Trình Dự thảo Luật Trồng trọt tại kỳ họp thứ 6 vào tháng 10/2018

Ngày 23/8, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội thảo về Dự thảo Luật Trồng trọt.

Ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội chia sẻ, Dự thảo Luật Trồng trọt hướng tới khắc phục những hạn chế trong phát triển ngành trồng trọt thời gian qua; tạo hành lang phát triển ngành trồng trọt Việt Nam theo chuỗi giá trị, gắn với định hướng thị trường; đồng thời, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, phát huy lợi thế vùng miền; áp dụng công nghệ cao và bảo vệ môi trường.

Dự thảo luật được xây dựng với tinh thần chung là vì ngành trồng trọt, nông nghiệp phát triển bền vững, vì nông dân và doanh nghiệp chân chính. Dự thảo luật tiếp tục được lấy ý kiến rộng rãi của các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục tiếp thu, hoàn thiện để khi đưa luật vào cuộc sống sẽ tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động trồng trọt ở nước ta có bước phát triển mới.

Góp ý tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, luật nên nhấn mạnh hơn đến vấn đề sử dụng đất bền vững, bảo vệ chuỗi sinh thái và chính sách khuyến khích thực hiện trồng trọt bền vững. Đồng thời, dự thảo luật cần quy định nghiêm, chặt chẽ việc đưa các loại giống, phân bón từ nước ngoài vào Việt Nam.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoàng Anh, Quyền Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Giống cây trồng miền Nam cho rằng, luật cần làm rõ hơn nội dung về hạt giống chứ không chỉ tập trung vào cây giống. Công nghệ hạt giống ở nước ta thời gian qua chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức; sắp tới cần phát triển ngành công nghệ hạt giống, tạo điều kiện để có nhiều đơn vị khai thác lĩnh vực này.

Đánh giá cao việc luật hóa các quy định về quản lý phân bón thành một chương trong Dự thảo Luật Trồng trọt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam Lê Quốc Phong nêu ý kiến, các quy định đưa ra cần đảm bảo mục tiêu bảo vệ quyền lợi cho nông dân và nhà sản xuất chân chính.

Do đó, cần tính toán kỹ để các doanh nghiệp không bị thiệt thòi, còn người nông dân thực sự được hưởng lợi. Ông Phong đồng tình việc luật có nội dung quản lý chặt chẽ, đảm bảo quy chuẩn nhãn mác bao bì trong lĩnh vực phân bón; bao bì phải thể hiện đúng bản chất bên trong sản phẩm. Bởi, trên trên thị trường hiện nay nhãn mác bao bì chưa rõ ràng, khiến nông dân nhầm lẫn giữa loại này với loại khác.

Nhiều đại biểu quan tâm đến nội dung khảo nghiệm phân bón và cho rằng,việc đưa nội dung khảo nghiệm phân bón vào dự thảo luật là không cần thiết, bởi thực tế thời gian qua việc khảo nghiệm phân bón hiệu quả không cao nhưng mất nhiều thời gian và chi phí. Thay vào đó, nên quản lý chặt khâu hậu kiểm, bằng quy chuẩn chất lượng.

Một số đại biểu cho rằng, thời hạn công nhận lưu hành phân bón 5 năm là quá ngắn vì thực tế doanh nghiệp sản xuất phải mất từ 2 - 3 năm mới đưa được sản phẩm ra thị trường. Doanh nghiệp chưa kịp ổn định đã phải lo hồ sơ gia hạn công nhận lưu hành sản phẩm. Vì vậy, nên chăng điều chỉnh thời hạn này lên ít nhất 10 năm.

Dự thảo Luật Trồng trọt gồm 7 chương, 85 điều, quy định nhiều lĩnh vực trong hoạt động trồng trọt từ giống cây trồng, phân bón đến canh tác, thu hoạch, mua bán, sơ chế, chế biến, bảo quản… Dự kiến, Luật sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 6 vào tháng 10/2018.

Thu Hoài (TTXVN)
 Rà soát, không để phát sinh giấy phép con trong dự án Luật Trồng trọt
Rà soát, không để phát sinh giấy phép con trong dự án Luật Trồng trọt

Tiếp tục Phiên họp thứ 26, sáng 9/8, với sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Trồng trọt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN