Ngành chăn nuôi trước sức ép cạnh tranh - Bài cuối: Đẩy mạnh tái cơ cấu

Khi Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) dự kiến ký kết trong năm nay và Hiệp định Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) có hiệu lực vào năm 2015, ngành chăn nuôi được dự báo sẽ chịu sức ép cạnh tranh rất lớn. Ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT đã trao đổi với phóng viên báo Tin Tức về sự chuẩn bị và trọng tâm phát triển của ngành chăn nuôi trong những năm tới.

Ông Hoàng Thanh Vân

´Xin ông cho biết, trong thời gian tới, ngành chăn nuôi sẽ đối mặt với những khó khăn nào?


Năm 2013, ngành chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là những biến động về giá cả. Trong khi giá nguyên liệu đầu vào cho chăn nuôi luôn có xu hướng tăng cao thì giá bán đầu ra lại giảm khiến người chăn nuôi trong nước liên tục đối mặt với nguy cơ thua lỗ. Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm như dịch: lở mồm long móng, lợn tai xanh, cúm liên tục hoành hành.

Một hộ chăn nuôi lợn sinh sản và lợn thương phẩm ở xã Đông Quang (huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa) thực hiện theo qui trình khép kín, an toàn dịch bệnh.


Thời gian tới, khi Hiệp định TPP được ký kết, sức ép cạnh tranh đối với các sản phẩm chăn nuôi trong nước sẽ còn tăng cao. Hiện nay, giá sản phẩm chăn nuôi trong nước cao hơn giá sản phẩm nhập khẩu cùng loại. Đây là những thách thức rất lớn đối với ngành chăn nuôi mà nếu không kịp thời có những giải pháp đối phó sẽ dẫn tới hậu quả nghiêm trọng.

 

´Vậy ngành chăn nuôi đã có chuẩn bị gì cho quá trình hội nhập sắp tới, thưa ông ?

 

Trong thời gian tới, cần phải tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành chăn nuôi. Trong đó, tập trung cao nhất vào hai khía cạnh là nâng cao chất lượng con giống trong cả sản xuất nông hộ lẫn sản xuất trang trại. Cùng với đó là tạo ra hành lang pháp lý, hàng rào kỹ thuật để tăng cường quản lý các loại giống đang lưu hành trên địa bàn cả nước.


Cụ thể, chúng tôi sẽ có những biện pháp nhằm động viên, thúc đẩy doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu khoa học nghiên cứu chọn tạo giống và nhập các loại giống tiên tiến trên thế giới về để lai tạo ra bộ giống tốt, từng bước tạo điều kiện giúp sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam có sức cạnh tranh tốt hơn. Trong năm 2013, chất lượng đàn giống đã được chú trọng và nâng lên một bước. Tuy nhiên, cần tiếp tục đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để tạo ra những bộ giống tốt, từ đó sẽ có cơ sở phát triển ngành chăn nuôi bền vững từ gốc.


Theo tính toán của người chăn nuôi, để có một con lợn thịt xuất chuồng khoảng 1 tạ, người chăn nuôi phải bỏ ra từ 3,8 - 4 triệu đồng chi phí đầu vào, trong đó riêng thức ăn chăn nuôi chiếm đến hơn 70%. Hiện nay, thức ăn chăn nuôi gia súc vẫn phụ thuộc quá lớn vào nguyên liệu nhập khẩu. Do đó, cần có biện pháp chủ động tốt hơn nguồn nguyên liệu cho sản xuất thức ăn gia súc để nâng cao hiệu quả sản xuất chăn nuôi. Mặt khác, công tác giám sát, phòng chống dịch bệnh cũng được tăng cường nên đã phát hiện và khống chế tốt dịch bệnh, không để xảy ra dịch bệnh trên phạm vi lớn.

 

´Thúc đẩy chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học có phải là hướng đi mới của ngành chăn nuôi không, thưa ông?


Hiện nay, ngành chăn nuôi đã chỉ đạo để áp dụng hình thức chăn nuôi mới là chăn nuôi hữu cơ theo hướng an toàn sinh học và chăn nuôi theo quy trình VietGap.


Trong chăn nuôi hữu cơ sử dụng thức ăn hỗn hợp bằng biện pháp lên men sinh học cũng như đệm lót chuồng bằng công nghệ sinh học để tránh ô nhiễm môi trường. Do vậy, sản phẩm chăn nuôi hữu cơ được thị trường đánh giá rất cao. Tuy nhiên, chăn nuôi hữu cơ mới bước đầu được áp dụng theo quy mô nông hộ. Thời gian tới, nếu nhu cầu thị trường tăng cao cần rút kinh nghiệm để chỉ đạo thực hiện ở nhiều vùng trong cả nước.


Ưu điểm của chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học là giảm tỷ lệ mắc bệnh ở gia súc, gia cầm và góp phần cung cấp nguồn thực phẩm an toàn, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Chăn nuôi an toàn cũng sẽ giúp tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm chăn nuôi trong nước đối với sản phẩm nhập ngoại.


Lê Nghĩa - Hữu Vinh (thực hiện)


(Mời xem toàn bộ loạt bài trên trang web: baotintuc.vn)

Ngành chăn nuôi trước sức ép cạnh tranh - Bài 1: Nguy cơ thua trên sân nhà
Ngành chăn nuôi trước sức ép cạnh tranh - Bài 1: Nguy cơ thua trên sân nhà

Ngành chăn nuôi trong nước sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn và mức độ cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu ngày càng khốc liệt khi Việt Nam ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương trong năm nay 2014 và Hiệp định Khu vực mậu dịch tự do ASEAN có hiệu lực vào năm 2015.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN