11:02 09/11/2018

Minh bạch tên hãng sữa để triển khai hiệu quả Sữa học đường

Sữa học đường, một đề án tốt nhưng khi triển khai tại Hà Nội lại nảy sinh nhiều khó khăn và bất cập. Sở Giáo dục - Đào tạo thành phố Hà Nội đang tìm cách tháo gỡ để có thể thực hiện hiệu quả một trong những nhiệm vụ chủ yếu năm học 2018-2019 của ngành.

Chú thích ảnh
Sữa học đường là đề án được xây dựng với mục tiêu cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học. Ảnh: TTXVN

Trong những nhiệm vụ chủ yếu của GD-ĐT Hà Nội năm học 2018- 2019, Đề án thực hiện Chương trình Sữa học đường được yêu cầu triển khai hiệu quả nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2018-2020 theo Quyết định của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.

Tuy nhiên, tính đến nay, những khó khăn, bất cập về Sữa học đường được Ban Văn hóa-Xã hội Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội nắm bắt qua đợt khảo sát triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019.

Theo ghi nhận của Ban Văn hóa-Xã hội, đối với việc triển khai Đề án chương trình Sữa học đường, nhiều giáo viên cho biết, phụ huynh đăng ký tham gia chương trình mới gần 80%. Nguyên nhân, do chưa có hãng sữa cụ thể nên nhiều phụ huynh chưa đăng ký tham gia cho con.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ái Mộ A (Long Biên) Nguyễn Thị Bích Huyền cho rằng: “Chương trình sữa học đường rất nhân văn, tuy nhiên, việc triển khai đưa sữa đến các học sinh cần phải chặt chẽ, nhất là công tác bảo quản sữa. Hiện tại, nhiều phụ huynh băn khoăn hãng sữa nào trúng thầu? Bảo quản và thời điểm uống như thế nào?”.

Lý giải cho vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Phạm Xuân Tiến cho biết, Sở cũng nhận được nhiều ý kiến trong triển khai Đề án chương trình Sữa học đường. Hiện chưa có thông tin về hãng sữa, vì liên quan đến kinh phí nhà nước cũng như kinh phí mà phụ huynh đóng góp để mua sữa cho con, do đó chương trình Sữa học đường phải thông qua đấu thầu giữa các hãng sữa. Tuy nhiên, Sở khẳng định, hãng sữa cung cấp của chương trình sẽ bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế.

Trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND thành phố Trần Thế Cương khẳng định, Đề án chương trình Sữa học đường là chủ trương lớn của thành phố, hết sức nhân văn. Chương trình dù không bắt buộc các gia đình phải tham gia, tuy nhiên, ngành GD-ĐT thành phố cần tăng cường tuyên truyền, vận động phụ huynh trên tinh thần tự nguyện, nhằm giúp trẻ phát triển thể lực, chiều cao.

Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, nhà sản xuất trúng thầu sẽ tập huấn đến tất cả giáo viên về quy trình cho các học sinh uống sữa, sau khi uống xong thì xử lý vỏ hộp, thu gom để bảo đảm vệ sinh. Những trường có tỷ lệ học sinh đông, hãng sữa trúng thầu sẽ cung cấp sữa hàng ngày; những trường nhỏ, ít học sinh thì cung cấp sữa hàng tuần và được thống nhất phương thức bảo quản giữa các ban giám hiệu và doanh nghiệp.

Ngày 10/10, Sở GD-ĐT Hà Nội đã mở thầu Chương trình Sữa học đường. Theo đó, có 3 đơn vị chính thức tham gia đấu thầu là Vinamilk, một công ty con của TH True milk và công ty Thịnh Anh.

Ông Nguyễn Viết Cẩn, Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính, Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết theo luật, sau khi mở thầu, sẽ đánh giá hồ sơ mời thầu trong thời gian không quá 45 ngày mới “chốt” công bố tên đơn vị trúng thầu. Như vậy, vào cuối tháng 11 này sẽ là thời điểm công bố tên của nhà cung cấp sữa chính thức cho Chương trình Sữa học đường tại Hà Nội.
L.S/Báo Tin tức