Cựu binh Pháp 'thức tỉnh', hiểu rõ giá trị cuộc sống sau chiến dịch Điện Biên Phủ

Nhân kỷ niệm 65 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2019), phóng viên TTXVN tại Paris đã gặp gỡ ban lãnh đạo của Hội Cựu chiến binh Pháp tại Điện Biên Phủ.

Một điều đặc biệt, hội không chỉ là nơi tập hợp của các cựu binh đã từng tham chiến tại Đông Dương, mà còn thu hút cả sự tham gia của vợ và con cái họ. Trong các cuộc tiếp xúc, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Pháp tại Điện Biên Phủ, ông William Schilardi đã chia sẻ cảm nhận của mình về tình yêu thương giữa hai dân tộc sau nhiều thập kỷ. Ông khẳng định rằng chiến tranh đã làm ông "thức tỉnh" và hiểu rõ giá trị cuộc sống. 

Chú thích ảnh
Ông William Schilardi, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Pháp tại Điện Biên Phủ

William Schilardi mới 21 tuổi khi được điều động đến Điện Biên Phủ vào tháng 3/1954. Ông là hạ sĩ của bộ phận bắn tỉa thuộc Đại đội Lính dù Đông Dương 3, có nhiệm trinh sát vòng ngoài lòng chảo Điện Biên Phủ, để xác định các vị trí của bộ đội Việt Minh. 

Ban đầu, tình hình không quá khó khăn, "nhưng sau đó là ngày tận thế, là địa ngục", ông William Schilardi nhớ lại. Trận chiến càng ngày càng trở nên ác liệt vì bộ đội Việt Minh tấn công dồn dập. Điện Biên Phủ thời đó là một mê cung chằng chịt những chiến hào. Ngoài những cuộc tấn công trong đêm của Việt Minh, quân đội Pháp còn phải đối mặt với thời tiết bất lợi là gió mùa và mưa dầm. William Schilardi cùng các binh sĩ khác đã trải qua nhiều đêm mất ngủ. Ông nhanh chóng nhận ra rằng quân đội Việt Minh được tổ chức rất tốt, "hơn tất cả những gì chúng tôi đã dự tính". Bộ đội Việt Minh đã làm mọi cách để bao vây quân đội Pháp trong thung lũng và "mỗi ngày chúng tôi đều nghe thấy những tiếng đào chiến hào của đối phương. Chúng tôi đã cố gắng ngăn chặn, nhưng không thể được".

Chiến lược của bộ đội Việt Minh là bao vây hoàn toàn để cắt đứt nguồn cung vật tư, thực phẩm cho các binh lính Pháp trong lòng chảo. Theo ông, sức mạnh chiến đấu của Việt Minh nằm ở lý tưởng, số lượng đông và tinh thần kiên trì, ý chí quyết tâm. Thất bại của quân đội Pháp đến từ việc thiếu tiếp viện cả về binh lính lẫn lương thực.

Những ngày cuối cùng của trận chiến, ông William Schilardi bị thương, vỡ đầu gối. Hậu quả của cuộc chiến khốc liệt này theo ông suốt quãng đời sau đó. Ông vẫn nhớ như in cảm giác kỳ lạ trong ngày 7/5, khi nhận được lệnh phá hủy khí tài quân sự và đầu hàng. "Khi kết thúc trận chiến, tôi cảm thấy một sự tĩnh lặng bao trùm khắp nơi, cảm giác nhẹ nhõm nhưng cũng vô cùng tuyệt vọng. Chúng tôi hoàn toàn mất phương hướng...", ông chia sẻ. 

Ông William Schilardi khẳng định rằng chiến tranh đã làm ông "thức tỉnh", khiến ông hiểu rõ giá trị cuộc sống. Cho đến bây giờ, ông vẫn thường nhớ đến khoảnh khắc được trả tự do, khoảng 4 tháng sau khi kết thúc trận chiến Điện Biên Phủ. "Đó là một khoảnh khắc bình yên, nhẹ nhàng, hạnh phúc nhất và vui nhất trong cuộc đời tôi" - ông tâm sự. Trở về Pháp, rời khỏi quân ngũ, ông tham gia Hội Cựu chiến binh Pháp tại Điện Biên Phủ.

Đồng hành cùng ông William Schilardi có Tổng thư ký của hội, đại tá hiến binh Jean-Michel Queva, con của một cựu chiến binh Pháp đã mất vì tuổi cao.

Chú thích ảnh
Đại tá hiến binh Jean-Michel Queva, Tổng thư ký Hội Cựu chiến binh Pháp tại Điện Biên Phủ.

Cha của đại tá Jean-Michel Queva đến Đông Dương vào cuối năm 1953, thuộc một đội quân hiến binh tăng cường cho các đơn vị đã có mặt tại chiến trường. Sau đó, ông được điều động lên Điện Biên Phủ vì đây là một địa điểm quan trọng trong chiến tranh Đông Dương. 

Ở Pháp, thất bại Điện Biên Phủ đã làm tất cả mọi người bất ngờ, không ai có thể dự đoán được tương lai của những người lính ở đó. Khi người cha trở về nhà, giống như hầu hết những người lính khác, ông không muốn tâm sự hay hé lộ những chuyện trong quá khứ. Vì vậy, chỉ rất lâu sau này, ông Jean-Michel Queva mới biết là cha ông đã tham chiến ở Điện Biên Phủ. Ông hồi tưởng: "Đó là khi tôi đang học một trường quân đội, tôi cùng các bạn trong lớp thảo luận về những việc mà cha ông chúng tôi đã làm. Cha tôi sau đó đã nói với tôi rằng ông từng là tù binh tại Điện Biên Phủ." 

Cũng như cha, ông Jean-Michel Queva đã tham gia lực lượng hiến binh cho đến lúc nghỉ hưu cách đây hơn 2 năm. Và hiện con trai ông cũng là một sĩ quan hiến binh. Theo ông, trong quân đội Pháp, Điện Biên Phủ vẫn là một biểu tượng rất mạnh, cho dù đây là một chiến bại. Nếu có một lời nói với các thế hệ tương lai, ông Jean-Michel Queva khẳng định sự cần thiết phải "cố gắng xoa dịu mọi thứ và tránh sa lầy vào bất cứ cuộc xung đột kéo dài nào."

Ông William Schilardi đã vinh dự được tháp tùng Thủ tướng Edouard Philippe trong chuyến thăm Việt Nam tháng 11/2018. Theo ông, "thật tốt vì Thủ tướng đã đến thăm chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, với mục đích xóa bỏ mọi thù hận". Ông chắc chắn rằng "luôn có một tình yêu thương giữa hai dân tộc chúng ta. Tôi cảm thấy điều đó từ sâu thẳm trái tim tôi".

Hội Cựu chiến binh Pháp tại Điện Biên Phủ sở hữu một lọ đất được lấy từ đồi A1 (Eliane2), nơi đã diễn ra trận đấu ác liệt và dài ngày nhất. Lọ đất này chỉ được mở ra khi một thành viên của hội qua đời và một chút đất được rắc lên ngôi mộ của người quá cố. Chiến trường Điện Biên Phủ mãi cùng các cựu binh yên giấc ngàn thu.

Linh Hương - Toàn Trí (TTXVN)
Tướng Navarre và con đường tới Điện Biên Phủ - Kỳ 3: Kế hoạch Navarre
Tướng Navarre và con đường tới Điện Biên Phủ - Kỳ 3: Kế hoạch Navarre

Công thức chiến thắng của Navarre mang tên chính ông ta. Kế hoạch Navarre là một chiến dịch được vị tướng này “chào hàng” mạnh, được thiết kế để giành thế chủ động và cuối cùng là đảm bảo Pháp chiến thắng ở Đông Dương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN