Quản lý chất lượng mật ong rừng U Minh Hạ

Mật ong nguyên chất vùng U Minh Hạ từ lâu đã khẳng định được vị thế thương hiệu và được bán tại nhiều siêu thị, nhà hàng, khách sạn và phân phối khắp cả nước. Hàng ngàn người dân sống dưới tán rừng có nguồn thu ổn định với nghề nuôi ong lấy mật.

Mật ong là đặc sản tự nhiên truyền thống của miệt rừng vùng U Minh Hạ, có hàm lượng dinh dưỡng cao, được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể “Mật ong U Minh Hạ” vào ngày 22/12/2011.

Trải qua nhiều sự biến thiên, ăn ong (nghề lấy mật ong) đã không còn đơn thuần chỉ là nghề sinh nhai mà đó còn là nét văn hóa, niềm tự hào rất đặc trưng của con người vùng U Minh Hạ Cà Mau mà không nơi nào có được. Từ đó, ý thức về nghề cũng dần hình thành qua năm tháng khi giá trị mật ong dần được khẳng định và là nguồn thu chính của nhiều gia đình sống dưới tán rừng. 

Đi lấy mật ong rừng tràm U Minh. Ảnh: Báo Đất Mũi

Thế nhưng, hiện có rất nhiều nguồn mật ong với danh xưng “mật ong U Minh” được bán tràn lan trên thị trường, không rõ nguồn gốc xuất xứ khiến cho người tiêu dùng rất khó phân định được thật giả, gây ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu mật ong chính gốc. 

Ông Nguyễn Minh Chất, ấp 1 xã Khánh Thuận, huyện U Minh chia sẻ, mùa khô cũng là mùa cao điểm khai thác mật, bởi chất lượng mật ong rất tốt. Mùa mưa thì chất lượng có giảm đi vì bông tràm có chứa nước mưa. Nhưng cái vị của mật ong U Minh thì không bao giờ lẫn đi đâu được, mùi thơm cùng dư vị đăng đắng của bông tràm khiến cho mật ong vùng U Minh nức tiếng xa gần từ nhiều chục năm qua. 

“Thế nhưng, cái khó cho người nuôi ong ở đây là nguồn đầu ra chưa ổn định, thường bán cho nhiều thương lái từ nơi khác đến vẫn là chủ yếu. Qua tay họ, chất lượng mật ong U Minh còn nguyên chất hay không thì rất khó kiểm soát”, ông Chất bày tỏ. 

Tại ấp 4, xã Khánh Bình Tây Bắc có gần 50 hộ chuyên sống bằng nghề ăn ong. Qua tìm hiểu, những hộ này đa phần bán mật ong theo kiểu nhỏ lẻ mà chưa có kênh phân phối sản phẩm ổn định.

Anh Nguyễn Văn Gọn, một nông dân có kinh nghiệm nuôi ong cho biết, mỗi năm người ăn ong ở đây có thể thu hoạch từ 70 - 100 lít mật nguyên chất. Thế nhưng, đầu ra chỉ bán cho nhiều người quen, còn lại thì bán cho những người từ nơi khác đến. Vì thế mà nạn mật ong giả cũng rất nhiều. 

“Mật ong trôi nổi bây giờ nhiều lắm, phải có người quen biết sống tại vùng U Minh Hạ thì nhờ mua mật ong nguyên chất mới yên tâm. Như nhà tôi, lấy ong từ vườn nhà ra sao thì tôi bán như vậy, mình đâu có biết pha chế để bán khác đi. Nhưng thương lái thì thường pha nhiều tạp chất để tăng lợi nhuận. Chỉ khi nào để tủ lạnh mật đông lại thì mới biết là mật ong giả”, bà Ngân, ấp Vồ Dơi, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời cho biết. 

Trong vai một người tìm mối thu mua mật ong, phóng viên đã tìm hiểu nhiều điểm bán mật ong nhỏ lẻ từ vùng U Minh Hạ đến thành phố Cà Mau. Qua đó, mỗi nơi đều có giá bán khác nhau và hình thức mật ong cũng rất khác nhau. 

Một điểm bán mật ong tại thị trấn U Minh, người bán mật ở đây cho biết: Có nhiều loại giá bán, muốn rẻ cũng có nhưng đồng nghĩa với chất lượng sẽ giảm. 
Vấn đề đặt ra là tại thủ phủ của vùng mật ong U Minh Hạ, thị trường mật ong từ nhiều năm qua chưa được các ngành chức năng tỉnh Cà Mau giám sát một cách chặt chẽ, qua đó, những số liệu, thống kê về tình trạng chất lượng mật ong được bán trôi nổi trên thị trường vẫn còn bỏ ngỏ. 

Qua bàn tay cần mẫn của người thợ ăn ong cùng sự ưu đãi của thiên nhiên đã tạo ra sản phẩm mật ong trứ danh từ đất rừng vùng U Minh Hạ. Tuy nhiên, sự phức tạp của thị trường mật ong hiện nay khiến người tiêu dùng rất khó để tìm được sản phẩm có chất lượng. Do đó, các cơ quan chức năng cần có những biện pháp cần thiết không chỉ để giữ gìn, phát triển một thương hiệu mà còn bảo tồn được bản sắc về đất và người Cà Mau. 
Huỳnh Thế Anh
Cần bảo vệ thương hiệu mật ong rừng tràm
Cần bảo vệ thương hiệu mật ong rừng tràm

Từ lâu, mật ong rừng tràm U Minh Thượng (Kiên Giang) được coi là loại mật ong tốt nhất trong vùng, do đàn ong chỉ hút nguồn mật ngọt tự nhiên từ hoa tràm để sản sinh ra. Chính vì thế, giá của loại mật ong này cũng khá cao, giá bán tại chỗ trung bình khoảng 200.000 đồng/lít.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN