Cựu Tổng thư ký Liên hợp quốc Kofi Annan là con người mà ở đâu có khổ đau thì ông sẽ tới, sẽ làm mọi người cảm động vì sự thấu cảm và lòng trắc ẩn sâu sắc. Con người đó đã vĩnh viễn ra đi ở tuổi 80 ngày 18/8.

“Kofi Annan chính là Liên hợp quốc”

Tại ngôi trường nội trú ở Tây Phi, cựu Tổng thư ký Liên hợp quốc Kofi Annan đã học một trong những bài học quan trọng nhất mà ông mang theo suốt cuộc đời. Đó là “nỗi thống khổ dù ở bất kỳ nơi đâu đều biến thành nỗi đau tột cùng đối với con người”. Suy nghĩ đó dường như tạo cảm hứng cho ông trong suốt cuộc đời, định hướng ông chèo lái Liên hợp quốc đi qua những cuộc khủng hoảng định hình thế giới.

Ông Kofi Annan là một trong những nhà ngoại giao lừng danh nhất thế giới, một biểu tượng có sức lôi cuốn của Liên hợp quốc (LHQ) và đã vươn lên để trở thành vị Tổng thư ký LHQ da màu đầu tiên. “Viên kim cương đen” - biệt danh mà bạn bè quốc tế yêu mến dành cho ông - đã thật sự tỏa sáng trên cương vị người lãnh đạo tổ chức lớn nhất hành tinh.

Trong suốt những năm tháng đứng đầu LHQ, nhà ngoại giao sinh ra ở Ghana này đã đóng vai trò quan trọng trong xử lý các cuộc khủng hoảng có ý nghĩa định hình thế giới, từ đại dịch HIV/Aids, chiến tranh Iraq cho tới cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Ông đã trở thành một trong những nhà ngoại giao được công nhận rộng rãi nhất lịch sử đương đại.

Gần như cả sự nghiệp của ông Annan đều gắn với vai trò một nhà quản lý tại Liên hợp quốc. Phong thái quý phái, vẻ ngoài tao nhã điềm đạm, hiểu biết sâu sắc chính trị đã giúp ông trở thành Tổng thư ký thứ 7 của LHQ và là người đầu tiên được chính nhân viên LHQ bầu vào vị trí này.

Sau này, người đàn ông nhỏ bé với chòm râu màu xám đó thường nhớ lại cảm xúc ngày đầu tiên làm Tổng thư ký LHQ không khác gì cảm xúc ngày đầu tiên tới trường.

Tại LHQ, ông được lòng mọi người vì luôn muốn đặt con người vào vị trí trung tâm. Ông cũng nổi tiếng bình tĩnh trong những thời khắc bất ổn, mang tính quyết định. Chính sự bình tĩnh đó đã giúp ông làm tốt nhiệm vụ một nhà ngoại giao quốc tế.

Ông Kofi Annan phục vụ hai nhiệm kỳ Tổng thư ký LHQ từ ngày 1/1/1997 tới ngày 31/12/2006. Giữa hai nhiệm kỳ đó, ông và Liên hợp quốc đã cùng được trao Giải Nobel Hòa bình năm 2001 vì đã mang lại “cuộc sống mới cho LHQ”.

Trở thành người đứng đầu LHQ vào những thời điểm tổ chức đa phương lớn nhất thế giới này có nhiều bê bối và vai trò sụt giảm thê thảm, "Viên kim cương đen" tới từ đại ngàn Ghana đã giúp LHQ vượt qua những giai đoạn sóng gió nhất kể từ khi thành lập năm 1945. Gặp thách thức ngay từ khi khởi đầu nên ông buộc phải dành phần lớn thời gian đấu tranh để khôi phục lại danh tiếng của LHQ.

Ông Kofi Annan phát biểu tại trụ sở LHQ tại New York ngày 7/6/2012 khi là đặc phái viên chung LHQ-Liên đoàn Arab về Syria. Ảnh: THX/TTXVN

Sau nhiều sóng gió trong công việc, uy tín đạo đức bền vững của ông hầu như không suy chuyển. Khi ông rời LHQ, ông đã để lại một tổ chức toàn cầu cam kết mạnh mẽ trong gìn giữ hòa bình và đấu tranh chống đói nghèo, đặt nền tảng để LHQ vạch ra đường hướng trong thế kỷ 21 vì một thế giới hòa bình, ổn định, tập trung vào quyền con người và vấn đề phát triển.

Đương kim Tổng thư ký LHQ Antonio Gutarres nói: “Ông Kofi Annan mãi là người dẫn lối. Theo nhiều cách hiểu, Kofi Annan chính là Liên hợp quốc. Ông ấy đã đi qua từng nấc thang để dẫn dắt tổ chức vào thiên niên kỷ mới với quyết tâm và phẩm giá không ai sánh được”.

Năm 1999, ông Annan đã khởi động sáng kiến “Global Compact” (Hiệp ước Toàn cầu). Đây là sáng kiến lớn nhất thế giới nhằm thúc đẩy trách nhiệm xã hội của các công ty. Ông cũng là kiến trúc sư trưởng của Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, đóng vai trò trung tâm trong thiết lập Quỹ Toàn cầu phòng chống Aids, bệnh lao và sốt rét cũng như chiến lược chống khủng bố đầu tiên của LHQ.

Việc ông Annan được bầu giữ nhiệm kỳ thứ hai là một điều chưa từng có tiền lệ, phản ánh sự ủng hộ mạnh mẽ của các nước, dù giàu hay nghèo, dành cho vị tổng thư ký da màu này. Ông Timothy Wirth, Chủ tịch Quỹ Liên hợp quốc đã nói rằng người ta có cảm giác ông “như vị thánh”. Còn cựu Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Richard Holbrooke đã gọi ông Kofi Annan là “ngôi sao nhạc rock quốc tế của ngành ngoại giao”.

Ngay cả khi rời nhiệm sở, ông Kofi Annan vẫn chưa bao giờ hoàn toàn tách khỏi công việc của LHQ. Ông trở lại với những vai trò đặc biệt, trong đó có vai trò Đặc phái viên chung của Liên hợp quốc-Liên đoàn Arab ở Syria năm 2012. Với vai trò đó, ông đã giành được ủng hộ đối với kế hoạch hòa bình 6 điểm. LHQ đã phái 300 thành viên quan sát tới để giám sát ngừng bắn ở Syria. Đáng tiếc hòa bình không thể diễn ra khi mà các thành viên Hội đồng Bảo an xung đột gay gắt.

Ông Annan ủng hộ mạnh mẽ các sự nghiệp toàn cầu thông qua tổ chức mang tên ông. Năm 2017, các dự án lớn nhất của tổ chức Kofi Annan gồm thúc đẩy bầu cử công bằng, hòa bình; làm việc với chính phủ Myanmar để nâng cao chất lượng cuộc sống ở bang Rakhinel đấu tranh với chủ nghĩa cực đoan bạo lực nhờ vào sức trẻ.

Video ông Kofi Annan tuyên thệ nhậm chức Tổng thư ký LHQ (nguồn: Guardian):

Chèo lái LHQ qua nhiều khủng hoảng

Ông Annan đảm nhiệm vai trò Tổng thư ký LHQ 6 năm sau khi Liên bang Xô Viết sụp đổ và trong thập kỷ thế giới đoàn kết chống lại chủ nghĩa khủng bố sau vụ tấn công ngày 11/9/2001, sau đó chia rẽ sâu sắc khi Mỹ đưa quân vào Iraq.

Trong cuộc phỏng vấn tháng 2/2013 với tạp chí TIME về cuốn hồi ký “Interventions: A Life in War and Peace” (Những cuộc can dự: Cuộc sống trong chiến tranh và hòa bình), ông Annan đùa rằng hai chữ cái SG (viết tắt của chức danh Secretary General – Tổng thư ký) có một nghĩa thứ hai: scapegoat (đứng mũi chịu sào).

Năm 1993, ông được Tổng thư ký LHQ lúc đó là Boutros Boutros-Ghali đề cử giữ vị trí cao nhất
trong lực lượng gìn giữ hòa bình, nắm quyền chỉ huy 70.000 nhân viên quân sự và dân sự đến từ 77
quốc gia có mặt trong 17 chương trình gìn giữ hòa bình trên thế giới. Ảnh: AFP/ TTXVN

Trong 40 năm làm việc ở LHQ, trong đó có 10 năm đứng đầu, ông Annan đã phải chịu nhiều chỉ trích liên quan tới một vài thảm họa nhân quyền tồi tệ nhất thế giới. Khi làm trợ lý Tổng thư ký LHQ, phụ trách lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ những năm 1990, ông đảm nhiệm thực hiện các sứ mệnh của LHQ tại Bosnia và Rwanda – nơi lực lượng gìn giữ hòa bình đã không thể ngăn chặn các cuộc thảm sát thường dân.

Vào đêm trước khi xảy ra vụ diệt chủng năm 1994 tại Rwanda, Tư lệnh lực lượng LHQ, Trung tướng Romeo Dallaire đã gửi điện về cho ông Annan nói rằng ông đã phát hiện một kế hoạch diệt chủng người Tutsi ở Rwanda và định đột kích vũ trang vào kho vũ khí sẽ được sử dụng để thực hiện vụ thảm sát. Ông Annan đã ra lệnh Thiếu tướng Dallaire từ bỏ ý định và quyết định này đã khiến ông bị chỉ trích.

Trong thực tế, sau này lịch sử đã chỉ rõ chính những cường quốc mạnh nhất thế giới mới là bên chịu trách nhiệm lớn nhất, mà điển hình là Mỹ - quốc gia đã không cung cấp cho LHQ binh sĩ, hỏa lực và ý chí để đối đầu với thế lực tội ác. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã ngăn chặn hành động với Rwanda tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Tuy nhiên, tại thời điểm đó, không có quyết định nào khác có thể hợp lý hơn trong bối cảnh lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ tại Rwanda thiếu thốn trang thiết bị, Mỹ thì không hỗ trợ hành động cứng rắn sau khi 19 thành viên biệt kích và lực lượng Delta bị giết chết ở Somalia.

Sau sự cố này, ông Annan đã phát triển một chiến lược thực tế để ngăn chặn các vụ diệt chủng trong tương lai. Ông đã tuyển mộ binh sĩ các quốc gia, ví dự như binh sĩ Australia ở Đông Timor, để thực thi hòa bình ở những cuộc xung đột nóng bỏng. Ông đã trao quyền cho những lính “mũ nồi xanh” LHQ ở những nơi như Somalia, Congo và Haiti để sử dụng lực lượng sát thương trong các trường hợp hạn chế nhằm đối phó với những băng đảng vũ trang và những kẻ phá hoại.

Ông Kofi Annan và vợ, bà Nane thăm nạn nhân sóng thần tại trại tị nạn ở Kinnya, Sri Lanka năm 2005. Ảnh: Getty

Chính ông đã dẫn dắt một học thuyết quốc tế mới “Trách nhiệm bảo vệ”, theo đó đặt nghĩa vụ đạo đức lên vai các quốc gia để bảo vệ công dân họ khỏi những vụ thảm sát hàng loạt, đồng thời thúc ép các nước lớn, đặc biệt là Mỹ, đảm bảo sử dụng vũ lực hợp pháp, được Hội đồng Bảo an cho phép.

Một trong những vấn đề lớn mà ông phải đối mặt khi làm Tổng thư ký LHQ là cuộc chiến Iraq. Ông Annan nói: “Tôi cho rằng khoảnh khắc đen tối nhất của tôi là cuộc chiến Iraq và thực tế là chúng ta đã không thể ngăn chặn cuộc chiến. Tôi đã nỗ lực hết mình. Tôi làm việc qua điện thoại, nói chuyện với lãnh đạo khắp thế giới. Mỹ không được ủng hộ ở Hội đồng Bảo an. Nên họ quyết định cứ tiến tới mà không cần hội đồng này. Tôi nghĩ hội đồng đã đúng khi không phê chuẩn cuộc chiến”.

Trong những tháng sau khi Mỹ đưa quân vào Iraq năm 2003, mối quan hệ của ông Annan với Mỹ tồi tệ dần khi ông đưa ra một loạt chỉ trích ngày càng nặng nề nhằm vào Mỹ. Phát biểu với kênh BBC, ông khẳng định động thái của Mỹ là bất hợp pháp. Ông cũng chỉ trích công khai Mỹ vì đã làm quá trong cuộc chiến chống khủng bố.

Nếu cuộc chiến Iraq là khoảnh khắc đen tối nhất thì nỗi thất vọng sâu sắc nhất của ông Annan lại nằm chính ở lục địa của ông: châu Phi – nơi mà một thế hệ lãnh đạo sau cách mạng đã không thể giải quyết những nhu cầu lớn nhất của người dân. Ông đặc biệt thất vọng với cách hành xử của cựu Tổng thống Kenya Daniel Arap Moi, người bị cáo buộc tham nhũng, với cựu Tổng thống Nam Phi Thabo Mbeki, người thắc mắc về mối liên hệ của HIV và AIDS, hay như lãnh đạo Zimbabwe Robert Mugabe, người từ chối công nhận hậu quả tàn khốc của đại dịch AIDS.

Video ông Kofi Annan nhận giải Nobel Hòa bình (nguồn: Guardian)

Một con người được nể phục

Ông Annan tên đầy đủ là Kofi Atta Annan, sinh ngày 8/4/1938 cùng với một người chị sinh đôi trong một gia đình danh giá ở Kumasi, Ghana. Kofi có nghĩa là “sinh vào thứ sáu” và Atta nghĩa là “sinh đôi”. Ông là con trai một tỉnh trưởng và là cháu trai của hai trưởng bộ tộc lừng danh ở Ghana.

Ông nói thành thạo tiếng Anh, tiếng Pháp và một số tiếng thổ dân châu Phi. Ông học tại một trường nội trú danh giá và vào Đại học Khoa học và Công nghệ ở Kumasi.

Ông học kinh tế tại trường Macalester ở St. Paul, Minnesota năm 1961. Từ đó, ông tới Geneva, bắt đầu nghiên cứu các vấn đề quốc tế và khởi nghiệp lúc 24 tuổi tại LHQ ở vị trí nhân viên ngân sách và hành chính tại Tổ chức Y tế Thế giới.

Ông Kofi Annan năm 2012. Ảnh: New York Times

Ông kết hôn với bà Titi Alakija, một phụ nữ Nigeria năm 1965 và họ có một con gái và một con trai. Ông trở lại Mỹ năm 1971 và lấy bằng thạc sĩ khoa quản lý Viện Công nghệ Massachusetts. Cặp đôi ly hôn trong những năm 1970 với lý do ông Annan dành quá ít thời gian cho gia đình.

Cuộc hôn nhân đầu tiên thất bại khiến ông Kofi Annan rất dè dặt khi có cảm tình với một phụ nữ Thụy Điển là luật sư Nane Lagergren – người phụ nữ xinh đẹp một đời chồng có biệt danh là “Bạch Tuyết”. Họ gặp nhau khi bà Nane chuyển tới làm việc tại phòng luật pháp của Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn tại Geneva.

Bà Nane đã bị ông Annan chinh phục bởi lòng trắc ẩn dành cho con người. Bà đã rất cảm động khi chứng kiến cảnh ông Annan hỏi han và giúp đỡ một người đàn ông xa lạ đang khóc mà ông tình cờ đi qua trên đường phố.

Khi đã trở thành Tổng thư ký LHQ, người ta vẫn thấy ở ông Annan một con người hay động lòng trắc ẩn trước nỗi đau của người khác. Có lần, trong một chuyến thăm Đông Timor, ông đã kiên trì ngồi lắng nghe nỗi thống khổ của một người dân. Lần khác tại Kosovo, người ta thấy ông dừng lại để an ủi một cụ bà đang khóc.

Ông Kofi Annan và người vợ thứ hai. Ảnh: Joseph Nii Ankrah

Mối tình giữa một người đàn ông da màu và một phụ nữ da trắng nhanh chóng nảy nở và phát triển. Họ đã vượt qua sự dè dặt sau cuộc hôn nhân đầu đổ vỡ để đến với nhau. Đám cưới của họ diễn ra vào năm 1984 ở New York.

Bà Nane đã gắn bó với ông Annan cho đến cuối đời khi ông qua đời ở Bern, Thụy Sĩ, sau một thời gian ngắn lâm bệnh.

Cả trong công việc lẫn cuộc sống, ông đều thể hiện là một người không bao giờ biết cáu giận, không bao giờ đưa cái tôi cá nhân ra để nhận xét sự việc. Khi nói, ông luôn dùng từ “chúng ta”. Tính cách điềm tĩnh này của ông được coi là sức mạnh lớn, tác động tới đối phương, giúp ông trở thành nhà trung gian trung thực giữa các bên xung đột lợi  ích.

Ông Annan gặp thân nhân các nạn nhân thiệt mạng do bạo lực ở Đông Timor năm 2000. Ảnh: Reuters

Trong môi trường làm việc toàn cầu, ông Annan là bậc thầy về xử lý các vấn đề liên quan tới đa dạng chủng tộc, dân tộc và văn hóa.

Khi trở thành người đứng đầu LHQ, ông đã mang tự hào cho toàn thể đất nước Ghana. Tổng thống Ghana Nana Addo Dankwa Akufo-Addo mô tả ông Annan là một trong những người yêu nước vĩ đại nhất Ghana, mang lại danh tiếng lớn cho Ghana. Ghana sẽ để quốc tang một tuần để tưởng nhớ ông, người con ưu tú đã làm rạng danh đất nước.

Cả thế giới cúi mình nể phục trước con người của ông. Một con người cống hiến hết mình vì sự nghiệp của nhân loại. Một con người luôn làm việc để mang đến cho thế giới những điều tốt đẹp. Sau những cống hiến hơn nửa đời người, vị Tổng thư ký LHQ được yêu thích nhất lịch sử giờ đã vĩnh viễn hòa mình vào đại ngàn Ghana, trong sóng nước Volta huyền thoại.

Những mốc chính trong cuộc đời ông Kofi Annan:

- Năm 1938: Sinh ra tại Kumasi, Ghana
- Năm 1962: Bắt đầu làm việc tại Liên hợp quốc ở Geneva, Thụy Sĩ
- Năm 1965: Kết hôn với bà Titi Alakija. Họ có hai con, một trai và một gái.
- Năm 1984: Kết hôn với bà Nane Lagergren sau khi ly dị vợ đầu
- Năm 1991: Chị gái sinh đôi Efua qua đời
- Năm 1993: Trở thành người phụ trách hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ
- Năm 1997: Được bổ nhiệm làm Tổng thư ký LHQ thứ 7
- Năm 2001: Giành giải Nobel Hòa bình
- Năm 2006: Từ chức sau khi làm tổng thư ký LHQ 10 năm
- Năm 2012: Trở thành đặc phái viên chung LHQ-Liên đoàn Arab về cuộc khủng hoảng Syria
- Năm 2013: Được bầu làm chủ tịch nhóm The Elders, một tổ chức ủng hộ nhân quyền và hòa bình
- Năm 2016: Lãnh đạo Ủy ban tư vấn về bang Rakhine ở Myanmar

Bài: Thùy Dương
Trình bày: Hồng Hạnh

20/08/2018 12:20