Doanh nghiệp gắng kích cầu

Không chỉ các siêu thị, trung tâm phân phối, các cửa hàng kinh doanh mà các nhà sản xuất cũng tung ra nhiều chương trình khuyến mãi, tặng quà, rút thăm trúng thưởng... để vực dậy sức mua trong dịp mua sắm cao điểm cuối năm.


Tăng cường khuyến mãi, bình ổn giá


Không chỉ trông chờ vào các giải pháp “cứu nguy” của Nhà nước, bản thân các DN đã chủ động tìm biện pháp kích sức mua, đồng thời cũng là tìm hướng “thoát hiểm” cho DN mình.


Ông Nguyễn Đức Khánh, Phòng Marketting, siêu thị điện máy Thiên Hòa (TP Hồ Chí Minh) cho biết, để chia sẻ gánh nặng chi tiêu với người tiêu dùng trong thời điểm từ nay đến cuối năm, siêu thị đã triển khai nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn, kết hợp các hoạt động mua hàng có tặng quà, mua 1 tặng 1, mua hàng tặng điểm thưởng, rút thăm trúng thưởng… Đây là những chương trình được kỳ vọng sẽ góp phần kích cầu, tăng sức mua vào thời điểm cuối năm.


Còn bà Bùi Hạnh Thu, Phó Tổng Giám đốc Siêu thị Sài Gòn Co.op thì lạc quan hơn. Bà Thu cho rằng, việc dự đoán sức mua hiện nay như thế nào vẫn còn khá sớm, bởi mùa cao điểm mua sắm là gần lễ Noel. Sức mua của các mặt hàng thiết yếu sẽ tăng cao hơn do sự thay đổi xu hướng mua sắm của người tiêu dùng.


Để kiểm soát giá cả hàng hóa, bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, tổng giá trị hàng hóa mà các DN chuẩn bị sản xuất, dự trữ cho 2 tháng trước và sau Tết Giáp Ngọ là 7.581 tỷ đồng, tăng hơn 40% so với Tết năm 2013. Trong đó, tổng giá trị hàng hóa bình ổn thị trường là hơn 4.900 tỷ đồng, tăng hơn 62%. Đại diện Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh cho biết, các DN tham gia bình ổn đã cam kết không tăng giá nên hàng hóa phục vụ dịp Tết sẽ không có sự biến động nhiều về giá.


Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, hiện hầu hết các chương trình kích cầu mua sắm cuối năm đều tập trung vào hàng Việt bởi hàng Việt có chất lượng ổn định, giá cả tốt, phù hợp với việc thắt chặt chi tiêu hiện nay của người tiêu dùng. Điều này, cũng tạo điều kiện cho các DN trong nước đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh doanh dịp cuối năm. Bên cạnh đó, các chương trình cũng nhắm vào nhóm mặt hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh như dầu ăn, muối, gạo, mì gói, miến, các loại gia vị, tôm, cá đông lạnh…


Cần giải pháp lâu dài


Có một cái nhìn xa hơn, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội phân tích: Sức mua đã giảm sút từ năm 2008 đến nay. Giá cả nhiều mặt hàng từ đó đến nay đã tăng gấp 1,5 - 2 lần. “Nếu muốn cải thiện lực cầu, không có cách nào khác là phải giải quyết công ăn việc làm, chống thất nghiệp, tăng lương, bình ổn giá. Tuy nhiên, tăng lương thì các DN lại gặp khó. Kinh tế không phục hồi thì khó lòng tăng thu nhập”, ông Phú nói.


Ông Phú cho rằng, bộ phận người nghèo đang rất khó khăn, mà người nghèo lại chiếm số đông trong xã hội. Ngày xưa, người dân hay gửi tiền tiết kiệm, nhưng giờ tiền lãi tiết kiệm cũng giảm từ 12% xuống còn 7% rồi. Tết năm nay sẽ rất khó khăn với đại bộ phận người lao động”.


Rõ ràng trong tình hình sức mua giảm và tiêu thụ sản phẩm yếu ớt thì các biện pháp kích cầu của các DN là cần thiết. Tuy nhiên, yếu tố có ý nghĩa lâu dài vẫn là các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các DN sản xuất, đảm bảo tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm, thu nhập cho người dân.


Mặt khác, cũng cần kiểm soát các chương trình giảm giá kích cầu vì không ít hàng khuyến mãi là hàng kém chất lượng, gần hết hạn sử dụng gây mất lòng tin của người tiêu dùng.


Hoàng Dương - Thu Hồng - Hoàng Tuyết

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN