04:17 16/04/2019

Nâng tầm thương hiệu bánh dân gian Nam Bộ

Ngày 16/4, tại Cần Thơ, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ và Nhóm Thời báo Kinh tế Sài Gòn (Saigon Times Group) phối hợp tổ chức Hội thảo “Thị trường nào cho bánh dân gian”.

Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ lần thứ VIII năm 2019 (diễn ra từ ngày 12/4  - 16/4).

Chú thích ảnh
Nghệ nhân thực hiện món "Bánh nghệ Gò Công" tại Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ 2019.

Ông Trần Minh Hùng, Tổng biên tập Nhóm Thời báo Kinh tế Sài Gòn cho biết, trong bốn ngày qua, đã có hàng trăm nghìn lượt du khách đến với Cần Thơ để trải nghiệm văn hóa ẩm thực của vùng đất phương Nam, cụ thể là đặc sản bánh dân gian. Điều này chứng tỏ gần 100 sản phẩm bánh của bà con bốn dân tộc Kinh, Hoa, Khmer, Chăm của vùng đất Nam Bộ vẫn được rất nhiều người ưa thích.

Tuy nhiên, do đặc điểm nhiều loại bánh dân gian liên quan đến nguyên liệu tươi, chế biến thủ công, không sử dụng chất bảo quản, bao bì tạm… nên việc tiêu thụ các sản phẩm độc đáo này phần lớn chỉ thu hẹp ở thị trường nhỏ lẻ, ngắn ngày, kiểu “trong nhà ngoài chợ” hoặc tham gia lễ hội như lễ hội lần này, chứ chưa đưa vào được nhiều trong hệ thống siêu thị hoặc xuất khẩu.

Nhằm góp phần mở rộng thị trường cho các sản phẩm bánh dân gian uy tín ở Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung, góp phần bảo tồn nghề truyền thống và nâng thu nhập cho người làm bánh dân gian, tọa đàm “Thị trường nào cho bánh dân gian” kỳ vọng sẽ thu nhận được ý kiến đa chiều từ các chuyên gia tư vấn, nhà quản lý, nghệ nhân làm bánh, các doanh nghiệp, đại diện ngành du lịch…

Ông Đoàn Hữu Đức, Phó Chủ tịch, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn Việt Nam (Vietnam Consulting Group - VCG) chia sẻ về điều kiện cần và đủ để mở thị trường bánh dân gian. Theo đó, bánh dân gian len lỏi từ miền quê sông nước đến hang cùng ngõ hẻm mọi đô thị đã đi vào ký ức của nhiều thế hệ người Việt. Bánh dân gian là một phần của ẩm thực đường phố Việt Nam, là điểm đến của các tour tuyến du lịch, ngoài phong cảnh và công trình văn hóa.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc đưa chiếc bánh dân gian Nam Bộ bước ra thị trường rộng lớn hơn hay cụ thể là vào các khách sạn 5 sao, hệ thống siêu thị hiện nay đang vướng nhiều trở ngại.
 
Trở lực thứ nhất là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, các vấn đề về truy xuất nguồn gốc, giấy chứng nhận kiểm định chất lượng, giấy phép kinh doanh, mã số thuế… đều là những thách thức lớn cho các nghệ nhân địa phương từ các làng nghề hay các hộ kinh doanh cá thể. Vấn đề sâu xa hơn là cam kết cung ứng về sản lượng và chất lượng đều đặn.

Bên cạnh đó, hai thách thức rủi ro mà các nhà làm chính sách cần quan tâm là mang bánh dân gian vào kênh hiện đại mới chỉ mang được phần “xác” nhưng mất phần “hồn”. Bởi siêu thị là sân chơi của các nhà công nghiệp, trong khi đó, chỉ có các gia đình có truyền thống làm bánh dân gian mới hiểu hết cái hồn của món bánh và yêu quý nghề gia truyền, kinh doanh vì lòng tự hào của dòng họ.

“Hãy hỗ trợ và bồi dưỡng cho họ học hiểu các kiến thức kinh doanh và kỹ thuật cần thiết để họ tự thành công. Vì đã mang tên là bánh dân gian mà không mang thương hiệu của gia đình”, ông Đức nói thêm.

Ông Đức bày tỏ kỳ vọng những chiếc bánh ngon và sạch, trình bày đẹp, công thức gia truyền, các câu chuyện về bánh, về người làm bánh, về vùng đất quê hương của bánh hồn hậu… sẽ khẳng định được vị trí trong lòng du khách.

Bà Phạm Thị Mỹ Hạnh, đại diện làng bột Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp, nơi chuyên cung cấp nguyên liệu cho nhiều loại sản phẩm bánh dân gian nổi tiếng của Nam Bộ đưa ra một số giải pháp nhằm nâng tầm cho bánh dân gian, trên cơ sở mô hình Làng bột Sa Đéc.

Theo đó, hiện chính quyền Đồng Tháp đang đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ; làm tốt việc thông tin và dự báo thị trường cho người sản xuất; đẩy mạnh các hoạt động phát triển du lịch cộng đồng; xây dựng mô hình du lịch cộng đồng, tham quan, trải nghiệm văn hóa và ẩm thực làng bột...

Cùng mong muốn chia sẻ về cách thức để bánh dân gian tiếp cận thị trường, ông Vũ Thống Nhất, nhà nghiên cứu văn hóa Nam Bộ đề nghị cần quan tâm tới giải pháp xây dựng “Bản đồ bánh dân gian Nam Bộ: Trong bối cảnh thị trường hiện nay, vấn đề “thật, giả” các loại sản phẩm; trong đó, có các loại bánh dân gian là điều khó tránh khỏi.

Vậy nên, việc nhận diện, chọn lọc, đánh giá, phân loại, tìm ra những loại bánh (cùng cơ sở sản xuất) có tiềm năng, có thể đưa ra thị trường, sau đó hỗ trợ những cơ sở này định danh thành thương hiệu vững vàng là điều rất cần thiết.

Chú thích ảnh
Các gian hàng ẩm thực tại lễ hội.

Ngoài ra, việc phát hiện và tôn vinh các nghệ nhân, hoặc thông qua các kỳ Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ, chọn ra 2-3 “địa chỉ đỏ” đạt các tiêu chí từ một Hội đồng có chuyên môn, có uy tín để trao bằng công nhận và gắn biển ngay tại cơ sở sản xuất sẽ góp phần xây dựng được “Bản đồ bánh dân gian Nam Bộ”. Song song đó, cần biết “thổi hồn vào tấm bánh quê hương”. Bánh dân gian Nam Bộ bình dị, chân quê, nhuần nhuyễn truyền thống, đó là thế mạnh, đặc biệt trong thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Bánh dân gian giúp gợi nhớ ký ức một thời cha ông đi mở cõi, là cơ hội để người già tìm về hoài niệm, người trẻ và bạn bè gần xa có cơ hội tìm hiểu về văn hóa truyền thống dân tộc. Do đó, cần xây dựng những câu chuyện văn hóa về nguồn cội, cách chế biến… để người thưởng thức bánh cảm thấy quý trọng thành phẩm do nghệ nhân làm ra hơn, đồng nghĩa với đưa tấm bánh quê trở thành một phần câu chuyện của con đường phát triển du lịch Cần Thơ nói riêng, Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Tin, ảnh: Ánh Tuyết (TTXVN)