Chiến lược “chiến tranh hỗn hợp” nguy hiểm của Trung Quốc

Trong cuộc trao đổi mới đây, Tiến sỹ Takashi Hosoda, Giảng viên tại Trường Đại học Tổng hợp Charles (Czech) khẳng định chiến lược “chiến tranh hỗn hợp” được Trung Quốc coi là biện pháp quan trọng nhằm đạt mục đích thay đổi nguyên trạng trong khi tránh các cuộc “chiến tranh nóng” với Mỹ, Nhật Bản và các nước liên quan.

Tiến sỹ Takashi Hosoda. Ảnh: Ngọc Mai

Tiến sỹ Hosoda nhấn mạnh Trung Quốc đã thông qua chiến lược “Tam chiến” gồm chiến tranh tâm lý, chiến tranh thông tin và chiến tranh pháp lý từ năm 2003. Trong thời đại ngày nay, việc sử dụng vũ khí nguyên tử là ít có khả năng do đây là hành vi vô nhân đạo và để lại hậu quả nặng nề cho các bên tham chiến. Vì vậy, việc sử dụng “chiến tranh hỗn hợp” ngày càng được Trung Quốc chú trọng. Chiến lược quân sự này đã tiếp tục được Trung Quốc chỉnh sửa năm 2010.

Chiến lược “xoay trục”, tăng cường hiện diện quân sự ở châu Á của Mỹ từ năm 2012 đe dọa lợi ích của Trung Quốc. Bắc Kinh cần làm suy giảm và xói mòn sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực nhằm hiện thực hóa tham vọng trở thành cường quốc biển. Các nước và vùng lãnh thổ có quan hệ chặt chẽ với Mỹ như Nhật Bản, Đài Loan… trở thành mục tiêu chính của chiến lược "chiến tranh hỗn hợp" của Trung Quốc. Tuy nhiên, do phải phụ thuộc vào Mỹ, châu Âu và Nhật Bản trong việc phát triển kinh tế nên Trung Quốc buộc phải tránh các cuộc xung đột quân sự trực diện và ngăn ngừa việc gây tổn hại đến quan hệ thương mại cũng như việc tiếp cận các nguồn nguyên liệu của nước này, chẳng hạn như thông thương qua eo biển Malacca. Trong bối cảnh này, chiến lược “chiến tranh hỗn hợp” phù hợp với tham vọng đạt được các mục tiêu chiến lược của Trung Quốc.

Thứ nhất, Trung Quốc triển khai chiến tranh tâm lý nhằm gây ảnh hưởng hoặc cản trở khả năng hoạch định, triển khai chính sách của đối thủ. Chiến thuật này cũng nhằm mục đích tạo sự nghi ngờ, đánh lừa đối thủ và làm giảm ý chí chống Trung Quốc. Tại Nhật Bản, Trung Quốc ủng hộ các phong trào phản đối, đòi di chuyển các căn cứ quân sự của Mỹ hay của Lực lượng Phòng vệ (SDF) nước này. Nhiều người thường nghe về việc đa số người dân đảo Okinawa phản đối việc Mỹ đặt căn cứ quân sự tại đây. Tuy nhiên, Tiến sỹ Hosoda cho rằng thực tế không phải vậy. Các hoạt động này chủ yếu không phải do người dân ở đảo tổ chức mà lại do các nhà hoạt động đến từ nơi khác. Có dấu hiệu cho thấy các phong trào này nhận được sự hỗ trợ tài chính từ bên ngoài. Ngoài ra, việc Trung Quốc triển khai và gia tăng tần suất xuất hiện của tàu hải giám (CCG) tới quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) nhằm gia tăng áp lực tâm lý lên chính phủ và xã hội Nhật Bản.

Thứ hai, Trung Quốc triển khai chiến tranh thông tin nhằm tuyên truyền, quảng bá về hình ảnh của nước này, đồng thời tác động tới dư luận của các nước thông qua các phương tiện truyền thông quốc gia như Tân Hoa xã, CCTV… Khi các vụ đụng độ ở Biển Đông xảy ra, truyền thông Trung Quốc nhanh chóng đưa tin và nêu quan điểm của Trung Quốc trước khi phương tiện truyền thông của phương Tây quan tâm đến vấn đề này. Khi căng thẳng gia tăng liên quan đến quần đảo Senkaku, CCTV cũng ngay lập tức tiến hành chiến dịch lên án, quy trách nhiệm cho các lực lượng cánh hữu dân tộc chủ nghĩa ở Nhật Bản.

Thứ ba, Trung Quốc cũng đang triển khai chiến tranh pháp lý, lợi dụng hệ thống luật pháp nhằm đạt được các mục tiêu chính trị-kinh tế, chẳng hạn như việc tuyên bố và đưa ra các tư liệu chứng minh chủ quyền ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Tuy nhiên, các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc dựa trên các tài liệu, bản đồ không có tính pháp lý. Tại Nhật Bản, các công ty và cá nhân Trung Quốc mua nhiều bất động sản gần các căn cứ quân sự của Mỹ hay của SDF, nhất là tại đảo Okinawa và Hokkaido. Mặc dù với mục đích thương mại nhưng Tiến sỹ Hosoda lo ngại nguy cơ các căn cứ quân sự của Mỹ, Nhật Bản sẽ bị theo dõi, giám sát. Tuy nhiên, hiện nay Nhật Bản lại không có các quy định pháp lý hạn chế người nước ngoài mua bất động sản xung quanh các khu vực chiến lược.

Thứ tư, Trung Quốc ngày càng tăng cường sử dụng lực lượng dân quân biển trong giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Lực lượng này đã được triển khai trong động thái quan trọng của Trung Quốc như chiếm quần đảo Hoàng Sa năm 1974, ngăn chặn tàu chiến USNS Impeccable tuần tra trên Biển Đông năm 2009 hay triển khai giàn khoan Hải Dương 981 năm 2014. Cùng với việc tăng cường vai trò của lực lượng dân quân biển, Trung Quốc có chính sách khuyến khích, hỗ trợ tài chính và trang bị cho ngư dân tham gia lực lượng này. Lực lượng dân quân biển được tổ chức, huấn luyện và đào tạo, trở thành một bộ phận trong việc triển khai chiến lược biển của Trung Quốc cùng với quân đội và lực lượng hải giám. Thách thức lớn nhất đối với Mỹ, Nhật Bản và các quốc gia liên quan hiện nay là việc phân biệt các tàu cá dân sự và tàu của lực lượng dân quân biển để có biện pháp thích hợp.

Nguyễn Hồng Tâm (P/v TTXVN tại Séc)
Canada "thận trọng" đón chào Thủ tướng Trung Quốc
Canada "thận trọng" đón chào Thủ tướng Trung Quốc

Thời điểm Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đặt chân xuống sân bay Ottawa ngày 21/9 đánh dấu lần đầu tiên một nhà lãnh đạo Trung Quốc đến Canada từ năm 2010 và sự thay đổi lớn trong quan hệ hai nước kể từ sau đó. Tuy nhiên, đằng sau cái bắt tay nồng hậu giữa Thủ tướng nước chủ nhà Justin Trudeau và người đồng cấp Trung Quốc là sự cân nhắc thiệt hơn của Ottawa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN