Phát triển cây trồng bền vững: Liên kết đẩy mạnh xây dựng cánh đồng lớn

Trong bối cảnh hội nhập, ngành nông nghiệp Đồng Nai nói riêng và cả nước nói chung cần nhanh chóng khắc phục những hạn chế, bất cập lâu nay trong thực tiễn sản xuất.

Chú thích ảnh
Trồng quýt tại huyện Tân Phú, Đồng Nai. Ảnh: BTT

Vấn đề quan trọng nhất là phải giải được bài toán mất cân đối cung – cầu, sản xuất sạch, mở rộng thị trường. Thực tế cho thấy, nhờ liên kết xây dựng cánh đồng lớn, hình thành hợp tác xã nông nghiệp sản xuất theo tiêu chuẩn sạch, an toàn mà nhiều mặt hàng nông nghiệp ở Đồng Nai đã có đầu ra ổn định, nông dân – doanh nghiệp – Nhà nước cùng hưởng lợi.

Hơn 2 năm qua, trong khi đa số người trồng hồ tiêu trên địa bàn Đồng Nai rơi vào cảnh lao đao, thua lỗ vì giá mặt hàng này liên tục lao dốc thì hơn 750 hộ trồng tiêu tại huyện Cẩm Mỹ (Đồng Nai) vẫn bán được tiêu với giá cao hơn thị trường. có được điều này do họ đã liên kết với Hợp tác xã Nông nghiệp Lâm San (đóng tại xã Lâm San, huyện Cẩm Mỹ) triển khai cánh đồng lớn trồng hồ tiêu sạch để xuất khẩu sang châu Âu.

Ông Nguyễn Văn Quang, nông dân trồng tiêu tại xã Lâm San cho hay, khi tham gia dự án cánh đồng lớn trên cây tiêu, nông dân được Hợp tác xã Nông nghiệp Lâm San bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn thị trường từ 10.000 đồng – 20.000 đồng (tùy chất lượng tiêu). Nhờ hợp tác xã mua giá cao nên nông dân tham gia dự án không bị lỗ dù giá tiêu xuống thấp.

Ba năm qua, cứ đến mùa là gia đình ông Nguyễn Quý Tuân, ấp 9, xã Gia Canh, huyện Định Quán tập trung thu hoạch ca cao mà không cần quan tâm đến giá bán trên thị trường. Nguyên nhân, vì năm 2016 ông Tuân tham gia dự án cánh đồng lớn trên cây ca cao do Công ty Trách nhiệm hữu hạn ca cao Trọng Đức (Công ty Trọng Đức – huyện Định Quán) chủ trì.

Khi liên kết, ông được doanh nghiệp ký hợp đồng thu mua ca cao với giá 6.300 đồng/kg. Thực tế từ năm 2016 đến nay, năm nào giá ca cao ông bán cho Công ty Trọng Đức cũng cao hơn từ 1.000 – 2.000 đồng so với thị trường.

Ông Nguyễn Quý Tuân chia sẻ: “Trước đây, giá ca cao lên xuống rất thất thường, có khi chỉ được 2.000 đồng/kg. Nếu Công ty Trọng Đức không triển khai cánh đồng lớn thì có lẻ gia đình tôi đã chặt bỏ hết ca cao để chuyển sang trồng loại cây khác. Người làm nông nghiệp lo nhất là thiếu thị trường tiêu thụ, bị ép giá. Khi liên kết với doanh nghiệp, nỗi lo này được giải quyết, tôi rất yên tâm sản xuất”.

Trong khi đa số người trồng chuối già hương cấy mô ở Đồng Nai phụ thuộc vào thương lái với thị trường xuất khẩu tiểu ngạch là Trung Quốc, thì tháng 4/2018 đến nay, Hợp tác xã thương mại, dịch vụ, nông nghiệp Quyết Tiến (Hợp tác xã Quyết Tiến - huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai) đã xuất khẩu được 500 tấn chuối già hương cấy mô sang Hàn Quốc và Trung Quốc theo đường chính ngạch.

Ông Phạm Thanh Đồng, Giám đốc Hợp tác xã Quyết Tiến cho biết, Hợp tác xã Quyết Tiến có hàng chục xã viên với khoảng 100 ha chuối già hương. Để xuất khẩu chuối hợp tác xã phải xây dựng hệ thống sơ chế, làm sạch chuối và kho lạnh bảo quản; trồng chuối theo bộ theo tiêu chuẩn sạch. Theo đó, mọi công đoạn từ làm đất, xuống giống, bón phân, phun thuốc đều được ghi nhật ký để phục vụ truy xuất nguồn gốc; chỉ sử dụng đồng nhất một số loại thuốc bảo vệ thực vật nhất định trên toàn bộ diện tích. Do chuối hợp tác xã đạt chuẩn nên đối tác nước ngoài ký hợp đồng thu mua. Hàn Quốc và Trung Quốc có nhu cầu chuối già hương rất lớn, hợp tác xã đã quyết định mở rộng vùng nguyên liệu thêm 200 ha.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai, hiện Đồng Nai có 18 dự án cánh đồng lớn được UBND tỉnh phê duyệt thực hiện với tổng diện tích gần 6.000 ha và gần 5.000 hộ tham gia. Đây là con số rất khiêm tốn, chỉ chiếm gần 2% diện tích đất canh tác của tỉnh (Đồng Nai có 400.000 ha đất canh tác). Toàn tỉnh có gần 150 hợp tác xã nông nghiệp; trong đó có một số hợp tác xã sản xuất theo tiêu chuẩn sạch.

Ông Huỳnh Thành Vinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai cho biết, việc liên kết xây dựng dự án cánh đồng lớn, tập hợp nông dân vào hợp tác xã để sản xuất theo tiêu chuẩn sạch mang lại hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, ở Đồng Nai dự án cánh đồng lớn chưa nhiều, ít mô hình hợp tác xã nông nghiệp sản xuất sạch. Nguyên nhân là do doanh nghiệp và nông dân chưa tìm được tiếng nói chung, thiếu thị trường tiêu thụ, sự hỗ trợ của nhà nước chưa tương xứng, diện tích đất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, bình quân chỉ đạt 1,8 ha/trang trại.

Để nông nghiệp phát triển bền vững, Đồng Nai đang kêu gọi nông dân, doanh nghiệp tăng cường liên kết, đơn giản các thủ tục, tạo thuận lợi cho người làm nông nghiệp tiếp cận chính sách ưu đãi về vốn, đất đai; phối hợp với các đại sứ quán, tham tán thương mại của Việt Nam tại nước ngoài để thực hiện dự báo thị trường, nhất là các sản phẩm mà tỉnh có thế mạnh.

Theo ông Vinh, khi cơ quan nhà nước làm tốt công tác dự báo, các doanh nghiệp, hợp tác xã nắm bắt được nhu cầu của thị trường họ sẽ mạnh dạn hơn trong việc liên kết với nông dân để xây dựng cánh đồng lớn, sản xuất sạch. Trong xây dựng chuỗi liên kết, hợp tác xã có lợi thế lớn về đất đai, cũng như vai trò quan trọng trong tập hợp nông dân, hướng xã viên sản xuất theo một quy trình chung, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.

Nhằm nâng cao chất lượng của hợp tác xã, thời gian tới, Đồng Nai sẽ đề ra chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho những người quản lý hợp tác xã tham gia các lớp tập huấn, nâng cao trình độ; tham gia các đoàn xúc tiến thương mại trong và ngoài nước.

Công Phong (TTXVN)
Phát triển cây trồng bền vững: Thất bại bởi phát triển manh mún, tự phát - Bài 1
Phát triển cây trồng bền vững: Thất bại bởi phát triển manh mún, tự phát - Bài 1

Những năm gần đây, nền nông nghiệp Đồng Nai dù dành được một số thành công song cũng bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN