng UPI: “Việt Nam hóa là ý tưởng cũ. Đó là cơ sở trong kế hoạch của tôi khi tôi lần đầu được phái tới Đông Dương”.

O’Daniel thấy rằng Pháp rất dễ tiếp nhận ý tưởng mới và cởi mở với lời khuyên của Mỹ. Ông được mời quay lại Đông Dương lần nữa và lần đó giúp ông có cái nhìn đầu tiên về chiến trường ĐiệnBiên Phủ. Kết luận trong báo cáo của mình, ông O’Daniel nói: “Tôi đề xuất từ nay trở đi, chúng ta sẽ nghĩ về thuật ngữ ‘ý tưởng Navarre’ gắn với chiến tranh ở Đông Dương”.

Ngày 28/8/1953, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Arthur Radford gửi biên bản ghi nhớ cho Bộ trưởng Quốc phòng, nói rằng cần thiết phải hỗ trợ để thực hiện đầy đủ và mạnh mẽ ý tưởng Navarre khi Pháp sẵn sàng tiếp nhận và hành động theo lời khuyên quân sự của Mỹ. Ngoài ra, Pháp cần được hối thúc tại mọi cấp để hỗ trợ và thực hiện ý tưởng Navarre hết khả năng. Mỹ tin rằng kế hoạch chiến dịch của Navarre để tiếp tục chiến tranh ở Đông Dương là kế hoạch tốt. Chính phủ Mỹ đã gây sức ép chính trị với Chính phủ Pháp để họ hỗ trợ Navarre trên thực địa.

Navarre đã vạch ra kế hoạch phục vụ mục đích chiến lược của Pháp ở Đông Dương. Tuy nhiên, thực hiện kế hoạch đó lại là chuyện khác.

Pháp có một số bất lợi chiến lược trong chiến tranh ở Đông Dương. Khoảng cách và đường dây liên lạc giữa Pháp và Đông Dương là hai vấn đề lớn mà Navarre phải đối mặt. Pháp cũng phụ thuộc lớn vào Mỹ về hậu cần chiến tranh và hỗ trợ chính trị, tài chính. Pháp sẽ được hỗ trợ nhưng đôi khi sự hỗ trợ tới quá chậm so với mong muốn của Navarre. Ngoài ra, binh sĩ Pháp không quen thuộc với vùng đất ở Việt Nam.

Chú thích ảnh
Thung lũng Điện Biên Phủ trước ngày quân Pháp nhảy dù xuống và chiếm đóng. Ảnh: Getty Images

Tuy nhiên, trong phân tích cuối cùng, không khó khăn nào bị coi là không thể vượt qua. Sau hàng chục năm biến Đông Dương thành thuộc địa, Pháp đã có cơ sở hạ tầng lớn và đầy đủ ở đây. Hà Nội được coi là Paris của Viễn Đông với nhiều kiến trúc châu Âu. Sài Gòn và các thành phố lớn khác cũng tương tự. 

Lực lượng Pháp ở Đông Dương có kinh nghiệm, thiện chiến, biết cách tiến hành chiến tranh trong rừng. Ai cũng muốn phục vụ ở Đông Dương. Một sử gia hàng đầu về lính lê dương của Pháp, Douglas Porch, cho biết binh sĩ ở Đông Dương muốn tới đó vì được trả tiền cao gấp 6 lần so với chiến đấu ở Bắc Phi; còn các trung ý cấp thấp vốn sống chật vật ở Pháp lại có thể thuê với ba người hầu khi sống ở Bắc Bộ.

Tuy nhiên, Kế hoạch Navarre thất bại một phần vì Pháp thiếu ủng hộ chính trị mạnh mẽ trong nước, còn Việt Minh có lợi thế chiến lược quan trọng cả về chính trị và tâm lý. Họ thể hiện ý chí thực hiện mục đích duy nhất mà Pháp không thể nào so bì được. Ý chí đó thể hiện bằng hành động. Với Việt Minh, mục đích chính trị và quân sự luôn là loại bỏ thế lực ngoại xâm khỏi đất nước này. Và quan trọng nhất, đây là cuộc chiến chính nghĩa của cả dân tộc Việt Nam chống lại một thế lực đã lỗi thời, đó là thực dân. Thất bại của Kế hoạch Navarre, chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” của Việt Nam ở Điện Biên Phủ mở ra sự sụp đổ hàng loạt của hệ thống thực dân kiểu cũ trên toàn thế giới.

Kỳ cuối: Lý giải thất bại của Navarre

Thùy Dương/Báo Tin tức
Tướng Navarre và con đường tới Điện Biên Phủ - Kỳ cuối: Lý giải thất bại của Navarre
Tướng Navarre và con đường tới Điện Biên Phủ - Kỳ cuối: Lý giải thất bại của Navarre

Lãnh đạo cấp cao quân đội Mỹ đồng ý với phán quyết của lịch sử rằng Navarre chịu trách nhiệm chính cho thảm họa mà quân đội Pháp phải chịu tại Điện Biên Phủ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN