Tiền Giang: Dự kiến đưa 14.700 ha mặt nước vào nuôi thủy sản

Năm nay, tỉnh Tiền Giang dự kiến đưa 14.700 ha mặt nước vào nuôi thủy sản, phấn đấu đạt sản lượng nuôi và khai thác trên 364.000 tấn thủy sản các loại phục vụ tiêu dùng, chế biến xuất khẩu.

Chú thích ảnh
Nuôi tôm thâm canh ở huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang). 

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, từ đầu năm đến nay, tỉnh đã đưa gần 6.300 ha vào nuôi thủy sản các loại, chủ yếu nuôi tôm sú, tôm thẻ, nuôi nhuyễn thể hai mảnh vỏ xuất khẩu ở các huyện, thị ven biển như: Gò Công Đông, Gò Công Tây, thị xã Gò Công, Tân Phú Đông. Cùng đó là nuôi tôm càng xanh, cá da trơn, các loại thủy sản nước ngọt khác ở vùng kiểm soát lũ phía Tây tỉnh… tạo thêm công ăn việc làm cho lao động nông thôn.

Trong 2 tháng đầu năm, tỉnh đã đạt sản lượng nuôi trồng và khai thác gần 42.000 tấn thủy sản các loại. Giá tôm thẻ chân trắng trên địa bàn cũng duy trì ở mức cao. Ghi nhận tại vùng nuôi huyện Tân Phú Đông, tôm thẻ chân trắng loại 30 con/kg có giá khoảng 230.000 đồng/kg, loại 40 con/kg có giá khoảng 190.000 đồng/kg, loại 100 con/kg có giá 82.000 đồng/kg.

Các loại thủy sản nuôi khác như tôm sú, cá da trơn… cũng tăng từ 10.000 đến 15.000 đồng/kg so với thời điểm cuối năm 2022. Với mức giá này, người nuôi thủy sản tại địa phương có lợi nhuận khá.

Hiện nay, tỉnh đang quan tâm phát huy tiềm năng nuôi thủy sản xuất khẩu ở các vùng sinh thái ngọt, mặn, lợ, giúp người dân tăng thêm nguồn thu nhập, ổn định sản xuất và đời sống vừa tạo nguồn nông sản hàng hóa phục vụ tiêu dùng, chế biến xuất khẩu.

Để nghề nuôi thủy sản phát triển bền vững, Tiền Giang tăng cường chuyển giao kỹ thuật, khuyến khích nông dân áp dụng khoa học công nghệ vào thâm canh, nhân rộng những mô hình nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao vừa thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai những địa bàn khó khăn như khu vực ven biển, vùng Đồng Tháp Mười, vùng kiểm soát lũ…

Trước mắt, tỉnh đã định hình được những vùng nuôi trồng thủy sản trọng điểm như vùng nuôi thủy sản Nam Gò Công, Bắc Gò Công, vùng nuôi theo mô hình tôm lúa ở Tân Phú Đông, vùng nuôi theo mô hình lúa cá ở xã Hậu Mỹ Bắc A (huyện Cái Bè), vùng sản xuất cá giống ở Tân Hội (thị xã Cai Lậy), xã Mỹ Hội (Cái Bè), mô hình nuôi tôm công nghệ cao ở vùng ven biển Gò Công…

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Tiền Giang, toàn tỉnh hiện có gần 300 ha nuôi tôm theo mô hình công nghệ cao, chiếm khoảng 15% trên tổng diện tích nuôi tôm thâm canh trong tỉnh.

Diện tích nuôi tôm công nghệ cao tập trung nhiều ở huyện Tân Phú Đông, huyện Gò Công Đông, huyện Gò Công Tây; trong đó, riêng huyện cù lao Tân Phú Đông hiện có khoảng 100 ha tôm nuôi công nghệ cao.

Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phú Đông Nguyễn Văn Hải cho biết, nuôi theo mô hình công nghệ cao, người nuôi đầu tư mỗi ha khoảng 1,5 tỷ đồng cho các khâu kiến thiết ao nuôi, kiện toàn cơ sở hạ tầng và công trình phụ trợ. Cụ thể, ao được lót bạt, có mái che và thiết kế liên hoàn từ ao lắng, ao trữ nước, ao chứa chất thải, ao nuôi theo từng giai đoạn... Năng suất tôm nuôi công nghệ cao đạt từ 40 tấn đến 45 tấn/ha, cao gấp nhiều lần so với nuôi tôm thâm canh.

Các huyện, thị vùng kiểm soát lũ đầu nguồn sông Tiền, tỉnh Tiền Giang đang phát triển mạnh nghề nuôi thủy sản nước ngọt mang lại hiệu quả kinh tế cao. Gần đây, nông dân các địa phương trên còn đưa thêm nhiều đối tượng thủy sản nước ngọt có giá trị kinh tế cao vào nuôi, tạo ra những mô hình sản xuất mới và hiệu quả như nuôi ếch đồng, nuôi lươn, nuôi rắn ri voi…

Ông Trần Thanh Long, ấp 6, xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy, nổi tiếng với mô hình nuôi rắn ri voi trong bể xi măng. Trên thừa đất chỉ rộng khoảng 500 m2, ông xây 3 hồ nuôi, mỗi hồ dài khoảng 2m và rộng 1m, diện tích 2m2/hồ. Trong hệ thống hồ, ông thả nuôi được chừng 300 con rắn ri voi bố mẹ.

Mỗi năm, ông Trần Thanh Long cung ứng hàng ngàn con giống cho nhu cầu nuôi rắn ri voi trong dân, thu hàng trăm triệu đồng trong đó lãi ròng trên 70% tổng thu.

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh, chuyển đổi sản xuất những địa bàn khó khăn từ độc canh cây lúa sang đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, vật nuôi hoặc nuôi thủy sản nước ngọt là hướng đi đúng, được khuyến khích. Từ đó, tạo nguồn nông sản hàng hóa có giá trị đáp ứng nhu cầu thị trường; thúc đẩy tiến trình đổi mới nông nghiệp - nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Tiền Giang cũng đang triển khai Đề án “Cắt vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và mùa vụ các huyện, thị phía Đông tỉnh giai đoạn 2020 – 2025” mà trọng tâm là chuyển đổi diện tích đất canh tác ven biển khó khăn sang mô hình thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai như: nuôi trồng thủy sản mặn, lợ, trồng rau màu, trồng cỏ chăn nuôi, xây dựng mô hình sản xuất VAC…

Thực hiện đề án, các huyện, thị ven biển phía Đông tỉnh đã có 55.754 ngàn ha cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng; trong đó, cắt vụ 48.427 ha, chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang nuôi thủy sản hoặc mô hình sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu trên 7.700 ha.

Bài và ảnh: Minh Trí (TTXVN)
Khuyến khích nông dân ven biển áp dụng mô hình nuôi thủy sản luân canh
Khuyến khích nông dân ven biển áp dụng mô hình nuôi thủy sản luân canh

Ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh đang khuyến khích hộ nông dân ở các khu vực vùng ven biển trong tỉnh không có đủ diện tích và điều kiện nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng theo mô hình công nghệ cao nên áp dụng mô hình nuôi thủy sản đa dạng luân canh, xen canh,… Bởi đây là mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu, hạn chế cao về rủi ro ô nhiễm môi trường nước và đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN