Với tỷ lệ dân số tham gia sản xuất lớn, nông nghiệp không chỉ là ngành chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu mà còn là ngành gây ra phát thải khí nhà kính rất lớn. Với trách nhiệm giảm phát thải để góp phần giảm nhẹ biến đổi khí hậu toàn cầu, hướng tới nền kinh tế xanh, nông nghiệp Việt Nam đang từng bước chuyển đổi mô hình sản xuất đáp ứng xu thế tăng trưởng xanh, tiêu dùng xanh. 

Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã cam kết rất mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế về việc đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050. Nỗ lực xây dựng nền kinh tế xanh, giảm phát thải cũng như thực thi các cam kết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chiến lược như: Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050… Tất cả đều hướng đến thúc đẩy nền nông nghiệp thân thiện với môi trường, carbon thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Sản xuất và thu hoạch lúa hữu cơ tại Hợp tác xã Kim Long, xã Hải Quế, huyện Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị).

Nông nghiệp xanh là nền nông nghiệp sản xuất áp dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ, sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào cho sản xuất, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Nông nghiệp xanh hướng đến nâng cao tính cạnh tranh của nông sản, phát triển công nghệ xử lý và tái sử dụng phụ phẩm, phế thải, ổn định kinh tế và giúp cho người nông dân có chất lượng cuộc sống tốt hơn, bảo vệ các nguồn tài nguyên và hệ sinh thái nông nghiệp… đảm bảo nông nghiệp bền vững trên cả trụ cột kinh tế - xã hội và môi trường, góp phần vào sự phát triển kinh tế xanh.

Vụ Đông Xuân 2021 - 2022 tiếp tục cho thấy sự chuyển biến rõ về nhận thức, thay đổi tập quán canh tác lâu đời của người nông dân. Nhiều địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã đã nâng cao về nhận thức cho nông dân trong việc giảm lượng giống gieo sạ, quản lý dịch hại IPM, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo “4 đúng”, giảm lượng phân bón vô cơ, đi đôi với nhiều tiến bộ kỹ thuật như "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm", kỹ thuật tưới nông - lộ - phơi... Những giải pháp, quy trình kỹ thuật đồng bộ này đã và đang mang lại nhiều lợi ích trong thực tiễn, giúp giảm chi phí sản xuất và giảm gây ô nhiễm môi trường.

Những nghiên cứu đã chỉ ra, ruộng lúa bị ngập nước càng lâu thì lượng khí mê-tan sinh ra càng nhiều. Các ruộng lúa được áp dụng kỹ thuật tưới nông - lộ - phơi giúp giảm khoảng 3,5 lần lượng phát thải khí nhà kính so với các ruộng lúa để ngập nước suốt cả vụ.

Mô hình lúa - cá - tôm càng xanh theo hướng sản xuất hữu cơ tại tỉnh Bạc Liêu.

Hay mô hình lúa - tôm, lúa - cá… không chỉ nâng cao giá trị cho sản xuất, mà còn giúp giải quyết vấn đề giảm phát thải khí nhà kính, xây dựng nền nông nghiệp xanh. Đây là một trong những mô hình điển hình trong việc thích nghi với biến đổi khí hậu của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Không chỉ có sản phẩm đặc sản, giá trị cao, người sản xuất còn bán được cả giá trị nhân văn của người dân Đồng bằng sông Cửu Long trong canh tác lúa. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, nhiều quốc gia đã khuyến khích, ưu tiên nhập khẩu các sản phẩm sinh thái, sản phẩm hữu cơ. Người tiêu dùng EU sẵn sàng trả giá cao cho các sản phẩm nông nghiệp bền vững.

Trong chăn nuôi, việc xử lý chất thải, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp… bằng cách xây dựng kinh tế tuần hoàn đang được áp dụng với những quy mô khác nhau. Cùng với các công trình khí sinh học, ngành chăn nuôi đang đẩy mạnh hướng dẫn nông dân thu gom chất thải vật nuôi để nuôi trùn quế, ruồi lính đen… tạo nguồn protein làm thức ăn cho vật nuôi trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, vừa chuyển hóa chất thải thành phân bón hữu cơ, giảm tác hại đến môi trường.

Anh Lê Minh Hiếu, ngụ ấp Phước Hữu, xã Long Phước, thành phố Bà Rịa (Bà Rịa - Vũng Tàu) thành công với việc nuôi ấu trùng ruồi lính đen làm thức ăn chăn nuôi thay cho cám công nghiệp, giúp giảm gần 70% chi phí.

Điển hình như trong chăn nuôi bò của Công ty cổ phần T&T 159 Hòa Bình, để tạo nguồn thức ăn, đơn vị thu mua toàn bộ phụ phẩm nông nghiệp: thân cây ngô, rơm, đậu lạc… sản xuất thành thức ăn chăn nuôi. Tận thu các phế phẩm của ngành sản xuất gỗ như: dăm, bào, mùn cưa… sản xuất thành đệm sinh học. Thức ăn của vi sinh vật trong đệm sinh học chính là chất thải của con bò. Việc chuyển hóa này sẽ giúp chuồng trại không có mùi hôi, luôn sạch sẽ. Đặc biệt, nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ sẽ tái chế các đệm sinh học này. Phân bón đã là nguồn thu có ý nghĩa nhất định trong thu nhập của doanh nghiệp.

Ông Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, nông nghiệp xanh là cách tối ưu hóa nguồn lực. Làm thế nào để sản xuất nhiều thực phẩm hơn, chất lượng hơn nhưng tiêu tốn nguyên liệu đầu vào ít hơn, đóng góp ít hơn lượng phát thải khí nhà kính. 

Trong bối cảnh đất đai và các nguồn lực ngày càng thu hẹp, nhưng phải đảm bảo tăng chất lượng, hiệu quả, giảm phát thải nhà kính, nguyên Phó Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát cho rằng, nông nghiệp phải dựa nhiều hơn vào khoa học công nghệ. Khoa học công nghệ phải là động lực chính. Một nền nông nghiệp dựa vào khoa học công nghệ để phát triển thì đòi hỏi phải có nhiều lao động có kỹ năng và được đào tạo.

Ông Cao Đức Phát cũng chỉ ra, một nền nông nghiệp xanh, hiện đại, áp dụng cơ giới hóa và kỹ thuật tiên tiến cần có cơ sở hạ tầng tương ứng. Chẳng hạn khi muốn khuyến khích nông dân trồng lúa áp dụng phương thức “nông - lộ - phơi” thì trước hết phải giúp họ có được hệ thống thủy lợi nội đồng cho phép họ làm điều đó. Hay nền nông nghiệp số đòi hỏi phải có điện, hạ tầng số, hệ thống logistics hiệu quả.

Vườn vải áp dụng kỹ thuật làm vải trong thân của anh Ngô Văn Hùng, thành viên của HTX Thanh Hải (Bắc Giang), cho năng suất và chất lượng cao hơn và dễ thu hoạch hơn.

Đến với sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần T&T 159 Hòa Bình, Chủ  tịch Hội đồng Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam cho rằng cần phải có sự vận dụng sáng tạo và lấy nền tảng là khoa học công nghệ, công nghệ số… Sản xuất tuần hoàn không bị trói buộc bởi khuôn mẫu nào, mà tùy thuộc vào điều kiện, năng lực mỗi tổ chức, cá nhân. Muốn sản xuất tuần hoàn được điều quan trọng là tư duy thiết kế mô hình sản xuất theo điều kiện, nguồn lực của mình. 

Để tiếp cận được khoa học công nghệ, ông Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho rằng nông dân cần có quy mô sản xuất đủ lớn mới có thể phát triển thành hàng hóa, đủ sản phẩm bán ra thị trường. Giai đoạn đầu chuyển đổi có thể năng suất thấp, ảnh hưởng đến thu nhập người nông dân. Bên cạnh đó, còn tình trạng “được mùa, mất giá” do điều kiện tiếp cận thị trường còn kém. Để tham gia vào thị trường, nông dân phải tham gia vào hợp tác xã để học làm theo các tiêu chuẩn; trong đó có các tiêu chuẩn môi trường. Vì thế, mỗi địa phương cần có chính sách riêng để phát triển các sản phẩm nông nghiệp xanh.

Hiệu quả từ giống lúa mới QS88 canh tác theo phương pháp hữu cơ tại huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.

Cũng với xu hướng tận dụng và khai thác hết giá trị của một sản phẩm nông nghiệp thay cho chỉ khai thác một khía cạnh kinh tế của sản phẩm, cách sản xuất sản phẩm, kinh doanh quá trình hình thành sản phẩm thông qua gắn kết du lịch đang giúp người nông dân tăng thêm thu nhập. Phát triển nông nghiệp gắn với du lịch cũng đang là một hướng đi trong phát triển nông nghiệp xanh được nhiều địa phương khai phá. Những trang trại có thể gắn kết với các làng nghề truyền thống xung quanh trên cơ sở nghiên cứu lịch sử, văn hóa, tạo các sản phẩm nông nghiệp xanh, sạch, an toàn của vùng để thu hút, phục vụ khách du lịch. Sự liên kết trong và ngoài vùng thông qua thị trường du khách để tìm kiếm đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp đặc sản, đặc hữu như: thảo dược, sữa, chè, rau quả sạch... Nhiều vùng, 50% thu nhập của nông dân đến từ dịch vụ như cho thuê homestay, tham quan, trải nghiệm công việc nhà nông...

Những mô hình sản xuất xanh của hợp tác xã đang từng bước khắc phục điểm yếu cố hữu của sản xuất nông nghiệp như mất an toàn thực phẩm, gây ô nhiễm môi trường, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế cao và tạo việc làm ổn định. Tuy nhiên, dù được coi là hướng đi đúng, phù hợp với yêu cầu nhập khẩu của nhiều nước trên thế giới nhưng nhiều ý kiến cho rằng cần có thêm cơ chế, định hướng rõ ràng để tạo thuận lợi cho hợp tác xã khi áp dụng nông nghiệp xanh vào thực tiễn.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam (VCA) cho biết: Đến cuối năm 2021, cả nước có 18.327 hợp tác xã nông nghiệp và 79 liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp, tăng 7.917 hợp tác xã so với năm 2013, rải rác trên khắp cả nước. Hầu hết diện tích canh tác có hiệu quả, cho năng suất cao đều đang tập trung trong các hợp tác xã. Do vậy, hợp tác xã có vai trò nòng cốt và là đơn vị tiên phong trong định hướng sản xuất nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn.

Khu nhà kính trồng dâu tây gắn với trải nghiệm thực tế cho khách du lịch của HTX 19-5.

Với tiêu chí giảm sử dụng phân bón hóa học, chất thải hữu cơ từ quá trình sản xuất, đang được các hợp tác xã tận dụng để sản xuất phân bón góp phần vừa giảm chi phí đầu vào vừa làm đẹp cảnh quan và giảm phát thải ra môi trường. Việc này giúp hạn chế đáng kể sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ. Bên cạnh đó, các thành viên hợp tác xã còn hướng dẫn cho nhau công thức sản xuất thuốc bảo vệ thực vật sinh học hoàn toàn từ nông sản như tỏi, ớt, gừng… giúp bảo vệ những luống rau hữu cơ nhằm đảm bảo sức khỏe người lao động vừa bảo vệ chất lượng nông sản đến tay người tiêu dùng.

Nhận định về vấn đề này, các chuyên gia cho rằng: Nông nghiệp xanh ngày càng có vai trò quan trọng trong đời sống của người dân và trở thành một bộ phận không thể thiếu trong sản xuất nông nghiệp. Do đó, trước thực tế nhu cầu tiêu dùng nông sản an toàn của người dân ngày càng cao và để tạo ra nguồn thực phẩm sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đáp ứng nhu cầu thị trường, các hợp tác xã đã và đang tập trung quy hoạch, phát triển vùng sản xuất an toàn, thân thiện với môi trường.

Mô hình trồng mận theo hướng hữu cơ tại huyện Mộc Châu (tỉnh Sơn La) giúp hộ nông dân thu lãi 700 triệu đồng mỗi năm.

Gia Cát đang là một trong những vùng rau chủ lực trên địa bàn huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn với tổng diện tích trên 50 ha rau màu VietGAP, hữu cơ. Nhiều mô hình nằm trên vùng đất phù sa màu mỡ ven sông Kỳ Cùng đang phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh. Ông Hoàng Văn Thuận, Giám đốc Hợp tác xã Rau, củ, quả sạch Gia Cát cho hay: Sản xuất an toàn sinh thái, ứng dụng hiệu quả công nghệ cao là chìa khóa giúp hợp tác xã tăng trưởng ổn định bất chấp ảnh hưởng tiêu cực từ dịch COVID-19 và duy trì mức lợi nhuận trên 400 triệu đồng/năm.

Tương tự, theo bà Hoàng Thị Hậu, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp sạch hữu cơ Thanh Xuân, thành phố Hà Nội, thời gian đầu khi bắt tay vào canh tác hữu cơ, hiệu quả mang lại còn khá thấp bởi thị hiếu của người tiêu dùng về sản phẩm này còn khá mơ hồ nên việc tiêu thụ khó khăn. Ngoài ra, canh tác hữu cơ đòi hỏi nhiều công sức, trong khi sản lượng lại không cao bằng khi sử dụng nhiều loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Thế nhưng, với sự đồng lòng và quyết tâm của các thành viên, đến nay sản phẩm hữu cơ của hợp tác xã bán ra với giá bình quân lên tới 24.000 đồng/kg, cao hơn nhiều so với rau, củ, quả được gieo trồng theo phương thức truyền thống có sử dụng hóa chất. Hơn nữa, chất lượng sản phẩm luôn được hợp tác xã bảo đảm nên cầu luôn vượt cung, doanh thu cũng từ đó liên tục tăng trưởng.

Ao nuôi tôm hữu cơ của Hợp tác xã Đoàn Phát (Cà Mau).

Mặc dù có những chuyển biến tích cực nhưng theo đánh giá từ Liên minh Hợp tác xã một số địa phương, đa phần hợp tác xã đều thiếu chủ động, có tâm lý trông chờ vào nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước. Ngoài ra, các mô hình ứng dụng công nghệ cao vẫn chưa đồng bộ tất cả các khâu sản xuất, sản phẩm chưa xây dựng được thương hiệu.

Đại diện Liên minh Hợp tác xã Lạng Sơn cho biết: Mỗi năm, Liên minh Hợp tác xã tỉnh duy trì 7 lớp tập huấn nhằm nâng cao nhận thức của thành viên hợp tác xã về ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, lựa chọn một số hợp tác xã có khả năng, tiềm lực để tư vấn, hỗ trợ đẩy mạnh ứng công nghệ cao và lựa chọn các công nghệ phù hợp. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh lồng ghép các chương trình, dự án, bố trí nguồn vốn ưu tiên, nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới hàng năm để hỗ trợ hợp tác xã sản xuất theo hướng nông nghiệp xanh. Đồng thời, hướng dẫn hợp tác xã đăng ký quy trình, hoàn thiện nhãn mác, bao bì và tem truy xuất, góp phần xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho nông sản.

Theo các chuyên gia, ngoài ý thức của người dân và thành viên trong sản xuất thì vẫn chưa có hành lang pháp lý cụ thể cho phát triển nông nghiệp xanh. Nếu không có hành lang pháp lý rõ ràng, việc sản xuất nông nghiệp xanh sẽ trở thành thách thức lớn cho hợp tác xã, các hợp tác xã không biết bám vào hệ thống tiêu chí, tiêu chuẩn hay quy chuẩn nào để thực hiện.

Mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ theo hướng an toàn sinh học khép kín của gia đình ông Nguyễn Văn Lịch (xã Phong Thu, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) mang lại lợi nhuận cao.

Ông Hoàng Văn Thám, Giám đốc Hợp tác xã rau quả sạch Chúc Sơn, thành phố Hà Nội đề xuất, các ban, ngành cần sớm xây dựng, triển khai sàn giao dịch chuyên về nông sản an toàn để kết nối giữa nhà sản xuất, hợp tác xã với người tiêu dùng. Cùng đó, các địa phương cần tạo thêm cơ chế giúp hợp tác xã hoàn thành mục tiêu sản xuất theo hướng xanh, nâng chất cho sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh và thu nhập cho thành viên hợp tác xã.

Để mô hình nông nghiệp xanh ngày càng lan tỏa, ông Nguyễn Ngọc Bảo khẳng định: Tới đây, VCA sẽ mở các lớp đào tạo tập huấn và phối hợp với Youtube, Tiktok đăng tải video hướng dẫn kỹ thuật cho thành viên hợp tác xã tiếp cận nhiều hơn. Mặt khác, VCA còn đăng tải tài liệu kỹ thuật trên trang web chính thức vca.org.vn và Liên minh các tỉnh, thành phố; chia sẻ kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp xanh để nhân rộng mô hình và phát triển bền vững.

Chia sẻ về những định hướng cũng như các giải pháp phát triển nông nghiệp xanh, phát thải carbon thấp, GS.TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng danh dự trường Đại học Nam Cần Thơ, cho biết: Trước tình trạng biến đổi khí hậu, nông dân khắp nơi trên thế giới đang tiến tới áp dụng sản xuất nông nghiệp xanh, sử dụng phân bón vi sinh, hữu cơ thay cho phân hóa học. Việc này sẽ giúp phục hồi tình trạng nguyên thủy của đất với nhiều vi sinh vật, có thể biến khoáng chất trong đất thành chất bổ dưỡng tự nhiên cho cây trồng. Từ đó, sản phẩm của nông dân sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm, đồng thời giúp cho khí hậu không bị biến đổi. 

Tuy nhiên, quá trình chuyển sang nền nông nghiệp xanh đang vấp phải những rào cản. Trong đó, rào cản lớn nhất chính là kiến thức khoa học của nông dân - người đầu tiên tác động vào sản xuất nông nghiệp. Khi nông dân không nắm được kiến thức thì sẽ rất dễ lạm dụng các hóa chất. Do đó, nông dân cần ý thức được việc sử dụng hóa chất để tăng năng suất, sản lượng cây trồng trong giai đoạn đầu sẽ cho kết quả cao, nhưng càng sau này kết quả sẽ không như mong đợi, thậm chí gây tác hại lên cây trồng, môi trường đất, nước. 

Thành viên Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Long Thuận (huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) tự ủ phân hữu cơ để bón cho các loại rau màu.

Hiện nông dân đã bắt đầu nhận thấy rằng nguyên liệu của họ được chế biến, xuất khẩu sang các thị trường, chẳng hạn như sang EU và bị trả về do vi phạm về các chất cấm, chất lượng không đảm bảo… Chính đây là điều nông dân cần nhận thấy để thay đổi trong sản xuất. Bởi, nếu cứ tiếp tục sản xuất theo kiểu cũ thì sản phẩm của họ sẽ không được tiêu thụ. 

Mặt khác, theo GS.TS Võ Tòng Xuân, Nhà nước cần tích cực tuyên truyền để nông dân hướng đến sản xuất nông nghiệp xanh, sạch. Thị trường tiêu thụ cũng cần hướng đến như các nước tiên tiến áp dụng, đó là sản phẩm còn vi phạm về chất lượng thì sẽ không được tiêu thụ. Trong đó, vai trò của doanh nghiệp là chủ đạo. Nhà nước cần có những cơ chế chính sách khuyến kích, thu hút doanh nghiệp đi đầu trong xây dựng nền nông nghiệp xanh để họ mở thị trường. Mở được thị trường, doanh nghiệp sẽ quay trở về vùng nguyên liệu để áp dụng những tiến bộ kỹ thuật để sản xuất nông nghiệp sạch. Từ thị trường, doanh nghiệp sẽ “điều khiển” nông dân sản xuất xanh, sạch.

Nhà nước cũng phải có các quy định khắt khe trong việc sử dụng các hóa chất độc hại. Việc buôn bán, sử dụng hóa chất cấm độc hại phải được kiểm tra, kiểm soát và xử phạt thật nặng nếu các cơ quan chức năng phát hiện.

Sản phẩm gạo sạch Từ Tâm của Hợp tác xã Đoàn Phát, ấp 8, xã Trí Lực, huyện Thới Bình (Cà Mau), từ mô hình tôm - lúa hữu cơ.

Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, bà Carolyn Turk cho biết, Việt Nam có “dấu chân” carbon khá cao trong sản phẩm nông nghiệp và điều này gây ảnh hưởng đến kết quả mà Việt Nam đã đạt được trong vòng 30 năm qua. Một số vùng ở Việt Nam như Đồng bằng sông Cửu Long do biến đổi khí hậu như nước biển dâng, xâm nhập mặn, mưa bất thường, hạn hán… sẽ làm giảm năng suất lúa gạo trong vòng 30 năm tới. 

Thời gian qua, Việt Nam được đánh giá là đã thể hiện sự cam kết đáng kể trong việc thúc đẩy con đường tăng trưởng bền vững và nỗ lực hơn để thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, theo đánh giá của WB, mọi việc đã làm chỉ mới dừng lại ở mức độ thử nghiệm, chưa có được sự lồng ghép đầy đủ ở tất cả các ngành. Việt Nam cần duy trì để trở thành một nước sản xuất nông nghiệp lớn mạnh trên thế giới, tìm ra nguồn tăng trưởng mới và hiệu quả hơn trong tương lai. Ngành nông nghiệp cần dựa vào tri thức, tập trung hơn vào khai thác các giá trị thặng dư, giảm thâm dụng tài nguyên, giảm đáng kể “dấu chân” carbon và phải nhạy bén hơn trước nhu cầu của cư dân toàn cầu đối với các sản phẩm thân thiện môi trường.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam tham gia trưng bày giới thiệu sản phẩm tại Hội chợ thương mại hữu cơ Biofach/Vivaness 2022, tại thành phố Nürnberg thuộc bang Bayern, miền Nam nước Đức.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, ngành nông nghiệp hướng tới sản xuất có trách nhiệm, hiện đại, hiệu quả và bền vững. Ngành nông nghiệp sẽ phải đổi mới tư duy sản xuất. Đó là chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tập trung vào nâng cao giá trị, hiệu quả, đa dạng theo chuỗi giá trị phù hợp với yêu cầu của thị trường. Đồng thời chuyển từ phát triển đơn ngành sang tích hợp đa ngành, từ "đơn giá trị" sang tích hợp “đa giá trị"… Sản xuất nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái bằng việc áp dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ, sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, không gây ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe con người. Ngành nông nghiệp sẽ hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường.

Bài: Bích Hồng - Uyên Hương - Ngọc Quỳnh
Ảnh, đồ họa: TTXVN - TTXVN phát
Biên tập: Kỳ Thư
Trình bày: Hà Nguyễn

27/08/2022 06:55