Ứng dụng năng lượng nguyên tử - Bài 2: Ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong y tế

Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam đã đạt được một số thành tựu quan trọng, nổi bật là thành tựu và ứng dụng trong lĩnh vực y tế, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương có tốc độ phát triển chuyên ngành y học hạt nhân nhanh và hiệu quả.

Chú thích ảnh
Bệnh viện Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh đưa hệ thống gia tốc xạ trị - xạ phẫu đa năng lượng VERSA HD vào điều trị. Ảnh: Phương Vy/TTXVN

Nhiều kỹ thuật ngang tầm quốc tế

Chia sẻ về các kết quả nổi bật trong ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, ông Hoàng Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: Trong lĩnh vực y tế, hiện cả nước có 35 cơ sở y học hạt nhân với trên 45 thiết bị xạ hình, đạt khoảng 0,5 máy/triệu dân. Một số kỹ thuật chụp hình chẩn đoán hiện đại tương đương với trình độ y học hạt nhân các nước trên thế giới như: xạ hình SPECT tưới máu cơ tim, xạ hình SPECT Tc99m gắn hồng cầu chẩn đoán u mao mạch gan…

Về xạ trị, cả nước hiện có 40 cơ sở xạ trị (phần lớn tập trung tại các thành phố lớn). Nhiều kỹ thuật xạ trị hiện đại, ngang tầm khu vực và quốc tế hiện đã được triển khai tại Việt Nam. Về chẩn đoán hình ảnh điện quang, hiện cả nước có 174 máy chụp cắt lớp vi tính, 51 máy chụp cộng hưởng từ và 21 máy chụp mạch máu, trên 500 máy X quang cao tần và hầu hết các bệnh viện tuyến huyện trong cả nước đều có máy chụp X-quang thường quy.

Các kỹ thuật cao về điện quang mới chỉ được áp dụng ở những bệnh viện đầu ngành. Đối với việc sản xuất và sử dụng đồng vị dược chất phóng xạ trong y tế, riêng Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt cung cấp gần 400Ci/năm, sản xuất trên các máy cyclotron khoảng 250Ci/năm (tổng lượng cung cấp trong nước đạt gần 50% nhu cầu).

Đặc biệt, thành tựu trong xạ trị ung thư đã nâng cao chất lượng chữa bệnh, làm “hồi sinh” cuộc sống và hy vọng cho hàng nghìn bệnh nhân mắc bệnh ung thư. Theo báo cáo, số liệu bệnh nhân mắc ung thư tại Việt Nam tăng nhanh, từ 68.000 ca năm 2.000 lên 126.000 ca vào năm 2010 và dự kiến xấp xỉ 200.000 ca vào năm 2020, Tổ chức Y tế thế giới xếp Việt Nam nằm trong 50 nước thuộc nhóm 2 của bản đồ ung thư thế giới, với tỉ lệ tử vong 110/100.000 người.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Mai Trọng Khoa, Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai), phương pháp chữa trị ung thư đã có nhiều bước tiến mang lại cuộc sống cho nhiều bệnh nhân ung thứ với 3 phương pháp chủ yếu là: Phẫu trị, hóa trị và xạ trị.

Tuy nhiên, giải pháp hiệu quả hiện nay là phương pháp xạ trị chiếu ngoài (từ xa) với các kỹ thuật hiện đại. Ngày nay, việc chẩn đoán và điều trị ung thư yêu cầu sự kết hợp của nhiều chuyên khoa như: Chẩn đoán hình ảnh, y học hạt nhân, giải phẫu bệnh, sinh hóa, phẫu thuật, xạ trị, nội khoa... để đạt được kết quả và mang lại cuộc sống tốt nhất cho người bệnh.

Trong tương lai, các kỹ thuật ứng dụng công nghệ bức xạ tiên tiến khác như PET/MRRI, xạ trị sử dụng proton và ion nặng, xạ trị kích hoạch neutron... sẽ được nghiên cứu ứng dụng tại Việt Nam để tăng hiệu quả trong điều trị bệnh.

Ông Đặng Huy Quốc Thịnh, Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Bệnh viên Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những bệnh viện chuyên khoa ung bướu hàng đầu ở Việt Nam với đầy đủ các phương pháp điều trị như: phẫu trị, hóa trị và xạ trị.

Để nâng cao chất lượng điều trị, đồng thời ứng dụng các kỹ thuật cao trong xạ trị, bệnh viện đã đưa khu chẩn đoán và điều trị kỹ thuật cao vào hoạt động trong tháng 10/2018 vừa qua với 2 hệ thống máy xạ trị TrueBeam phục vụ xạ trị cho bệnh nhân ung thư với các kỹ thuật cao cấp, cùng với hệ thống CT mô phỏng 4D, trong thời gian từ nay đến năm 2019, bệnh viện sẽ tiến hành ứng dụng các phương pháp xạ trị kỹ thuật cao dưới hướng dẫn hình ảnh và xạ phẫu để xạ trị các khối u trong não, tủy sống, gan... góp phần nâng cao kết quả điều trị và chất lượng sống cho các bệnh nhân ung thư.

Ứng dụng năng lượng nguyên tử trong y tế - "Sức khỏe, thịnh vượng toàn thế giới"

Khẳng định về những đóng góp của ứng dụng khoa học và công nghệ hạt nhân đối với sự phát triển bền vững, ông Jean-Pierre Cayol, Vụ Khoa học và ứng dụng hạt nhân, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) nhấn mạnh: IAEA luôn thực hiện sứ mệnh "thúc đẩy và mở rộng đóng góp của năng lượng nguyên tử vì hòa bình, sức khỏe và thịnh vượng trên toàn thế giới", đồng thời, phương châm "nguyên tử vì hòa bình và phát triển" đã khẳng định trách nhiệm của IAEA là cơ quan "thanh sát hạt nhân" cũng như vai trò không thể thay thế của khoa học và công nghệ hạt nhân, đóng góp của ứng dụng khoa học và công nghệ hạt nhân trong lĩnh vực y tế, an sinh xã hội, sức khỏe con người.

Đặc biệt, IAEA cũng đi đầu trong việc mở rộng ứng dụng vì hòa bình của khoa học và công nghệ hạt nhân cho phát triển bền vững ở các nước thành viên thông qua các hoạt động R&D (nghiên cứu và triển khai), xây dựng tiềm lực, chuyển giao công nghệ và thông qua chương trình hợp tác cũng như các dự án nghiên cứu và các trung tâm hợp tác trên toàn thế giới.

Phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội ở Việt Nam nói chung và lĩnh vực y tế nói riêng đã và đang mang lại nhiều lợi ích thiết thực, nhận thức được tầm quan trọng của ứng dụng năng lượng nguyên tử trong y tế, Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch chi tiết phát triển, ứng dụng bức xạ trong y tế đến năm 2020.

Ông Lê Ngọc Hà, Chủ nhiệm Khoa y học hạt nhân, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết: Thực hiện kế hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử trong y tế, nhiều trung tâm y học hạt nhân đang phát triển mạnh mẽ trên phạm vi cả nước nói chung, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 nói riêng.

Nhờ định hướng về mô hình phát triển, đầu tư trang thiết bị và nguồn nhân lực, Khoa Khoa y học hạt nhân và Trung tâm Cyclotron (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) trở thành cơ sở y học hạt nhân hàng đầu trong cả nước với các kỹ thuật hạt nhân gồm hình ảnh lai ghép được nghiên cứu, ứng dụng trong nhiều chuyên ngành khác nhau như: ung thư, tim mạch, thần kinh, nội tiết, tiêu hóa, hô hấp, nhi khoa, thận-tiết niệu...

Trung tâm Cyclotron đang tiếp tục nghiên cứu, phát triển các dược chất phóng xạ mới và sản xuất F-18 FDG ứng dụng chụp hình trong ung thư, tim mạch, bệnh lý thần kinh... góp phần nâng cao chất lượng chữa bệnh, làm “hồi sinh” cuộc sống và hy vọng cho hàng nghìn bệnh nhân.

Bên cạnh đó, để nghiên cứu và sản xuất các chất đồng vị phóng xạ và dược chất đánh dấu phục vụ cho ngành Y tế và một số lĩnh vực khác, Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt tập trung vào sản xuất các đồng vị phóng xạ có thời gian sống trung bình và nhu cầu sử dụng cao để sử dụng trong chẩn đoán, điều trị các bệnh về tuyến giáp, điều trị u lồi, da liễu, điều trị ung thư xương, ung thư hệ thần kinh nội tiết.... để nâng cao hiệu quả điều trị trong ngành y tế.

Cùng với các đồng vị phóng xạ cơ bản được sản xuất, khoảng 15 loại hợp chất đánh dấu khác nhau cũng được tạo ra và sử dụng trong xạ hình chẩn đoán chức năng các cơ quan nội tạng. Hiện nay, các sản phẩm dược chất phóng xạ của Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt đang được cung cấp cho 25 Khoa y học hạt nhân và một số cơ sở nghiên cứu ứng dụng khác trong cả nước, đảm bảo phục vụ chẩn đoán và điều trị cho khoảng 30.000 bệnh nhân mỗi năm.

Ứng dụng năng lượng nguyên tử - Bài 3: Nâng cao hiệu quả quản lý trong lĩnh vực tài nguyên môi trường

HL (TTXVN)
Ứng dụng năng lượng nguyên tử - Bài 1: Tạo hành lang pháp lý đầy đủ, chặt chẽ
Ứng dụng năng lượng nguyên tử - Bài 1: Tạo hành lang pháp lý đầy đủ, chặt chẽ

Thực hiện Chiến lược ứng dụng Năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020, hiện nay Bộ Khoa học và Công nghệ đang tích cực phối hợp cùng các bộ, ngành hợp tác với các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) triển khai nhiều chương trình, đề án về sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN