Dư nợ tín dụng có xu hướng tăng dần ở lĩnh vực phi sản xuất

Thời gian gần đây, cơ cấu tín dụng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có xu hướng thay đổi theo hướng tăng dần dư nợ tín dụng cho lĩnh vực phi sản xuất như bất động sản, tiêu dùng, chứng khoán...

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Phước Thanh phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN

Ngày 12/4, tại "Hội nghị trao đổi và tháo gỡ khó khăn cho các tổ chức tín dụng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh", ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND thành phố cho biết, Tp. Hồ Chí Minh đang nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức tín dụng tham gia tích cực vào việc triển khai 7 chương trình đột phá của thành phố.

Theo đó, lãnh đạo thành phố kỳ vọng các tổ chức tín dụng đồng hành, xây dựng và phát triển kinh tế thành phố, thông qua việc thúc đẩy nguồn vốn vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

Từ đầu năm 2017 đến nay, thị trường tiền tệ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục ổn định, diễn biến lãi suất và tỷ giá phù hợp với định hướng điều hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Trong đó, mức huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 1% so với cùng kỳ năm trước, vốn cho vay tăng 3%.

Tuy nhiên, báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, trong thời gian gần đây, cơ cấu tín dụng trên địa bàn có xu hướng thay đổi theo hướng tăng dần dư nợ tín dụng cho lĩnh vực phi sản xuất như bất động sản, tiêu dùng, chứng khoán... Do đó, mặc dù tín dụng vẫn chủ yếu tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh nhưng tỷ trọng trong tổng dư nợ đã thấp hơn so với trước đây.

Liên quan đến một số vướng mắc gây nghẽn dòng chảy tín dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh, các tổ chức tín dụng, hệ thống ngân hàng thương mại trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, quy định của Thông tư 39/TT-NHNN, ngày 30/12/2016, thì doanh nghiệp tư nhân chỉ được vay vốn dưới hình thức cá nhân, trong khi đó doanh nghiệp này hiện vẫn đang là chủ thể trong các giao dịch dân sự (hợp đồng kinh tế, nghĩa vụ thuế...). Như vậy, việc triển khai cho vay cá nhân là chủ doanh nghiệp để phục vụ nhu cầu vốn của doanh nghiệp tư nhân sẽ có nhiều bất cập.

Ngoài ra, Thông tư 36/2014/TT-NHNN, ngày 20/11/2014, quy định về tỷ lệ cho vay trên tổng tiền gửi tối đa không quá 80%, nhằm đảm bảo an toàn thanh khoản cho các ngân hàng thương mại, nhưng trong thực tế quy định này làm gia tăng chi phí huy động vốn, các ngân hàng thương mại cổ phần gặp khó khăn trong việc giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.

Các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố tham dự Hội nghị. Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN

Đại diện Quỹ tín dụng nhân dân Tân Thạnh Đông, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện việc áp dụng lãi suất vay 8%/năm đối với 5 lĩnh vực ưu tiên nên loại trừ hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân, vì việc áp dụng lãi suất này ảnh hưởng đến sự phát triển hoạt động của mô hình Quỹ tín dụng nhân dân ở nông thôn do không có lợi nhuận.

Riêng về cải cách thủ tục hành chính, đại diện Ngân hàng BIDV Chi nhánh Gia Định, Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, Ngân hàng Nhà nước nên xem xét bãi bỏ hoặc điều chỉnh yêu cầu bắt buộc đăng ký chữ ký kế toán trưởng đối với doanh nghiệp khi giao dịch với ngân hàng theo quy định tại Thông tư 23/2014/TT-NHNN, ngày 19/8/2014, để giảm thiểu thủ tục, hồ sơ mở tài khoản cho doanh nghiệp.

Để tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng, hệ thống ngân hàng thương mại trên địa bàn tăng trưởng và phát triển, nhiều tổ chức tín dụng, hệ thống ngân hàng thương mại kiến nghị Thành phố Hồ Chí Minh sớm có văn bản hướng dẫn xử lý đối với trường hợp đăng ký tài sản thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai của tổ chức mua nhà ở hình thành trong tương lai trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở.

Mặt khác, trong phát triển hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, các sở, ngành Thành phố Hồ Chí Minh cần đẩy mạnh hỗ trợ công tác tuyên truyền; đồng thời triển khai dịch vụ công cấp độ 4 đối với các dịch vụ thu phí như cấp phép...

Từ các phản ánh của các tổ chức tín dụng, hệ thống ngân hàng thương mại trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, về mặt chính sách không vướng nhiều, chủ yếu là khâu thực thi và triển khai chưa đồng bộ, nhận thức chưa đồng nhất nên dẫn đến một số tồn tại bất cập.


Tuy nhiên, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, lãnh đạo thành phố cam kết sẽ giải quyết triệt để các vấn đề bấp cập tồn tại, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các vấn đề như rút ngắn thời gian thủ tục hành chính.

Ông Trần Vĩnh Tuyến bày tỏ, việc triển khai hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt là chủ trương đúng đắn được chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện thí điểm ở nhiều lĩnh vực như y tế, giáo dục. Bên cạnh đó, Thành phố Hồ Chí Minh định hướng phát triển thành phố thông minh, chính quyền điện tử, nên mong muốn tổ chức tín dụng, hệ thống ngân hàng thương mại nghiên cứu để thực hiện ở những lĩnh vực tiềm năng khác.

Theo ông Trần Đình Cường, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, để tăng trưởng và phát triển bền vững, đặc biệt là tăng trưởng về chất lượng gắn liền với đổi mới mô hình tăng trưởng, đòi hỏi hệ thống ngân hàng trên địa bàn quan tâm đến vấn đề nợ xấu và những tác động của nợ xấu đến hoạt động ngân hàng. Đồng thời, chú trọng việc tăng trưởng tín dụng đảm bảo hợp lý trong mối quan hệ chặt chẽ với hoạt động huy động vốn và đảm bảo tuân thủ các quy định về tỷ lệ an toàn trong hoạt động ngân hàng.

Mặt khác, các tổ chức tín dụng, hệ thống ngân hàng thương mại nên tiếp tục tái cơ cấu hiệu quả, làm nền tảng cho tăng trưởng và phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng sản phẩm và dịch vụ.

Trong đó, các tổ chức tín dụng, hệ thống ngân hàng thương mại nên chú trọng nâng cao năng lực tài chính, quản trị doanh nghiệp; sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực; vấn đề an ninh mạng, an ninh giao dịch trong dịch vụ ngân hàng điện tử và thanh toán thẻ; phòng chống tội phạm công nghệ cao.

Mỹ Phương (TTXVN)
Quý I, dư nợ tín dụng sản xuất, kinh doanh khoảng 80%
Quý I, dư nợ tín dụng sản xuất, kinh doanh khoảng 80%

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến ngày 23/3, tín dụng tăng trưởng 3,14% so với cuối năm 2016 (cùng kỳ 2016 tăng 1,79%) tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, với dự nợ chiếm khoảng 80%.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN