Khẳng định thương hiệu khoai tây Quế Võ

Với mong muốn tận dụng nguồn tài nguyên đất sẵn có trong vụ Đông để phát triển kinh tế, những năm qua, nông dân Quế Võ đã đưa khoai tây thành cây trồng chủ yếu.

Chú thích ảnh
Nông dân huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh thu hoạch khoai tây. Ảnh: Thái Hùng/TTXVN

Trải qua hơn 10 năm tìm tòi hướng đi mới, đến nay, khoai tây đã trở thành cây trồng chủ lực không chỉ mang lại giá trị kinh tế cho nhân dân địa phương mà thương hiệu khoai tây Quế Võ đã trở thành đặc sản nức tiếng khắp cả nước.

Chất đất xốp, pha cát nhẹ thích hợp với sự tăng trưởng, phát triển của cây khoai tây. Nhiều năm trở lại đây, người dân Quế Võ mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đưa những giống khoai tây mới có chất lượng tốt vào trồng.

Ban đầu, chỉ có ít hộ gia đình tận dụng đất bỏ hoang trồng với quy mô nhỏ. Tuy nhiên, thấy được hiệu quả kinh tế cùng sự hỗ trợ của các cấp chính quyền huyện Quế Võ, người dân đẩy mạnh sản xuất. Từ đó, hình thành những vùng chuyên canh khoai tây quy mô lớn.

Bà Triệu Thị Sáu, xã Phù Lương, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh cho biết, trước đây, người dân trong vùng không chú trọng trồng cây vụ Đông nên đất chỉ cấy 2 vụ lúa mỗi năm.

Trồng khoai lang, khoai tây cũng chỉ là manh mún bởi năng suất thấp, chủ yếu đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của gia đình. Nhưng đến nay, hầu hết mọi gia đình trồng khoai đều ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Vụ Đông Xuân năm nay, bà Sáu trồng 1,2 mẫu khoai, cho năng suất ước đạt 5 - 6 tạ/sào. Với giá bán khoảng 10.000 đồng/kg, trừ chi phí vẫn cho lãi 5 triệu đồng/sào. Như vậy, chỉ trong vòng 3 tháng, gia đình bà thu trên 50 triệu đồng, gấp 3 lần trồng lúa.  

Gia đình bà Đinh Thị Cẩn cùng xã Phù Lương trồng 3 sào khoai. Năm nay, nhờ giống tốt, thời tiết thuận lợi nên mặc dù mới trồng gần 3 tháng nhưng đã cho thu hoạch. Củ khoai to, ngon, hàm lượng dinh dưỡng và năng suất cao hơn năm trước, hứa hẹn mùa vụ bội thu. Ngay từ đầu vụ, thương lái đã đến tận đầu ruộng cân mua khoai tây bán đi các vùng trong cả nước.

Chú thích ảnh
Nhiều gia đình có thu nhập khá nhờ trồng khoai tây.

Những củ khoai to, tròn, đều tăm tắp được cày xới trên mặt luống đã tạo động lực cho người dân mạnh dạn đầu tư cơ giới hóa sản xuất. Nhiều gia đình trồng khoai quy mô lớn mạnh dạn mua máy cày, xới, thu hoạch khoai, tiếp tục mở rộng sản xuất trong các vụ tới.

Nhờ vậy, bộ mặt nông thôn thay da đổi thịt, nhiều gia đình có điều kiện nuôi con học đại học, cao đẳng… Đặc biệt, nhiều hộ còn mạnh dạn mượn hoặc thuê đất để hình thành vùng trồng khoai quy mô lớn từ 5 - 10 ha.

Nhờ bản tính cần cù, ham học hỏi cùng định hướng đúng của các cấp chính quyền, nông dân Quế Võ đã biến những vùng đất trắng, bỏ hoang thành cánh đồng khoai xanh mướt, mang lại giá trị kinh tế cho địa phương.

Hiện khoai tây Quế Võ đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận nhãn hiệu tập thể. Người dân nơi đây đã có ý thức gìn giữ và phát triển thương hiệu này.

Mẫu mã vàng óng, nhẵn bóng, vị thơm bùi, ngậy, bở đã tạo nên nét đặc trưng của khoai tây vùng đất Quế Võ mà không nơi đâu có được. Vừa nhanh tay bới khoai, ông Đào Viết Năm, xã Phù Lương tâm sự, đi đâu người dân nơi đây luôn tự hào về sản phẩm khoai tây quê mình.

Đặc biệt, từ khi được công nhận thương hiệu, người dân càng thêm trách nhiệm với sản phẩm của mình để cung cấp sản phẩm khoai ngon nhất, an toàn nhất cho người tiêu dùng.

Theo bà Triệu Thị Sáu, hàng năm, bà và những nông dân trong vùng thường xuyên được tập huấn, cập nhật, bổ sung kiến thức quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc và bảo quản khoai tây sau khi thu hoạch; được tạo điều kiện áp dụng nguồn giống cây tốt nhất, cung ứng phân bón tốt.

Từ đó, khuyến khích nông dân áp dụng các quy trình sản xuất, chế biến, tiêu thụ, bảo quản nông sản an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng vùng sản xuất giống chất lượng… Những người dân nơi đây coi việc gìn giữ thương hiệu là vấn đề sống còn trong sản xuất.

Chú thích ảnh
Huyện Quế Võ đang mở rộng trồng khoai tây sạch.

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Quế Võ cho biết, vụ Đông Xuân năm 2018 - 2019, toàn huyện Quế Võ trồng gần 1.700 ha khoai tây, năng suất ước đạt 18 - 20 tạ khoai/ha. Năm nay, huyện thành lập vùng khoai tây thương phẩm an toàn với 30 vùng sản xuất theo quy trình an toàn với diện tích trên 228 ha.

Để khoai tây Quế Võ phát triển xa hơn, huyện đã xây dựng, triển khai đề án phát triển thương hiệu khoai tây Quế Võ; tập trung xây dựng hệ thống sản xuất khoai tây sạch bệnh; chủ động nguồn giống và giảm chi phí nhập khẩu.

Đồng thời, khu phân loại, sơ chế bảo quản khoai tây thương phẩm được xây dựng và ứng dụng công nghệ kiểm soát môi trường trong bảo quản khoai tây quy mô 1.500 tấn; tiếp tục tăng cường hoạt động kết nối tiêu thụ và quảng bá khoai tây Quế Võ để sản phẩm này có thể đến tay đông đảo người tiêu dùng.

Thanh Thương (TTXVN)
Lại phát hiện khoai tây Trung Quốc trộn đất đỏ thành khoai Đà Lạt 
Lại phát hiện khoai tây Trung Quốc trộn đất đỏ thành khoai Đà Lạt 

Sau vụ việc tương tự xảy ra chiều 21/8, đến sáng 22/8, Đội Cảnh sát kinh tế (Công an thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) lại phát hiện thêm một vụ trộn đất đỏ vào khoai tây Trung Quốc để bán ra thị trường, nghi ngờ mạo danh khoai tây Đà Lạt để gian lận thương mại. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN