Giá thịt lợn tăng cao ảnh hưởng đến chỉ số vĩ mô CPI

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 5/5, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, cơ chế quản lý giá thịt lợn theo thị trường, phụ thuộc cung - cầu. Khi giá thịt lợn tăng cao, ảnh hưởng đến chỉ số vĩ mô CPI, ảnh hưởng đời sống người dân, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.

Chú thích ảnh
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải trả lời báo chí về giá thịt lợn tăng cao tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 5/5.

Nhiều câu hỏi của báo chí đặt ra về việc có hay không sự khuất tất trong việc nhập khẩu thịt lợn, trong khi giá thịt lợn trong nước vẫn ở mức cao.

Đại diện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã không có mặt để trả lời câu hỏi này.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Dịch tả lợn châu Phi ảnh hưởng lớn đến tổng đàn lợn trên toàn quốc. Nhiều tỉnh chưa công bố hết dịch, nên nhiều nơi chưa tái đàn. Nhiều gia đình cũng gặp khó khăn về nguồn vốn để tái đàn, có nơi con giống lên tới 2-3 triệu đồng/con. Đàn lợn 2019 giảm 21% so với 2018. Theo báo cáo của một số địa phương, đàn lợn có thể đã giảm 50%. Một số doanh nghiệp lớn chiếm 35% thị phần, 65% còn lại thuộc về các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, chỉ có 2 cách khắc phục là tái đàn và tăng cường nhập khẩu. Tuy nhiên, tái đàn thì không thể trong thời gian ngắn mới có thể hoàn thành. Theo dự báo, cuối năm 2020, đàn lợn mới quay lại mức trước khi dịch tả lợn châu Phi diễn ra. Việc nhập khẩu thịt lợn đến hết tháng 4, số lượng mới chỉ đạt 45.000 tấn, so với yêu cầu 100.000 tấn. Hiện, Thủ tướng đã giao Bộ NN&PTNT tập trung tái đàn và phối hợp các ngành khác tăng cường nhập khẩu thịt lợn.

Video Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải trả lời báo chí về giá thịt lợn tăng cao tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 5/5:

Trước đó, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo điều hành giá ngày 20/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có Kết luận về giải pháp bình ổn giá thịt lợn, thúc đẩy sản xuất và chế biến nông sản. Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các địa phương, cơ quan liên quan kiên quyết đẩy mạnh triển khai các giải pháp để ngay trong tháng 4 đưa giá lợn hơi về mức khoảng 60.000 đồng/kg bằng các biện pháp phù hợp.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan chức năng và các địa phương thực hiện quản lý mặt hàng thịt lợn theo nguyên tắc đây là mặt hàng quan trọng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, văn hóa tiêu dùng thực phẩm của người Việt Nam.

Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, nguồn cung chưa bảo đảm thì giá thịt lợn là giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước, trong đó tập trung thúc đẩy sản xuất, chăn nuôi, tái đàn, chế biến, điều hòa và cân đối cung cầu để bình ổn giá thịt lợn.  Quyết liệt thực hiện các giải pháp chống đầu cơ, trục lợi, thao túng và nâng giá bất hợp lý, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh lợn thịt và thịt heo không rõ nguồn gốc...

Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các địa phương, cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn địa phương khẩn trương tái đàn theo hướng bền vững, chăn nuôi theo mô hình khép kín và an toàn sinh học. Bên cạnh đó, tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan triển khai nhập khẩu mặt hàng thịt lợn trong tháng 4 nhằm đảm bảo tổng số lượng nhập khẩu theo chủ trương khoảng 100.000 tấn theo tinh thần chỉ đạo của trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại thông báo số 35 ngày 2/2 của Văn phòng Chính phủ.

Tăng cường phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương và các cơ quan kiểm tra, kiểm soát chợ đầu mối và khâu giết mổ, không để đầu cơ trục lợi đẩy giá ở 2 khâu này. Thủ tướng cũng giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT và các địa phương, cơ quan liên quan chủ trì kiểm tra, rà soát, đánh giá thực trạng hệ thống kênh phân phối, cung ứng, lò mổ và đầu mối bán buôn, bán lẻ đối với mặt hàng thịt lợn tính từ cửa trại, cửa chuồng của doanh nghiệp, người chăn nuôi đến doanh nghiệp, siêu thị, người bán cuối cùng trực tiếp cung ứng cho người tiêu dùng.

Trong trường hợp việc cung cấp thịt lợn trong nước cố tình đẩy giá lên làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, Bộ Công Thương chủ trì cùng Bộ NN&PTNT để nhập khẩu khi cần thiết. Bộ Công thương, Bộ Tài chính khẩn trương thực hiện kiểm tra việc chấp hành pháp luật về độc quyền, cạnh tranh… làm rõ việc hạch toán chi phí, giá thành, lợi nhuận, nộp ngân sách nhà nước của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thịt lợn...

Trong khi đó, trả lời báo chí tại buổi họp báo chiều 5/5, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, người tiêu dùng Việt Nam không quen dùng thịt lợn nhập khẩu, do đó doanh nghiệp dè dặt nhập về. "Đây là khó khăn cản trở trực tiếp đến việc nhập khẩu hiện tại", Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho hay.

Tin, ảnh: V.Tôn/Báo Tin tức
Chính phủ đặt mục tiêu kép: Khoanh vùng dập dịch COVID-19 song hành với phát triển KT-XH
Chính phủ đặt mục tiêu kép: Khoanh vùng dập dịch COVID-19 song hành với phát triển KT-XH

Phát biểu tại buổi họp báo Chính phủ chiều 5/5, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP), Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: Tuần này tiếp tục thực hiện nới lỏng để thúc đẩy phát triển kinh tế, thực hiện mục tiêu kép, khoanh vùng dập dịch COVID-19 song hành với phát triển kinh tế xã hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN