30 năm thu hút FDI: Cần thay đổi cách tiếp cận chuyển giao công nghệ

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 7 tháng năm nay, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 22,94 tỷ USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, việc chuyển giao công nghệ từ FDI sang doanh nghiệp Việt vẫn chưa đạt mục tiêu.

Chuyển giao công nghệ chưa như mong đợi

Theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT), đầu tư nước ngoài hiện là nguồn vốn bổ sung quan trọng, chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư cả nước, đóng góp khoảng 20% GDP. Năm 2017, khu vực FDI đóng góp gần 8 tỷ USD, chiếm 14,4% tổng thu ngân sách.

Công ty TNHH sợi dệt nhuộm YULUN (vốn đầu tư của Trung Quốc) hoạt động tại Khu công nghiệp Bảo Minh, huyện Vụ Bản, Nam Định. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Đầu tư nước ngoài tạo việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thay đổi cơ cấu lao động. Tính đến nay, khu vực doanh nghiệp FDI tạo việc làm cho hơn 3,6 triệu lao động trực tiếp và 5-6 triệu lao động gián tiếp. "Cùng với bổ sung vốn cho nền kinh tế, doanh nghiệp FDI sẽ góp phần chuyển giao kỹ năng quản lý cho người Việt, tạo sức ép cạnh tranh, đổi mới công nghệ đối với các doanh nghiệp trong nước”, thứ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Thế Phương cho biết.
 
Mặc dù trong nhiều năm qua, do sự cạnh tranh ngày càng cao với các sản phẩm của doanh nghiệp FDI, không ít doanh nghiệp trong nước đã cố gắng đổi mới công nghệ bằng việc nhập thiết bị và công nghệ mới để sản xuất ra sản phẩm có tính cạnh tranh, không thua kém hàng nhập khẩu. Đây là chuyển giao công nghệ một cách gián tiếp. Nhưng các chuyên gia Bộ KHĐT cũng thừa nhận, các dự án FDI chủ yếu tập trung vào lắp ráp, gia công, tỷ lệ nội địa hoá thấp, giá trị tạo ra tại Việt Nam không cao. Thứ trưởng Bộ KHĐT thẳng thắn nhìn nhận, mục tiêu về chuyển giao công nghệ trong thời gian qua chưa đạt được như mong đợi. 

Điều này do trình độ công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam còn thấp, năng lực nghiên cứu ứng dụng đổi mới, sáng tạo, sáng chế… rất thấp. Vì thế, doanh nghiệp Việt Nam không có nhiều những thành quả trong đổi mới, sáng tạo, sáng chế đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế để hợp tác đầu tư, liên doanh hay tham gia vào chuỗi sản xuất chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị với khu vực FDI. Sự chênh lệch giữa quy mô, công nghệ, trình độ quản lý giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI là khá lớn nên Việt Nam cũng không thể kết nối suôn sẻ với khu vực FDI.

Trao đổi vấn đề này với phóng viên báo Tin tức, TS Lưu Bích Hồ, Nguyên Viện trưởng Viện chiến lược phát triển (Bộ KHĐT) cho rằng, sử dụng công nghệ phần lớn còn ở trình độ trung bình, thấp và không thực hiện tốt việc chuyển giao được công nghệ tiên tiến, công nghệ cao. Việc kết nối với khu vực doanh nghiệp trong nước chưa tốt, hỗ trợ và thúc đẩy nâng cao giá trị gia tăng nội địa của nền kinh tế chưa đúng mức. Một bộ phận doanh nghiệp FDI chưa bảo đảm được yêu cầu bảo vệ môi trường, đã xảy ra tình trạng chuyển giá để tránh đóng thuế ở một số doanh nghiệp. “Chúng ta đã phát hiện những vấn đề này từ sớm nhưng giải quyết còn chậm”, TS Lưu Bích Hồ nhấn mạnh.

Theo GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), nhìn lại các chính sách chuyển giao công nghệ của Việt Nam có thể thấy rằng, các ưu đãi hiện không gắn với chuyển giao công nghệ, không gắn với hiệu quả thực tế của các dự án đầu tư FDI, mặc dù các ưu đãi về thuế, đất đai, ngoại tệ đều được doanh nghiệp “tận dụng” tối đa. GS.TSKH Nguyễn Mại cũng nêu vấn đề, để xảy ra hiện tượng này phải chăng do việc thẩm định mức độ chuyển giao công nghệ của các dự án có đúng với cam kết trong giấy phép hay không chưa được quan tâm một cách đúng mức?

Đẩy mạnh thu hút vốn kèm chuyển giao công nghệ

Theo TS Lưu Bích Hồ, FDI hiện vẫn là một phương thức đầu tư và hợp tác liên kết kinh tế quan trọng trên thế giới, đặc biệt nguồn vốn này đi kèm với chuyển giao công nghệ cao. Việt Nam chúng ta quyết không thể để lỡ cơ hội to lớn này. 

Điều cần nhất lúc này là tinh thần doanh nghiệp và kỹ năng khởi nghiệp của doanh nghiệp, quyết tâm làm cho được để nâng cao và phát huy nội lực. Đương nhiên không thể chỉ một phía làm nên chuyện, do đó cũng cần có thêm các chính sách khuyến khích và đòi hỏi các doanh nghiệp FDI làm tốt việc này, như Samsung, Nike đã làm.

“Đây là định hướng rất quan trọng, để chúng ta tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng, do đó phải thực hiện cho được. Cũng cần thấy rằng, theo kinh nghiệm của nhiều nước, đây là một tất yếu trong phát triển để hiện đại hóa nền kinh tế nhanh, bền vững, nhất là trong điều kiện công nghiệp 4.0 đang và sẽ diễn ra sôi động", TS Lưu Bích Hồ nhấn mạnh. 

Còn theo VAFIE, Việt Nam đang theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững và tăng trưởng xanh với tốc độ tăng trưởng cao hợp lý. Do đó, định hướng thu hút FDI trong thời gian tới cũng phải thay đổi theo hướng này.

Bên cạnh việc thay đổi chiến lược thu hút FDI vào các ngành, lĩnh vực mới như sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), bigdata, điện toán đám mây... thì việc thay đổi cách tiếp cận về chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp FDI, các tập đoàn đa quốc gia với doanh nghiệp Việt Nam. Kinh nghiệm thu hút, chuyển giao công nghệ từ Trung Quốc là minh chứng.

“Cách đây vài năm, để tăng cường thu hút, chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Trung Quốc, Chính phủ nước này đã ràng buộc các dự án có công nghệ mà Trung Quốc chưa có. Cụ thể, trong quyết định cấp giấy chứng nhận đầu tư, Chính phủ Trung Quốc yêu cầu chủ đầu tư phải chuyển giao công nghệ cho một doanh nghiệp hay tổ chức nào đó trong nước và chỉ khi nào chuyển giao xong công nghệ, dự án đầu tư đó mới được coi là hoàn thành”, đại diện VAFIE cho biết.

Minh Phương/Báo Tin tức
Những dấu ấn sau 30 năm thu hút FDI vào Việt Nam
Những dấu ấn sau 30 năm thu hút FDI vào Việt Nam

Sau 30 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam, khu vực FDI đã mang nhiều dấu ấn tích cực, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN