Hỗ trợ khởi nghiệp vẫn chưa hiệu quả

Mặc dù đã có nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp nhưng hiện nay cả nước mới chỉ có hơn 500.000 DN hoạt động. Như vậy, để đạt mục tiêu đến năm 2020 cả nước có ít nhất 1 triệu DN, việc hỗ trợ, thúc đẩy DN khởi nghiệp là vấn đề quan trọng và cấp bách.

Gian nan khởi nghiệp

Đầu tư vào nông nghiệp là một trong những lĩnh vực được ưu tiên nhưng DN tham gia vào lĩnh vực này cũng không dễ dàng nhận được ưu tiên để khởi nghiệp. 5 năm nay, Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển nông nghiệp Lộc Phát của anh Nguyễn Văn Dũng (Hoài Đức, Hà Nội) vẫn đang phải “dò dẫm” tìm đường phát triển trong lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi. Anh Dũng cho biết, quá trình khởi nghiệp rất gian nan, cho đến nay, anh chưa từng nhận được sự hỗ trợ từ chương trình hay chính sách hỗ trợ nào. Từ việc tiếp cận vốn, đất đai cho đến xây dựng thương hiệu, đăng ký nhãn hiệu… anh đều phải tự xoay xở nên “nuôi mãi mà DN vẫn chậm lớn”.

Câu chuyện khởi nghiệp của anh Dũng cũng là câu chuyện chung của nhiều DN hiện nay. Theo đánh giá chung, việc khởi nghiệp của DN hiện nay còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, đầu tiên phải kể đến là vốn. Theo thống kê từ Hiệp hội DN nhỏ và vừa, hơn 80% vốn cho các DN mới khởi nghiệp là tiền tiết kiệm cá nhân hoặc huy động từ bạn bè và gia đình. Điều này có nghĩa là đa số các doanh nhân trẻ thường không có bệ đỡ vững chắc về tài chính và để khởi nghiệp, họ thường dốc hết vốn liếng tích lũy của bản thân và gia đình.

Công nghiệp hỗ trợ được coi là ngành cần chú trọng trong khởi nghiệp.

Cùng với đó, các bạn trẻ hiện nay còn thiếu kinh nghiệm, kỹ năng kinh doanh nhưng chúng ta cũng thiếu sự hỗ trợ, đào tạo DN trẻ về vấn đề này. Bà Đỗ Thị Tú Anh, Tổng thư ký Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội cho biết, có rất nhiều bạn trẻ có ý tưởng kinh doanh tốt nhưng lại không được hỗ trợ để biến ý tưởng thành hiện thực. “Các bạn trẻ khởi nghiệp hầu hết đều thiếu kiến thức và kỹ năng kinh doanh vì nền tảng đào tạo về kỹ năng kinh doanh cho thanh niên, sinh viên Việt Nam rất thấp so với khu vực. Nhiều bạn trẻ tìm đến tôi để hỏi những cái rất cơ bản về tính toán tài chính, kế toán hay thủ tục thành lập công ty...”, bà Tú Anh cho biết.

Bên cạnh khó khăn về vốn, kỹ năng khởi nghiệp của DN, nhiều ý kiến cho rằng cơ chế chính sách cũng là một trong những vướng mắc hiện nay. Bà Đỗ Thị Tú Anh, Tổng thư ký Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội thẳng thắn bày tỏ, hiện nay có rất nhiều chương trình hỗ trợ DN khởi nghiệp từ các địa phương cho đến các bộ, ngành nhưng chưa thực chất và chưa đem lại hiệu quả. “Các đơn vị vẫn thực hiện theo tư duy hỗ trợ mang tính xin - cho và buộc DN đáp ứng nhiều tiêu chuẩn, tiêu chí ngặt nghèo của các quỹ chứ không mang tinh thần kích thích sáng tạo và họ không dám chấp nhận rủi ro của những đối tượng được hỗ trợ”, bà Tú Anh cho biết.

Một chuyên gia kinh tế cho biết, việc hỗ trợ khởi nghiệp hiện nay mang tính hình thức và không hiệu quả là do hỗ trợ thiếu trọng tâm trọng điểm và không quan tâm đến hiệu quả. Chuyên gia này dẫn ra câu chuyện hỗ trợ DN khởi nghiệp của TP Hồ Chí Minh. TP Hồ Chí Minh có quỹ hỗ trợ khởi nghiệp với mức đầu tư là 100 tỷ đồng nhưng mức chi để hỗ trợ chỉ là 5 triệu đồng/dự án, số tiền này không hề có ý nghĩa gì so với hoạt động của một DN.

Thực tế, theo phản ánh của nhiều DN, hiện nay có những chương trình hỗ trợ khởi nghiệp rất mang tính hình thức. Một DN xin được giấu tên, đã từng nhận được giải của quỹ hỗ trợ cho DN khởi nghiệp sáng tạo với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, dự án kết thúc từ năm 2014, đến đầu năm 2016 thì trao giải cho các DN. Tuy nhiên, đến thời điểm này, DN vẫn chưa hề nhận được bất cứ sự hỗ trợ nào từ đào tạo kỹ năng, vốn... của quỹ này. “Chúng tôi không thể trông chờ vào những sự hỗ trợ chậm trễ như vậy nên đành phải “tự bơi”, nhưng điều đáng nói là họ có nhận được sự tài trợ của nhà tài trợ thì cần phải thực hiện”, DN này cho hay.

Hỗ trợ tập trung một số lĩnh vực

Để khởi nghiệp thật sự đem đến hiệu quả đối với các DN trẻ, Chủ tịch TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho rằng, các dự án khởi nghiệp cần tập trung chủ yếu ở một số lĩnh vực nhiều tiềm năng như bán lẻ, công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng, bất động sản, khoa học công nghệ…

Cùng quan điểm này, ông Trần Việt Anh, Tổng Giám đốc Công ty Nam Thái Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhựa - Cao su TP Hồ Chí Minh nêu ra ví dụ, hiện nay, tại Bình Dương có nhà máy Foster của Nhật Bản chuyên cung cấp 90% tai nghe (headphone) cho tất cả các hãng di động trên thế giới. Một tháng họ cung cấp 12 triệu cái headphone, tất cả chỉ là lắp ráp. Nhưng, vấn đề tất cả các linh kiện để lắp ráp headphone đó, không có cái nào được sản xuất tại Việt Nam, mặc dù TP Hồ Chí Minh đang chủ trương xây dựng và phát triển ngành công nghiệp phụ trợ. “Từ đó cho thấy, cần có những ý tưởng khởi nghiệp gắn liền với ngành này, bởi phần lớn những DN đang làm công nghiệp phụ trợ chủ yếu là DN vừa và nhỏ. Và TP Hồ Chí Minh phải xây dựng cơ chế và định hướng làm sao tạo ra một “cánh cửa” khởi nghiệp đối với các ngành công nghiệp phụ trợ, để khi các bạn trẻ khởi nghiệp bước vào “cánh cửa” này sẽ được hỗ trợ ngay từ vốn đến chính sách”, ông Trần Việt Anh cho biết.

Cùng với đó, nên tổng kết lại thất bại của những DN khởi nghiệp. Cụ thể là nên có một hội thảo nói về thất bại của DN trẻ là gì, bởi DN thành công rất nhiều nhưng biến mất cũng nhiều. Từ đó, để các bạn trẻ thấy được lý do vì sao để tránh né, hoặc tiếp tục làm lại những dự án mà đàn anh đã thất bại trên phương thức mới.

Còn bà Đỗ Thị Tú Anh, Tổng thư ký Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội cho rằng, Nhà nước nên có cơ chế hỗ trợ về pháp lý, thủ tục... miễn phí cho DN khởi nghiệp. Cùng với đó, cần thực hiện hỗ trợ song song, vừa hỗ trợ dàn trải các lĩnh vực ở quy mô nhỏ để tạo phong trào khởi nghiệp, vừa có chiến lược hỗ trợ sâu vào ngành kinh tế quan trọng. Nhà nước cần có chiến lược rõ ràng về vấn đề này. Mỗi cơ quan bộ, ngành, liên quan, tỉnh thành, thành lập một đơn vị đầu mối chỉ đạo và chịu trách nhiệm xúc tiến khởi nghiệp sáng tạo. “Đặc biệt cần xây dựng cổng thông tin khởi nghiệp sáng tạo quốc gia để tập hợp đầy đủ dữ liệu, nguồn lực từ Hệ Sinh thái Khởi nghiệp, Sáng tạo”, bà Tú Anh đề xuất.

Theo số liệu thống kê của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, trong 6 tháng đầu năm 2016, tổng số DN thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động của cả nước là 69.403 DN. Tuy nhiên, số DN giải thể và đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn của cả nước cũng chiếm hơn 36.600 DN. Con số này cũng cho thấy, để khởi nghiệp thành công là hết sức gian nan.


Hải Yên - Thu Trang
Khơi dậy tinh thần khởi nghiệp
Khơi dậy tinh thần khởi nghiệp

Phóng viên báo Tin Tức đã có cuộc trao đổi với TS Phạm Thị Thu Hằng - Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Viện trưởng Viện Phát triển Doanh nghiệp về vấn đề khơi dậy tinh thần khởi nghiệp và những việc cần thực hiện trong thời gian tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN