Sau 3 năm chống dịch COVID-19, ngành y đang phải đối mặt với nhiều vấn đề phát sinh. Vốn đã “kiệt sức” sau giai đoạn dài chống dịch, những chiến sĩ áo trắng lại phải tiếp tục chiến đấu trên mặt trận “hậu COVID-19”, không để những khó khăn ảnh hưởng tới người bệnh.

Buổi chiều như bao buổi chiều khác, ngồi vật vờ ở xóm trọ đối diện Bệnh viện K, chị Lại Thị Thương (ở Nam Định) bị ung thư não lắc đầu mệt mỏi khi nhắc đến lịch xạ trị: “Lịch vào viện xạ trị của tôi thường vào ban đêm. Có hôm 23 giờ đêm, có hôm 3 giờ sáng; ban ngày thì ngồi chờ, đêm lại vào điều trị; đã mệt mỏi vì bệnh tật lại mất thêm giấc ngủ đêm. Nhưng chúng tôi cũng phải thông cảm với bệnh viện vì lịch chạy máy của bệnh viện cũng kín đặc, không có đủ thiết bị nên máy phải chạy hết công suất cả ngày lẫn đêm”. 

Nhiều bệnh nhân cũng tỏ ra ngán ngẩm nhưng vì bệnh tật, họ vẫn phải cố gắng vượt qua.

Thiếu máy móc, các y bác sĩ phải liên tục thay nhau trực, các kỹ thuật viên thậm chí còn không có giờ nghỉ.

Theo lãnh đạo Bệnh viện K, vì thiếu máy móc, thiết bị, các phòng máy của Bệnh viện đang phải làm việc hết công suất, có máy chạy 24/24 giờ, không được nghỉ. Các y bác sĩ cũng phải liên tục thay nhau trực, các kỹ thuật viên thậm chí còn không có giờ nghỉ. Nếu không được sớm được bổ sung trang thiết bị, máy móc, tình trạng này cứ kéo dài thì không ổn.

Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, sau dịch COVID-19, nhu cầu khám chữa bệnh của người dân tăng cao, chỉ số lượt khám tăng đột biến tới 1.600- 2.000 lượt/ngày. Nhu cầu người bệnh tăng cao nhưng các bác sĩ lại phải đau đầu trong chỉ định điều trị khi Bệnh viện lâm vào tình trạng thiếu trầm trọng các loại hóa chất, vật tư, thiết bị. Bệnh viện cũng phải thông báo hạn chế mổ phiên và duy trì mổ cấp cứu do cạn kiệt nguồn vật tư, hóa chất trong khi không thể đấu thầu mua sắm bởi nhiều vướng mắc thủ tục.

Bệnh viện phải thông báo hạn chế mổ phiên và duy trì mổ cấp cứu do cạn kiệt nguồn vật tư, hóa chất trong khi không thể đấu thầu mua sắm bởi nhiều vướng mắc thủ tục.

GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức lo ngại: Theo thống kê, có những xét nghiệm đơn giản như công thức máu, chúng tôi chỉ còn ít ngày nữa là không còn hóa chất để sử dụng nếu sử dụng như bình thường. Điều này là do những hóa chất xét nghiệm do các công ty cung cấp hóa chất đặt tại bệnh viện làm. Nhưng mấy năm gần đây, Bệnh viện hầu như không có tiền cung cấp từ ngân sách nhà nước cho các hoạt động chi không thường xuyên, mua máy móc nên số lượng máy móc xét nghiệm rất khó khăn”. 

Còn tại Bệnh viện Bạch Mai, việc phải dừng nhiều các xét nghiệm và một số kỹ thuật là có thật. 

Theo PGS.TS Đào Xuân Cơ, hiện Bệnh viện vẫn đang cố gắng duy trì được ở mức cơ bản về thuốc thiết yếu, các xét nghiệm cơ bản; còn nhiều xét nghiệm chuyên sâu, chuyên khoa phải tạm dừng và cũng phải hạn chế các chỉ định trong những trường hợp thật cần thiết để có thể tiết kiệm được những xét nghiệm chuyên khoa để phục vụ cho những người bệnh thực sự cần thiết.

“Chúng tôi vẫn đang hết sức cố gắng đảm bảo, nhất là với những dịch vụ thiết yếu, vì Bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện tuyến cuối, đặc biệt trong lĩnh vực Hồi sức cấp cứu Chúng tôi vẫn đang bằng mọi giá, khó khăn đến mấy cũng phải tìm cách để đảm bảo cho người bệnh”, PGS.TS Đào Xuân Cơ chia sẻ.

Hình ảnh các bác sĩ căng mình chống dịch COVID-19.

Hầu hết các bệnh viện tuyến cuối đều đang chật vật trong khó khăn thiếu thuốc, vật tư y tế; thậm chí còn phải “gánh” thêm nhiều trường hợp từ tuyến dưới “đẩy lên” cũng do thiếu thuốc, vật tư, thiết bị mà không mua sắm được. Dịch COVID-19 đã cho thấy những nỗ lực, cố gắng hết mình nhưng đồng thời đã bộc lộ cả những khó khăn, thách thức mà ngành y gặp phải. 

Hình ảnh những nhân viên y tế xả thân trong dịch bệnh, làm việc ngày đêm; nhất là những hình ảnh nhân viên ngủ gật trong bộ đồ bảo hộ kín mít, những đêm trắng thức cùng người dân lấy mẫu xét nghiệm… đã biến những chiến sĩ áo trắng thành những người anh hùng. Tưởng như những hình ảnh ấy không bao giờ gục ngã.

Vậy nhưng khi dịch qua đi, họ lại phải tâm tư, đắn đo, thậm chí rời trận tuyến…

“Nếu cứ trụ mãi ở đây thì chúng em sẽ được gì?”, dòng tin nhắn của một bác sĩ y tế cơ sở đã khiến một lãnh đạo Trung tâm y tế cảm thấy “đắng lòng”. Bởi “lính” của ông từng làm việc không biết mệt mỏi, “thiện chiến” và không nề hà bất cứ việc gì.

Nhiều bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải.

Đãi ngộ không tương xứng, đời sống khó khăn; thiếu thốn trang thiết bị, vật tư đã khiến các cơ sở y tế phải lao đao, chật vật; ngành y cũng đang phải đối mặt với làn sóng nhân viên y tế nghỉ việc, chuyển việc, rời từ y tế công sang tư nhân. Nhiều cơ sở y tế phải đau đầu vừa lo chuyên môn vừa lo giữ chân y bác sĩ.

Theo Bộ Y tế, hiện nay nhân lực y tế đang có xu hướng nghỉ việc và đang có một làn sóng mạnh mẽ chuyển dịch nhân lực y tế từ các cơ sở y tế công lập sang các cơ sở y tế tư nhân, đặc biệt là sau hơn 2 năm phòng, chống dịch COVID-19.

Báo cáo của các tỉnh, thành phố và đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế cho thấy, số lượng nhân viên y tế thôi việc, bỏ việc từ đầu năm 2021 đến tháng 6/2022 có tới 9.680 nhân viên y tế xin thôi việc, bỏ việc; trong đó có khoảng 3.094 bác sĩ, 2.874 điều dưỡng…

Thời gian làm việc căng thẳng quá dài, thu nhập không tốt khiến bác sĩ bỏ việc nhiều.

Theo các chuyên gia, hiện tượng nhân viên y tế nghỉ việc, chuyển việc từ công sang tư có nguyên nhân chủ yếu là chế độ tiền lương, thu nhập thấp; chính sách, chế độ; nguồn thu của các bệnh viện tự chủ sụt giảm nhiều, không đủ tài chính đảm bảo thu nhập tăng thêm cho nhân viên. Bên cạnh đó còn có các nguyên nhân khác như: Gia đình, sức khỏe và môi trường, điều kiện làm việc khắc nghiệt...

Đặc biệt, vừa qua, đại dịch COVID-19 đã tác động lớn đến biến động nhân sự ngành y. Nhân viên y tế phải làm nhiều nhiệm vụ chưa từng có, có những thời điểm họ phải làm việc rất căng thẳng, liên tục, kéo dài, không có ngày nghỉ… Đó là sự hy sinh quá lớn, thời gian căng thẳng quá dài, thu nhập không tốt khiến họ bỏ việc nhiều. Chưa kể, áp lực xã hội với ngành y tế sau các vụ vi phạm pháp luật gây tâm lý hoang mang, lo sợ. Trong khi đó, y tế tư nhân phát triển mạnh sau đại dịch, môi trường làm việc và thu nhập hấp dẫn, bác sĩ chỉ cần khám chữa bệnh, không cần lo đấu thầu mua sắm hay thủ tục chữa trị; khiến nhiều y bác sĩ có xu hướng chuyển việc từ cơ sở y tế công sang tư nhân.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cũng thừa nhận, ngành y đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; trong đó đáng lo ngại là tình trạng thiếu thuốc, vật tư trang thiết bị y tế ở một số cơ sở y tế trên toàn quốc chưa được khắc phục triệt để. Chưa kể, số lượng hồ sơ đăng ký cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc cũng như trang thiết bị vẫn còn tồn đọng lớn và chưa được giải quyết một cách triệt để. Hệ thống thể chế liên quan đến lĩnh vực y tế vẫn còn những bất cập nhất định và đặc biệt là những bất cập liên quan đến mua sắm, đấu thầu, liên doanh liên kết, sử dụng tài sản công… Đặc biệt, tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc, bỏ việc, chuyển từ hệ thống y tế công lập sang y tế ngoài công lập, nhất là việc “thất thoát” những cán bộ y tế có tay nghề cao, có kinh nghiệm là một khó khăn, thách thức rất lớn đối với ngành y tế.

PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ về tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế:

Trước rất nhiều vấn đề tồn tại của ngành y đang được phản ánh, Chính phủ, Bộ Y tế đang tập trung tìm pháp để tháo gỡ trước mắt cũng như lâu dài. 

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết: Bộ Y tế đang nỗ lực tập trung giải quyết các vấn đề khó khăn trước mắt. Cụ thể, về vấn đề thiếu thuốc, vật tư y tế ở các cơ sở y tế trên cả nước; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ ngành có liên quan rà soát lại tất cả các văn bản liên quan để hoàn thiện thể chế trước mắt về nội dung này. Trước mắt, để giải quyết việc thiếu thuốc điều trị, việc ban hành Nghị quyết 80 của Quốc hội đã giải quyết được căn cơ, vấn đề cung ứng thuốc trong các cơ sở điều trị; cho phép gia hạn đăng ký tuổi thuốc đến hết năm 2024. Bộ Y tế đã yêu cầu Cục Quản lý dược rà soát và ban hành các danh mục thuốc đảm bảo theo đúng quy định của Nghị quyết 80. Trước mắt, Cục Quản lý dược đã ban hành đợt 1 gần 10.000 giấy đăng ký lưu hành thuốc. 

Bộ Y tế đang nỗ lực tập trung giải quyết các vấn đề khó khăn trước mắt.

Về vấn đề trang thiết bị y tế, Bộ Y tế đã dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 98 của Chính phủ và đang trình Chính phủ xem xét ban hành. Khi Nghị định sửa đổi Nghị định 98 được ban hành, sẽ giải quyết được căn cơ nội dung liên quan đến việc cung ứng trang thiết bị vật tư y tế.

Bộ Y tế cũng đang dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 146 của Chính phủ về việc thực hiện Luật Bảo hiểm y tế. Cùng với đó, Bộ Y tế cùng với các Bộ liên quan đã rà soát và ban hành các văn bản có liên quan đến đấu thầu, mua sắm vật tư, trang thiết bị. Bộ Y tế đã ban hành gần 50 thông tư hướng dẫn sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan đến mua thuốc, trang thiết bị và nội dung khác có liên quan để đảm bảo việc cung ứng thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị trong giai đoạn hiện nay nhằm gỡ vướng cho các đơn vị.

Bộ Y tế đã ban hành gần 50 thông tư hướng dẫn sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan đến mua thuốc, trang thiết bị và nội dung khác có liên quan để đảm bảo việc cung ứng thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị trong giai đoạn hiện nay nhằm gỡ vướng cho các đơn vị.

Về vấn đề nhân lực y tế, vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 56 về nâng phụ cấp của y tế cơ sở, y tế dự phòng từ 40% và 70% lên 100%.

Bộ Y tế cũng đang dự thảo trình Chính phủ ban hành Nghị định về khám chữa bệnh theo yêu cầu; khi thu nhập của các cơ sở y tế tăng cũng là giải pháp để bảo đảm bảo chế độ cho cán bộ, nhân viên y tế.

Bộ Y tế cũng tập trung củng cố nguồn nhân lực y tế, đề xuất với Chính phủ ban hành các chế độ, chính sách để cán bộ, nhân viên y tế có thể yên tâm công tác. 

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, vừa qua, ngành y đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, biến cố. Đặc biệt, là sau khoảng 3 năm chống dịch COVID-19 đã phát sinh thêm nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực hiện công tác y tế, tác động không nhỏ đến tư tưởng của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động ngành Y tế.

Để đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, Bộ Y tế đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ trọng tâm để bảo đảm duy trì nhân lực y tế như: Kịp thời động viên tinh thần, biểu dương, khen thưởng; tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng; quan tâm, thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách tiền lương, phụ cấp cho viên chức y tế, huy động các nguồn lực hỗ trợ khác của xã hội...

Đến nay, tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động ngành Y tế đã từng bước được cải thiện, số liệu khảo sát về sự hài lòng của nhân viên y tế cũng đã tăng lên.

Bộ Y tế đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ trọng tâm để bảo đảm duy trì nhân lực y tế.

Đặc biệt, vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi), đây được cho là tin mừng với ngành Y tế, kỳ vọng sẽ giải quyết được nhiều bất cập hiện nay. Luật sửa đổi lần này được cho là có rất nhiều điểm thay đổi để có thể hướng tới hoạt động của các cơ sở y tế được tốt hơn, thông thoáng hơn, phục vụ tốt việc chăm sóc người bệnh.

Theo PGS.TS Đào Xuân Cơ, Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi lần này đã dành cả 1 chương về công tác tài chính của bệnh viện; về những vấn đề cơ chế tài chính bị vướng, đây là điểm thành công nhất.

Theo đó, Luật lần này cũng ‘mở’ khi đã dành cho Chính phủ và các cơ quan, Bộ, ngành soạn thảo các Thông tư, Nghị định hướng dẫn. Các đơn vị đều mong mỏi, trong quá trình xây dựng các Thông tư, Nghị định, tất cả cơ quan chức năng, các bộ, ngành liên quan vào cuộc nhanh chóng để có các văn bản pháp quy hướng dẫn Luật được thực hiện có hiệu quả. 

Tại buổi làm việc với Bộ Y tế mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu nhận định: Những vấn đề của ngành y tế hiện nay rất cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị. Y tế là lĩnh vực đặc biệt nên cơ chế, chính sách phải đặc biệt. 

 Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà làm việc với Bộ Y tế về giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế, cơ chế tự chủ bệnh viện...

Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, tất cả bộ, ngành phải vào cuộc cùng Bộ Y tế để khắc phục những khó khăn, vướng mắc; trong đó, có cả những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, nhân viên y tế, bảo đảm thực hiện tốt nhất công tác chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ của nhân dân.

Theo đó, cơ chế, chính sách về y tế sau đại dịch COVID-19 đã bộc lộ nhiều hạn chế; cần có sự đổi mới, nhất là lĩnh vực y tế dự phòng, bảo đảm tính năng động, sáng tạo, có khả năng chống chịu với các dịch bệnh có thể xảy ra trong tương lai. Ngành Y tế cũng phải rà soát cụ thể từng điều, khoản, Thông tư, Nghị định, bổ sung về tự chủ, xã hội hoá, mua sắm, đấu thầu… đồng thời phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan để xây dựng được những chính sách cốt lõi, năng động, có tính chất đặc thù, riêng biệt để ngành y tế thực hiện tốt những nhiệm vụ quan trọng.

Bộ Y tế tập hợp ý kiến của các địa phương, của các cơ sở y tế nhằm đưa hết các vấn đề vướng mắc vào những Nghị định, Thông tư đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung; đồng thời nghiên cứu, đề xuất phương án “một luật sửa nhiều Luật” hoặc “một Nghị định sửa nhiều Nghị định” đối với những vấn đề cấp bách, cần tháo gỡ ngay thay vì ngồi chờ sửa toàn diện. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành đang chủ trì xây dựng những luật có liên quan đến lĩnh vực y tế; sớm đề xuất, chủ động xây dựng Nghị định, văn bản hướng dẫn thực hiện Luật phù hợp với chuyên môn, đặc thù của ngành y tế.

Theo ông Bùi Sĩ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, để giải quyết những vấn đề tồn tại của ngành y hiện nay, rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. 

Chương trình Tọa đàm giao lưu “Nỗ lực vì sức khỏe nhân dân – Y tế vượt khó”.

Theo đó, hiện động thái của Chính phủ, Bộ Y tế rất tích cực nhưng mới trên văn bản. Đến nay vẫn chưa có các Nghị định, văn bản điều chỉnh tiền lương cho các thầy thuốc, cán bộ, công chức trong ngành y tế là quá chậm. Bên cạnh đó, ngành y tế là ngành đặc thù, với thời gian đào tạo dài, lại phải thực hiện cấp chứng chỉ hành nghề nhưng bảng lương lại áp dụng cùng với những ngành nghề có thời gian đào tạo ngắn.Với đặc thù là ngành chăm sóc sức khỏe nhân dân; cần phải điều chỉnh phụ cấp, tiền lương cho ngành y tế càng sớm càng tốt trong thời điểm này. Về lâu dài, cần phải cải cách chính sách tiền lương của ngành y tế, đồng thời cải cách chính sách tiền lương của cả nước. Tiền lương phải phản ánh đúng giá trị của sức lao động; giá trị của sức lao động phải được thể hiện bằng giá cả trên thị trường. 

Bên cạnh đó, chuyên gia cũng cho rằng, cần phải bảo đảm an ninh, an toàn cho thầy thuốc, cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong ngành y tế. Cần phải quy định việc bảo đảm an ninh, an toàn cho người thầy thuốc và phải được thể chế bằng hệ thống pháp luật. 

Trong muôn vàn khó khăn của ngành y sau dịch COVID-19, dù tinh thần của đội ngũ nhân viên y tế đôi lúc “rệu rã”, nhưng vẫn còn đó những người tâm huyết vì sự nghiệp cứu người, nhiều y bác sĩ vẫn quyết tâm trụ lại với nghề, toàn ngành y cũng đang nỗ lực để đảm bảo không gián đoạn, không ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

“Đại dịch COVID-19 đi qua đã làm bộc lộ những bất cập, thách thức của hệ thống y tế, nhất là về hành lang pháp lý; bảo đảm nguồn nhân lực, thuốc, trang thiết bị y tế…tạo áp lực lớn đối với việc triển khai nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân. Hơn lúc nào hết, cán bộ y tế toàn ngành cần nêu cao tinh thần đoàn kết để từng bước triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, bất cập trước mắt, cùng với đó là giải quyết các vấn đề mang tính lâu dài; chung tay xây dựng một nền y tế Việt Nam tiên tiến, dân tộc, khoa học, đại chúng đáp ứng ngày càng cao yêu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân”, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định.

Các cơ quan báo chí chủ lực gặp mặt, tri ân cán bộ ngành y tế nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2.

Bài: Tạ Nguyên
Ảnh: TTXVN; Video: Tạ Nguyên
Trình bày: Nguyễn Hà

27/02/2023 06:30