Kiểm tra DN đa cấp phải đảm bảo chính xác, minh bạch

Trả lời báo chí xung quanh việc chậm công bố kết quả thanh tra sai phạm tại các doanh nghiệp bán hàng đa cấp, chiều 12/7, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết lãnh đạo Bộ cũng mong muốn sớm công bố nhưng vẫn phải đảm bảo tính chính xác, minh bạch.

Thưa Thứ trưởng, tại sao quyết định kiểm tra 7 công ty bán hàng đa cấp (BHĐC) đã có từ tháng 3 mà đến nay mới có kết quả kiểm tra của 4 công ty?

Thời gian kiểm tra dài hơn dự kiến vì bên cạnh việc kiểm tra nội dung vi phạm hành chính đơn thuần thì cần làm rõ các vấn đề về phương thức kinh doanh đa cấp, tổ chức mạng lưới bán hàng, kí kết hợp đồng… Đây là những việc đòi hỏi nhiều thời gian khiến việc kiểm tra kéo dài hơn dự kiến.

Tuy nhiên, xét về tổng thể thời gian thì không quá dài. Hiện đã có kết quả với 4 DN và 1 DN đang ở giai đoạn cuối. Nếu trừ đi các ngày nghỉ thì mỗi DN chỉ có 15 ngày để kiểm tra làm việc trong khi một số nội dung phải về tận các tỉnh để kiểm tra.

Mong muốn của lãnh đạo Bộ Công Thương là có kết quả sớm hơn nhưng chất lượng kiểm tra vẫn rất quan trọng. Do đó, chúng tôi không quy định chặt chẽ thời gian, miễn là bảo đảm kiểm tra hết các lĩnh vực và đưa ra kết luận rõ ràng, chính xác.

Tại sao vẫn chưa có kết luận đối với 3 công ty BHĐC lớn là Thiên Ngọc Minh Uy, Amway và Unicity, thưa ông?

Với công ty Thiên Ngọc Minh Uy, tiến trình kiểm tra đã đi vào giai đoạn cuối. Hiện chúng tôi đang làm rõ các đơn thư khiếu nại đã nhận được. Chỉ khi nào hết đơn khiếu nại mới có kết quả kiểm tra chính thức. Đối với công ty TNHH Unicity, trước đó, Cục Quản lý cạnh tranh đã kiểm tra công ty này và xử phạt 110 triệu đồng. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, một DN không thể bị kiểm tra quá 1 lần trong 1 năm nên Bộ Công Thương đã cân nhắc rất kĩ và quyết định loại công ty ra khỏi đợt kiểm tra lần này. Mặt khác kể từ khi bị xử phạt, chúng tôi không nhận thêm bất kì đơn khiếu nại nào về sai phạm của Unicity. Còn công ty Amway, chúng tôi sẽ kiểm tra từ ngày 18/7 tới.

Tháng 5/2016, đoàn Kiểm tra liên ngành tỉnh Vĩnh Long thu giữ hàng hoá vi phạm của Công ty CP thương mại - dịch vụ Hoàng Long Việt vì có hành vi kinh doanh theo phương thức đa cấp nhưng không đăng ký hoạt động với cơ quan nhà nước. Ảnh: Huỳnh Kim Phượng – TTXVN

Vi phạm của các công ty diễn ra trong thời gian dài mới bị phát hiện. Vậy liệu có phải Bộ Công Thương và Sở Công Thương các địa phương đã buông lỏng quản lý sau khi cấp phép cho hoạt động BHĐC hay không?

Chúng ta phải căn cứ vào chức năng của Bộ và các sở. Chức năng của Bộ Công Thương là cấp giấy chứng nhận đăng ký BHĐC và sau đó kiểm tra. Ngay sau khi tiếp nhận nhiệm vụ này về Bộ thì 6 tháng sau chúng tôi đã kiểm tra và kiểm tra thường xuyên. Quan điểm của chúng tôi là sai phạm đến đâu xử lý đến đó. Nếu vi phạm hành chính thì xử lý hành chính, nếu vi phạm nghiêm trọng hơn thì sẽ chuyển cho cơ quan chức năng xử lý cấp cao hơn.

Các Sở Công Thương vừa qua cũng đã triển khai kiểm tra theo chỉ đạo của Bộ trưởng. Mọi người làm rất tích cực. Từ tháng 1/2016 đến nay, các sở đã xử phạt 42 công ty, kể cả công ty đã được cấp giấy chứng nhận BHĐC và công ty chưa được cấp giấy chứng nhận. Tổng số tiền phạt là 2,8 tỷ đồng. Đã có sự phân công phối hợp giữa Bộ và các sở để việc kiểm tra hiệu quả hơn.


Thưa ông, đối với những người dân đóng tiền vào các công ty BHĐC mà chưa nhận hàng và muốn đòi lại tiền thì Bộ Công Thương có hỗ trợ gì không?

Chúng ta cần phân định rõ hai đối tượng tham gia BHĐC. Thứ nhất là những người tham gia thực sự mong muốn trở thành người BHĐC. Họ đóng tiền vào công ty và nhận hàng nhưng nay có mong muốn trả lại hàng cho công ty để lấy lại tiền. Trong trường hợp đó, nếu công ty từ chối không nhận lại hàng và không có lý do chính đáng thì Bộ Công Thương sẽ vào cuộc bảo vệ đến cùng quyền lợi của người tham gia.

Đối tượng thứ hai cũng tham gia mạng lưới nhưng không phải người BHĐC thực sự. Họ tham gia mạng lưới BHĐC nhưng không bán sản phẩm. Họ đưa tiền cho công ty đa cấp rồi ngồi chờ khoản tiền lãi do doanh nghiệp BHĐC hứa hẹn. Quan hệ này không phải là quan hệ BHĐC. Do đó, khi có tranh chấp xảy ra giữa các bên với nhau thì cần xử lý bằng các quy định khác của pháp luật. Ví dụ tranh chấp dân sự thì đưa ra tòa dân sự. Còn người dân cho rằng doanh nghiệp có dấu hiệu lừa đảo thì có thể báo cơ quan điều tra để xử lý hình sự.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!


Hoàng Dương (ghi)
Công bố hàng loạt sai phạm kinh doanh đa cấp
Công bố hàng loạt sai phạm kinh doanh đa cấp

Ngày 11/7, Bộ Công Thương đã công bố kết quả thanh tra, kiểm tra việc chấp hành hoạt động kinh doanh đa cấp tại nhiều doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này và đã phát hiện nhiều sai phạm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN