Đồng bằng sông Cửu Long đứng đầu cả nước về sản xuất lúa, nuôi trồng, chế biến thủy sản, cây ăn trái… nhưng đây cũng là vùng chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu. Hàng năm, Đồng bằng sông Cửu Long gieo cấy khoảng 1,5 triệu ha lúa Đông Xuân. Qua 2 tháng mặn xâm sâu vào khu vực này, lượng nước tích trữ đã sử dụng gần hết khiến cho sản xuất và đời sống của người dân đang gặp khó khăn. Tuy vậy, trải qua bao đời bám đất, bám ruộng, tác động của hạn mặn ngày càng được các địa phương trong vùng tiết chế tốt hơn với việc dự báo sớm, đầu tư các công trình thủy lợi và có kế hoạch ứng phó trong sản xuất theo hướng thuận thiên.

Tại Nghị quyết số 120/NQ-CP năm 2017 về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, Thủ tướng Chính phủ đã phân chia khu vực này thành 3 tiểu vùng. Lõi ngọt ở phía thượng lưu là vùng luôn luôn có nước ngọt, kể cả những năm cực đoan. Vùng này ưu tiên cho cây lúa, cây ăn trái, thủy sản nước ngọt. Tiếp đó là vùng lợ với chế độ nước luân phiên: Nước ngọt vào mùa mưa có thể trồng lúa; nước mặn, lợ vào mùa khô. Đối với vùng này, cần chuyển đổi hệ thống canh tác sang thích ứng với nước mặn, lợ vào mùa khô để nước mặn, lợ là cơ hội chứ không phải là nỗi ám ảnh. Vùng thứ ba là sát ven biển, mặn quanh năm nên phải phát triển hệ thống canh tác thích ứng. Nhờ đó, các địa phương khu vực vùng biển đã có kinh nghiệm sản xuất thích ứng với điều kiện tự nhiên nước mặn và nước lợ. Khi xâm nhập mặn diễn ra trong thời gian cục bộ, kinh nghiệm sản xuất tại các địa phương có nước mặn, nước lợ chính là những bài học để những nơi bị xâm nhập mặn cục bộ trong thời gian ngắn có thể học hỏi và chuyển đổi.

Mô hình đưa màu xuống ruộng đang là giải pháp mà nhiều nông dân tỉnh Cà Mau áp dụng để thích ứng với điều kiện hạn hán.

Trong khi nhiều địa phương loay hoay chọn loại cây trồng, con giống thích ứng hạn mặn, thiếu nước trong thời gian ngắn, thì tại huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre đã có hàng trăm hộ dân không phải lo lắng cho sản xuất vào mỗi mùa khô hạn trong hơn 10 năm qua. Theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Mai, gia đình bà trồng 2.000 m2 xoài, cho thu nhập khá mỗi năm. Nhưng khi nhận thấy cây sa sâm biển dễ trồng, lại ít tốn nước tưới, chịu hạn lâu, nên bà Mai đã quyết định trồng xen loại cây này để tăng thêm thu nhập. Diện tích 2.000 m2 trồng xen sa sâm cho thu hoạch rau tươi 10 kg/ngày, bán ra với giá 35.000 - 40.000 đồng/kg, chưa tính thu nhập từ củ sa sâm. Trong 3 năm qua, vào mỗi lúc hạn gay gắt, vườn xoài cho thu nhập cầm chừng thì bà Mai vẫn có thu nhập đều đặn từ vườn sa sâm. 

Ông Lê Văn Tiến, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Phú chia sẻ, cây sa sâm trồng trên địa bàn huyện Thạnh Phú mang lại thu nhập tốt cho người dân trong thời điểm bị xâm nhập mặn gay gắt. Đây vừa là một loại rau, vừa là một loại dược liệu quý nên được doanh nghiệp liên kết, chuyển giao sản xuất và thu mua toàn bộ cho người dân 2 xã Thạnh Phong và Thạnh Hải. Do đó, người sản xuất chỉ cần tập trung tạo ra sản phẩm tốt mà không cần phải lo đầu ra, dù trong thời điểm khắc nghiệt nắng nóng, khô hạn hiện nay. 

Ông Dư Văn Thái, xã Bình An, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang (bên trái) giới thiệu mô hình trồng xen canh ba loại cây gồm khóm, cau và dừa. Xã Bình An là khu vực được bảo vệ bởi hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé, người dân có đủ nước ngọt để tưới cho cây trồng vào mùa khô.

Hạ lưu sông Cửu Long là khu vực nước lợ, nhiều địa phương cũng đã có kinh nghiệm sản xuất bản địa để sinh tồn trong điều kiện thiếu nước ngọt. Các loài cây trồng, vật nuôi bản địa vốn đã tồn tại lâu đời, chỉ cần được sử dụng và phát huy đúng thời điểm sẽ tạo ra hiệu quả kinh tế như mong muốn. 

Theo Tiến sỹ Nguyễn Văn Sánh - chuyên gia phân tích chính sách Đồng bằng sông Cửu Long, vấn đề quan trọng trong thích ứng với xâm nhập mặn hiện nay tại khu vực này là mở ra hướng đi lớn kết hợp giữa giá trị bản địa truyền thống và giá trị hiện đại của các loại cây trồng bản địa, trong đó có cây sa sâm. Ngoài giá trị truyền thống là cho củ khai thác dược liệu, cây sa sâm còn có giá trị kinh tế cao khi thu hoạch lá, giúp tăng thu nhập cho nông dân. Do đó, đây là một "ứng cử viên" để chính quyền địa phương xem xét, đưa kế hoạch phát triển cây sâm biển. Mục tiêu là mỗi làng sẽ có một sản phẩm, đặc biệt có thể phát triển ngay cả trong điều kiện thiếu nước tưới, giúp người dân có cuộc sống ổn định, phát triển bền vững.

Với đường bờ biển dài hơn 65 km, Bến Tre có nhiều tiềm năng phát triển cây sa sâm, vừa tăng diện tích sản xuất dược liệu cho ngành dược liệu Việt Nam. Đây là giải pháp giúp người dân vùng biển cải thiện thu nhập vì đây là loại cây trồng xen, không mất nhiều thời gian chăm sóc, cũng như lượng nước tưới ít. Chỉ cần tưới cho vườn chính thì sa sâm cũng đã sử dụng lượng nước này.

Tại Sóc Trăng, nhiều địa phương nằm trong khu vực vùng trũng ít chịu ảnh hưởng của hạn, mặn xâm nhập đang bắt đầu xuống giống vụ lúa Hè Thu 2024. Tỉnh triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế rủi ro do ảnh hưởng hạn mặn, dịch hại ảnh hưởng đến năng suất ở cuối vụ.

Trước diễn biến hạn hán, xâm nhập mặn được dự báo sẽ còn kéo dài đến hết tháng 5/2024, chính quyền các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là những nơi bị xâm nhập mặn sâu, nghiêm trọng đã đồng lòng thực hiện dời lịch mùa vụ, chuyển đổi sản xuất để giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất, cùng nhau vượt qua mùa hạn khốc liệt năm nay.

Trên thực tế, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là 8 tỉnh ven biển thường xuyên bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn và hạn hán, đã đối diện với 3 đợt hạn, mặn khốc liệt nhất từ trước đến nay. Dù đã có sự chuẩn bị trong nhiều năm qua, nhưng đợt hạn hán, xâm nhập mặn năm nay khốc liệt hơn 2 đợt của năm 2016 và 2020. Đầu giữa tháng 4/2024, khu vực này cũng đã ghi nhận các địa phương công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai xâm nhập mặn là tỉnh Tiền Giang, Kiên Giang và Long An.

Nhiều nhà vườn tỉnh Bến Tre chủ động đo độ mặn, chuẩn bị sẵn đồ, lót bạt trữ nước ngọt tưới cho rau màu trong mùa hạn mặn.

Tại Tiền Giang, các hộ dân sản xuất tại huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây, Tân Phú Đông, Gò Công Đông thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Trước đó, vào giữa tháng 3/2024, qua khảo sát của phóng viên tại huyện Chợ Gạo, lượng nước trữ trong kênh mương nội đồng phục vụ cho tưới rau, hoa màu, cây ăn trái chỉ có thể kéo dài trong nửa tháng.

Bà Nguyễn Thị Kim Hằng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Gạo chia sẻ, cho đến đầu tháng 4/2024, chờ độ mặn tại cống Xuân Hòa giảm về 0,01‰ mới có thể lấy nước vào trữ trong mương, hỗ trợ cho nông dân tưới cầm chừng các vườn thanh long. Nếu không thể lấy nước ngọt từ sông Chợ Gạo thì nông dân chỉ có thể tự chia sẻ nước lẫn nhau. Huyện Chợ Gạo cũng đưa ra giải pháp là các chủ vườn thanh long luân phiên chia sẻ nước ngọt từ các nguồn giếng khoan để tưới cầm chừng, duy trì cho cây sống được trong thời điểm thiếu nước hiện nay.

Nhằm thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai hạn mặn, Tiền Giang đã chuyển hàng trăm ha đất mặn ven biển trước đây ở xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông sang trồng chuyên canh thanh long xuất khẩu.

Hiện huyện Chợ Gạo có 6.870 ha thanh long với diện tích quả đang cho trái là 5.850 ha, sản lượng thu hoạch 190.000 tấn/năm. Các xã thuộc dự án sông Bảo Định, Tây kênh Chợ Gạo như Quơn Long, Tân Thuận Bình… có thể duy trì cầm chừng xen kẽ nước giếng khoan và nước mưa tích trữ. Còn các xã Bình Phục Nhứt, Bình Phan, Bình Ninh… thuộc dự án ngọt hóa Gò Công thì đang đối mặt với nguy cơ bị thiếu nước phục vụ tưới tiêu nếu như cống Xuân Hòa không thể lấy nước ngọt, do độ mặn trên sông Tiền tăng cao vì gió chướng thổi mạnh.

Hiện nay, mực nước tại các kênh, mương nội đồng trong vùng ngọt hóa Gò Công đã xuống rất nhanh và dần cạn kiệt. Chính vì vậy, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Gạo đã vận động người dân thực hiện giải pháp tiết kiệm nước, áp dụng biện pháp phủ gốc thanh long bằng rơm, lục bình để giữ độ ẩm, hạn chế xông đèn xử lý ra hoa nghịch vụ vào thời điểm này... 

Ông Lương Văn Anh, Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết ngay từ tháng 9/2023, Cục Thủy lợi đã tham mưu Bộ khuyến cáo các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long đẩy sớm thời vụ. Có khoảng 56.260 ha lúa vụ Đông Xuân và 43.300 ha cây ăn trái được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo khuyến cáo thuộc vùng nguy cơ ảnh hưởng của xâm nhập mặn. Với các giải pháp đã được triển khai, toàn bộ diện tích lúa trong vùng được khuyến cáo đã được đẩy sớm thời vụ, hiện đã được thu hoạch hoặc trong giai đoạn chín (cắt nước), bảo đảm không bị thiệt hại, các vùng cây ăn trái vẫn được bảo đảm an toàn. Đến nay, các địa phương trong vùng đã thu hoạch được 87% diện tích. Vào thời điểm cao điểm tháng 3, lúa cũng vào giai đoạn chín, không có nhu cầu nhiều nước nên hệ thống thủy lợi đã kiểm soát điều tiết.

Người dân Bến Tre đẩy mạnh chăn nuôi bò vì có nhiều lợi thế để thích ứng với biến đổi khí hậu. Đến nay, toàn tỉnh có tổng đàn bò trên 200.000 con, tập trung nhiều nhất ở huyện Ba Tri.

Với diễn biến xâm nhập mặn khốc liệt hiện nay, tuần đầu tháng 4/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã có cuộc họp trực tuyến với các địa phương bị ảnh hưởng xâm nhập mặn tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long để có thể huy động giải pháp kịp thời hỗ trợ nước sinh hoạt và nước sản xuất cho người dân. Hưởng ứng lời kêu gọi chung tay hỗ trợ đồng bào khu vực bị nhiễm mặn cục bộ, các đơn vị đã đồng lòng đưa nước về cho người dân.

Công an tỉnh Sóc Trăng cấp nước miễn phí cho người dân vùng hạn mặn.

Cụ thể, tại Cà Mau, UBND tỉnh đã thống nhất sử dụng 10 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách để giải quyết nhu cầu thiếu nước sinh hoạt của người dân trên địa bàn; trong đó, các huyện Trần Văn Thời, U Minh và Thới Bình sẽ được hỗ trợ mua dụng cụ chứa nước cho người dân. Đồng thời, một phần nguồn chi này sẽ được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau dùng mở rộng hệ thống đường ống cấp nước các công trình hiện có để đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân. 

Tại Bến Tre, Tổng công ty Lương thực miền Nam tổ chức chương trình cộng đồng "Chung tay hướng về bà con nông dân vùng hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long" nhằm chia sẻ nước ngọt cho bà con vùng hạn mặn. Chương trình đã hỗ trợ cho bà con vùng hạn mặn sản phẩm nước khoáng thiên nhiên Suối Xanh (loại bình 19 lít, sản phẩm của Công ty Lương thực Tiền Giang) tại 2 xã Mỹ Thạnh (huyện Ba Tri) và Đại Hòa Lộc (huyện Bình Đại). Tại mỗi điểm phân bổ nước ngọt, Tổng công ty Lương thực miền Nam hỗ trợ 300 bình nước ngọt, mỗi hộ gia đình khó khăn sẽ nhận 2 bình về sử dụng. Tổng kinh phí khoảng 50 triệu đồng. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Bến Tre cũng đã phê duyệt chủ trương giảm giá nước sinh hoạt cho người dân trong 2 kỳ hóa đơn - kỳ 4/2024 và kỳ 5/2024. 

Nhằm giúp người dân tỉnh Cà Mau khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt do ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn, ngày 8/4/2024, Lữ đoàn Vận Tải 659 thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu 9 đã điều 3 tàu tải trọng từ 60 - 200 tấn chở hơn 1.700 m3 nước ngọt cung cấp cho người dân tại nhiều khu vực đang xảy ra tình trạng thiếu nước trầm trọng.

Tuy nhiên, việc chính quyền, doanh nghiệp và các đơn vị chung tay hỗ trợ nguồn nước sinh hoạt, nước sản xuất cho bà con chỉ là tạm thời. Về lâu dài, ông Nguyễn Hồng Khanh - Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ, trong đợt hạn hán, xâm nhập năm 2024, các địa phương đã có sự chuẩn bị, triển khai đồng bộ giải pháp cấp nước sinh hoạt cho hộ bị ảnh hưởng như hỗ trợ thiết bị, dụng cụ trữ nước, thiết lập các điểm cấp nước công cộng, cấp nước luân phiên, đấu nối hòa mạng giữa trạm cấp nước, mở rộng tuyến ống, khoan bổ sung giếng khai thác, sử dụng thiết bị lọc mặn, quan trắc độ mặn để vận hành công trình hợp lý. Đến nay, số lượng hộ dân bị ảnh hưởng thấp hơn nhiều so với năm 2019 - 2020 (chỉ bằng khoảng 50%) và mức độ ảnh hưởng đến các hộ cũng ở mức thấp do người dân đã chủ động trữ nước kết hợp với sử dụng nước tiết kiệm. Các cống ngăn mặn tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng đã phát huy được hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất. 

Theo ông Nguyễn Hồng Khanh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tổ chức xây dựng Đề án An ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bộ cũng khuyến cáo mỗi hộ gia đình tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long xây những bể chứa hoặc đầu tư các bồn chứa nước lớn để dự trữ nước mưa vào mùa khô, chứa nước trong vườn nhà như nhiều nơi đang thực hiện. Phương án này vừa khả thi lại rất cần thiết, đúng như truyền thống bao đời của người dân nơi đây, không được chủ quan vì có nguồn nước máy sinh hoạt mà lãng quên kinh nghiệm truyền thống.

Cống Cái Lớn (Kiên Giang) và cống Tân Phú (Bến Tre) ngăn nước mặn xâm nhập và vận hành để điều tiết nước trong mùa khô năm 2024.

Bài: Hồng Nhung - Bích Hồng
Ảnh: TTXVN
Biên tập: Kỳ Thư
Trình bày: Hà Nguyễn

21/04/2024 06:10