Sẽ điều chỉnh việc đồng bộ biển quảng cáo

Việc đồng bộ hóa biển hiệu tại đường Lê Trọng Tấn (Hà Nội) đang trong quá trình thí điểm nhưng đã có nhiều ý kiến trái chiều. Theo các chuyên gia kiến trúc và xây dựng, phải để người dân đóng góp ý kiến, trên cơ sở đó lắng nghe và điều chỉnh cho phù hợp rồi tiếp tục nhân rộng ra các tuyến phố khác.

Luật không giới hạn về màu sắc

“Cần tôn trọng sự đa dạng trong thống nhất”. Đó là quan điểm của kiến trúc sư (KTS) Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Kiến trúc Hà Nội khi trao đổi với phóng viên Tin Tức về việc “đồng phục hóa” biển hiệu quảng cáo trên mặt tiền tuyến phố Lê Trọng Tấn (Thanh Xuân, Hà Nội).

Biển hiệu quảng cáo trên tuyến phố kiểu mẫu Lê Trọng Tấn chỉ có hai màu xanh, đỏ.


Vị KTS này cho rằng, đây là chủ trương tốt của chính quyền nhằm xử lý tình trạng quảng cáo bát nháo trên đường phố Hà Nội hiện nay. Tuy nhiên, ông Hanh góp ý về cách làm của Hà Nội chưa ổn. “Việc thiết kế đồng bộ nhưng phải gắn với kiến trúc của phố. Tôi được biết đây mới chỉ là thí điểm. Chính quyền cần lắng nghe thêm ý kiến của người dân để điều chỉnh vì một số người cho biết, họ nhất trí thay đổi biển hiệu là do chưa hiểu rõ cách làm này của thành phố”.

“Về mặt kinh doanh đã có quy định về biển hiệu, nếu can thiệp sâu quá vào kinh doanh, tự do sáng tạo là không nên. Khu phố hiện đại thể hiện ở trật tự trong giao thông, vỉa hè, cây xanh... chứ không nên theo kiểu này. Đồng bộ hóa biển quảng cáo sẽ không còn một thành phố sáng tạo, năng động nữa”.

TS kinh tế Đinh Thế Hiển

Theo ông Hanh, việc thống nhất kích cỡ biển hiệu quảng cáo vẫn cần có “khoảng mở” về màu sắc, hoa văn… để chủ các cửa hàng được sáng tạo biển hiệu cho mình. Nói cách khác là tôn trọng sự đa dạng trong thống nhất.

Theo nhiều KTS, việc các biển hiệu ở một tuyến phố chỉ có một kích thước, màu sắc sẽ tạo nên sự đơn điệu bởi mục đích của quảng cáo là phải giới thiệu được sản phẩm đến người tiêu dùng nên mỗi doanh nghiệp, nhà kinh doanh đều có những cách thức để tiếp cận khách hàng tốt nhất, bắt mắt nhất.

Chưa kể việc quy định biển quảng cáo chỉ có hai màu xanh, đỏ là chưa đúng quy định tại khoản 1 Điều 34 Luật Quảng cáo. Theo đó, ngoài các nội dung phải thể hiện trên biển hiệu như tên cơ quan chủ quản trực tiếp (nếu có); tên cơ sở sản xuất kinh doanh theo đúng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; địa chỉ, điện thoại thì tổ chức, cá nhân căn cứ vào vị trí, diện tích của biển hiệu để thể hiện các thông tin về logo, biểu tượng, ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh. Như vậy không có quy định giới hạn về màu sắc.

Mời thêm chuyên gia góp ý

Theo KTS Trần Huy Ánh (Hội KTS Việt Nam): “Tôi đã có mặt tại nhiều thành phố lớn trên thế giới như Paris, Copenhagen, Stockhom, Tokyo, Singapore… nhưng quả thực tôi chưa thấy thành phố nào có biển hiệu dài hàng trăm mét dọc phố có hai màu xanh đỏ”.

Vị KTS này bày tỏ quan điểm: Một thành phố dù có bề dày văn hóa - lịch sử nhưng vẫn phải khuyến khích sự phát triển năng động, sáng tạo. Đường phố kiểu mẫu cũng cần hội đủ sự sáng tạo, đa dạng. “Về việc trang trí đường phố, Hà Nội có nhiều chuyên gia kiến trúc, văn hóa, lịch sử, mỹ học có kinh nghiệm và nặng lòng với Hà Nội, họ sẵn sàng đóng góp nếu như những nhà quản lý thực lòng lắng nghe”, KTS Trần Huy Ánh nhấn mạnh.

Còn ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, cho rằng, biển quảng cáo là diện mạo thẩm mỹ, văn hóa vì thế cần có sự hài hòa, đồng bộ. Một số nước như Pháp đã quy định biển quảng cáo cùng kích cỡ với 4 màu khác nhau. “Hà Nội cần sớm hoàn thiện bộ tiêu chí chung về tuyến đường kiểu mẫu để dễ dàng nhân rộng và quản lý”, ông Nghiêm kiến nghị.

Theo đại diện quận Thanh Xuân, nguồn kinh phí lắp dựng biển hiệu tại phố Lê Trọng Tấn được huy động từ nguồn xã hội hóa, người dân không phải bỏ tiền ra làm. Trước khi triển khai đồng bộ hóa hệ thống biển hiệu tại đây, UBND quận Thanh Xuân đã lấy ý kiến của nhân dân và đa phần người dân ủng hộ. Trước những ý kiến của dư luận về màu sắc quy định chưa phù hợp với một số thương hiệu lớn, lãnh đạo quận cho biết sẽ xin ý kiến thành phố để điều chỉnh cho phù hợp.


Bài và ảnh: Hoàng Dương
Vẫn tôn trọng logo các thương hiệu trên đường Lê Trọng Tấn
Vẫn tôn trọng logo các thương hiệu trên đường Lê Trọng Tấn

Sau khi thành phố Hà Nội khánh thành tuyến phố Lê Trọng Tấn, được xem là tuyến phố mẫu trên nhiều phương diện, đã xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều về việc lắp đặt biển quảng cáo hai bên đường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN