Xây dựng 'Gian hàng Việt' trên sàn thương mại điện tử

“Gian hàng Việt trực tuyến” có thể xem là một biện pháp giúp các doanh nghiệp Việt phục hồi sản xuất và tiếp cận thị trường qua phương thức phân phối hiện đại.

Doanh nghiệp vẫn gặp khó khi đưa hàng lên thương mại điện tử

Có mặt trên thị trường gần 10 năm nay, sản phẩm khăn Poêmy của Công ty CP Quốc tế VAG đã được phân phối tại hệ thống siêu thị uy tín như Big C, Aeon, các siêu thị "Mẹ và bé" và hàng ngàn siêu thị lớn nhỏ trong cả nước. Sản phẩm của công ty cũng được xuất sang các nước châu Âu...  Thế nhưng, đến bây giờ, sản phẩm của công ty mới bắt đầu được đưa lên các sàn thương mại điện tử.

Ông Hoàng Xuân Hải, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần quốc tế VAG cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 tác động nên năm qua nhiều cửa hàng đóng cửa, các siêu thị ưu tiên bán hàng thực phẩm nên doanh thu của công ty giảm rất nhiều. 

“Khi chúng ta bán hàng theo cách thông thường thì sẽ bị ảnh hưởng bởi môi trường không gian, chỉ người dân xung quanh đó biết sản phẩm đó. Khăn của chúng tôi nhiều người dùng thích, nhưng vẫn bị giới hạn địa lý. Do đó, thời gian qua, chúng tôi đã tính toán việc phải đẩy mạnh bán hàng trên thương mại điện tử và bán hàng online. Chúng tôi triển khai bán hàng trên Shopee, Tiki, Lazada và Facebook... thì số lượng đơn hàng đã tăng lên, tuy nhiên chúng tôi vẫn đang trong quá trình “học nghề”, chuyển đổi bán hàng trên thương mại điện tử không hề dễ dàng”, ông Hải chia sẻ.

Chú thích ảnh
Ông Đặng Hoàng Hải,Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số chia sẻ tại hội nghị sáng 25/12.

Ông Phạm Xuân Trường, giám đốc Hợp tác xã Mỳ chũ Xuân Trường cũng cho biết, từ nhiều năm nay, sản phẩm của HTX Mì Chũ Xuân Trường đã có mặt ở các siêu thị trong nước, hệ thống bán lẻ Vinmax, BigC,chợ đầu mối Đồng Xuân,chuỗi thực phẩm sạch... Bên cạnh đó, mì chũ thương hiệu Xuân Trường còn được nhiều thương nhân xuất sang Trung Quốc,Nga,Hàn Quốc...với doanh thu 10 tỷ đồng/năm. Cũng giống như các doanh nghiệp khác, năm qua do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên doanh nghiệp cũng gặp khó khăn. Tuy nhiên, doanh nghiệp đã tìm hướng đưa sản phẩm lên một số sàn thương mại điện tử, tuy nhiên việc này cũng không hề dễ dàng, doanh nghiệp phải đầu tư thêm về hình ảnh...và vẫn đang trong quá trình “mày mò”.

Đưa hàng Việt lên sàn thương mại điện tử

Ông Đặng Hoàng Hải,Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số cho biết, hiện nay việc chuyển đổi số tại nhiều doanh nghiệp Việt còn chậm, tụt lùi so với thế giới. Nhiều doanh nghiệp muốn chuyển đổi số nhưng vẫn đang “loay hoay” và gặp nhiều thách thức. 

Để hỗ trợ doanh nghiệp cũng như mang đến cho người dân môi trường mua sắm trực tuyến an toàn, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã chủ trì, hợp tác với các sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam cho ra mắt “Gian hàng Việt trực tuyến”.  Đây sẽ là nơi tập hợp các thương hiệu uy tín, sản phẩm chất lượng của các doanh nghiệp sản xuất Việt để thúc đẩy phân phối tại thị trường nội địa thông qua thương mại điện tử. Đồng thời, gian hàng này giúp người tiêu dùng mua sắm hàng Việt qua kênh thương mại điện tử với chất lượng đảm bảo, chi phí hợp lí.

“Gian hàng Việt trực tuyến sẽ là nơi các nhà sản xuất Việt mở thêm kênh phân phối mới, hiện đại, hỗ trợ mở rộng đầu tư cho các doanh nghiệp Việt tới mọi tỉnh, thành phố trên cả nước, từng bước giúp doanh nghiệp ổn định kinh doanh và phục hồi sản xuất trong giai đoạn bình thường mới. Đồng thời, góp phần thúc đẩy xuất khẩu. Hiện chúng tôi mới ký liên kết với 1 số sàn thương mại điện tử như Sendo, Tiki, thời gian tới sẽ mở rộng để các sàn thương mại lớn đều có gian hàng Việt và cũng sẽ thúc đẩy mở gian hàng Việt tại các sàn thương mại điện tử nước ngoài”, ông Hải khẳng định.

Bà Nguyễn Thị Mai Anh, Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến Đầu tư thương mại du lịch Hà Nội cho hay, trung tâm có thực hiện trang thông tin Nông sản an toàn Hà Nội với sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp, tuy nhiên quá trình thực hiện cũng gặp khó khăn. Do đó, ý tưởng “gian hàng Việt trực tuyến” là giải pháp tốt để quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp Việt đến với người tiêu dùng trong nước một cách rộng rãi nhất, là ngôi nhà chung của hàng hóa Việt Nam, để người  tiêu dùng có thể mua hàng một cách đơn giản và chi phí vận chuyển thấp thông qua các sàn thương mại điện tử.

Tuy nhiên, theo đại diện Sàn thương mại điện tử Sendo, Sendo sẽ ưu tiên tạo thuận lợi nhất cho gian hàng Việt để tiếp cận người tiêu dùng như đặt Banner ở vị trí trung tâm...Tuy nhiên, để hoạt động thực sự hiệu quả thì doanh nghiệp phải tiếp cận đúng nhu cầu, sản phẩm có thương hiệu và giá thành đáp ứng được đối tượng mua hàng tại sàn thương mại điện tử. Ví dụ, muốn khách mua hàng thì doanh nghiệp phải đầu tư vào hình ảnh sản phẩm, cách viết giới thiệu... 

“Cần có sự đào tạo cho các doanh nghiệp, Sendo có đội ngũ nhân viên với kiến thức chuyên sâu có thể hỗ trợ doanh nghiệp trong “gian hàng Việt trực tuyến” trong thời gian đầu, sau đó doanh nghiệp tự rút kinh nghiệm và vận hành”, đại diện Sendo cho biết.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Hoàng Xuân Hải, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần quốc tế VAG đánh giá ý tưởng xây dựng “Gian hàng Việt trực tuyến” rất hữu ích cho các doanh nghiệp. Đây vừa là cơ hội cho doanh nghiệp quảng bá và bán hàng, vừa là cơ hội để người tiêu dùng có thể mua hàng đúng từ nhà sản xuất với giá tốt nhất, tránh được tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Tuy nhiên, để làm được tốt thì doanh nghiệp cần sự chung tay và hỗ trợ từ phía nhà nước, Bộ Công Thương.

Đại diện Cục Thương mại Điện tử và Kỹ thuật số cho biết, các doanh nghiệp sản xuất hàng Việt Nam tham gia “Gian hàng Việt trực tuyến” có thể liên hệ với Cục để tìm hiểu và đăng ký theo số điện thoại hỗ trợ 0989052055 và email hangvietonline@moit.gov.vn. Các sàn thương mại điện tử hợp tác với Cục sẽ có đội ngũ trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật để hỗ trợ doanh nghiệp và các sản phẩm hàng Việt sớm triển khai phân phối trên các sàn thương mại điện tử này. 

Thu Trang - Lê Phú/Báo Tin tức
Siết chặt quản lý chất lượng hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử
Siết chặt quản lý chất lượng hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử

Gần đây, việc phát triển mạnh mẽ của các website thương mại điện tử (TMÐT) đã đem lại rất nhiều lợi ích cho người tiêu dùng, doanh nghiệp. Tuy nhiên, điều này cũng khiến không ít khách hàng mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN