Đánh giá ‘kho vũ khí’ của Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại với Mỹ

Đòn đáp trả mới nhất của Trung Quốc chống lại chiêu tăng thuế quan 25% của Mỹ - tăng 60 tỷ USD tiền thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ kể từ ngày 1/6 – có thể khiến Bắc Kinh "hết đạn" trong cuộc chiến thương mại nan giải này.

Chú thích ảnh
Lượng hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu của Mỹ ít hơn gần 4 lần so với lượng hàng hóa nước này xuất khẩu sang Mỹ. Ảnh: AFP

Lượng hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu của Mỹ ít hơn gần 4 lần so với lượng hàng hóa nước này xuất khẩu sang Mỹ và Bắc Kinh đã đánh thuế trừng phạt đối với hầu hết toàn bộ hàng hóa của Mỹ đến nước này - 110 tỷ USD trong tổng số 120 tỷ USD hàng năm.

Nên nếu như Bắc Kinh cũng nâng thuế quan cao đến mức 25% đối với các sản phẩm Mỹ, trong đó có khí đốt tự nhiên hóa lỏng, hóa chất, hoa quả, rau xanh và hải sản, điều này sẽ tác động tiêu cực ngược trở lại đối với chính Bắc Kinh.

Theo AFP, dưới đây là một số “vũ khí” mà Trung Quốc có thể sử dụng trong cuộc chiến thương mại với Mỹ:

“Ăn miếng trả miếng” thuế quan

“Thuế quan là một vết thương tự gây ra. Anh đang nâng chi phí nhập khẩu của chính những nhà sản xuất ở nước anh”, Giáo sư Robert Lawrence về thương mại và đầu tư tại Đại học Harvard nhận định.
Tuy nhiên, ở giữa cuộc chiến thương mại, "những cân nhắc kinh tế chỉ là thứ yếu", ông Lawrence nói, bởi vì "nó liên quan nhiều đến tình hình, thương lượng và chính trị".

Ông đặt vấn đề: “Trung Quốc có thể đang chấp nhận thụ động các biện pháp này từ Mỹ?” Xe hơi và phụ tùng ô tô nhập khẩu từ Mỹ phải đối mặt với khả năng bị đánh thuế đến 25%. Được Bắc Kinh công bố tháng 12/2018, đòn trừng phạt này đã bị trì hoãn đầu năm nay song có thể dễ dàng khởi động lại. Ngành công nghiệp xe hơi, vốn mang ý nghĩa thiết yếu đối với nền kinh tế Mỹ, cũng giữ vai trò như một "lá bài" bầu cử quan trọng đối với ông Donald Trump.

Định giá thấp đồng Nhân dân tệ

Tổng thống Trump thường xuyên cáo buộc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc định giá thấp đồng nội tệ của nước này để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu, nhưng liệu đó có phải là một lựa chọn? 

Ông Rajiv Biswas, nhà kinh tế học châu Á – Thái Bình Dương tại IHS Markit cho là “không”. “Đó không phải một chiến lược thực tiễn với Trung Quốc nhằm cố gắng giảm nhẹ ảnh hưởng từ đòn đánh thuế 25% bằng cách cho phép hạ giá hơn nữa đồng Nhân dân tệ”, chuyên gia Biswas nói với AFP. 

Theo ông, một ưu tiên chính của Chính phủ Trung Quốc từ năm 2015 là bình ổn tỷ giá hối đoái và ngăn chặn dòng thoát vốn lớn để bảo vệ nguồn dự trữ ngoại hối. 

“Do vậy, Chính phủ Trung Quốc sẽ không muốn tạo bất kỳ sự suy giảm bất ổn tiềm tàng đối với đồng Nhân dân tệ, điều này có thể kích hoạt lại các dòng thoát vốn lớn”, ông Biswas đánh giá. 

Trừng phạt doanh nghiệp

Trung Quốc có thể khiến các công ty Mỹ ở nước này gặp khó khăn dưới hình thức yêu cầu thủ tục pháp lý hoặc tắc nghẽn hải quan. Những biện pháp này "sẽ nhận được rất nhiều sự ủng hộ ở Trung Quốc, nhưng sẽ làm hạ thấp thêm niềm tin kinh doanh" ở nước ngoài, ông Jake Parker tại Hội đồng doanh nghiệp Mỹ-Trung cho biết.

Hay như nhận định của ông Jacob Funk Kirkegaard - chuyên viên cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson - nếu Bắc Kinh chọn giải pháp này, đó sẽ là “một sự leo thang”. 

“Nếu anh làm vậy thì sau đó anh sẽ phải đối mặt nguy cơ Chính quyền Trump quyết định làm một vụ ZTE, ông Kirkegaard nhắc lại vụ Washington năm 2018 cấm mọi hoạt động bán linh kiện điện tử cho tập đoàn viễn thông ZTE của Trung Quốc, gây nguy hiểm cho sự sống còn của “gã khổng lồ” Trung Quốc. 

Nhà Trắng trước đó cáo buộc ZTE vi phạm lệnh cấm giao thương với Iran và Triều Tiên. Sau cùng, Tổng thống Trump đã đồng ý căn nhắc lại quyết định trên. 

Kêu gọi tẩy chay

Người Trung Quốc có thể được khuyến cáo không mua sản phẩm Mỹ, chẳng hạn như iPhone. Trước đây, trong bối cảnh quan hệ song phương bị đóng băng với Nhật Bản năm 2012 hay với Hàn Quốc năm 2017, làn sóng tẩy chay ở Trung Quốc đã dẫn đến sự sụt giảm tới 50% doanh thu bán xe hơi của cả hai nước trong vòng một tháng. 

Tuy nhiên, hình thức trả đũa này cũng sẽ giáng đòn đánh vào hàng triệu nhân công Trung Quốc đang làm thuê cho những tập đoàn Mỹ và đối tác địa phương của họ. 

Lạnh nhạt với Boeing

Trung Quốc là khách hàng quan trọng của tập đoàn máy bay Boeing (Mỹ), chiếm tới 1/4 doanh số. Biên tập viên của tờ báo Global Times – do Chính phủ Trung Quốc điều hành – đã đề cập đến khả năng Bắc Kinh sẽ giảm đơn đặt hàng với Boeing, mặc dù tập đoàn máy bay Mỹ khẳng định sự tự tin của mình. 

Cuối tháng 3 vừa qua, Bắc Kinh đã ký hợp đồng mua 300 máy bay Airbus của châu Âu nhân sự kiện Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Pháp. 

Bán nợ công

Trung Quốc chính là nước chủ nợ lớn nhất của Mỹ (gần 1.200 tỷ USD). Tuy nhiên, bán một phần lớn trong khoản nợ có thể gây rủi ro bởi bất kỳ sự biến động nào của thị trường cũng sẽ làm suy giảm giá trị trái phiếu Chính phủ Mỹ mà Bắc Kinh đang nắm giữ. 

Hoàng Trang/Báo Tin tức
Tổng thống Mỹ cam kết sẽ đạt thỏa thuận với Trung Quốc
Tổng thống Mỹ cam kết sẽ đạt thỏa thuận với Trung Quốc

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 14/5 cam kết sẽ đạt được một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc "nhanh hơn nhiều" so với mọi người nghĩ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN