Lãnh đạo tỉnh Bình Phước 'trần tình' về việc 70 km có đến 3 trạm thu phí

Liên quan đến đơn "kêu cứu" của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bình Phước phản ánh thực trạng các trạm thu phí BOT dày đặc trên địa bàn tỉnh, ngày 4/4, UBND tỉnh Bình Phước đã có cuộc đối thoại với giữa các bên, bao gồm: Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bình Phương; các chủ đầu tư dự án BOT và các sở, ban ngành chức năng.

Sự kiện do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Huỳnh Anh Minh chủ trì. 

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Huỳnh Anh Minh phát biểu tại buổi đối thoại.

Theo đơn của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bình Phước, tuy Bình Phước là tỉnh nghèo nhất cả nước nhưng hiện nay lại có nhiều trạm thu phí nhất cả nước với mật độ dày đặc các trạm thu phí trên hai tuyến đường Quốc lộ 13 và đường ĐT 741.

Chỉ tính riêng trên đường ĐT 741 từ thị xã Phước Long đến TP Hồ Chí Minh có chiều dài khoảng 150 km nhưng có tới 6 trạm thu phí là: Phước Long - Bù Nho, Bù Nho - Đồng Xoài (hai trạm nằm trong đoạn đường khoảng 46 km), Đồng Xoài - Tân Lập 29 km, Tân Lập - Bố Lá 30 km, Bố Lá - Suối Giữa 58 km và Suối Giữa - Lái Thiêu cách nhau 17,2 km.

Trong khi đó, trên tuyến Quốc lộ 13 từ huyện Chơn Thành đến cửa khẩu quốc tế Hoa Lưu đặt 2 trạm thu phí. Trên Quốc lộ 14 đoạn qua Bình Phước đặt 1 trạm thu phí. Đó là chưa tính kế hoạch xây dựng thêm tuyến đường BOT mới nối từ Đồng Phú - Bình Dương.

Theo ông Võ Quang Thuận, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bình Phước, việc có quá nhiều trạm thu phí đang khiến phát sinh mâu thuẫn lợi ích giữa doanh nghiệp vừa và nhỏ đối với các đơn vị đầu tư kinh doanh trạm thu phí BOT. Các đơn vị BOT khi đầu tư thì buộc phải có lãi, nhưng việc có quá nhiều trạm thu phí lại khiến sản phẩm của các doanh nghiệp phải gánh chịu thêm quá nhiều chi phí và làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Theo tính toán của hiệp hội, mỗi sản phẩm sản xuất ra ở Bình Phước tính từ đầu vào đến khi đầu ra phải chịu đến 24 lần thu phí khi đi qua 6 trạm BOT trên đường ĐT 741 từ Bình Phước đến TP Hồ Chí Minh. Doanh nghiệp mỗi lần nhập hàng về chuyên chở qua 6 trạm thu phí phải chịu mất phí tới 12 lần. Hàng sản xuất xong và chở đi tiêu thụ lại chịu thêm 12 lần phí nữa. Tổng cộng 24 lần phí đã kéo theo giá thành sản phẩm lên rất cao.

Ông Thuận cho rằng, thực trạng quá dày đặc các trạm thu phí còn là “rào cản” trong việc kêu gọi thu hút các doanh nghiệp về Bình Phước đầu tư sản xuất, kinh doanh. Đây cũng là một trong những nguyên nhân kìm hãm việc cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Bình Phước.

Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bình Phước kiến nghị cần làm rõ thêm tính bất cập về thời hạn thu phí quá dài đối với các trạm thu phí BOT hay bất cập về khoảng cách giữa các trạm thu phí còn chưa hợp lý; chất lượng đường xấu nhưng vẫn thu phí; đồng thời, Hiệp hội cũng kiến nghị các chủ đầu tư BOT xem xét lại mức giá thu phí để tạo điều kiện cho doanh nghiệp sử dụng dịch vụ cũng như người dân…

Tại buổi đối thoại, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Phước Nguyễn Anh Tuấn cho biết, xét về tổng thể việc hình thành đường BOT đã tạo ra mạng lưới giao thông đồng bộ kết nối thông thương giữa Bình Phước với các tỉnh, thành trong vùng kinh tế động lực phía Nam và khu vực Đông Nam Bộ. Theo đó, tạo điều kiện cho Bình Phước thu hút đầu tư và đã có hàng trăm doanh nghiệp về đầu tư sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Hiện tại, các trạm thu phí theo hình thức đầu tư BOT vẫn duy trì như hợp đồng đã ký kết, không phát sinh trạm phụ để đạt được sự đồng thuận của người dân và doanh nghiệp vận tải.

Đại diện UBND tỉnh Bình Phước, Phó Chủ tịch Huỳnh Anh Minh cho biết cũng rất trăn trở với sự phát triển của tỉnh về BOT. Theo ông Minh, sau khi chia tách tỉnh với Bình Dương, Bình Phước là tỉnh nghèo, điều kiện quá khó khăn, nhất là đường sá không thuận lợi. Để kết nối giao thông tốt như hiện nay tỉnh phải huy động các nguồn lực đầu tư vào hình thức BOT. Theo đó, việc đầu tư BOT phải bắt buộc thu phí đề bù lại nguồn vốn đã đầu tư.

Việc đầu tư BOT đã tạo sự khác biệt, phát huy hiệu quả về đường đi thuận lợi, rút ngắn khoảng cách với các tỉnh bạn nên cũng làm lợi cho cộng đồng, cho xã hội, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế; trong đó, có nhiều thuận lợi, cho doanh nghiệp đầu tư về Bình Phước nhiều hơn. 

Ông Minh cho rằng, đầu tư cơ sở hạ tầng rất cần thiết nhất là hạ tầng giao thông kết nối toàn tỉnh. Trong điều kiện khó khăn, hỗ trợ từ ngân sách Trung ương có hạn nên kêu gọi đầu tư BOT là rất cần thiết. Đến nay, các dự án đầu tư  BOT Bình Phước còn rất khó khăn, nhà đầu tư phần nhiều còn lỗ. Ông Minh giải thích về mật độ dày trạm thu phí là do từng giai đoạn đầu tư. Vì khó khăn, nên tỉnh kêu gọi đầu tư từng khúc đoạn đường ĐT 741 và vì lẽ đó trên 70 km có đến 3 trạm thu phí.  

Ông Minh kêu gọi doanh nghiệp và các bên chia sẻ những khó khăn chung. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đang tính toán một số giải pháp như tới đây sẽ không chấp thuận việc các trạm thu phí tăng giá; đồng thời, xem xét giảm giá phí theo quy định cho các đối tượng là người dân sống trong khu vực lân cận.

Riêng đối với đoạn đường xấu mà vẫn thu phí, hiện nay tỉnh đang yêu cầu đơn vị thi công mở rộng làn đường, nâng cấp vỉa hè, ánh sáng và đầu tư đồng bộ để đáp ứng phương tiện khi tham giao thông thuận lợi như đoạn BOT từ Đồng Xoài đến Tân Lập huyện Đồng Phú đang nâng cấp mở rộng mỗi bên thêm 1 làn xe.

Giải thích thêm về việc đầu tư đường BOT mới từ Đồng Phú - Bình Dương liệu có làm gia tăng thêm gánh nặng phí cho doanh nghiệp và người dân, ông Huỳnh Anh Minh cho biết con đường trên được đầu tư mới 100% không xây dựng trên tuyến đường cũ có sẵn.

Theo đó, dự án đường BOT Đồng Phú - Bình Phước là dự án để thúc đẩy kinh tế- xã hội tại địa phương cho vùng kém phát triển. Về mức phí sẽ có quy định bằng giá với các tuyến đường khác; theo đó doanh nghiệp và người dân có quyền chọn lựa dịch vụ bất kỳ trên các tuyến đường BOT nào mà đảm bảo không tăng thêm thu phí…

Tin, ảnh: Dương Chí Tưởng (TTXVN)
Trao trả hơn 1,7 tỷ đồng bị cướp cho trạm thu phí cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây
Trao trả hơn 1,7 tỷ đồng bị cướp cho trạm thu phí cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây

Ngày 4/4, Công an tỉnh Đồng Nai tổ chức trao số tiền hơn 1,7 tỷ đồng cho đại diện trạm thu phí cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Đây là số tiền mà trạm thu phí cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây bị cướp vào ngày 7/2.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN