Khẩn trương xử lý ổ dịch để tránh lây lan bệnh tả lợn châu Phi

Trước thực trạng dịch tả lợn châu Phi đang diễn biên phức tạp, các địa phương trong cả nước đang thực hiện các giải pháp xử lý kịp thời khi phát hiện bệnh dịch bệnh này.

Chú thích ảnh
Phun thuốc tiêu độc khử trùng trên đàn lợn nhập vào lò mổ Bãi Dâu thuộc khu vực chợ Đầu Mối, thành phố Huế. Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN

Để hỗ trợ các địa phương chủ động phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã cấp 7.000 lít hóa chất Sakan-Povidine, hàng chục tấn vôi bột và nhanh chóng chuyển về cơ sở để thực hiện công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường phòng, chống dịch tả lợn châu Phi.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ đã yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế, các cơ quan chuyên môn tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng và ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi, phòng và ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm và lây lan dịch bệnh trên địa bàn. Các địa phương chủ động tổ chức giám sát, lấy mẫu đối với lợn có dấu hiệu bệnh, nghi bệnh tại cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ.

Các địa phương tăng cường giám sát nơi buôn bán, giết mổ, trung chuyển lợn; thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc sau mỗi buổi họp chợ, mỗi ca giết mổ lợn; xây dựng phương án đóng cửa chợ, cơ sở giết mổ, nơi buôn bán lợn, các sản phẩm của lợn và có biện pháp xử lý kịp thời khi phát hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi. Đồng thời, tuyên truyền liên tục để người chăn nuôi và cộng đồng hiểu rõ mức độ nguy hiểm của bệnh dịch tả lợn châu Phi, các biện pháp xử lý đối với động vật nghi mắc bệnh, mắc bệnh, chết và buộc phải tiêu hủy để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, tỉnh hiện có 2 điểm chăn nuôi phát hiện dịch tả lợn châu Phi đều thuộc huyện Phong Điền. Hiện tại, chính quyền các địa phương trong tỉnh Thừa Thiên - Huế đã cho tiêu hủy toàn bộ đàn lợn bị dịch tả lợn châu Phi nói trên.

Tỉnh Quảng Ninh đã có thêm huyện Tiên Yên xuất hiện dịch tả lợn châu Phi ở hộ chăn nuôi nhỏ của gia đình ông Nguyễn Văn Chính, thôn Sán Xế Nam, xã Đông Ngũ. Như vậy, Tiên Yên là địa phương (cấp huyện) thứ 5 của tỉnh Quảng Ninh có bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Tính đến sáng ngày 25/3, tỉnh Quảng Ninh đã có 24 hộ tại 5 địa phương gồm: Đông Triều, Hải Hà, Quảng Yên, Uông Bí, Tiên Yên với 327 con lợn bệnh buộc chôn hủy, tổng trọng lượng trên 11 tấn. Quảng Ninh đã cấp phát hơn 709 tấn vôi bột và trên 13.800 lít hóa chất khử trùng, tiêu độc thực hiện vệ sinh môi trường các khu vực chuồng trại chăn nuôi; treo băng rôn, phát tờ gần 42 ngàn tờ rơi tuyên truyền đến tận tay người chăn nuôi; ký cam kết chăn nuôi an toàn sinh học… 

Chú thích ảnh
Lực lượng chức năng phun hóa chất khử trùng chuồng trại. Ảnh: Hoài Nam/TTXVN

Tỉnh Gia Lai cũng đã ban hành công văn số 283/UBND-NL về việc tập trung thực hiện các biện pháp ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi và thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi do ông Kpă Thuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng Ban. Đơn vị này có chức năng giúp Chủ tịch UBND tỉnh trong việc chỉ đạo, điều hành, phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành có liên quan trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi khẩn cấp; xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi; kiểm tra đôn đốc, giám sát việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi…Bên cạnh đó, tỉnh Gia Lai cũng đã giao cho các địa phương chủ động phòng, chống dịch tả lợn châu Phi. 

UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã đặt ra mục tiêu giảm thiểu thấp nhất nguy cơ xâm nhiễm dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn với các giải pháp. Đặc biệt là tỉnh yêu cầu tăng cường lực lượng tại các Trạm kiểm dịch liên ngành đầu mối giao thông ở Eo Gió, Madagui, Phước Cát 1, khi cần thiết sẽ thành lập các Trạm kiểm dịch tạm thời tại các tuyến đường giáp danh với các tỉnh chưa có dịch tại Quốc lộ 27 đi Đắc Lắc, Quốc lộ 27C đi Khánh Hòa.

Cùng đó, các ngành chức năng hướng dẫn người chăn nuôi và cán bộ thú y cơ sở tăng cường theo dõi, áp dụng các biện pháp sinh học trong chăn nuôi; định kỳ tổ chức vệ sinh, tiêu độc khử trùng tại các khu vực chăn nuôi, điểm chợ mua bán, giết mổ lợn và các sản phẩm của lợn…

Ngày 25/3,  ông Phạm Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, chủ trì kiểm tra việc triển khai công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh. Ông Phạm Văn Cảnh đã yêu cầu các ngành chức năng liên quan tiếp tục công tác thông tin tuyên truyền cho người chăn nuôi, thực hành chăn nuôi tốt và an toàn dịch bệnh. Thường xuyên vệ sinh, sát trùng chuồng trại, các phương tiện vận chuyển, dụng cụ chăn nuôi. Khi dịch bệnh xảy ra, phải báo ngay cho cơ quan thú y và chính quyền địa phương, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 06 ngày 6/3/2019 của UBND tỉnh về triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Đồng thời, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tăng cường chỉ đạo công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi nói riêng và dịch bệnh trên gia súc, gia cầm nói chung, trong đó,  tăng cường tuyên truyền cho các cơ sở chăn nuôi thực hiện tiêu độc khử trùng chuồng trại thường xuyên, thực hiện tốt đợt tiêm phòng tai xanh, lở mồm long móng và tháng tiêu độc khử trùng.

Nhóm phóng viên thường trú (TTXVN)
Dịch tả lợn châu Phi phức tạp, lây lan diện rộng tại Hưng Yên
Dịch tả lợn châu Phi phức tạp, lây lan diện rộng tại Hưng Yên

Tại tỉnh Hưng Yên, dịch tả lợn châu Phi vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp và lây lan ra diện rộng. Thời điểm hiện tại, cả 10/10 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đều có lợn mắc bệnh phải tiêu hủy.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN