Doanh nghiệp Việt chủ động nguồn hàng bình ổn thị trường cuối năm

Các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm cuối năm và thị trường Tết Kỷ Hợi 2019 hiện đã được các doanh nghiệp chuẩn bị sẵn sàng nhằm chiếm ưu thế thị trường.

Chú thích ảnh
Các mặt hàng đặc trưng phục vụ thị trường Tết 2019 được doanh nghiệp tăng sản lượng.

Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, cho biết thời điểm cuối năm, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân thường tăng cao, UBND TP đã chỉ đạo các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, thương mại trên địa bàn chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu như gạo, thịt, trứng, thực phẩm chế biến, bánh mứt, kẹo, đồ uống và các sản phẩm đặc trưng Tết để phục vụ người tiêu dùng. Ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ thị trường mùa tết tăng 13 - 17% so với kế hoạch thành phố giao và tăng 23 - 36% so với kết quả thực hiện Tết Mậu Tuất 2018.

Trong đó, trị giá hàng hóa chuẩn bị nguồn hàng bình ổn thị trường là 7.533 tỷ đồng. Riêng tháng cao điểm phục vụ tết từ ngày 6/1 đến 4/2/2019 (tức từ ngày 1 đến 30 tháng Chạp), tổng trị giá hàng hóa của các doanh nghiệp chuẩn bị là 10.812 tỷ đồng, trong đó hàng bình ổn thị trường là 4.211 tỷ đồng.

Chú thích ảnh
TP Hồ Chí Minh dự kiến dịp Tết Kỷ Hợi tiêu thụ khoảng 18.500 tấn bánh, kẹo.

Đối với các mặt hàng bánh, mứt, kẹo, hạt... dự báo nhu cầu tiêu thụ trên địa bàn thành phố khoảng 18.500 tấn. Ngoài ra, thành phố còn dự kiến tiêu thụ khoảng 600.000 - 700.000 chậu mai, 250.000 - 300.000 chậu bonsai, 135 triệu cành các loại hoa cúc, hồng, cát tường, ly, cẩm chướng... Các mặt hàng bia phục vụ thị trường tết dự kiến có giá bán lẻ dao động 325.000 - 392.000 đồng/thùng tùy thương hiệu. Các mặt hàng nước ngọt, giá bán lẻ dao động 209.000 - 214.000 đồng/thùng tùy thương hiệu.

Đến nay, để đáp ứng nhu cầu hàng hóa dịp cuối năm và dịp Tết Nguyên đán, nhiều nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường đã bắt đầu tăng công suất sản xuất từ 10 - 30% so với ngày thường.

Ông Phan Văn Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần kỹ nghệ súc sản (Vissan) cho biết, vào quý 4 hàng năm, đơn vị đã lên kế hoạch chuẩn bị hàng hóa cung ứng cho đợt mua sắm cao điểm Tết Nguyên đán. Tổng giá trị hàng hóa Vissan chuẩn bị phục vụ mùa tết này là 800 tỷ đồng. Trong đó, thực phẩm tươi sống đạt mức 3.200 tấn, thực phẩm công nghệ đạt 2.800 tấn. Năm nay, đơn vị đã tăng sản lượng thực phẩm từ 15 - 20% so với cùng kỳ năm ngoái và giới thiệu 13 sản phẩm thực phẩm mới đến người tiêu dùng.

Chú thích ảnh
Các mặt hàng bình ổn luôn đảm bảo nguồn cung và giữ giá vào dịp mua sắm cao điểm cuối năm.

Song song đó, để phục vụ mùa mua sắm cao điểm cuối năm và Tết Kỷ Hợi 2019, thông qua chương trình hợp tác thương mại, Sở Công thương TP Hồ Chí Minh đã làm việc với các địa phương có nguồn cung hàng hoá lớn để nắm bắt tình hình hoạt động nuôi trồng, sản xuất hàng hóa. Hiện hàng hóa nhập các chợ đầu mối đạt bình quân trên 9.000 tấn/ngày, chủ yếu là nông sản, rau củ quả, thịt gia súc, thủy hải sản, chiếm khoảng 60 - 70% thị trường. Dự kiến cận tết, lượng hàng về chợ tăng khoảng 80% so với ngày thường, lên đến 15.000 - 16.000 tấn/ngày.

Theo ông Phạm Thành Kiên, nhằm ổn định giá cả hàng hóa cuối năm, các doanh nghiệp cũng đã lên kế hoạch liên kết chặt chẽ với nhà vườn để đảm bảo nguồn cung hàng hóa và ổn định giá cả dịp cuối năm và Tết 2019. Các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn thành phố xây dựng kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng hóa tết với số lượng tăng 2 - 3 lần so với tháng thường.

“Nhằm đảm bảo hàng hóa Tết 2019 đến tay người tiêu dùng có giá tốt nhất và chất lượng cao, các doanh nghiệp cũng sẽ tăng cường thực hiện bán hàng lưu động đến vùng sâu, vùng xa, các khu chế xuất - khu công nghiệp, khu lưu trú công nhân, các công ty đông công nhân... Từ nay đến Tết, TP Hồ Chí Minh thực hiện bình quân 130 chuyến hàng lưu động/tháng; riêng 2 tháng cao điểm tết, thực hiện 344 chuyến. Hầu hết các doanh nghiệp đều cam kết đảm bảo nguồn cung, không để thiếu hàng, tăng giá đột biến”, ông Kiên cho biết thêm.

Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Tăng cường quản lý giá, bình ổn thị trường cuối năm
Tăng cường quản lý giá, bình ổn thị trường cuối năm

Ngày 12/11, Bộ Tài chính cho biết trong hai tháng cuối năm tiếp tục tăng cường quản lý giá, bình ổn thị trường; chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN