Cải thiện năng lực nội tại, tận dụng cơ hội từ UKVFTA

Dù khởi đầu trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh COVID-19, nhưng nhờ Hiệp định UKVFTA, thương mại song phương giữa Việt Nam và Vương quốc Anh vẫn đạt mức tăng trưởng cao.

Chú thích ảnh
Các đại biểu tham dự tọa đàm.

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA) được áp dụng tạm thời kể từ ngày 1/1/2021 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/5/2021. 

Chia sẻ tại Tọa đàm: “Cải thiện năng lực nội tại, tận dụng cơ hội từ UKVFTA” do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 11/11, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, dù khởi đầu trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh COVID-19, trao đổi thương mại hàng hóa hai chiều giữa Việt Nam và Vương quốc Anh vẫn đạt mức tăng trưởng cao, thương mại song phương Việt Nam - Vương quốc Anh đạt 6,6 tỷ USD năm 2021. Tăng trưởng giá trị xuất nhập khẩu luôn ở mức 2 con số, riêng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Anh tăng 15,4%.

Đây là minh chứng rõ nhất về lợi ích mà Hiệp định UKVFTA mang lại cho sự phát triển kinh tế, thương mại giữa hai bên. Những kết quả tích cực như vậy cho phép chúng ta lạc quan vào tác động tích cực của UKVFTA đối với cả hai nước. Tuy nhiên, dư địa để hai nước khai thác tiềm năng của FTA này còn rất lớn. Hiện tại giá trị hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam chỉ chiếm chưa đến 1% tổng giá trị nhập khẩu của thị trường Vương quốc Anh trong năm 2021.  

Ông Khanh cho biết, Hiệp định mang lại lợi ích cho cả hai phía và cho thấy con số tích cực trong tăng trưởng xuất khẩu của Anh sang Việt Nam cao hơn tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang Anh. Điều này giúp cán cân thương mại cân bằng hơn; doanh nghiệp Việt Nam tận dụng được nhiều hơn các nguồn nguyên liệu, các công nghệ, các sản phẩm mà Vương quốc Anh có thế mạnh để giúp nâng cao năng lực sản xuất. 

Hơn nữa, khi theo dõi các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Vương quốc Anh có thể nói đại đa số các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh tăng trưởng rất tốt, có những mặt hàng tăng trưởng đến gần 100%.

Chẳng hạn như cà phê, hạt tiêu, cao su, rau quả, may mặc, giày dép là những mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam đều tăng trưởng rất tốt cho thấy rằng doanh nghiệp cũng đã hướng đến thị trường Vương quốc Anh là một kênh để đa dạng thị trường. 

Còn một điểm thú vị nữa khi nhìn vào kim ngạch nhập khẩu từ Vương quốc Anh có thể thấy đây là một trong những thị trường được các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng về nguồn nguyên liệu khá tốt. 

Đơn cử, kim ngạch nhập khẩu vải từ Vương quốc Anh tăng cho thấy có một số doanh nghiệp Việt Nam đã sử dụng nhập khẩu vải từ Vương quốc Anh về để đáp ứng quy tắc xuất xứ, điều đó rất tốt bởi nhập vải về sau đó cắt và may giúp chúng ta đạt được quy tắc xuất xứ và thậm chí là nâng cao được giá trị sản phẩm. 

Như vậy là Vương quốc Anh đang trở thành một nguồn cung cấp nguyên vật liệu giá trị cao, công nghệ tốt cho doanh nghiệp để tận dụng UKVFTA và cần phát huy trong thời gian tới.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký,  Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, Vương quốc Anh là một thị trường khá quan trọng, sản phẩm gỗ chúng ta xuất khẩu sang thị trường Anh thường chiếm khoảng 30 - 40% trong tổng kim ngạch xuất khẩu sang tất cả các nước thành viên của EU.

“Chúng ta khó cạnh tranh với các nước khác trên thị trường Anh, nếu không có hiệp định thương mại tự do UKVFTA, nếu không có sự xúc tác từ giảm thuế. Các quốc gia Châu Âu khác có lợi thế lớn hơn chúng ta khi xuất khẩu sản phẩm gỗ vào Anh, doanh nghiệp gỗ Trung Quốc cũng đến sớm hơn, mạnh hơn chúng ta nhiều trên thị trường này. Tuy nhiên, nhờ có Hiệp định UKVFTA các doanh nghiệp của chúng ta đã tận dụng được một phần cơ hội mà hiệp định này mang lại và cũng đã có bước tăng trưởng trong năm đầu tiên như vậy rất đáng khích lệ”, ông Ngô Sỹ Hoài cho hay.

Để thúc đẩy xuất khẩu, tận dụng tốt Hiệp định EVFTA, theo ông Hoài, doanh nghiệp cần phải chuyển đổi nhanh, đi vào chế biến và xuất khẩu, kể cả xuất khẩu sang Anh nhóm sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn, sử dụng ít nhân công, ít nguyên liệu đầu vào hơn và thậm chí phần chúng ta được hưởng có thể lớn hơn. 

Cùng với đó, cần đầu tư cho quản trị doanh nghiệp, sử dụng các phần mềm kế toán hiện đại, đảm bảo tính minh bạch của đầu vào, đầu ra. 

Còn ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM) cho rằng, các bộ ngành, đặc biệt là Bộ Công Thương cũng rất nên cung cấp thông tin nhiều hơn về thị trường Anh, đặc biệt là những nghiên cứu về các xu hướng mới, các yêu cầu mới để tiếp cận thị trường Anh. Yêu cầu này không phải chỉ là câu chuyện về cân nhắc mức độ giảm thuế và tác động đối với Việt Nam mà câu chuyện còn là những xu hướng tiêu dùng mới ở Anh, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay câu chuyện về giá năng lượng, câu chuyện về thắt chặt chi tiêu thì liệu có cơ hội nào cho Việt Nam hay không, có cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam hay không... 

Theo ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ chính sách Thương mại Đa biên (Bộ Công Thương), thời gian tới Bộ sẽ tập trung giải quyết vấn đề về cung cấp thông tin, đi sâu vào chuyên ngành. Bộ sẽ xác định ngành nào cần thúc đẩy sau đó tổ chức các hội nghị chuyên đề và mời các chuyên gia trong những lĩnh vực có liên quan đến mặt hàng đó đến nói chuyện, chia sẻ. 

“Đặc biệt là giải quyết tư duy e ngại của doanh nghiệp, chúng tôi định hướng cần phải lan truyền, lựa chọn tìm kiếm các doanh nghiệp đã thành công sang Anh, thành công sang các thị trường FTA mới và mời họ chia sẻ cách làm như thế nào, những khó khăn họ đã vượt qua và những vấn đề cần phải làm. Cần phải chia sẻ để cho doanh nghiệp tự tin rằng có những người đi trước, có những người mở được thì sẽ làm được”, ông Ngô Chung Khanh nhấn mạnh.

Cùng với đó, Bộ Công Thương cũng sẽ tập trung vào việc xây dựng cổng thông tin FTAP, cổng thông tin về các FTA. Đây là một cổng rất lớn cấp Chính phủ mà Chính phủ đã giao Bộ Công Thương thành lập tổ công tác cùng đại diện các bộ, ngành có liên quan để tạo ra một cổng một cửa để cung cấp, tương tác với doanh nghiệp. Tất cả các thứ liên quan đến FTA từ quy tắc thuế, quy tắc xuất xứ, thông tin thị trường, xúc tiến, vấn đề lao động, môi trường... giúp  doanh nghiệp có thể ngồi một chỗ có thể có gần như đầy đủ các thông tin mình mong muốn. 

Chính phủ cũng đã phê duyệt chủ trương xây dựng một đề án đánh giá kết quả thực thi FTA tại các địa phương để đưa ra một chỉ số tương tự như là PCI Index thì sẽ có FTA Index vào cuối năm 2023, theo đó xếp hạng tất cả 63 tỉnh thành về kết quả thực thi các FTA.

Theo đại diện Bộ Công Thương, mỗi tỉnh, thành nên xác định không nên làm đại trà mà xác định một đến hai sản phẩm trọng tâm và cùng đồng hành với doanh nghiệp để tạo ra doanh nghiệp lớn để kết nối cho doanh nghiệp với các đối tác chiến lược.

Thu Trang/Báo Tin tức
UKVFTA hỗ trợ ngành cà phê Việt Nam mở rộng thị phần tại Anh
UKVFTA hỗ trợ ngành cà phê Việt Nam mở rộng thị phần tại Anh

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) có hiệu lực đã hỗ trợ rất tốt cho ngành cà phê Việt Nam mở rộng thị phần tại Anh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN