Người phụ nữ nhiều năm liên tục cùng với các cộng sự của mình cần mẫn đưa năng lượng mặt trời, đèn LED tiết kiệm, nước sạch… đến với bà con khắp mọi miền Tổ quốc. Từ Bắc Giang, Thái Bình, Nam Định, đến Thừa Thiên Huế, Đắk Lắk, An Giang, Cà Mau… Những công việc đó được chị thực hiện một cách âm thầm, lặng lẽ, nhưng mang lại niềm vui và cuộc sống cho hàng vạn người dân nghèo.
 

Chị Ngụy Thị Khanh tại lễ trao tặng giải thưởng "Anh hùng môi trường" năm 2018 do Quỹ môi trường Goldman (Mỹ) trao tặng. Ảnh: NVCC
 

Cơ duyên với môi trường

Sau nhiều cuộc điện thoại hò hẹn, cuối cùng tôi cũng gặp được chị Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID), người Việt Nam đầu tiên được Quỹ môi trường Goldman (Mỹ) trao tặng giải thưởng “Anh hùng môi trường” năm 2018. Vóc người hoạt bát, nhanh nhẹn, gương mặt nhỏ nhắn, sáng rỡ toát lên vẻ thân thiện với nụ cười thường trực trên môi. Chị nói chuyện nhẹ nhàng, cuốn hút, khiến tôi cảm thấy thật khó để liên tưởng đến một “anh hùng” như tên giải thưởng chị được nhận hồi tháng 4/2018.

Trò chuyện với tôi về con đường đến với “nghề” bảo vệ môi trường, chị bảo, có lẽ là cơ duyên. Chị Khanh kể, chị sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn Bắc Giang, gần nhà chị có nhà máy nhiệt điện, quanh năm nhả khói lên trời. Từ nhỏ, sống trong môi trường bụi bặm do hoạt động của nhà máy này gây ra, và chứng kiến nhiều người trong khu vực mắc bệnh ung thư, chị sớm hiểu nỗi khổ khi không được sống trong một môi trường trong lành.

Tốt nghiệp cấp 3, Ngụy Thị Khanh theo học đại học ngành quan hệ quốc tế, với dự định trở thành một nhà ngoại giao. Ra trường, chị vào làm việc cho một tổ chức phi chính phủ, tham gia các dự án phát triển cộng đồng, hỗ trợ phụ nữ, trẻ mồ côi, hòa nhập xã hội, giải quyết các vấn đề môi trường, nước sạch ở các địa phương…

Trong quá trình thực hiện các dự án liên quan đến bảo vệ nguồn nước, chị gặp gỡ những cộng đồng, chỉ vì phát triển thủy điện mà phải rời bỏ nhà cửa, ruộng vườn, mà cuộc sống ở nơi tái định cư bấp bênh, công ăn việc làm không có. Nhìn cảnh bà con sống trong căn nhà dột nát, đời sống chông chênh, quẩn quanh với đói nghèo, chị luôn day dứt và trăn trở với câu hỏi, liệu có cách nào để giúp người dân thoát khỏi những cuộc di dân không mong muốn, liệu có con đường nào để phát triển năng lượng mà ít ảnh hưởng đến môi trường, ít rủi ro và mất mát cho cộng đồng?… Những băn khoăn đó khiến chị quyết tâm dành thời gian đọc tư liệu, nghiên cứu, tìm hiểu về quy hoạch thủy điện. “Nhưng lúc đó, thủy điện gần như đã được quy hoạch và khai thác tối đa trên các dòng sông rồi, nên cũng không thể làm được gì để cứu vãn tình hình”, chị Ngụy Thị Khanh chia sẻ.

Trải qua một thời gian dài lăn lộn với các dự án phát triển cộng đồng, năm 2011, Ngụy Thị Khanh cùng ba chuyên gia có chung ý tưởng, thành lập nên Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID), với mục tiêu tập trung nghiên cứu thúc đẩy các sáng kiến về chủ đề năng lượng, nước và biến đổi khí hậu, với mong muốn đóng góp một phần tâm sức của mình vào các hoạt động bảo vệ môi trường, tài nguyên nước, phát triển năng lượng bền vững và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu...

Bà con các địa phương vui mừng khi được hưởng lợi từ mô hình "Lập kế hoạch năng lượng địa phương". Ảnh: GreenID 
 

Nỗ lực vận động giảm nhiệt điện than

Năm 2011, Chính phủ công bố Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011- 2020 có xét đến 2030 (gọi tắt là Quy hoạch điện 7), trong đó vạch ra nhu cầu năng lượng của đất nước trong tương lai và đặt mục tiêu đạt tổng công suất 75.000 MW nhiệt điện than đến năm 2030.

Trong quá trình nghiên cứu về Quy hoạch điện 7, Ngụy Thị Khanh đặc biệt quan tâm đến chủ trương phát triển năng lượng than trong quy hoạch này. Chị tìm đọc nhiều tài liệu liên quan, và bất ngờ bởi cảnh báo về hiểm họa từ nhiệt điện than mà các tài liệu công bố. Đặc biệt là con số 40% lượng khí thải nhà kính toàn cầu do than đá gây ra, và là nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm không khí và nước…

Chị Ngụy Thị Khanh bắt đầu đi sâu vào tìm hiểu về năng lượng than. Chị tìm đọc mọi tài liệu liên quan đến nhiệt điện than và biến đổi khí hậu mà chị tìm được. Càng tìm hiểu sâu, chị càng cảm thấy lo ngại kế hoạch dựa quá nhiều vào than đá để phát triển nhiệt điện ở Việt Nam và những ảnh hưởng của việc phát triển quá nhiều nhiệt điện sẽ gây tác động đến sức khỏe cộng đồng và biến đổi khí hậu ở Việt Nam…

Chị Ngụy Thị Khanh cùng các đồng nghiệp thực hiện nhiều nghiên cứu chỉ rõ những tác động
tiêu cực của nhiệt điện than đối với môi trường. Ảnh: GreenID

Từ năm 2013 đến 2015, Ngụy Thị Khanh cùng các chuyên gia năng lượng, các đồng nghiệp tiến hành một loạt nghiên cứu, và tổ chức nhiều tọa đàm về những bất cập của Quy hoạch điện 7. Các nghiên cứu đã chỉ rõ những tác động tiêu cực của nhiệt điện than đối với môi trường, an ninh năng lượng quốc gia, sinh kế và phát triển bền vững của địa phương; tiềm năng của sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả và đánh giá nhu cầu sử dụng điện theo kịch bản phát triển kinh tế tăng trưởng hàng năm ở mức 7%... Tổng hợp các kết quả nghiên cứu trên, năm 2015, nhóm nghiên cứu kiến nghị Quy hoạch điện 7 điều chỉnh nên giảm 33% nhu cầu điện vào năm 2030 so với quy hoạch cũ, trong đó giảm nhiệt điện than và không cần thiết phải phát triển điện hạt nhân.

Sau khi có kết quả nghiên cứu, Ngụy Thị Khanh cùng các cộng sự chủ động đưa kết quả nghiên cứu đến với công chúng và các cơ quan chức năng. Nhóm nghiên cứu đã in hàng nghìn bản báo cáo gửi đến các cơ quan của Đảng, của Chính phủ, đến tay các đại biểu Quốc hội. Ngoài việc nêu những tác hại của việc phát triển nhiệt điện than, nhóm nghiên cứu còn đưa ra một số giải pháp phát triển năng lượng sạch, năng lượng bền vững… có thể sử dụng ở các địa phương. Chị cũng cung cấp thông tin cho lãnh đạo các tỉnh, thành phố, các cơ quan truyền thông để đảm bảo các tài liệu được cộng đồng biết đến và ủng hộ.

Chị Ngụy Thụy Khanh luôn trăn trở với vấn đề sinh kế và phát triển bền vững của địa phương. Ảnh: GreenID.

“Những nỗ lực của chúng tôi ít nhiều có hiệu quả. Nhận thức và nhu cầu phát triển năng lượng bền vững của cộng đồng được nâng cao. Nhiều thảo luận về tác động và đưa giải pháp giảm sự phụ thuộc vào nhiệt điện than đã được tổ chức. Quan điểm phát triển năng lượng của một số tỉnh đã thay đổi theo hướng Xanh. Có thể là sự trùng hợp, nhưng tôi rất mừng khi chỉ một ngày sau khi diễn ra hội thảo về đánh giá tác động môi trường và thực tiễn trong phát triển năng lượng do GreenID tổ chức tại Cần Thơ, tỉnh Bạc Liêu đã đề xuất rút dự án phát triển nhiệt điện Cái Cùng”, chị Khanh nhớ lại.

Những nỗ lực của Ngụy Thị Khanh và cộng sự đã mang lại kết quả đáng khích lệ. Trong quá trình xây dựng Quy hoạch điện 7 điều chỉnh, Viện Năng lượng mời nhóm chị cùng tham gia hợp tác nghiên cứu, trao đổi và đóng góp ý kiến cho bản Quy hoạch này. Và trong bản Quy hoạch điện 7 điều chỉnh chính thức được công bố năm 2016, Chính phủ đã cắt giảm đáng kể số nhà máy nhiệt điện than so với bản kế hoạch trước, đồng thời tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời và điện sinh khối lên 21%, trong kế hoạch nguồn điện tổng thể đến năm 2030. Chị và các đồng nghiệp rất vui mừng khi những đề xuất của nhóm nghiên cứu được phản hồi trong chính sách.

Theo ước tính của Ban chấm giải “Anh hùng môi trường” 2018, việc Chính phủ Việt Nam cắt bỏ 20.000 MW nhiệt điện ra khỏi Quy hoạch 7 điều chỉnh, đã giúp giảm 115 triệu tấn khí thải carbon dioxide (CO2) mỗi năm, góp phần không nhỏ vào công tác bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng không khí ở Việt Nam.

Sáng kiến về năng lượng địa phương

Song song với việc nghiên cứu những tác động tiêu cực của nhiệt điện than đối với môi trường, với phát triển bền vững, Ngụy Thị Khanh cùng các cộng sự không ngừng tìm kiếm các giải pháp phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, vừa giúp người dân nông thôn có điện sử dụng, vừa góp phần gìn giữ môi trường. Trong quá trình nghiên cứu, chị Khanh và các cộng sự đã đưa ra một sáng kiến hữu hiệu, đó là mô hình “Lập kế hoạch năng lượng địa phương” (viết tắt là LEP). Nội dung của LEP là quá trình người dân và chính quyền địa phương cùng xây dựng một kế hoạch để giải quyết các vấn đề liên quan đến năng lượng trên địa bàn của họ, dưới sự hỗ trợ kỹ thuật của chuyên gia.Năm 2012, chị Ngụy Thị Khanh và cộng sự thực hiện thí điểm mô hình năng lượng địa phương đầu tiên ở hai xã Nam Cường và Bắc Hải, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Những ngày đầu, khi nhóm dự án đến đặt vấn đề xây dựng mô hình, bà con trong xã còn e ngại lắm. Họ không mấy tin tưởng vào việc mà các chị định làm. Chị Khanh cùng các đồng nghiệp phải dành nhiều ngày, thuyết phục từ lãnh đạo chính quyền xã, đến từng hộ dân chia sẻ, trò chuyện về kế hoạch dự định triển khai, đưa ra những mô hình để bà con lựa chọn và trực tiếp làm thí điểm... Dần dần, nhìn những việc các chị làm, các hộ dân dần tin tưởng và đồng ý tham gia.

Cùng với sự tư vấn của các chuyên gia, mỗi hộ gia đình lựa chọn cho mình một mô hình phù hợp. Có hộ sử dụng biogas hộ gia đình, có hộ dùng bình nước nóng năng lượng mặt trời, đèn bão năng lượng mặt trời; có hộ sử dụng hệ thống cung cấp nước RO, bếp đun cải tiến, biogas từ thức ăn thừa và chất thải khu vệ sinh; một số hộ khác thì sử dụng biogas cộng đồng, sử dụng đèn LED tiết kiệm điện cho hộ gia đình và trường học… Sau khi đã thống nhất, GreenID cùng đối tác cử chuyên gia hỗ trợ bà con thực hiện. Đến nay, sau 6 năm triển khai, mô hình này ở Thái Bình đã trở thành điểm tham quan, học tập kinh nghiệm của nhiều gia đình, nhiều địa phương trên cả nước.

Từ thành công của mô hình LEP đầu tiên, chị Khanh và các cộng sự của mình ở GreenID lại tiếp tục mở rộng phạm vi thực hiện mô hình sang nhiều địa phương khác.

Hai ấp Vồ Bà và ấp Tà Lọt, thuộc xã An Hảo, huyện biên giới Tịnh Biên, tỉnh An Giang, trong nhiều năm liền không có điện lưới quốc gia, chính quyền địa phương dù rất cố gắng nhưng vẫn chưa thể kéo điện về ấp. Năm 2016, GreenID và các đối tác thực hiện mô hình LEP tại đây.

Lắp đặt pin năng lượng mặt trời tại huyện Tịnh Biên, An Giang. Ảnh: GreenID

Sau gần 3 năm triển khai dự án, tháng 8/2018 vừa qua, 2 ấp Vồ Bà và Tà Lọt đã trở thành ấp 100% sử dụng năng lượng mặt trời. Những mái nhà xanh với những tấm pin năng lượng mặt trời đã phủ rộng trên toàn ấp, mang nguồn điện đến cho người dân trong thôn. Bà con đã có điện để xem tivi, có điện để sử dụng quạt khi nóng, những nụ cười rạng rỡ đã nở rộ trên những gương mặt xạm nắng của người dân vùng biên giới.

Bà Lê Thị Tiêm, ấp Vồ Bà phấn khởi cho biết, từ khi có điện, cuộc sống gia đình bà thoải mái hẳn lên. Nhà bà có điện để xem tivi, có điện để nấu cơm, dùng quạt máy, có điện thắp sáng… chứ không giống như trước đây, toàn dùng đèn dầu.

Tính đến nay, mô hình LEP đã và đang được triển khai ở 13 xã, thuộc 6 tỉnh của cả 3 miền Bắc, Trung, Nam, như ở Nam Định, Huế, Đắk Lắk, An Giang... Điều đáng mừng là nhiều hộ gia đình không thuộc đối tượng của các dự án cũng chủ động đầu tư kinh phí để làm theo. “Điều này cho thấy, người dân đang ngày càng nâng cao nhận thức và hành vi về sử dụng năng lượng hiệu quả, về việc ứng dụng các mô hình năng lượng tái tạo tại chỗ nhằm tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường và sức khỏe”, chị Ngụy Thị Khanh vui vẻ nói.

Bên cạnh các hoạt động hỗ trợ năng lượng địa phương ở cộng đồng, phát triển năng lượng bền vững, hiện chị Ngụy Thị Khanh và các cộng sự ở GreenID còn thực hiện nhiều chương trình, dự án liên quan đến bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ nguồn nước, không khí…

Chị Ngụy Thị Khanh cho biết, toàn bộ kinh phí thực hiện các dự án bảo vệ môi trường, phát triển năng lượng sạch… đều được GreenID huy động từ các nguồn tài trợ trong và ngoài nước. Trong đó, có một số dự án được tài trợ bởi các cá nhân, doanh nghiệp trong nước, một số dự án được hỗ trợ từ các Quỹ vàcác tổ chức phi chính phủ quốc tế … Tính đến nay, sau 7 năm hoạt động, GreenID đã thực hiện hơn 60 dự án cho người dân các địa phương trong cả nước, với trị giá hơn 50 tỷ đồng.

Tập huấn nâng cao năng lực về sử dụng năng lượng bền vững và năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Ảnh: GreenID

Trong Tuần lễ năng lượng tái tạo Việt Nam hồi tháng 8/2018 vừa qua, GreenID phối hợp cùng một số đơn vị liên quan giới thiệu về chương trình “Triệu ngôi nhà Xanh vì một Việt Nam thịnh vượng”, với tổ hợp các giải pháp của từng hộ gia đình, từ sử dụng năng lượng, đến quản lý rác thải, trồng cây xanh, hay sử dụng nước mưa… Theo chị, làm được điều này không chỉ có ý nghĩa về câu chuyện năng lượng, mà nó còn ý nghĩa cả về giáo dục, góp phần thay đổi thói quen, hành vi, đóng góp vào sự thay đổi hành động để đối phó thiên tai. Chị Khanh lấy ví dụ, nếu nhà nào cũng thu hồi nước mưa, thì khi mưa lớn, lượng nước mưa chảy xuống hệ thống thoát nước sẽ giảm, từ đó hạn chế tối đa việc ngập úng. Nếu nước mưa được tái sử dụng để tưới cây sẽ vừa tránh lãng phí, vừa góp phần phát triển cây xanh.

Những nỗ lực của chị Ngụy Thị Khanh trong việc bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước và phát triển năng lượng sạch, năng lượng bền vững của chị trong suốt những năm qua đã được cộng đồng trong và ngoài nước ghi nhận. Tháng 4/2018 vừa qua, chị Ngụy Thị Khanh được Quỹ Môi trường Goldman (Mỹ) trao giải thưởng “Anh hùng môi trường” năm 2018. Đây là giải thưởng về môi trường lớn nhất thế giới dành cho các nhà hoạt động ở cơ sở, vì những thành tựu quan trọng trong việc bảo vệ môi trường. Những người được xét giải được đề cử bí mật từ mạng lưới các tổ chức và cá nhân môi trường trên toàn thế giới. Quỹ Môi trường Goldman dành 6 tháng đi tìm hiểu cụ thể, sau đó dựa trên những đánh giá phân tích hiệu quả các hoạt động để trao tặng giải thưởng.

Khi được hỏi, thành tựu lớn nhất trong 7 năm mà chị và các cộng sự ở GreenID làm được là gì, chị Khanh cho biết, cái được lớn nhất đó là sự ghi nhận của cộng đồng đối với GreenID trong những đóng góp về việc tăng cường tiết kiệm điện cho người dân, về những giải pháp xanh, phát triển năng lượng bền vững. Thêm vào đó, là những đóng góp của GreenID trong chính sách cụ thể, tạo ra được những thay đổi trong quan niệm về sử dụng năng lượng tái tạo, đồng thời truyền cảm hứng cho đội ngũ các bạn trẻ tư duy sáng tạo, hướng tới theo đuổi giá trị không ngừng sáng tạo để có những đóng góp cho xã hội, hỗ trợ cộng đồng.

Đồng hành cùng các hoạt động nghiên cứu về chính sách, thực hiện dự án, thời gian qua, chị Ngụy Thị Khanh và các cộng sự tổ chức nhiều lớp tập huấn đào tạo giảng viên cộng đồng về năng lượng bền vững cho các địa phương, góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức về năng lượng bền vững trong cộng đồng. Chị bảo, mục tiêu mà chị kiên định hướng tới đó là tiếp tục xây dựng một đội ngũ cho các bạn trẻ không ngừng sáng tạo, đổi mới. “Trong lộ trình tiếp theo, tôi sẽ dành phần lớn thời gian để dẫn dắt các thế hệ trẻ tiếp tục sáng tạo và đóng góp. Bởi tôi ý thức được, nếu chỉ một mình tôi cố gắng, một mình tôi làm thì không thể làm được nhiều”, chị Ngụy Thị Khanh khẳng định.

Chị Ngụy Thị Khanh sinh năm 1976, tại Bắc Giang. Giám đốc sáng lập Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID).  Thành viên sáng lập Liên minh năng lượng bền vững Việt Nam, một mạng lưới gồm 12 thành viên hoạt động trong lĩnh vực môi trường. Giải thưởng “Anh hùng môi trường” 2018 do Quỹ Môi trường Goldman (Mỹ) trao tặng.

Thực hiện: Lan Lộc
Trong bài viết có sử dụng một số hình ảnh do Trung tâm Phát triển Sáng tạo xanh (GreenID) cung cấp. 

20/10/2018 07:47