Đánh giá tiềm năng và sử dụng bể than Đồng bằng sông Hồng

Ngày 4/12, tại Hà Nội, Tổng hội Địa chất Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo tư vấn phản biện “Đánh giá tiềm năng khai thác và sử dụng bể than Đồng bằng sông Hồng”.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Đặng Vũ Minh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam cho biết: Trong những năm qua, bể than Đồng bằng sông Hồng nhận được sự quan tâm của nhiều cơ quan, ban ngành và cộng đồng xã hội.

Năm 2016, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 403/QĐ-TTg về việc “Điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030”. Hội thảo này nhằm đưa ra ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực địa chất, dầu khí liên quan đến tính khoa học, tính khả thi, hiệu quả kinh tế - xã hội của việc đánh giá tiềm năng khai thác và sử dụng bể than Đồng bằng sông Hồng.

Theo Giáo sư, Tiến sỹ Trần Văn Trị, Tổng hội Địa chất Việt Nam, than ở Đồng bằng sông Hồng nói chung và một số vùng ở Thái Bình, Hưng Yên, Nam Định nói riêng có tiềm năng rất lớn, tổng tài nguyên hàng chục tỷ tấn than đá bitum có chất lượng tốt được xác nhận qua các tài liệu nghiên cứu, điều tra, thăm dò hiện có là cơ sở đáng tin cậy.

Tuy nhiên, đặc điểm trầm tích chứa than, địa chất công trình, thủy văn, môi trường... hết sức phức tạp, với tài liệu hiện có còn rất hạn chế, cũng như các yếu tố kinh tế - xã hội liên quan cần được nghiên cứu thận trọng để quyết định kế hoạch công tác thăm dò, thử nghiệm sau này có hiệu quả tối ưu nhất.

Đánh giá những tác động xã hội của việc khai thác bể than Đồng bằng sông Hồng, Giáo sư, Tiến sỹ Trịnh Duy Luân, Hội Xã hội học Việt Nam cho rằng, tiến hành khai thác bể than sông Hồng có thể có những tác động tích cực nhất định đến một số mặt trong đời sống của cộng đồng dân cư, như thu hút một bộ phận lao động tại chỗ, giúp giải quyết việc làm cho lao động nông nghiệp bị mất đất canh tác; tăng thu nhập cho một bộ phận cư dân, lao động, góp phần phát triển các đô thị, khu công nghiệp mới...

Tuy nhiên, nhìn chung các tác động tiêu cực cũng vẫn là chủ yếu như vấn đề thu hồi đất ở, canh tác và tái định cư; việc làm, sinh kế và thu nhập sau tái định cư liên quan tới những ảnh hưởng về văn hóa...

Bên cạnh đó, các chuyên gia trong lĩnh vực mỏ, địa chất, kinh tế mỏ, xã hội học và các đại diện cơ quan lãnh đạo, quản lý cũng đã thảo luận, đề xuất một số giải pháp để chủ động phòng chống, khắc phục, giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra các sự cố môi trường hay thay đổi về địa chất trong quá trình khai thác bể than sông Hồng, kể cả giai đoạn khai thác thử nghiệm.

Theo đó, về kỹ thuật công nghệ, các chuyên gia cho rằng cần lựa chọn công nghệ khai thác than phù hợp nhất, an toàn nhất; đồng thời tiến hành đánh giá tác động môi trường tổng quan và chi tiết cụ thể tại từng khu mỏ.

Về cơ chế, chính sách, cần hoàn thiện cơ sở pháp lý về chủ trương, chính sách đến vấn đề khai thác bể than sông Hồng để đảm bảo tính khả thi, cũng như tăng mạnh các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo như: Điện mặt trời, điện gió, điện thủy triều... nhằm giảm tối đa việc sử dụng than đá cho nhiệt điện than, qua đó giảm tính cấp bách việc mở bể than sông Hồng.

Lý Thanh Hương (TTXVN)
Quảng Ninh: Lấy đất đá từ bãi thải khai thác than để san gạt mặt bằng các dự án
Quảng Ninh: Lấy đất đá từ bãi thải khai thác than để san gạt mặt bằng các dự án

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long đã đồng ý phương án sử dụng đất đá tại các bãi thải mỏ của ngành Than để phục vụ san lấp mặt bằng các dự án trên địa bàn tỉnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN