Tiền Giang: Biến Gò Công thành vùng trọng điểm xuất khẩu thủy sản

Qua 10 năm thực hiện Chiến lược biển Việt Nam gắn với an ninh quốc phòng, vùng Duyên hải Gò Công được Tiền Giang xác định là vùng nuôi thủy sản nước lợ và nước mặn trọng điểm của tỉnh, đảm bảo hậu cần cho ngành công nghiệp chế biến thủy hải sản có giá trị xuất khẩu, thu hút ngoại tệ xây dựng quê hương.

Chú thích ảnh
Rừng phòng hộ Gò Công. Ảnh: Minh Trí/TTXVN

Hàng năm, kim ngạch xuất khẩu thủy sản chế biến đạt trên 390 triệu USD, chủ yếu từ các mặt hàng chủ lực của vùng nuôi: tôm, nghêu… Còn trong 9 tháng qua, Tiền Giang đạt kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 1,99 tỷ USD; trong đó các mặt hàng thủy sản trên 250 triệu USD. Thủy sản chế biến của tỉnh được xuất sang trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, với những bạn hàng lớn như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Tây Ban Nha,…

Tiền Giang là địa phương có vị trí địa lý thuận lợi để phát triển ngành nuôi trồng thủy sản 32 km bờ biển với Vàm Soài Rạp trên sông Soài Rạp án ngữ ở mạn bắc và Vàm Cửa Đại trên hệ sông Tiền án ngữ ở mạn nam. Các huyện, thị nằm ven biển: thị xã Gò Công, huyện Gò Công Đông, huyện Gò Công Tây, huyện cù lao Tân Phú Đông.

Đặc biệt, hai huyện tiếp giáp biển Đông: Gò Công Đông và Tân Phú Đông có tiềm năng lớn về khai thác, nuôi trồng thủy sản nước lợ và nước mặn gắn với phát triển du lịch.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn, hiện diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh trên 15.800 ha; trong đó, nuôi trồng thủy sản nước lợ, mặn gần 9.750 ha, tập trung tại huyện, thị Duyên Hải phía Đông gồm: Gò Công Đông, Gò Công Tây, thị xã Gò Công, Tân Phú Đông.

Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang Nguyễn Văn Danh cho biết, nếu so với năm 2008, hiện diện tích mặt nước nuôi thủy sản nước lợ - mặn vùng Duyên hải tăng gấp 2,7 lần. Sản lượng từ nuôi trồng thủy sản gần 156.000 tấn cung ứng nhu cầu tiêu dùng và chế biến xuất khẩu; trong đó, sản lượng từ nuôi thủy sản lợ mặn trên 43.000 tấn gồm con tôm nguyên liệu đạt trên 23.000 tấn và nghêu thương phẩm gần 20.000 tấn. Nghêu là một trong những loại thủy sản phục vụ tiêu dùng và chế biến xuất khẩu của vùng Duyên hải Gò Công (Tiền Giang).

Thực hiện chủ trương mang tầm chiến lược, tỉnh quy hoạch, kiện toàn cơ sở vật chất hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản tại  những vùng nuôi tôm nước lợ, mặn khu vực Bắc Gò Công, Nam Gò Công, Cồn Cống… rồi mở rộng diện tích nuôi nhuyễn thể hai mãnh võ, đặc biệt là con nghêu ở ven biển Tân Thành, cồn Ông Liễu, cồn Ông Mão (huyện Gò Công Đông), cồn Ngang (huyện Tân Phú Đông).

Chú thích ảnh
Ao tôm siêu thâm canh tại huyện Tân Phú Đông. Ảnh: Hồng Nhung/TTXVN

Đồng thời, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tăng cường khuyến ngư, chuyển giao khoa học kỹ thuật, những biện pháp nuôi trồng thủy sản tiên tiến cho bà con nông dân. Qua đó, giúp nông dân vùng duyên hải làm chủ kỹ thuật nuôi, đảm bảo giành những vụ sản xuất bội thu, hạn chế dịch bệnh và rủi ro trong nghề nuôi làm thiệt hại cho bà con.

Trung tâm Khuyến nông (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tỉnh Tiền Giang đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển giao kỹ thuật, nâng cao trình độ sản xuất và thâm canh, phổ cập kiến thức nuôi thủy sản nước lợ, nước mặn thành công cho nông dân vùng duyên hải. Qua đó, nâng cao hiệu quả, giúp nông dân làm giàu nhanh.

Đơn cử như các mô hình trình diễn nuôi tôm sú hoặc tôm thẻ chân trắng an toàn sinh học, nuôi tôm sú kết hợp tôm thẻ, nuôi tôm thẻ kết hợp nuôi cá rô phi…

Nông dân Trần Quang Thành, cư ngụ tại xã Kiểng Phước, một xã ven biển của huyện Gò Công Đông trước đây nghèo khó, được tiếp cận những chủ trương, chính sách mới về phát triển nuôi trồng thủy sản giảm nghèo nông thôn, ông đã tích cực học hỏi kinh nghiệm và kiến thức khoa học, chuyển đổi 2 ha từ trổng lúa bấp bênh sang nuôi tôm sú kết hợp tôm thẻ chân trắng.

Nhờ làm chủ kỹ thuật nuôi và thời tiết, thủy văn thuận lợi, hầu như năm nào ông cũng bội thu, sản lượng mỗi năm đạt khoảng 10 tấn tôm thương phẩm, bán trừ chi phí còn lãi từ 700 triệu đồng đến hàng tỷ đồng/năm.

Hay như ông Lê Hoàng Ngân, sinh năm 1973, cư ngụ tại ấp Pháo Đài, xã Phú Tân, huyện cù lao Tân Phú Đông đang áp dụng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng kết hợp nuôi cá rô phi rất hiệu quả. Gia đình ông có 5 ao nuôi, tổng diện tích 2 ha trong đó có 2 ao sử dụng làm chức năng ao lắng và thả cá rô phi mật độ 5 con/m2 mặt nước. Các ao này có chức năng cấp nước cho các ao nuôi tôm. 3 ao còn lại dành để nuôi tôm.

Theo ông Lê Hoàng Ngân, với cách làm như trên, sau vụ nuôi tôm thẻ chân trắng 120 ngày, trung bình mỗi ao tôm ông bán trừ chi phí còn lãi ròng trên 150 triệu đồng chưa kể nguồn lợi cá rô phi thịt thu hoạch bán ra thị trường hàng năm.

Ông Trần Quang Thành (Kiểng Phước), Lê Hoàng Ngân (Tân Phú Đông)… là những nông dân thành đạt từ nghề nuôi tôm nước lợ - mặn ở vùng duyên hải Gò Công. Từ khi gắn bó với con tôm, kinh tế gia đình đã sang một trang mới tươi đẹp hẳn lên, không còn cảnh trồng lúa lam lũ, bán lưng cho trời, bán mặt cho đất như trước nữa.

Tại đây, huyện ven biển Gò Công Đông hiện đã có 5/11 xã được công nhận đạt chuẩn và ra mắt xã nông thôn mới. Huyện đang phấn đấu đến năm 2020 trở thành huyện đầu tiên của tỉnh Tiền Giang xây dựng thành công chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên phạm vi toàn huyện và ra mắt huyện nông thôn mới Gò Công Đông.

Từ đó cho thấy, phát huy tiềm năng, thế mạnh vùng duyên hải để nuôi thủy sản nước lợ - nước mặn là hướng đi đúng, cụ thể hóa Chiến lược biển gắn với bảo đảm an ninh quốc phòng, giúp diện mạo nông nghiệp – nông dân – nông thôn các địa phương ven biển thay đổi một cách toàn diện; đưa Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới sớm đạt thành công một cách mỹ mãn.

 

Minh Trí (TTXVN)
Trên 32 tỷ đồng thi công kè bảo vệ đê biển Gò Công
Trên 32 tỷ đồng thi công kè bảo vệ đê biển Gò Công

Tiền Giang đầu tư trên 32 tỷ đồng thi công công trình kè bảo vệ 831 m đê xung yếu thuộc hệ thống đê biển Gò Công.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN