Khí thiên nhiên suy giảm, Việt Nam sắp phải nhập khí hóa lỏng để phát điện

Đại diện Bộ Công Thương cho biết: Từ năm 2022, nguồn khí thiên nhiên của Việt Nam sẽ bắt đầu suy giảm, không đủ đáp ứng nhu cầu trong nước, nên buộc phải nhập khẩu khí hóa lỏng để phát điện.

Cấp thiết phải nhập khẩu khí hóa lỏng

Tại Hội thảo Thách thức và triển vọng thị trường Gas, diễn ra sáng 14/11, tại Hà Nội, bà Ngô Thúy Quỳnh, Phó Vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công Thương) cho biết: Các mỏ khí của Việt Nam hiện nay đủ đáp ứng 100% nhu cầu trong nước, nhưng từ sau năm 2022 dự báo sẽ suy giảm.

Chưa kể, khí thiên nhiên hiện không dư thừa để hóa lỏng, chỉ đủ cung cấp cho các nhà máy điện thông qua đường ống dẫn, có bao nhiêu dùng hết bấy nhiêu. Do đó, tương lai chúng ta sẽ phải nhập khẩu khí hóa lỏng (LNG) để đáp ứng nhu cầu trong nước, đặc biệt là sản xuất điện tại các nhà máy điện khí.

Chú thích ảnh
Hệ thống thu gom và phân phối khí mỏ Hàm Rồng và mỏ Thái Bình vào khu công nghiệp Tiền Hải của Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS). Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN

Theo mục tiêu của Bộ Công Thương, giai đoạn 2021 – 2025 sẽ nhập khẩu, phân phối từ 1 - 4 tỷ m3 LNG/năm, từ  năm 2026 - 2035 là 6 - 10 tỷ m3/năm.

Về thị trường nhập khẩu LNG, bà Ngô Thúy Quỳnh cho biết, sản lượng khí châu Á không nhiều, chủ yếu là của Indonesia. Do đó, Việt Nam sẽ phải nhập LNG nhập từ Úc và Trung Đông; nhưng qua trung gian là Singapore.

Nhiều ý kiến chia sẻ tại Hội thảo đã lo ngại về cơ sở hạ tầng kho bãi hiện nay liệu có đáp ứng được nhu cầu nhập khẩu LNG hay không? Về vấn đề này, bà Quỳnh cho biết: Hệ thống kho chứa, cảng đã được quy hoạch. Trong đó, kho Thị Vải hiện tại đang hoạt động, có hạn chế về đường sông do sông Thị Vải luồng lạch nhỏ. Quy mô 3 triệu tấn thì kho này có thể đáp ứng được, nhưng khi nhu cầu về nguồn cung rất lớn, sẽ cần phải có những kho mới.

Theo quy hoạch cũ, khu vực Đông Nam Bộ có một kho dự kiến ở Tiền Giang, nhưng sông Soài Rạp ở Tiền Giang cũng có hạn chế về luồng lạch, nên có thể sẽ phải chuyển đi nơi khác.

Tương lai, nhu cầu nhập khẩu ngày càng tăng do nguồn cung trong nước không đủ thì sẽ phải xây dựng thêm kho tại Tây Nam Bộ và Bắc Bộ. Ngân hàng Thế giới đang nghiên cứu một số địa điểm như Long Sơn. Nhà đầu tư nước ngoài  cũng đề xuất kho ở Cà Nà, Bạc Liêu…

Theo ông Nguyễn Quyết Thắng, Phụ trách Ban Thị trường, Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV Gas) cũng cho rằng, do sản lượng khí suy giảm nên để cung cấp đủ khí cho các nhà máy điện, cần các giải pháp. Thứ nhất, cần tìm kiếm các nguồn khí nội địa trong nước để bổ sung cho nguồn khí thiếu hụt. Thứ 2 là nhập khẩu bằng đường ống từ các nước lân cận trong khu vực. Đặc biệt giải pháp mà các nước đang làm là nhập khẩu LNG.

Hiện nay, PV Gas đang tích cực triển khai các dự án nhập khẩu LNG phục vụ cho các nhà máy điện như dự án LNG Thị Vải (sẽ hoàn thành vào tháng 6/2022, cung cấp điện cho nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4), dự án kho cảng nhập khẩu LNG Sơn Mỹ đang được triển khai và dự kiến hoàn thành vào năm 2023. Đó là những giải pháp cấp bách đang được PV Gas triển khai.

"Về nguồn cung, trên thế giới có 16 quốc gia xuất khẩu LNG và sản lượng xuất khẩu khoảng 266 triệu tấn/năm. Nguồn cung này hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu của Việt Nam", ông Thắng cho biết.

Còn theo ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, trước đây, các nhà máy điện khí cung cấp khoảng 500.000 tỷ kWh điện mỗi năm nhưng con số này ngày càng giảm dần. Việc phát triển điện từ LNG trong tương lai là rất cần thiết, giúp đảm bảo môi trường.

"Nhiều nước đã sử dụng loại nhiên liệu này. Việt Nam phải đưa ra quy hoạch đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050, xem cần bao nhiêu điện làm từ LNG. Bên cạnh các nhà máy hiện hữu thì nhà máy mới đặt ở đâu, giao nhiệm vụ cụ thể cho các tổ chức, bộ ngành để có kế hoạch phát triển", ông Ngãi đề nghị.

Đầu tư cao, doanh nghiệp có mặn mà?

Theo tính toán của các chuyên gia, suất đầu tư cho điện khí sẽ cao hơn điện than. Tuy nhiên, giá điện vẫn phải nằm trong khung giá của nhà nước. Điều này đặt ra một thực tế là có thể doanh nghiệp sẽ không mặn mà đầu tư do lợi nhuận thấp.

Tuy nhiên, bà Ngô Thúy Quỳnh cho rằng, đã là thị trường thì phải chấp nhận rủi ro và nhìn về tương lai. Khi thiếu điện thì thị trường buộc phải cạnh tranh.

"Trước mắt thì doanh nghiệp phải chấp nhận khó khăn hơn các nhà máy nhiệt điện than nhưng nếu tìm được nguồn khí giá rẻ ví dụ từ Mỹ vận chuyển về Việt Nam thì điện khí sẽ rất thuận lợi", bà Ngô Thúy Quỳnh nói.

Về phía Bộ Công Thương đã trình Chính phủ chính sách chuyển ngang giá LNG nhập về sang giá điện để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư. Thủ tướng đã giao Bộ Công Thương xây dựng đề án về thị trường khí. "Chúng tôi đã xây dựng đề án năng lượng cạnh tranh, cân bằng giữa dầu, khí và điện. Ngày mai, Thứ trưởng Bộ sẽ chủ trì họp xem xét thẩm định dự thảo", bà Quỳnh cho biết.

Đại diện Vụ Dầu khí và Than cho biết thêm: Hiện rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài hợp tác với PV Gas, EVN để đầu tư điện khí. Việc phân bố các nhà máy điện sẽ phải phù hợp với quy hoạch năng lượng nói chung.

Về mối lo phát sinh giấy phép con, bà Ngô Thúy Quỳnh cho biết, quy định giấy phép đã có sẵn và sẽ không tạo mới giấy phép. Đó là điều kiện kinh doanh khí, phải đủ điều kiện thì Bộ Công Thương mới cấp giấy phép.

Hoàng Dương/Báo Tin tức
Không đủ cơ sở phê duyệt Trung tâm điện lực Long An sử dụng nhiên liệu khí hóa lỏng
Không đủ cơ sở phê duyệt Trung tâm điện lực Long An sử dụng nhiên liệu khí hóa lỏng

Chiều 20/9, ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở Công Thương Long An cho biết, Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tỉnh kiến nghị quy hoạch Trung tâm điện lực Long An với nhiên liệu khí hóa lỏng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN