Tại Trung Quốc, nơi mệnh danh là "công xưởng của thế giới", anh công nhân nhập cư Xia Xiaobo, 34 tuổi là một gương mặt của tầng lớp những người thất nghiệp mới: những công nhân bị máy móc thay thế.

Năm ngoái, Xiao Xiaobo nghỉ việc tại một nhà máy điện tử của Nhật Bản tại Đông Quản, Quảng Đông (Trung Quốc) do lo ngại quá trình tự động hóa tại thành phố công nghiệp này sẽ ảnh hưởng tới viễn cảnh việc làm trong tương lai. Trái với nhiều đồng nghiệp cũ chuyển tới những doanh nghiệp sản xuất nhỏ, nơi robot chưa được ứng dụng trên quy mô lớn, Xia tìm cách nâng cao kỹ năng của mình trước làn sóng tự động hóa. Anh đã chi số tiền tương đương ba tháng lương để tham gia một khóa đào tạo nghề bắt đầu từ tháng 8 năm ngoái, nhằm tìm kiếm một công việc mới sau khi kết thúc khóa học vào tháng 3 tới.

“Tôi đang học chương trình tự động hóa để xem mình có thể tìm được việc trong ngành sản xuất thông minh không”, Xia nói với tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng.

Khoảng 100 triệu công nhân đang làm việc trong ngành công nghiệp sản xuất khổng lồ của Trung Quốc, và theo số liệu từ Tổng cục Thống kê quốc gia, ngành này chiếm khoảng 30% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc trong 3 tháng đầu năm 2018. Trong một nỗ lực tăng cường cho ngành sản xuất, từ năm 2014, Chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu chiến dịch quy mô nhằm thay thế dần lao động chân tay bằng robot, đặc biệt là tại các tỉnh công nghiệp như Giang Tô, Chiết Giang. Quảng Đông tất nhiên cũng nằm trong số những tỉnh áp dụng công nghệ mới trên quy mô lớn. Chỉ riêng trong năm 2018, chính quyền thành phố Đông Quản thuộc Quảng Đông đã chi tới 385 triệu nhân dân tệ (56,8 triệu USD) để thúc đẩy tự động hóa trong các nhà máy.

Một cuộc "cách mạng robot" đang diễn ra sôi động tại “công xưởng của thế giới”. Tháng 1 năm nay, ông Xiao Yafei, thị trưởng Đông Quản cho biết thành phố đã cắt giảm 280.000 người trong lực lượng lao động sản xuất trong vòng 5 năm qua nhờ lắp đặt 91.000 robot.

“Tôi đã bắt đầu cảm thấy sức ép từ quá trình tự động hóa từ 2 năm trước khi bạn tôi nói rằng chính phủ đang thay thế nhân công bằng robot. Quy mô tự động hóa chắc chắn sẽ mở rộng, vì thế nếu không trang bị cho mình những kỹ năng mới, tôi sẽ thất nghiệp”, anh công nhân nghỉ việc Xia Xiaobo giải thích. Anh từng làm việc 10 tiếng mỗi ca, giám sát 104 chiếc máy hoạt động ở 13 dây chuyền sản xuất, nhưng chỉ với 2 nhân viên đứng trực ở mỗi dây chuyền. Xia sợ rằng ngay cả những nhân công giám sát đó cũng sớm bị thay thế.

Foxconn, người khổng lồ điện tử Đài Loan, công ty sản xuất ra một nửa số lượng iPhone của thế giới, đã lên kế hoạch tự động hóa hoàn toàn khoảng 30% hoạt động sản xuất của mình vào năm 2020. Công ty cho biết kể từ năm 2012 đến 2016 đã cắt giảm trên 400.000 lao động nhờ triển khai hàng chục nghìn robot.

Năm 2017, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản trở thành thị trường lớn nhất tiêu thụ robot công nghiệp. Liên đoàn Robot quốc tế (IFR) ước tính Trung Quốc sẽ lắp đặt ít nhất 800.000 robot công nghiệp vào năm 2020. Một cuộc thăm dò có lựa chọn các công ty, do Quỹ Nghiên cứu phát triển Trung Quốc (CDRF) tiến hành hồi tháng 9 năm ngoái cho thấy, các doanh nghiệp Trung Quốc đã cắt giảm 30-40% lực lượng lao động trong khoảng thời gian từ 2015-2017 nhờ tự động hóa.

“Những người đang mất việc do tự động hóa, đang tìm vận may ở ngành dịch vụ đang phát triển mạnh ở Trung Quốc. Nhưng những công nhân dịch vụ trình độ thấp này cũng chật vật để kiếm được đồng lương đủ sống”, Jenny Chan, Phó Giáo sư về xã hội học tại trường Đại học Kỹ nghệ Hong Kong nhận xét.

“Hệ quả của tự động hóa là một lực lượng nhân công phân cực hơn. Những công nhân tay nghề cao sẽ được hưởng thu nhập cao hơn, vị trí cao hơn trong những nhà máy thông minh, trong khi lao động thủ công sẽ hứng chịu bất ổn công ăn việc làm”, ông Chan nói.

Không riêng gì ngành công nghiệp sản xuất, hay những ngành nghề mang đặc tính công nghệ như khoa học vũ trụ, thăm dò... robot và trí tuệ nhân tạo đang "cạnh tranh" với con người trên đủ mọi lĩnh vực, lấn sân sang nhiều lĩnh vực vốn được cho là "độc quyền" của loài người.

Xem video robot đánh cờ với con người:

Năm 2016, dư luận quốc tế từng xôn xao sự kiện cuốn tiểu thuyết "Ngày máy tính viết tiểu thuyết" (The day, a computer wrote a novel) lọt vào vòng đầu giải thưởng Văn chương quốc gia Nhật Bản. Cuốn sách do một chương trình trí tuệ nhân tạo (AI), được lập trình để viết văn, là đồng tác giả. Giáo sư Hitoshi Matsubara làm việc tại trường Đại học Hakodate Tương lai cho biết chương trình AI này được ông và các đồng sự lập trình giúp nó có khả năng lựa chọn giới tính nhân vật, quyết định cốt truyện, rồi cứ thế chương trình này liên tục “tuôn ra” nội dung với những dòng văn giàu cảm xúc không khác gì người viết. Nội dung cuốn sách hay đến nỗi tác phẩm lọt vào vòng đầu cuộc bình xét khiến cộng đồng ngỡ ngàng khi biết được chính "người máy" đã viết ra những dòng này.

Năm 2017, cộng đồng mạng lại "dậy sóng" khi trí tuệ nhân tạo lần đầu tiên đánh bại con người trong một trận đấu cờ được cả thế giới trông đợi. AlphaGo, phần mềm trí tuệ nhân tạo do Google phát triển đã vượt qua kỳ thủ cờ vây số 1 thế giới người Trung Quốc, Ke Jia trong hai trận đấu liên tiếp, khiến Ke Jia sau đó phải thừa nhận thất bại dù còn một trận chưa đấu. Thất bại này đã đánh dấu việc trí tuệ nhân tạo chiến thắng loài người ở cả một môn thể thao trí tuệ mà con người tự tin sẽ không bị máy móc vượt qua.

Trong khi đó, cuối tháng 12/2017, hãng cung cấp dịch vụ gọi xe Uber tại Mỹ đã có một động thái khiến cả giới công nghệ lẫn các công ty vận tải phải giật mình khi đặt mua tới 24.000 chiếc ô tô trang bị công nghệ lái tự động của nhà sản xuất Volvo. Mục đích của thương vụ này là biến Uber từ một ứng dụng gọi xe trở thành một công ty có hẳn đội xe riêng. Và quan trọng hơn cả là họ có thể bỏ được lái xe là người ra khỏi "phương trình tài chính."

Các "đại gia" công nghệ như Google, Apple đương nhiên không thể đứng ngoài cuộc đua trên thị trường xe tự lái. Từ năm 2017, CEO của Waymo, công ty con của Google, đã thông báo rằng xe tự lái của Waymo đã sẵn sàng để chạy trên đường phố mà không cần người giám sát. Trên clip được Waymo công bố, chiếc xe tự lái hoàn toàn Pacifica chạy trên đường, trình diễn khả năng xử lý nhiều tình huống khi lưu thông như dừng để người đi bộ sang đường và theo đèn tín hiệu, xin rẽ…

Video Robot sắp xếp các kiện hàng ở nhà máy của Amazon:

Tại Trung Quốc, "người khổng lồ" công nghệ Alibaba cũng đang tích cực thử nghiệm và ứng dụng robot và công nghệ trí tuệ nhân tạo. Đội ngũ robot là một phần trong hệ thống các công cụ công nghệ cao mà Alibaba trang bị cho khách sạn "tương lai" vừa khai trương cuối năm 2018 có tên FlyZoo, nhằm cắt giảm mạnh chi phí nhân công. Tại đây, khách hàng có thể làm thủ tục "check-in", "check-out" hoàn toàn với hệ thống nhận diện tự động. Tại nhà hàng trong khách sạn, robot phục vụ đồ ăn thức uống tới bàn thực khách, còn tại quầy bar, một cánh tay robot có thể pha 20 loại cocktail khác nhau.

Tháng 10/2018, Viện Công nghệ và Khoa học công nghệ tiên tiến của Nhật Bản đã tạo ra HRP-5P, một robot hình người có thể thực hiện các nhiệm vụ thông thường của một công nhân xây dựng, bao gồm việc lắp đặt vách thạch cao.

Một trong những sự kiện công nghệ đình đám nhất thế giới những năm gần đây là việc robot mang tên Sophia trở thành người máy đầu tiên trong lịch sử được cấp quyền công dân tại Saudi Arabia vào năm 2017. Mặc dù việc cấp quyền công dân cho một robot còn gây nhiều tranh cãi nhìn từ góc độ đạo đức, tuy nhiên, sự kiện "công dân robot" Sophia cũng đã phát đi một thông điệp "giật mình" về kỷ nguyên trỗi dậy của người máy.

Thời của robot đang đến, trí tuệ nhân tạo đang mở rộng trên toàn cầu, trong khi không ai trong chúng ta đã chuẩn bị đủ sẵn sàng để đảm bảo rằng, người lao động sẽ hưởng lợi từ làn sóng tự động hóa này, thay vì tổn thất.

Nhiều người trong chúng ta trông đợi một cuộc cách mạng công nghệ giống như cuộc cách mạng công nghiệp thế kỷ 19. Điều này mang đến những cơ hội kinh ngạc, nhưng cũng đồng thời cũng có thể dẫn đến những kiểu bóc lột mới, bất bình đẳng sâu sắc hơn hay tâm lý lao động căng thẳng hơn.

Robot phục vụ hàng ăn tại Pakistan.

Theo báo cáo công bố năm 2018 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) có trụ sở tại Geneva (Thụy Sĩ), các robot thông minh có thể làm nên một "cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư" và thay thế hơn một nửa nhân lực trên toàn cầu vào năm 2025. Robot có thể đảm nhận trên 52% khối lượng công việc hiện tại trong vòng chưa đầy một thập niên, buộc con người phải nghĩ lại về cách tiếp cận của họ đối với việc làm.

WEF cho biết, số lượng robot làm thay việc của con người sẽ tăng lên gấp đôi so với mức hiện tại là 29%. Tổ chức này cũng cảnh báo máy móc có thể sẽ buộc 75 triệu người mất việc vào năm 2022. "Tới năm 2025, trên một nửa các công việc hiện tại sẽ được thay thế bằng máy móc, so với tỉ lệ 29% ngày hôm nay", báo cáo của WEF viết.

Xem robot xây dựng tên Sam của công ty Construction Robotics (Mỹ)"trổ tài" thay thợ nề:

Vậy lúc này chúng ta đã chuẩn bị được gì để bước vào kỷ nguyên robot, kỷ nguyên mà chính loài người sẽ bị máy móc thách thức?

Ông Lee Jong-wha, Giám đốc Viện nghiên cứu châu Á tại Đại học Hàn Quốc cho rằng chìa khóa để "sống sót" trong kỷ nguyên tự động hóa khắp nơi là giáo dục. Các nhà kinh tế lo ngại robot đang đẩy một số lượng lớn các ngành lao động trước áp lực sa thải nhân công, nhưng ông Lee cho rằng, cứ mỗi việc làm bị robot "cướp đi", thì một việc làm mới đòi hỏi con người lại xuất hiện.

"Kết quả cuộc đua giữa công nghệ và giáo dục sẽ quyết định liệu các cơ hội tới nhờ những sáng tạo quan trọng có được nắm bắt hay không, và liệu những lợi ích của các tiến bộ có được chia sẻ rộng rãi hay không", ông Lee Jong-wha phát biểu với tờ The Express (Anh).

Nhà kinh tế học Pascual Restrepo thuộc Đại học Boston (Mỹ) thì cho rằng thực ra quá trình người máy cướp việc làm của con người đã diễn ra âm thầm 200 năm qua. Đầu tiên,  tự động hóa trong ngành nông nghiệp đã đẩy nông dân sang ngành công nghiệp, sau đó, khi công nghiệp được tự động hóa, thì nhân lực lại bị đẩy sang ngành dịch vụ. "30 năm trước đây, ai có thể tưởng tượng được rằng chúng ta sẽ có những người chuyên thiết kế app (ứng dụng mạng)? Và ai biết được con cái chúng ta sẽ làm gì 30 năm tới?", ông Restrepo nói về triển vọng việc làm mới thời tự động hóa.

Để những thông tin về việc robot cướp việc chỉ là lời "hù dọa", rõ ràng người lao động phải chuẩn bị để thích nghi với một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của trí tuệ nhân tạo. Lịch sử đã chứng minh tự động hóa luôn tạo ra nhiều việc làm mới với mức thu nhập cao hơn so với những việc làm mà chúng thay thế. Nhưng về cơ bản thì công nhân với kỹ năng làm việc yếu sẽ đứng trước nguy cơ mất việc. Theo báo cáo “Triển vọng phát triển châu Á: Công nghệ ảnh hưởng đến nghề nghiệp như thế nào?” công bố tháng 8/2018 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), “nếu không phát triển được những kỹ năng tương ứng với yêu cầu công việc mới hoặc không được đào tạo lại, người lao động thường phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc thích nghi với công việc mà công nghệ mới tạo ra”.

Nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động trước sự “tấn công” của các loại hình công nghệ mới và giảm bớt bất bình đẳng xã hội, ADB cho rằng các chính phủ cần phải sẵn sàng đối mặt với các thách thức này bằng việc tạo điều kiện cho họ có được những kỹ năng làm việc mới, đủ khả năng khai thác những ưu điểm của công nghệ.

ADB khuyến cáo, điều này chỉ có thể thực hiện được bằng những chương trình hành động phối hợp sự tham gia của nhiều cơ quan chính phủ, nhiều tổ chức nghề nghiệp, trường đại học… để có thể phát triển kỹ năng, tăng cường các quy định làm việc, bảo trợ xã hội và phân phối thu nhập xã hội. Chính phủ cần áp dụng những công nghệ mới vào giáo dục cũng như mở ra nhiều dịch vụ công như các chương trình bảo trợ xã hội, hỗ trợ việc làm, hướng dẫn kỹ năng làm việc cho người lao động ở nhiều độ tuổi và nhiều ngành nghề dễ bị ảnh hưởng bởi tự động hóa, trí tuệ nhân tạo… Bên cạnh đó, với sự tư vấn của các chuyên gia công nghệ, chính phủ chỉ nên ủng hộ phát triển những công nghệ mới có khả năng đem lại lợi ích cho con người, bảo vệ quyền lợi chính đáng và quyền riêng tư của họ.

Các chính phủ trên thế giới cũng cần thiết phải cải cách chương trình giáo dục, thiết kế chương trình học mới ở các cấp để tăng cường kiến thức và kỹ năng mới cho học viên, không chỉ ở lứa tuổi đi học mà còn ở cả tuổi trưởng thành – tức là một chương trình học tập suốt đời để có thể trao cho con người những cơ hội tốt nhất, những điều kiện tốt nhất để chiến thắng các cỗ máy thông minh.

Bài: Thu Hằng
Trình bày: Hồng Hạnh

06/03/2019 09:38