Vực dậy thị trường xuất khẩu - Bài 2: Định vị, linh hoạt

Kinh tế thế giới hồi phục chậm, lạm phát tăng cao ở nhiều quốc gia khiến sức mua suy giảm đã tác động mạnh đến hoạt động sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam. Số liệu của Tổng cục thống kê cho hay, 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 164,45 tỷ USD, giảm 12,1% so với cùng kỳ năm trước.

Đâu sẽ là giải pháp cho doanh nghiệp vượt khó trong bối cảnh hiện nay? Phóng viên TTXVN đã ghi nhận ý kiến từ doanh nghiệp, bộ ngành liên quan đến vấn đề này.

Chú thích ảnh
Sản xuất hàng may mặc tại xí nghiệp may sơ mi, veston của Tổng Công ty May 10 tại Sài Đồng, Long Biên, Hà Nội. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN

* Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10: Định vị lại doanh nghiệp

Sáu tháng của năm 2023 và quý IV của 2022 là thời điểm khó khăn của nhiều doanh nghiệp; trong đó có May 10. Nhu cầu tiêu dùng toàn cầu giảm sút, cùng lạm phát tăng lên khiến nhiều doanh nghiệp trong ngành may mặc chỉ nhận được các đơn hàng nhỏ lẻ, với yêu cầu cao về chất lượng và thời gian. Nhưng đây là thế mạnh của Tổng công ty trong suốt nhiều năm qua, nên chúng tôi đã linh hoạt ứng phó.

Tuy vậy, May 10 vẫn phải định vị lại bản thân, bởi với những biến động liên tục của thị trường, đòi hỏi doanh nghiệp tập trung sâu hơn vào chất lượng sản phẩm, thị trường và quản trị, công nghệ, mô hình sản xuất, có sự tối ưu trong hoạt động.

Ngoài những thị trường xuất khẩu truyền thống như Mỹ, châu Âu và Nhật Bản, còn thị trường mới. Việt Nam đã có 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết nên thị trường mở rộng rất nhiều, như Nam Phi, châu Phi, Trung Đông, Trung Quốc, đều là những thị trường rất lớn, cần tập trung trong tương lai.

Không chỉ vậy, với cam kết về giảm phát thải CO2 tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), với yêu cầu xanh hóa sản xuất, May 10 cũng phải định vị lại công nghệ và sản xuất của mình. Chúng tôi buộc phải chuyển mình với công nghệ sản xuất xanh hơn, sử dụng nhiều năng lượng tái tạo, điện mặt trời mái nhà.

Việc sử dụng năng lượng tái tạo, tự nhiên đã và đang được May 10 chuyển dần từ các lò đốt than sang những lò đốt nguyên sinh khối, tiến tới đốt bằng điện và gas. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng tăng cường sử dụng điện áp mái mặt trời, hợp tác với tập đoàn năng lượng lớn để giảm chi phí đầu tư. Hiện May 10 có 2 dự án ở Bỉm Sơn, Thanh Hóa và tới đây sẽ triển khai tại Hà Quảng, Cao Bằng về điện mặt trời.

Tuy nhiên, những việc này liên quan rất lớn đến chi phí đầu tư, vì vậy cần có lộ trình thực hiện chuyển đổi xanh; trong đó, nguồn vốn ưu đãi, lãi suất là rất quan trọng. Bất kể doanh nghiệp nào cũng cần nguồn vốn để hoạt động, rất hi vọng Chính phủ có nhiều tín hiệu tích cực hơn nữa trong việc giảm lãi suất, thậm chí có những gói vay vốn với lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp vượt khó.

* Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung: Tranh thủ cơ hội với sản phẩm lợi thế

6 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vẫn còn giảm 11,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhận thấy rõ trong những tháng cuối năm làm sao tranh thủ các cơ hội, đẩy mạnh xuất khẩu với các nhóm hàng nông sản xuất khẩu đang có lợi thế, có giá trị xuất khẩu tăng mạnh như:  rau quả, gạo… Đồng thời, xử lý các vấn đề kỹ thuật, giải quyết khó khăn của sản xuất để đẩy mạnh xuất khẩu các nhóm hàng đang bị giảm mạnh như gỗ và thủy sản.

Lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo các đơn vị tập trung xử lý ngay các vấn đề vướng mắc, đẩy mạnh sản xuất với lâm nghiệp và thủy sản để đảm bảo nguồn cung và chất lượng, đáp ứng yêu cầu khi thị trường hồi phục.

Bên cạnh đẩy mạnh xúc tiến thương mại, ngành tiếp tục đàm phán để tháo gỡ rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại. Việc này đã được lãnh đạo Bộ giao cho các cục, vụ chuyên môn phối hợp chặt chẽ với các thị trường. Việc đàm phán để mở cửa thị trường xuất khẩu chính ngạch thêm nhiều nông sản vào thị trường truyền thống, các thị trường có tổng kim ngạch xuất khẩu lớn như: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... cần thực hiện nhanh chóng để tạo dư địa cho xuất khẩu.

Ngoài chỉ đạo về chuyên môn, Bộ sẽ phối hợp Bộ Công Thương, địa phương để có sự chỉ đạo chặt chẽ từ sản xuất đến thị trường để năm nay có thể đạt được mục tiêu xuất khẩu.

* Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex): Linh hoạt ứng phó

Những tháng qua của năm 2023, sức mua của các thị trường chính như Mỹ, châu Âu suy giảm mạnh, các yếu tố bất lợi của thị trường trên đà tiếp diễn, ngành dệt may Việt Nam đã trải qua thời gian “trầm lắng”. Khó khăn của tập đoàn thể hiện ở 2 lĩnh vực chính gồm ngành sợi và may.

Chú thích ảnh
Dây chuyền sản xuất sợi tại nhà máy của Công ty CP Vinatex Hồng Lĩnh. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Cụ thể, ngành sợi gặp những khó khăn kéo dài từ quý III/2022 đến nay do nhu cầu tiêu dùng thấp.

Ở ngành may, các đơn hàng nhỏ lẻ, manh mún, chưa bao giờ doanh nghiệp với hàng nghìn lao động phải nhận đơn hàng chỉ vài nghìn, thậm chí vài trăm sản phẩm như vừa qua. Đơn giá giảm rất mạnh, nhiều đơn vị sản xuất có giá gia công giảm tới 50%. Trước kia 1 chiếc sơmi có thể được 1,7 - 1,8 USD tiền gia công nhưng giờ chỉ còn một nửa. Bên cạnh đó, khách hàng đưa ra nhiều yêu cầu khắt khe hơn với các mặt hàng không đúng truyền thống, sở trường của doanh nghiệp.

Khó khăn như vậy nhưng chưa một đơn vị nào phải cho người lao động nghỉ việc vì không có đơn hàng. Để làm được việc đó, các đơn vị phải hết sức linh hoạt, chấp nhận làm đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng nhanh hơn, kỹ thuật cao hơn. Với ngành sợi cũng phải tìm kiếm các thị trường mới, linh hoạt hơn. Đặc biệt là đẩy nhanh chuyển đổi sử dụng các yếu tố xanh, xơ sợi tái chế…

Chúng tôi dự báo, những tháng còn lại của năm 2023, các khó khăn trên toàn cầu vẫn sẽ gây bất lợi cho xuất khẩu hàng của doanh nghiệp. Vinatex sẽ tập trung vào các giải pháp chính, gồm đẩy mạnh dự báo thị trường, hỗ trợ, đưa ra định hướng để các đơn vị có thể chủ động lên kế hoạch sản xuất.

Ngoài ra, tập đoàn cũng tổ chức sản xuất theo hướng linh hoạt, đáp ứng đơn hàng nhỏ lẻ, thay đổi nhanh, khó, thời gian gấp. Ngành may linh hoạt cơ cấu chuyển đổi mặt hàng để đảm bảo đơn hàng đáp ứng nhu cầu thị trường. Ngành sợi nghiên cứu các mặt hàng mới, thị trường mới để đón đầu xu hướng; phát triển đồng bộ về công nghệ và kỹ thuật cho ngành dệt nhuộm, nâng cao chất lượng sản phẩm; tập trung cho các chỉ tiêu xanh, sản xuất sạch, nguyên liệu và sản phẩm tuần hoàn…

Bài 3: Chuyển hướng thị trường

Đức Dũng - Bích Hồng (Thực hiện)
Vực dậy thị trường xuất khẩu - Bài cuối: Lấy lại đà tăng trưởng
Vực dậy thị trường xuất khẩu - Bài cuối: Lấy lại đà tăng trưởng

Mặc dù nền kinh tế đã có bước phục hồi từ một số động lực chính như việc ban hành các cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế nhưng xuất khẩu khó khăn, thị trường đang dần thu hẹp đang tạo ra áp lực không nhỏ với doanh nghiệp Việt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN