Phát triển năng lượng tái tạo - Bài cuối: Ứng dụng điện Mặt trời ở Bà Rịa - Vũng Tàu

Thành phố Bà Rịa - Vũng Tàu là nơi có tiềm năng lớn để phát triển điện Mặt trời do nằm trong khu vực có bức xạ Mặt trời mạnh, dao động từ 4,0 kWh đến 6,3 kWh/m2/ngày; cường độ bức xạ Mặt trời trung bình khá cao (đạt 1.350 - 1.450 kWh/m2/năm). Chính vì vậy, điện Mặt trời đang được khuyến khích đầu tư phát triển tại đây.

Chú thích ảnh
Lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời trên mái nhà, phục vụ hoạt động kinh doanh. Ảnh: baobariavungtau.com.vn 

Sử dụng nguồn năng lượng sạch

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Giám đốc Công ty Điện lực (PC) Bà Rịa - Vũng Tàu, là đơn vị tiên phong trong việc ứng dụng hiệu quả giải pháp sử dụng nguồn năng lượng sạch, PC Bà Rịa - Vũng Tàu đang hướng tới hình ảnh một đơn vị có môi trường làm việc hiện đại, thân thiện, với nguồn năng lượng xanh, sạch, đẹp, tiết kiệm và hiệu quả.

Kể từ khi đưa vào khai thác hệ thống điện năng lượng Mặt trời lắp mái hòa lưới trực tiếp (tháng 7/2016), trung bình mỗi tháng sản lượng điện nhận từ nguồn điện này của Văn phòng Công ty là 7.533 kWh, trong đó sản lượng trung bình ngày 342 kWh, đạt thời lượng 60%. Hệ thống điện năng lượng Mặt trời của Công ty được thiết kế lắp đặt trên mái của tòa nhà văn phòng có tổng diện tích trên 1.160 m², công suất lắp đặt là 140 kWp, với chi phí đầu tư gần 4,9 tỷ đồng (khoảng 35 triệu đồng/kWp).

“Sau 6 tháng đưa vào vận hành khai thác (từ tháng 7 - 12/2016), sản lượng điện nhận từ nguồn năng lượng Mặt trời là 45.198 kWh, trong đó tháng 8/2016 có sản lượng điện nhận cao nhất 8.642 kWh. Do hệ thống điện năng lượng Mặt trời của Công ty là hệ thống hòa lưới trực tiếp (không sử dụng bộ tích điện) nên có chi phí đầu tư và bảo dưỡng thấp, độ bền cao. Đặc biệt, dễ dàng nâng cấp mở rộng hệ thống nếu sau này có nhu cầu”, ông Trần Thanh Hải cho biết thêm.

Kỹ sư Đỗ Hữu Hiền, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, để tiết kiệm khi lắp đặt điện Mặt trời, người tiêu dùng không nên lắp công suất lớn quá nhu cầu sử dụng, đầu tư tốn kém mà không hiệu quả. Điện dư ra chỉ có thể bán cho điện lưới quốc gia. Hiện tại, Công ty điện lực mua 2.086 đồng/kWh, nhưng có thể sau này giá mua sẽ giảm. Một gia đình chỉ nên lắp đặt một hệ thống điện Mặt trời khoảng 1 - 3kWp. Với hệ thống 1kWp, chi phí đầu tư khoảng 25 triệu, diện tích cần để lắp đặt khoảng 5 m2. Một ngày tiết kiệm được khoảng 4,5 số điện (khoảng 10.000 đồng) (tức là một năm tiết kiệm được khoảng 3,6 - 4 triệu đồng).

Cùng một hệ thống điện năng lượng Mặt trời nhưng ở các khu vực khác nhau sẽ cho công suất và hiệu quả đầu tư sẽ khác. Ví dụ, đầu tư một hệ thống điện năng lượng Mặt trời với công suất 1 kWp, thời gian hoàn vốn tại Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên là 7 - 8 năm thì tại miền Bắc có thể lên đến 10 - 12 năm do hệ số bức xạ Mặt trời ở miền Bắc thấp hơn. Ở cùng vị trí, lắp đặt tại mặt đứng (tại hướng Nam, Đông Nam hay Tây Nam) hiệu suất chỉ bằng 60 - 80% so với lắp trên mái. Sau khoản đầu tư ban đầu, để sử dụng điện Mặt trời, các hộ gia đình không phải tốn thêm chi phí về sau. Tuy vậy, nên vệ sinh tấm pin năng lượng Mặt trời định kỳ cho khỏi dính bụi bẩn để hệ thống đạt hiệu suất cao nhất.

Giải pháp tiết kiệm

Nhận thức việc sử dụng điện Mặt trời không chỉ tiết kiệm tiền điện mà còn góp phần bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, đầu năm 2017, khi đầu tư trang thiết bị máy móc để làm tiệm bánh, bà Phạm Tường Vân, chủ tiệm bánh Tường Vân, 439 Trương Công Định, phường 7, thành phố Vũng Tàu đã chi thêm hơn trăm triệu đồng để đầu tư hệ thống điện năng lượng Mặt trời 5KW phục vụ cho việc kinh doanh, sản xuất của gia đình do PC Bà Rịa - Vũng Tàu lắp đặt.

Sau hơn 1 năm sử dụng, bà Vân phấn khởi: “Toàn bộ thiết bị dùng trong gia đình tôi đều sử dụng điện năng lượng Mặt trời cả. Những ngày nắng to thì hệ thống điện năng lượng Mặt trời thu về 25 kWh, ngày không nắng lắm cũng thu được 20 kWh, đủ dùng cho gia đình, phần còn lại có thể bán lại cho Nhà nước”.

Nói về lý do lắp hệ thống điện năng lượng Mặt trời, bà chia sẻ: “Tôi đã tham khảo và tìm hiểu ở nhiều nước trên thế giới và thấy được lợi ích của việc sử dụng điện từ nguồn năng lượng tự nhiên này. Thành phố Vũng Tàu có nhiều nắng, lượng nhiệt nhiều, vậy tại sao mình không áp dụng để tiết kiệm nguồn năng lượng quốc gia và bảo vệ môi trường. Chính vì thế, khi kinh doanh tiệm bánh này, tôi đã yêu cầu bên xây dựng phải chú trọng thiết kế sân thượng để tôi có thể lắp đặt hệ thống điện Mặt trời. Từ ngày sử dụng điện Mặt trời, mỗi tháng gia đình tôi sử dụng điện kinh doanh sản xuất thoải mái mà vẫn tiết kiệm được hơn 80% tiền điện so với trước đây”.

Anh Nguyễn Văn Khoa, phường Thắng Nhì, thành phố Vũng Tàu cho rằng, với hệ thống công suất 3.3 kwp sẽ phát ra khoảng 380 kwh/tháng, tiết kiệm gần một triệu đồng mỗi tháng, đồng thời, giàn pin năng lượng Mặt trời cũng giúp chống nóng bức xạ Mặt trời hấp thụ lên sàn bê tông. Hệ thống có chức năng theo dõi online giúp theo dõi được lượng điện phát ra cũng như theo dõi được thời tiết tại nhà những lúc đi vắng.

Ngoài ra, các hộ gia đình còn được Nhà nước khuyến khích tặng thưởng Hộ gia đình sử dụng giải pháp tiết kiệm năng lượng (trị giá 1,8 triệu đồng). Theo anh Khoa, khi hộ gia đình sử dụng hệ thống điện năng lượng Mặt trời, đơn vị lắp đặt sẽ xuống tận nơi để khảo sát và tư vấn lắp đặt. Tùy vào diện tích và vị trí nhà, công ty lắp đặt sẽ đưa ra số lượng tấm pin và chi phí đầu tư sao cho phù hợp. Đồng thời, ngành điện sẽ đến nhà để lắp đặt công tơ hai chiều giúp thực hiện việc mua bán điện từ hệ thống điện Mặt trời nối lưới.

Diệu Thúy (TTXVN)
Phát triển năng lượng tái tạo - Bài 1: Thách thức với các dự án điện Mặt trời
Phát triển năng lượng tái tạo - Bài 1: Thách thức với các dự án điện Mặt trời

Việc tìm kiếm các giải pháp để phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng xanh đang trở nên vô cùng quan trọng và điện Mặt trời đã trở thành một giải pháp hiệu quả không chỉ trước mắt, mà về lâu dài còn góp phần tích cực vào đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN