GDP quý 1 tăng cao kỷ lục, mục tiêu 6,7% cả năm liệu có nhiều thách thức?

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2018 ước tính tăng 7,38% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng cao nhất của quý I trong 10 năm gần đây. Với tín hiệu vui này, liệu mục tiêu GDP 6,7% năm 2018 có gặp thách thức không? Phóng viên Báo Tin tức đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê về nội dung này.

Thưa ông, với xu hướng khác biệt của năm 2018, tăng trưởng GDP ngay từ đầu năm thì cơ sở nào để khẳng định sự tăng trưởng này là bền vững?

Trước hết tăng trưởng GDP ngay từ đầu năm nay rất ấn tượng, đạt 7,38% cao nhất trong 10 năm qua, điều này là do chỉ đạo cụ thể của Chính phủ ngay từ đầu năm, tạo điều kiện cho tất cả các bộ ngành vào cuộc, cộng đồng doanh nghiệp (DN) và sản xuất kinh doanh tăng trưởng.

Thứ 2, tăng trưởng GDP quý 1/2018 là nối tiếp đà tăng trưởng của quý 3 và quý 4/2017 đang phát triển mạnh và bền vững.

Thứ 3, thường quý 1 những năm trước, yếu tố mùa vụ cao, đặc biệt quý 1 năm 2017, nền kinh tế của chúng ta tăng trưởng thấp do yếu tố của nông nghiệp 2017 tăng thấp và công nghiệp khai khoáng 2017 giảm thì năm nay công nghiệp khai khoáng tăng nhẹ sau 2 năm liên tục giảm, nông nghiệp tăng trưởng cao nhất trong vòng những năm qua. Tăng trưởng của nông nghiệp thể hiện qua chính sách tái cơ cấu nông lâm nghiệp thủy sản, ngay cả nội bộ ngành nông nghiệp nên ngành nông nghiệp tăng trưởng 3,76%.

Thứ 4, công nghiệp chế biến chế tạo tăng, khu vực dịch vụ cũng tăng cao so với quý 1 hàng năm. Đây là sự tăng trưởng lý tưởng, có cơ sở của sản xuất kinh doanh và tạo dựng của nhà nước trong điều hành. Có thể khẳng định, đây là sự tăng trưởng cao và có tính bền vững.

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê trao đổi với phóng viên.

Ngay từ quý 1 đã tăng trưởng GDP 7,38%, vậy mục tiêu 6,7% trong năm nay có phải là thách thức không, thưa ông?

Mục tiêu của Quốc hội đặt ra là tăng GDP năm 2018 là 6,5% - 6,7%, nhưng Chính phủ quyết tâm tăng trưởng kinh tế đồng nghĩa giải quyết việc làm, tăng thu nhập cùng nhiều chỉ tiêu kinh tế vĩ mô của nền kinh tế, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành làm sao đạt mục tiêu 6,7%.

Đây cũng là thách thức của nền kinh tế, mặc dù có một số động lực cho phép tăng trưởng nền kinh tế năm 2018 lên 6,7%.

Thách thức thứ nhất là độ mở của nền kinh tế cao nên tăng trưởng của chúng ta phụ thuộc nhu cầu của kinh tế thế giới nếu nhu cầu kinh tế thế giới tăng ổn định theo đúng dự báo tổ chức thế giới là tổng cầu bên ngoài cao là động lực nền kinh tế.

Thứ 2, động lực nền kinh tế trong nước, chúng ta tiếp tục duy trì nền nông nghiệp, công nghiệp chế biến chế tạo, chúng tôi đánh giá những năm vừa qua 2017 và quý 1/2018, tăng trưởng kinh tế của chúng ta phụ thuộc khá nhiều vào công nghiệp chế biến chế tạo và khu vực FDI. Nếu các đơn hàng, tổng cầu nền kinh tế vẫn đảm bảo cho tăng trưởng công nghiệp chế biến chế tạo thì chúng ta có thể đạt mục tiêu 6,7%. Nhưng đây cũng là thách thức, chúng tôi thấy công nghiệp chế biến chế tạo khó có thể có đà tăng trưởng cao như vậy trong nhiều quý như vậy nên đạt được 6,7 % cũng là thách thức.

Như ông đã nói, sự tăng trưởng của chúng ta phụ thuộc nhiều vào tác động của yếu tố bên ngoài, vậy tác động từ nay đến cuối năm ra sao, thưa ông?

Kinh tế của của chúng ta phụ thuộc khá nhiều vào tổng cầu bên ngoài, độ mở kinh tế năm 2017 là 200%, quý I cũng độ mở lớn trên 200%, chúng ta cũng xuất siêu lớn, cho thấy tăng trưởng của Việt Nam phụ thuộc khá nhiều vào nhu cầu của bên ngoài.

Nếu nhu cầu bên ngoài không tăng hoặc chính sách bên ngoài ảnh hưởng tới xuất khẩu của chúng ta sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP nên Chính phủ và các bộ ngành cần có chính sách làm sao để đảm bảo các sản phẩm chúng ta xuất khẩu ổn định, tìm kiếm thị trường ổn định nhất để xuất khẩu, đồng thời cũng phải quan tâm tới thị trường trong nước.

Những năm trước, GDP sụt giảm do mô hình tăng trưởng không phụ thuộc vào khai khoáng, nhưng năm nay, khai khoáng đạt mức tăng dương sau vài năm giảm. Ông nhận định như thế nào về mô hình tăng trưởng này?


Chính phủ vẫn luôn chỉ đạo thay đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu hợp lý, nâng cao chất lượng tăng trưởng. Đây là quan điểm chính sách nhất quán.

Năm nay, công nghiệp khai khoáng sở dĩ tăng trưởng nhẹ, tăng trưởng 0,4% chủ yếu về khai thác quặng kim loại, không bị phụ thuộc vào khai thác dầu thô trong 2 năm gần đây, nên tăng trưởng kinh tế trong quý I không phụ thuộc vào dầu khí và mô hình tăng trưởng vẫn hướng tới chất lượng hiệu quả

Còn về chỉ số giá tiêu dùng trong năm 2018 ra sao, thưa ông?

Chúng tôi đã xây dựng kịch bản và báo cáo Chính phủ, trên cơ sở đó tham vấn Chính phủ có chỉ đạo điều hành. Mục tiêu của Chính phủ sẽ giữ CPI bình quân cả năm là trên 4%, chúng tôi xây dựng 3 kịch bản trong đó có 2 kịch bản mức CPI dưới 4%, có kịch bản hàng hóa thiết yếu tăng cao phụ thuộc hàng hóa thế giới thì CPI trên 4%, nhưng với kinh nghiệm chỉ đạo điều hành của Chính phủ thì tôi tin rằng kịch bản CPI dưới 4% sẽ khả quan.

Trân trọng cảm ơn ông!

Thu Trang (thực hiện) (Báo Tin tức)
GDP quý I tăng cao nhất 10 năm qua, chuyên gia kinh tế nói gì?
GDP quý I tăng cao nhất 10 năm qua, chuyên gia kinh tế nói gì?

Sáng 29/3, lãnh đạo Tổng cục Thống kê đã công bố tổng sản phẩm trong nước GDP quý I/2018 ước tính tăng tới 7,38% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng cao nhất của quý I trong 10 năm gần đây. Phóng viên báo Tin tức đã trao đổi với một số chuyên gia kinh tế xung quanh con số này?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN