Nguồn nhân lực chất lượng cao phải đáp ứng được yêu cầu thực tiễn

Trong khi chờ đợi một khái niệm chuẩn mực thế nào là nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế của thành phố Hải Phòng, nhiều ý kiến cho rằng, nguồn nhân lực chất lượng cao chính là đội ngũ lao động đáp ứng được yêu cầu khắt khe của các doanh nghiệp có quy mô sản xuất, kinh doanh toàn cầu.

Chú thích ảnh
Ứng viên trả lời câu hỏi của nhà tuyển dụng trong ngày hội việc làm của Khu Công nghiệp DEEP C, ngày 19/7/2020. Ảnh: Minh Thu/TTXVN

Cung chới với theo cầu

Nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp nằm trong Khu kinh tế Hải Phòng là nơi rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo Cục thống kê Hải Phòng về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), từ đầu năm đến ngày 15/11/2020, toàn thành phố có 68 dự án cấp mới với tổng vốn đầu tư hơn 1.020 triệu USD và 38 dự án điều chỉnh tăng vốn với số vốn tăng là 365,82 triệu USD. Lũy kế đến ngày 15/11/2020, Hải Phòng có 753 dự án có vốn đầu tư FDI còn hiệu lực. 

Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đến đầu tư, kinh doanh là một trong những nguồn lực quan trọng thúc đẩy kinh tế, xã hội của thành phố Hải Phòng phát triển. 

Theo báo cáo của Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng, các công ty tại Khu Kinh tế đã đóng góp hơn 60% tổng giá trị sản xuất công nghiệp, hơn 70% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn thành phố, tạo việc làm cho hơn 140.000 lao động Việt Nam và hơn 3.000 lao động nước ngoài.

Theo nghị quyết Đại hội Đảng bộ Hải Phòng lần thứ XVI, thành phố phấn đấu đến năm 2025 có thêm 15 khu công nghiệp và 23 cụm công nghiệp đạt các tiêu chuẩn hiện đại; trở thành trung tâm cảng biển, dịch vụ logistics trọng điểm quốc gia và quốc tế. Thành phố xây dựng, phát triển khu du lịch Cát Bà, Đồ Sơn, Vũ Yên trở thành trung tâm du lịch quốc tế, phát huy các giá trị di sản văn hóa, lịch sử, đưa Hải Phòng trở thành trung tâm du lịch lớn của cả nước. Như vậy, nguồn nhân lực chất lượng cao tiếp tục là nhu cầu cấp thiết của thành phố.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp đầu tư tại Hải Phòng ít có cơ hội tuyển dụng trực tiếp nguồn nhân lực đạt yêu cầu thực tiễn. Các doanh nghiệp khi tuyển dụng nhân lực mới thường phải tổ chức các khóa đào tạo để người lao động tiếp cận nhanh nhất với hoạt động của công ty. Đối với đội ngũ chuyên gia hoặc lao động lành nghề, lãnh đạo công ty sẽ dần chuyển giao vị trí chủ chốt khi họ tin tưởng năng lực, trình độ, đạo đức của người kế nhiệm.

Trợ lý Tổng Giám đốc Công ty TNHH Bluecom Vina Trần Văn Tú cho biết, Công ty này có 100% vốn Hàn Quốc, thành lập từ năm 2014 và từ đó đến nay, đội ngũ cán bộ chủ chốt đều do Công ty "mẹ" đưa sang hoặc được tuyển dụng thông qua các đơn vị môi giới nhân lực. Đối với lao động phổ thông, Công ty có nhiều hình thức tuyển dụng từ đăng tin trực tuyến, thông qua các sàn giao dịch việc làm hoặc qua sự kết nối giữa các công ty trong thời gian các doanh nghiệp điều chỉnh nguồn lao động phù hợp với nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Số lượng nhân lực ở Hải Phòng dù thời điểm này không còn dồi dào nhưng vẫn chưa quá khan hiếm. Chất lượng nguồn nhân lực là vấn đề rất cần quan tâm.

Ông Trần Văn Tú phân tích, không ít công nhân của công ty có bằng cao đẳng, đại học, nhưng lại thiếu các kỹ năng mềm như tuân thủ kỷ luật của công ty, hành xử với cấp trên và đồng nghiệp. Về năng lực chuyên môn, khi tuyển dụng, công ty hầu như phải đào tạo lại vì kiến thức, kỹ năng thực hành các em học tại trường chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu thực tế.

Lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hải Phòng cũng đồng tình, nguồn nhân lực có kỹ năng, tay nghề mới bước đầu đáp ứng nhu cầu nhân lực kỹ thuật trực tiếp sản xuất phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của thành phố, trong đó có thu hút đầu tư nước ngoài.

Theo ông Dương Đình Ổn, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hải Phòng, thành phố có 56 cơ sở giáo dục nghề nghiệp gồm 16 trường cao đẳng, 14 trường trung cấp, 12 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, 14 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên và các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp khác. Các trường, trung tâm, cơ sở này đóng góp quan trọng giúp tăng tỉ lệ lao động qua đào tạo.

Tuy nhiên, ông Dương Đình Ổn cũng cho biết, Hải Phòng vẫn thiếu các nhà khoa học, chuyên gia trình độ cao, đội ngũ quản lý, nhà kinh doanh giỏi, lao động tay nghề cao. Bên cạnh đó, thành phố còn thiếu cân đối trong đào tạo. Tỷ lệ tuyển sinh trình độ cao đẳng, trung cấp chỉ mới chiếm 17-18% tổng số tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp hằng năm. Nhiều ngành nghề mới, thị trường rất cần, nhưng vẫn chưa được tổ chức đào tạo hoặc đào tạo với quy mô nhỏ như logistics, công nghệ hàn. Người lao động vẫn thiếu kỹ năng mềm, chưa đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài.

Cần tiêu chí về nguồn nhân lực chất lượng cao

Chú thích ảnh
Dây chuyền sản xuất thiết bị điện tử tại Công ty TNHH Bluecom Vina, khu công nghiệp Tràng Duệ,  Hải Phòng. Ảnh minh họa: Danh Lam/TTXVN

Tại cuộc làm việc với Liên đoàn Lao động thành phố Hải Phòng về vấn đề lao động, công đoàn, Phó Bí thư Thành ủy Hải Phòng Đỗ Mạnh Hiến cho biết, thời gian tới, thành phố tập trung phát triển kinh tế dựa vào 3 trụ cột chủ yếu: công nghiệp công nghệ cao; cảng biển, logistics; du lịch - thương mại. Muốn thực hiện thành công, không thể thiếu sự đóng góp của người lao động. Để phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư, điều quan trọng trước mắt phải có đội ngũ lao động có tác phong công nghiệp, đúng giờ, tuân thủ kỷ luật làm việc. Nguồn lao động tốt là yếu tố tăng sức hấp dẫn, thu hút nhà đầu tư và là động lực đưa kinh tế, xã hội thành phố phát triển.

Phó Bí thư Đỗ Mạnh Hiến yêu cầu Liên đoàn Lao động thành phố Hải Phòng phối hợp với các ngành liên quan quan tâm, bồi dưỡng, tạo nguồn lao động theo tiêu chí này và minh chứng bằng kết quả cụ thể trong thời gian tới.
Mới đây, tại cuộc hội thảo về chuyển đổi số trong doanh nghiệp, ông Ko Tae Yeon, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Heesung Electronics Việt Nam- người từng là đại diện của LG Electronics đến đàm phán với Hải Phòng để nghiên cứu và triển khai dự án của LG cũng đề xuất, thành phố Hải Phòng nên có những buổi làm việc cụ thể với các doanh nghiệp về vấn đề nhân lực. Chuyển đổi số trong doanh nghiệp hay nguồn nhân lực chất lượng cao phụ thuộc vào nhiều yếu tố chứ không đơn giản là vấn đề người lao động biết sử dụng một vài trang thiết bị hiện đại.

Ở góc độ đào tạo, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Hải Phòng Lâm Tuyết Chinh chia sẻ, từ trung ương đến địa phương chưa đưa ra các tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể, thế nào là nguồn nhân lực chất lượng cao. Nếu không bám vào các tiêu chí, các đơn vị thực thi rất khó để tập trung triển khai.

Theo ý kiến của ông Trần Văn Tú, để có nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp, trước hết cần định hướng nghề nghiệp cho học sinh rõ ràng; có cơ sở chứng minh để các em và gia đình các em thấy, việc học nghề vẫn có tương lai và cơ hội. Các trường nghề cũng chủ động kết nối với doanh nghiệp, tạo cơ hội để sinh viên, học viên có tiếp cận máy móc, trang thiết bị hiện đại. Dù ở môi trường làm việc nào, tinh thần cầu thị, thái độ nghiêm túc, trung thực, chịu khó học hỏi luôn là tiêu chí quan trọng để nhà tuyển dụng lựa chọn ứng viên.

Minh Thu (TTXVN)
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao vùng dân tộc thiểu số, miền núi
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao vùng dân tộc thiểu số, miền núi

"Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững" là chủ đề Hội thảo do Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Ủy ban Dân tộc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phối hợp với tỉnh Sơn La tổ chức ngày 13/9, tại huyện Mộc Châu (Sơn La).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN