Đã đến lúc Mỹ thúc đẩy ngoại giao chấm dứt xung đột ở Ukraine?

Với bế tắc, tổn thất kéo dài ở phía trước, những tác động tiêu cực của cuộc xung đột Nga - Ukraine đối với toàn thế giới sẽ tiếp tục gia tăng.

Chú thích ảnh
Xung đột Nga - Ukraine càng kéo dài, tổn thất của các bên liên quan càng lớn. Ảnh: AP

Theo nhận định mới đây của ông Mark Hannah, giảng viên tại Đại học New York, thành viên của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ và thành viên của Dự án An ninh Quốc gia Truman, hai tháng sau khi Ukraine đẩy lùi các lực lượng Nga khỏi Kiev, cuộc xung đột đang diễn ra theo một hướng khác.

Ông Hannah cho rằng Nga đang củng cố lợi ích của mình ở Donbass và hai bên vẫn chịu tổn thất về sinh mạng hàng ngày. Mặc dù Kiev được phương Tây cung cấp vũ khí hạng nặng nhưng Nga vẫn vượt trội so với Ukraine về pháo binh. Cuộc xung đột tiếp tục có diễn biến khó đoán định, nhưng rõ ràng thời gian không đứng về phía Ukraine.

Vì vậy, đây là thời điểm để thúc đẩy các chính sách ngoại giao tích cực về Ukraine. Trong khi các hội nghị thượng đỉnh G7 và NATO cùng cuộc họp ngoại trưởng G20 gần đây là những cơ hội quan trọng để khởi động lại tiến trình hòa bình, thay vào đó Mỹ và các nước phương Tây chỉ thảo luận về việc làm thế nào để hạn chế xuất khẩu dầu của Moskva và tiếp tục “làm suy yếu” quân đội Nga. 

Mặc dù vậy, vẫn còn thời gian và đòn bẩy để đạt được một thỏa hiệp ngoại giao. Các bên sẽ đều chịu tổn thất nặng nề nếu cuộc chiến leo thang thành một cuộc đối đầu rộng lớn hơn giữa NATO và Nga. Đặc biệt các nước NATO, trong đó có Mỹ, sẽ có rất nhiều thứ để mất nếu sự leo thang này trở thành hạt nhân. 

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo phương Tây cũng đang phải đối mặt với thực tế và áp lực chính trị ngày càng tăng ở trong nước để nhanh chóng kết thúc cuộc xung đột này. Giá khí đốt đã tăng trên toàn cầu và tại Đức, nước này đã tuyên bố về một “cuộc khủng hoảng khí đốt”, thậm chí có thể sẽ phải điều tiết khi Nga cắt giảm xuất khẩu  sang Tây Âu. Vấn đề này sẽ chỉ trở nên rõ ràng hơn khi mùa Đông đến gần. 

Một cuộc thăm dò mới do tổ chức Eurasia Group Foundation thực hiện, cho thấy phản ứng của Mỹ đối với cuộc xung đột ở Ukraine có sự ủng hộ rộng rãi của quốc tế nhưng điều này chủ yếu là vì Washington đã tránh được một cuộc đối đầu trực tiếp với Moskva. Khi được hỏi về các mục tiêu quan trọng nhất của Mỹ, tránh một cuộc chiến tranh giữa Nga và Mỹ và ngăn chặn thiệt hại cho người Ukraine là hai câu trả lời thường được lựa chọn nhất. Một sự thỏa hiệp ngoại giao sẽ đảm bảo tốt hơn cho sự thành công của hai mục tiêu phổ biến này. 

Việc thúc đẩy ngoại giao cũng phù hợp với cam kết của Tổng thống Biden trong việc kiềm chế leo thang. Ông Biden nhiều lần cam kết  hạn chế sự can thiệp của Mỹ đối với cuộc xung đột, gần đây đã yêu cầu Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin hạn chế tuyên bố của họ về việc làm suy yếu Nga bằng cuộc chiến ủy nhiệm. 

Có rất ít bằng chứng cho thấy Ukraine có thể đạt được các điều khoản tốt hơn thông qua một cuộc chiến tranh ủy nhiệm kéo dài. Các nhà phân tích nghi ngờ khả năng tái kiểm soát các vùng lãnh thổ đòi độc lập của Ukraine - một vấn đề mà việc tăng các chuyến hàng viện trợ vũ khí cũng sẽ không giải quyết được. Nếu không có sự can thiệp toàn diện của Mỹ hoặc các cường quốc châu Âu, thật xa vời khi nghĩ rằng phương Tây sẽ buộc Nga phải lùi bước. 

Vậy điều gì nên được thực hiện? Theo ông Hannah, Mỹ cần mở một kênh ngoại giao với Nga để hiểu rõ hơn những vấn đề nào có thể thỏa hiệp mà các bên có thể chấp nhận được. Ngay trước cuộc xung đột, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman đã chỉ ra “sự ủng hộ có thể có” đối với một cách tiếp cận trong đó Ukraine sẽ cam kết trung lập về quân sự và từ bỏ nỗ lực trở thành thành viên NATO. Nếu điều này ngăn chặn được sự thống khổ của của những người Ukraine, tại sao Mỹ không khuyến khích Ukraine "đặt điều đó trở lại bàn cân" lúc này? Với tình hình đất nước hiện tại, Ukraine dù sao vẫn còn lâu mới đáp ứng được các tiêu chí dân chủ của tư cách thành viên NATO.  

Theo chuyên gia này, Tổng thống Biden đã nhiều lần bày tỏ rằng có những giới hạn đối với sự trợ giúp của Mỹ. Rất hiếm khi một cuộc xung đột kết thúc trong thất bại toàn diện, và việc hy vọng Moskva sẽ rút lui hoàn toàn là điều không thực tế. Do đó, chính sách của Mỹ hiện cần phải thay đổi để thích nghi với thực tế này và lên kế hoạch cho những tháng tới khi sự chia rẽ sâu sắc trong liên minh phương Tây đang có xu hướng gia tăng. Trong một cuộc chiến tranh tiêu hao, Ukraine có thể sẽ "mất nhiều chỗ dựa hơn nữa".

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo Responsiblestatecraft.org)
Những kịch bản tiếp theo cho cuộc xung đột Nga - Ukraine
Những kịch bản tiếp theo cho cuộc xung đột Nga - Ukraine

Dưới đây là những điều chỉnh, dự báo về 4 kịch bản tiếp theo của các chuyên gia tại Hội đồng Đại Tây Dương về cuộc xung đột ở Ukraine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN