Tăng năng lực quản lý và kiểm toán trong lĩnh vực năng lượng

Ngày 20/8, Dự án Hỗ trợ kỹ thuật ngành năng lượng Việt Nam – EU (Dự án EVEF) đã phối hợp với Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững – Bộ Công Thương tổ chức hội thảo trực tuyến tham vấn về đề xuất cải tiến chương trình đào tạo và cấp chứng chỉ cho cán bộ quản lý năng lượng và kiểm toán viên năng lượng theo định hướng học tập suốt đời.

Chú thích ảnh
Nhà máy điện mặt trời Cư Jút tại tỉnh Đắk Nông. Ảnh minh họa: Ngọc Minh/TTXVN

Ông Markus Bissel, Trưởng hợp phần hiệu quả năng lượng Dự án năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng – Tổ chức hợp tác phát triển Đức GIZ Việt Nam cho rằng, để đảm bảo duy trì và nâng cao chất lượng quản lý năng lượng, kiểm toán năng lượng, cần nghiên cứu và xây dựng mô hình đào tạo và cấp chứng chỉ theo định hướng “học tập suốt đời“ trong lĩnh vực quản lý năng lượng và kiểm toán năng lượng. Điều này sẽ giúp các học viên cập nhật liên tục kiến thức để cải thiện năng lực quản lý và kiểm toán năng lượng. 

Theo ông Đặng Hải Dũng, Phó Chánh văn phòng Tiết kiệm năng lượng, Vụ Tiết kiệm Năng lượng và Phát triển Bền vững (Bộ Công Thương), việc quản lý và kiểm toán năng lượng sẽ giúp cho doanh nghiệp và nhà nước chủ động hơn trong hoạch định việc sử dụng năng lượng hiệu quả.

Hiện nay, với sự tham gia của các công nghệ mới, các công nghệ sản xuất, vận hành cũng liên tục thay đổi. Do vậy, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và hỗ trợ các nhà quản lý năng lượng, Bộ Công Thương sẽ cùng với GIZ tìm ra các phương thức hiệu quả trên thế giới cho nhà quản lý năng lượng.

“Việc triển khai mô hình “học tập suốt đời”, cập nhật liên tục là cần thiết để sau khi chứng nhận lần đầu sẽ tiếp tục hỗ trợ người quản lý năng lượng tiếp cận các công nghệ, quy định mới về năng lượng”, ông Đặng Hải Dũng nói.

Theo báo cáo tại hội thảo, các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại Việt Nam hiện nay tập trung nhiều vào lĩnh vực công nghiệp với 3.006 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm vào năm 2019; trong đó, có 2.441 cơ sở thuộc lĩnh vực sản xuất công nghiệp.

Theo Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm theo danh sách ban hành hàng năm của Thủ tướng Chính phủ bắt buộc bổ nhiệm cán bộ quản lý năng lượng, được cơ quan có thẩm quyền cấp chứng nhận và thực hiện kiểm toán năng lượng bắt buộc 3 năm một lần. Như vậy, cán bộ quản lý năng lượng và kiểm toán viên năng lượng có một vai trò quan trọng đóng góp vào hiệu quả sử dụng năng lượng của Việt Nam.

TS. Nguyễn Đặng Minh, đại diện Công ty Vietnam Technology Solutions cho hay, hiện nay, về cơ bản các quy định liên quan điều kiện tham gia cấp chứng chỉ đã được quy định khá rõ ràng và đầy đủ. Các chứng chỉ này được cấp 1 lần. Những năm qua, có nhiều cơ sở, đơn vị đào tạo được cấp phép, nhưng mỗi đơn vị triển khai theo các bước không đồng nhất. Điều này dẫn đến chất lượng đầu ra người học không đồng đều và rủi ro cho người học.

TS Nguyễn Đăng Minh thông tin, tại các quốc gia như: Nhật Bản, Đức, Đan Mạch…, họ yêu cầu ngoài bằng đại học, cao đẳng liên quan cần có 3 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực năng lượng. Ngoài ra, các nước này đều có khuyến khích về mô hình học tập suốt đời, như: đào tạo trực tuyến hàng năm, các khóa tư vấn và đào tạo nâng cao…

Do vậy, TS. Nguyễn Đăng Minh đề xuất, Bộ Công Thương cần ban hành quy trình mới, cập nhật kèm theo các tài liệu hướng dẫn thực hiện quy trình, giúp các đơn vị đào tạo triển khai và thực hiện quy trình đào tạo một cách đồng bộ.

Bộ Công Thương cũng cần viết lại giáo trình và các bài giảng. Bởi, giáo trình và tài liệu giảng dạy hiện nay được làm 10 năm; bổ sung các nội dung về phương pháp quản lý năng lượng và các giải pháp tiết kiệm năng lượng trong các hệ thống sử dụng nhiều năng lượng.

“Đặc biệt, Bộ Công Thương cần quy định thời hạn của chứng chỉ nhằm khuyến khích người học cập nhật thông tin mới. Nên để thời hạn 5 năm và sau đó, phải tham gia khóa đào tạo liên quan công nghệ mới, quy định mới... để được cấp đổi”, TS Minh nói.

Theo khảo sát của nhóm các chuyên gia, hiện nay các phần học về thực hành, hệ thống nhiệt và lò hơi công nghiệp đạt số điểm thấp… Lý do được các học viên đưa ra là do thời lượng chưa hợp lý với học phần có khối lượng kiến thức lớn; nội dung đào tạo chưa trực quan, thiếu nội dung minh họa…

Khảo sát cũng cho thấy, có 46% ý kiến đề nghị giữ nguyên như hiện nay về giá trị và hiệu lực của chứng chỉ quản lý năng lượng là cấp 1 lần và không thời hạn; 23% cho rằng, cần tự động gia hạn 5 năm/lần. Số còn lại mong muốn gia hạn 5 năm và đảm bảo các điều kiện kèm theo...

Như vậy, có hơn 50% các học viên muốn tái cấp chứng chỉ và việc xét cấp đổi chứng chỉ được xem là cần thiết.

Nhiều ý kiến tại hội thảo cũng cho rằng, với tình hình công nghệ biến đổi nhanh như hiện nay, không nhất thiết phải chờ hết 5 năm mới tổ chức đào tạo lại mà có thể liên tục triển khai khi có sự thay đổi về công nghệ, hoặc sự thay đổi của thị trường.

Đức Dũng (TTXVN)
Việt Nam được đánh giá sẽ trở thành 'cường quốc năng lượng xanh' ở châu Á
Việt Nam được đánh giá sẽ trở thành 'cường quốc năng lượng xanh' ở châu Á

Ngày 19/8, trang tin công nghệ Techwire Asia có trụ sở tại Malaysia nhận định Việt Nam đã cho thế giới thấy khả năng thúc đẩy các giải pháp năng lượng sạch, với công suất lắp đặt điện Mặt Trời cao nhất Đông Nam Á, cam kết của chính phủ về thúc đẩy cung cấp năng lượng và nhu cầu mạnh mẽ về chất lượng không khí. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN