Loạt bài: Đưa ra ánh sáng 'những góc khuất' của nền kinh tế

Bài 2: Cần thiết nắm bắt 'phần kinh tế trong bóng tối'

Các hoạt động kinh tế chưa được quan sát nếu không nắm bắt, quản lý được sẽ gây thất thu cho nền kinh tế. Mặt khác, do khu vực này chiếm tỷ lệ không nhỏ trong bức tranh kinh tế chung, nên việc hoạch định chính sách sẽ thiếu chính xác. Các chuyên gia kinh tế đề nghị cần tính đúng, tính đủ khu vực kinh tế chưa được quan sát vào GDP.

Chống tham nhũng, trốn thuế

Hiện có rất nhiều các nghiên cứu khác nhau của các nước về khu vực kinh tế chưa được quan sát, theo đó tỷ lệ của khu vực này trên GDP mỗi nước là khác nhau, có thể dưới 10% hoặc 40 – 50%. Tuy nhiên, có một điểm chung trong các nghiên cứu là các nước có hệ thống chính sách, pháp luật càng minh bạch, chặt chẽ, thu thuế hiệu quả bao nhiêu, thì tỷ lệ kinh tế chưa được quan sát trên GDP càng nhỏ.

Chú thích ảnh
Doanh nghiệp làm thủ tục tại Cục Thuế Hà Nội. Ảnh: TTXVN phát

Theo các chuyên gia kinh tế, hầu hết các hoạt động "kinh tế ngầm" hay kinh tế bất hợp pháp đều liên quan tới vấn đề chuyển dịch dòng tiền không theo kênh chính thức, thậm chí có đường dây phạm tội. Hoạt động kinh tế này rất phức tạp, tạo ra môi trường kinh doanh không bình đẳng, gây bất lợi cho các tổ chức và cá nhân kinh doanh trung thực.

Do đó, theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, nếu chúng ta có thể tính toán được chính xác khu vực kinh tế chưa được quan sát, thì rất có lợi cho nguồn thu bởi thuế đang bị thất thu lớn. Đây là một công cụ để chống tham nhũng, lãng phí, thất thoát trong xã hội.

Chuyên gia Ngô Trí Long cũng cho rằng, quy mô kinh tế ngầm hay kinh tế bất hợp pháp càng lớn thì càng tỷ lệ thuận với tham nhũng. Chẳng hạn việc cán bộ thuế “đi đêm”, thỏa thuận ngầm về mức thuế khoán cho các hộ kinh doanh. Điều này không chỉ làm thất thu thuế của quốc gia, mà còn làm mất lòng tin của người dân.

Còn TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ, việc thống kê đủ sẽ giúp ngành Thuế thu thuế đúng, tránh tình trạng trốn thuế, đảm bảo công bằng giữa các thành phần kinh tế.

Chẳng hạn, khu vực kinh tế hộ gia đình đang phát triển và theo một thống kê thì chiếm đến 30% GDP. Thế nhưng các hộ gia đình chủ yếu nộp thuế khoán thông qua thương lượng với cán bộ thuế, không có căn cứ về doanh thu vì không có hóa đơn chứng từ.

“Mức thuế đáng lẽ phải nộp không hề nhỏ. Tôi biết có nhiều hộ gia đình sử dụng cả trăm lao động hay cơ sở xuất khẩu gỗ hàng trăm tỉ đồng vẫn không thành lập doanh nghiệp. Cần phải tổng rà soát và liên kết để quản lý khu vực kinh tế hộ gia đình chặt chẽ hơn”, TS Lê Đăng Doanh đề nghị.

Chú thích ảnh
Rất nhiều hoạt động kinh doanh, buôn bán mang lại nguồn thu lớn cho người dân, nhưng vẫn là "ẩn số" với cơ quan thống kê. Ảnh minh họa: H.Dương

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, Phó ban Tuyên truyền lý luận – Báo Nhân dân cho rằng, có thu nhập thì phải đánh thuế mới tạo ra hiệu ứng công bằng xã hội.

“Ở nước ngoài, tôi không biết anh buôn lậu gì, nhưng anh có thu nhập thì phải chịu thuế. Cứ có phát sinh thu nhập là thu thuế, nhất là ở Mỹ, nên các đối tượng buôn ma túy ở Mỹ rất sợ cán bộ thuế, vì họ rất giỏi truy ra các thông tin về luồng tiền. Anh có nguồn thu từ đâu ra tôi không biết, tôi chứng minh được đây là nguồn thu mới thì anh phải đóng thuế. Thu thuế không có nghĩa là hợp pháp hóa nguồn thu, vì nguồn thu có hợp pháp hay không hợp pháp lại của đơn vị quản lý khác”, ông Nguyễn Minh Phong lý giải.

Theo ông Nguyễn Minh Phong, thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát chính là một cách để “gom” những hành vi gian lận, trốn thuế vào để quản lý. Việc này đem lại lợi ích là tăng nguồn thu ngân sách bởi khi đưa vào quản lý và phát triển tốt thì sẽ làm nguồn thu ngân sách được mở rộng, giúp cơ cấu lại nền kinh tế vững chắc và hiệu quả hơn.

Thống kê không phải để tận thu

Một quán trà đá vỉa hè tại Hà Nội, chỉ với chục chiếc ghế nhựa, dăm ba loại nước giải khát là đã có thể kiếm được tiền, không cần đăng ký kinh doanh hay thành lập công ty. Số tiền thu được mỗi ngày không hề ít, có thể vài triệu đồng. Đây là một dạng của khu vực kinh tế chưa được quan sát, cụ thể là kinh tế phi chính thức.

Hay một quán bún chả trên phố Cầu Gỗ (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) mỗi ngày bán được khoảng 50 suất bún chả, thu nhập gần 2 triệu đồng. Như vậy mỗi tháng, cửa hàng có doanh thu khoảng 60 triệu đồng. Cũng như nhiều cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ khác, quán bún chả này không bị cơ quan nào kiểm soát về nguồn thu.

Những quán kinh doanh vỉa hè, mặt phố này có điểm chung là đều mang tính tự phát, quy mô nhỏ, tổ chức sản xuất đơn giản, hôm làm hôm nghỉ, doanh thu một phần trông vào may mắn. Người lao động không đóng bảo hiểm xã hội, không có hợp đồng lao động ràng buộc.

Chú thích ảnh
Cơ quan thống kê khẳng định, việc đưa các hoạt động kinh tế phi chính thức của người dân vào "tầm ngắm" không phải là để thu thuế, mà nhằm mục tiêu đánh giá đầy đủ và toàn diện quy mô của nền kinh tế. Ảnh: H.Dương

Các hoạt động kinh tế nhỏ lẻ này hiện nay chưa hề được thống kê, nhưng thực tế mang lại thu nhập cho người lao động không kém, thậm chí cao hơn cả người đi làm tại công sở, doanh nghiệp.

Theo bà Nguyễn Thị Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, việc đưa những hoạt động kinh tế này vào thống kê không phải là để thu thuế mà chính là nhằm thực hiện đề án của Thủ tướng Chính phủ, với mục tiêu đánh giá đầy đủ và toàn diện quy mô của nền kinh tế, trên cơ sở đó hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách, đặc biệt nâng cao hiệu quả quản lý của nền kinh tế.

“Điều này là cần thiết để tổ chức sản xuất tốt hoạt động kinh doanh từ hộ cá thể nhỏ lẻ đến các tập đoàn kinh tế”, bà Nguyễn Thị Hương cho hay.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, cũng cho rằng, việc thống kê là cần thiết để Nhà nước có thể nắm bắt được đầy đủ quy mô của nền kinh tế. Một phần của khu vực kinh tế chưa được quan sát mang lại lợi ích lớn cho xã hội, mang lại việc làm và giúp tăng thuế sau này.

Theo kế hoạch, trong năm nay, Tổng cục Thống kê sẽ đo lường thử nghiệm để làm cơ sở tính toán, nhằm mục tiêu đến năm 2020 đo lường chính thức, cập nhật kết quả vào GDP và các chỉ tiêu kinh tế, xã hội liên quan.

Hoàng Dương – Minh Phương/Báo Tin Tức
Bài 3: Tìm kiếm giải pháp khả thi cho kinh tế 'chưa được quan sát'
Bài 3: Tìm kiếm giải pháp khả thi cho kinh tế 'chưa được quan sát'

Hoàn thiện chính sách, khung khổ pháp luật hay chi tiêu không dùng tiền mặt là những giải pháp căn cơ để đưa dần “khu vực kinh tế chưa được quan sát” ra ánh sáng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN