Chìa khóa thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô - Bài cuối: Xây dựng nền tảng

Chiến lược phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 đặt mục tiêu đáp ứng nhu cầu sản xuất ô tô trong nước và từng bước tham gia vào hệ thống cung ứng sản phẩm hỗ trợ trong chuỗi giá trị toàn cầu của ngành công nghiệp ô tô thế giới.

Chú thích ảnh
Dây chuyền lắp ráp ô tô bằng robot tại Nhà máy ô tô Hyundai Thành Công. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN

Để đạt được điều đó, cần có giải pháp phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô tương xứng cũng như thu hút doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ.

Doanh nghiệp phải thức thời

Thị trường ô tô Việt Nam đang ở giai đoạn phát triển. Đây là cơ hội tốt cho các hãng xe nước ngoài nhưng lại gây khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam bởi các doanh nghiệp trong nước chưa nhạy bén và thức thời.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phan Đăng Tuất - Phó Chủ tịch Thường trực VASI cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam chưa đánh giá đúng quy mô và tiềm năng thị trường đối với sản phẩm ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô. Các doanh nghiệp chỉ mới định hình đầu ra cho các sản phẩm là ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước mà không đề ra mục tiêu lớn hơn là tham gia vào các chuỗi cung ứng ô tô toàn cầu, kể các các hãng xe chưa có mặt tại Việt Nam.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa về thương mại, doanh nghiệp Việt Nam nói chung, doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô nói riêng phải xác định thị trường là tất cả các khu vực có nhu cầu trên thế giới. Thực tế, có nhiều quốc gia chưa có ngành công nghiệp sản xuất ô tô nội địa (chưa có thương hiệu ô tô) nhưng ngành công nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô vẫn rất phát triển.

Do đó, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ô tô Việt Nam phải linh động và mạnh dạn hơn nữa trong việc đầu tư, sản xuất. Tuy nhiên, cũng như các ngành công nghiệp chế tạo, công nghiệp hỗ trợ sản xuất ô tô đồi hỏi doanh nghiệp phải có chiến lược đầu tư dài hạn và kiên trì theo đuổi đến cùng mới có thể thành công - Tiến sỹ Phan Đăng Tuất phân tích.

Chia sẻ kinh nghiệm trở thành nhà cung ứng cấp 1 cho Honda Việt Nam, ông Vũ Quang Tâm - Thành viên Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Máy Động lực và Máy Nông nghiệp Việt Nam (VEAM) cho biết, để phát triển công nghiệp phụ trợ, tạo động lực cho công nghiệp ô tô phát triển các doanh nghiệp phải chủ động trong việc phân tích xu hướng và nắm bắt cơ hội kịp thời để định hướng đầu tư hợp lý. Doanh nghiệp cũng phải thường xuyên đầu tư, nâng cấp công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất.

Quan trọng nhất, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phải thiết lập được mối quan hệ chặt chẽ với nhà sản xuất chính mới có thể tham gia lâu dài vào chuỗi cung ứng.


Theo ông Vũ Quang Tâm, đặc trưng của ngành công nghiệp sản xuất ô tô là được lắp ráp từ hàng nghìn chi tiết, linh kiện khác nhau và không có một doanh nghiệp hay hãng xe nào có thể sản xuất tất cả các linh kiện, phụ tùng. Vì vậy, mỗi doanh nghiệp cần xác định rõ các dòng sản phẩm chiến lược của mình để đầu tư có trọng điểm.


Khi đã lựa chọn được sản phẩm, doanh nghiệp phải nâng cấp trang thiết bị, công nghệ, cải thiện năng lực sản xuất; thường xuyên rà soát các chi phí để hạ giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Bên cạnh đầu tư về công nghệ, doanh nghiệp cũng phải chủ động nâng cao chất lượng nhân lực, từ tay nghề, kỹ năng của công nhân kỹ thuật cho tới nghiệp vụ và năng lực quản trị của đội ngũ quản lý để duy trì chất lượng sản phẩm và nâng cao uy tín, thương hiệu cho doanh nghiệp.

Là doanh nghiệp trong nước đầu tiên đầu tư sản xuất xe ô tô mang thương hiệu Việt Nam, ông Võ Quang Huệ - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VinGroup cho rằng, thành công của ngành công nghiệp ô tô không thể đến từ những doanh nghiệp sản xuất riêng lẻ mà đòi hỏi sự phối hợp nhuần nhuyễn và chặt chẽ của cả mạng lưới công nghiệp phụ trợ hoàn hảo. Vì vậy, muốn xây dựng và phát triển ngành công nghiệp ô tô, phải tăng cường sự liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước thành một chuỗi cung ứng đầu vào cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp.

Các chuyên gia cũng khuyến nghị doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ô tô Việt Nam cần làm tốt khâu thương mại hóa sản phẩm thông qua khai thác các công cụ bán hàng; thường xuyên tìm kiếm đối tác mới nhằm mở rộng thị trường, cơ hội phát triển và giảm thiểu rủi ro khi làm ăn với một đối tác duy nhất. Đây là điều kiện quan trọng để doanh nghiệp làm công nghiệp hỗ trợ phát triển trong giai đoạn hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Hoàn thiện cơ chế, chính sách

Ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho rằng, muốn xây dựng nền tảng tốt cho ngành công nghiệp ô tô, phải tăng cường vai trò của Nhà nước trong phát triển công nghiệp hỗ trợ nói chung, công nghiệp hỗ trợ sản xuất ô tô nói riêng thông qua việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, gỡ bỏ các rào cản để doanh nghiệp chủ động phát triển theo nhu cầu thị trường. Vì vậy, ngoài các cơ chế, chính sách đã ban hành, cần nghiên cứu tiến tới xây dựng Luật Công nghiệp hỗ trợ.

Song song đó, cần rà soát, xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ bám sát với chuỗi giá trị sản xuất ô tô; chú ý chuyển dịch phát triển các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất các loại ô tô mới như: ô tô tự lái, ô tô điện, ô tô xăng dầu phi khoáng… Trên cơ sở đó, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất đáp ứng yêu cầu của chuỗi sản xuất toàn cầu - ông Tuấn Anh nhận xét.

Các chuyên gia thì cho rằng, cần khuyến khích, đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp hỗ trợ theo hướng liên kết dọc các chuyên ngành có liên quan như điện – điện tử, viễn thông, ô tô, công nghiệp công nghệ cao, cơ khí, nhựa, cao su, hóa chất để đẩy nhanh tiến trình cơ cấu lại ngành công nghiệp ô tô theo hướng hiện đại. Đặc biệt, trong bối cảnh phong trào khởi nghiệp phát triển như hiện nay, cần có cơ chế chính sách thu hút doanh nghiệp khởi nghiệp ở lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ nói chung và công nghiệp hỗ trợ sản xuất ô tô.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần đầu tư xây dựng các trung tâm công nghệ, trung tâm hỗ trợ kỹ thuật, dữ liệu về công nghiệp hỗ trợ ngành sản xuất lắp ráp ô tô, giúp doanh nghiệp nắm bắt kịp thời các thông tin về nhu cầu, tiêu chuẩn của thị trường. Đầu tư có trọng điểm cho các công nghệ chiến lược, sản phẩm trọng điểm thông qua việc đầu tư hợp lý cho nghiên cứu khoa học công nghệ và hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Vũ Quang Tâm đề xuất, trong bối cảnh nhu cầu sử dụng ô tô của người Việt Nam ngày càng lớn, Chính phủ phải có chương trình mở rộng thị trường ô tô tạo động lực để phát triển ngành công nghiệp ô tô cũng như công nghiệp hỗ trợ. Theo đó, cần có chính sách ưu đãi hấp dẫn hơn như miễn thuế tiêu thụ đặc biệt cho các chi tiết linh kiện sản xuất trong nước để khuyến khích doanh nghiệp trong nước tham gia vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ sản xuất ô tô. Hơn nữa, các chính sách phát triển ngành của Chính phủ cần rõ ràng, minh bạch và có lộ trình đủ dài để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư, vì đầu tư vào các ngành công nghiệp hỗ trợ, cơ khí đòi hỏi nhiều vốn, thời gian thu hồi vốn dài hơn so với các ngành khác.

Ngoài ra, Nhà nước cũng cần phát triển sản xuất các nguyên vật liệu cơ bản như thép chế tạo, cao su, nhựa và chất dẻo nhằm nâng cao tỷ lệ nội địa nguyên liệu trong thành phẩm và giảm chi phí do nhập khẩu nguyên liệu. Bởi nếu không giải được bài toán chi phí sản xuất thì doanh nghiệp trong nước không thể cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.

 

Xuân Anh (TTXVN)
Chìa khóa thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô - Bài 2: Nhiều động lực để phát triển
Chìa khóa thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô - Bài 2: Nhiều động lực để phát triển

Sản xuất ô tô được xem là một trong những ngành công nghiệp thể hiện năng lực sản xuất của một quốc gia. Xây dựng và phát triển ngành công nghiệp ô tô cũng là một trong những mục tiêu lớn của Việt Nam trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN