Bùng nổ xe ôm công nghệ, xe ôm truyền thống buộc phải chuyển mình

Đã không còn xa lạ với người dân Hà Nội và TP Hồ Chí Minh khi xuất hiện trên đường phố loại hình xe ôm rất “lịch sự” với mũ đồng phục, áo ghi lê đồng phục in logo của hãng như Grab, Uber.

Xe ôm Grab và xe ôm Uber có đồng phục riêng

Và cùng với những tiện ích mà loại hình xe ôm này mang lại, rất nhiều người có nhu cầu đi lại đã quyết định chọn loại hình xe ôm hiện đại này.

Chị Vũ Thị Liên (Hà Nội, 25 tuổi) thường xuyên sử dụng dịch vụ GrabBike cho biết: “Trước nay mình hay di chuyển bằng xe ôm truyền thống, thậm chí có cả anh xe ôm quen, có luôn số điện thoại để tiện gọi bất cứ lúc nào. Nhưng từ ngày biết đến hình thức GrabBike thì mình lại không đi xe ôm truyền thống nữa. Vì thứ nhất là giá cả so với các loại hình xe ôm khác rẻ hơn rất nhiều. Thêm nữa, không phải đi bộ tìm xe ôm như trước đây mà có thể ngồi đặt qua mạng”.

Bùng nổ xe ôm công nghệ

Xe ôm truyền thống luôn có một hạn chế rất lớn là giá cả “trên trời dưới biển”. Đã có rất nhiều trường hợp, người dân hay du khách nước ngoài đến Việt Nam bị “chặt chém” gia cao ngất ngưởng. Nhiều trường hợp bất tiện hơn, người dân phải đi bộ hàng km đến những nơi ngã ba ngã tư, bến xe để đón được xe ôm truyền thống.

Chị Nguyễn Thị Hương (34 tuổi, Hà Nội) than phiền “Trước đi xe ôm truyền thống rất mệt mỏi, nhiều lúc phải đi bộ rất xa mới có xe. Lại thêm, lúc mình vội, họ biết nên hét giá cao mà đành phải chấp nhận. Nhưng khi biết có dịch vụ GrabBike thì lịch sở hơn hẳn, có người đến tận nơi đón, đúng giờ không chờ đợi mà lại giá cả được tính trên máy, không bao giờ bị lo “hớ””.

Xe ôm truyền thống "đói dài cổ"

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay, riêng trên địa bàn Hà Nội có đến hơn 7.000 xe GrabBike, và hơn 2.500 xe Uber  phủ sóng toàn thành phố. Lái xe GrabBike hay Uber chủ yếu là đội ngũ trẻ, độ tuổi từ 18 - 30 chiếm phần đông, hơn 60%. Đặc biệt, trong số đó có rất nhiều bạn đang là sinh viên tại các trường đại học quanh địa bàn thành phố hay những người làm văn phòng. Họ coi đây là nghề làm thêm sau giờ học, giờ làm chính thức để kiếm thêm thu nhập.


Để đăng ký tham gia vào đội ngũ xe ôm hiện đại này, họ phải xuất trình giấy tờ, đăng ký xe và các giấy tờ tùy thân như chứng minh thư, thẻ sinh viên, sổ hộ khẩu được lưu lại trên hệ thống nhằm quản lý chặt chẽ, và xử lý khi có bất kỳ tình huống không hay xảy ra với hành khách.

Với tiện ích, lịch sử và đặc biệt an toàn, tạo được niềm tin khách hàng, tỷ lệ người sử dụng dịch vụ xe ôm hiện đại này cũng tăng nhanh từ 35% lên đến khoảng 65%.

Sự xuất hiện và những ưu việt của xe ôm hiện đại đã khiến những người chạy xe ôm truyền thống phải lo lắng. Có những người vẫn quyết trụ với hình thức cũ vì không thích nghi với công nghệ số, nhưng có rất nhiều người đã quyết định chuyển đổi theo “thị hiếu” đông đảo.

Ông Bùi Tiến Đông (60 tuổi, Hà Nội) chia sẻ “Chú chạy xe ôm truyền thống được 20 năm rồi, nhưng mới đây, chú phải từ bỏ và chuyển sang chạy theo hình thức của Grab, vì lượng khách đi xe ôm truyền thống ngày càng giảm. Thực sự, giá của Grab quá “bèo” so với công sức của người lái, nhưng biết sao bây giờ, không thay đổi thì chết đói”.

Cũng cùng tâm sự, anh Nguyễn Văn Tú đã làm nghề xe ôm được chục năm, khi được hỏi về lý do vì sao chuyển sang Grab anh cho biết: “Từ ngày Grab phát triển ngoài Hà Nội này, lượng khách đi xe của tôi giảm đến 2/3. Có những ngày, không kiếm nổi vài chục nghìn. Chưa kể, nhiều  người có đi thì mặc cả, kì kèo đúng bằng giá cước GrabBike, vì vậy, tốt nhất chuyển sang loại hình này để còn tồn tại”.

Theo chuyên gia kinh tế “Việc thay đổi từ dịch vụ xe ôm truyền thống sang các hình thức xe ôm hiện đại là lẽ tất yếu. Vì công nghệ số, Internet phát triển chóng mặt nên các doanh nghiệp buộc phải thay đổi, áp dụng một cách triệt để và hiệu quả. Hơn thế nữa, sự ra đời của dịch vụ xe ôm hiện đại, ứng dụng Internet đã khắc phục được những nhược điểm của xe ôm truyền thống. Suy cho cùng, sự cạnh tranh của các hình thức xe ôm nhằm mang đến một dịch vụ hoàn hảo nhất cho khách hàng, người được hưởng lợi nhiều nhất chính là người tiêu dùng”.

Ngọc Toàn
Đội xe ôm nhân ái
Đội xe ôm nhân ái

Mỗi người một công việc khác nhau, nhưng gần chục năm qua hễ nơi nào trên địa bàn có tai nạn là lập tức có mặt các thành viên của đội xe ôm an toàn ở thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Họ tất tả đưa người gặp nạn đi cấp cứu, bất kể ngày hay đêm mà không cần trả công.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN