Giá trị sản xuất thủy sản Kiên Giang tăng gần 8%

Theo Cục Thống kê Kiên Giang, giá trị sản xuất kinh tế thủy sản của địa phương trong 8 tháng năm nay đạt gần 24.000 tỷ đồng, bằng 75,7% kế hoạch, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2021.

Chú thích ảnh
Nuôi cá lồng bè trên vùng biển An Thới, thành phố Phú Quốc, Kiên Giang (ảnh tư liệu).

Sản lượng thủy sản khai thác trên ngư trường từ đầu năm đến nay hơn 355.000 tấn, đạt 72,7% kế hoạch, giảm 7,4% so cùng kỳ năm trước. Trong 8 tháng qua, hoạt động khai thác thủy sản của ngư dân gặp nhiều khó khăn, bất lợi như giá xăng dầu và vật tư tăng cao, thiếu nguồn lao động trực tiếp trên tàu, thiếu vốn, nguồn lợi thủy sản tiếp tục suy giảm… dẫn đến đánh bắt kém hiệu quả và khá nhiều chủ tàu cá buộc phải để phương tiện nằm bến, tạm ngừng hoạt động hoặc không còn khả năng đưa tàu ra khơi.

Hiện Kiên Giang cơ bản hoàn thành việc lắp đặt thiết giám sát hành trình trên tàu cá đánh bắt xa bờ. Sau thời gian khắc phục khó khăn, có khoảng 80% tàu cá của tỉnh đã ra khơi hoạt động khai thác trên ngư trường.

Tỉnh tiếp tục tháo gỡ khó khăn trong hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tăng cường công tác quản lý, đóng mới, đăng ký, đăng kiểm tàu cá; nâng cao chất lượng bảo quản sản phẩm để nâng cao giá trị sản phẩm và hiệu quả đánh bắt.

Sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 206.785 tấn, bằng 65,6% kế hoạch, tăng 13,3% so cùng kỳ năm trước. Ngoài nuôi các loại cua biển, nhuyễn thể hai mảnh vỏ, nuôi thủy sản lồng bè trên biển, nuôi thủy sản nước ngọt, tỉnh tập trung đối tượng chính là nuôi tôm nước lợ.

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang Quảng Trọng Thao cho biết, đến thời điểm này, tỉnh thả nuôi hơn 142.400 ha tôm, vượt 1,2% kế hoạch với các loại hình nuôi công nghiệp – bán công nghiệp, quảng canh – quảng canh cải tiến, tôm lúa. Tổng sản lượng tôm thu hoạch các loại hơn 95.673 tấn, tăng 29% so cùng kỳ, đạt hơn 88% kế hoạch.

Cùng đó, tỉnh tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, nhất là nuôi tôm, từ con giống, vật tư đầu vào, nuôi thương phẩm đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm; trong đó, doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ đóng vai trò hạt nhân liên kết, tổ chức chuỗi sản xuất.

Ngoài ra, Kiên Giang còn tiếp tục thành lập, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất như tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị tại các vùng nuôi tôm nước lợ, nuôi nhuyễn thể, nuôi thủy sản lồng bè trên biển để nâng cao năng lực cạnh tranh, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ngành chức năng tỉnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất nuôi trồng thủy sản, nhất là chú trọng phát triển loại hình nuôi tôm công nghiệp – bán công nghiệp ứng dụng công nghệ mới, năng suất cao, chất lượng tốt, tiết kiệm nước, giảm giá thành sản xuất, bảo vệ môi trường và an toàn dịch bệnh; hướng dẫn người nuôi kỹ thuật công nghệ mới, tiên tiến gắn với an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm.

Hiện Kiên Giang đầu tư phát triển mạnh mô hình nuôi thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP, nuôi trồng thủy sản hữu cơ, nuôi sinh thái và các tiêu chuẩn quốc tế khác theo yêu cầu thị trường xuất khẩu, sử dụng mã vạch, mã số truy xuất nguồn gốc sản phẩm nuôi, vùng nuôi thủy sản.

Tỉnh tập trung nguồn lực đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ hệ thống thủy lợi, giao thông, lưới điện phục vụ nuôi trồng thủy sản trọng điểm vùng Tứ giác Long Xuyên và vùng U Minh Thượng.

Lê Huy Hải (TTXVN)
Cơ giới hoá trong nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy sản
Cơ giới hoá trong nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy sản

Ứng dụng cơ giới hóa trong nuôi trồng, khai thác, bảo quản và chế biến thủy sản đang là xu hướng và nhiệm vụ mà tỉnh Sóc Trăng đẩy mạnh thực hiện và bước đầu đã đạt được những kết quả khả quan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN