Giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 2-2,25, lộ trình thận trọng của FED

Trong cuộc họp đầu tiên kể từ phiên bán tháo cổ phiếu mạnh nhất trên thị trường chứng khoán Mỹ hồi tháng trước và cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ trong tuần này, Ngân hàng Trung ương Mỹ (FED) đã quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 2-2,25%.

Chú thích ảnh
 Tòa nhà trụ sở Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ ở Washington DC. Ảnh: AFP/ TTXVN

Đây là tỷ lệ lãi suất cao nhất mà ngân hàng quyền lực nhất thế giới ấn định kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cách đây đúng một thập niên.

Đánh giá của Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) về các điều kiện của nền kinh tế Mỹ về cơ bản không thay đổi so với cuộc họp gần nhất hồi tháng 9 vừa qua. Những chỉ dấu quan trọng của nền kinh tế như lạm phát đang tiến gần tới mức mục tiêu 2%, tỷ lệ thất nghiệp giảm và kinh tế tiếp tục tăng trưởng mạnh với số việc làm gia tăng tiếp tục là những điểm sáng để FED duy trì lãi suất cơ bản.

Trong quý III/2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ là 3,5% sau khi đạt 4,2% trong quý trước đó. Hiện tỷ lệ thất nghiệp ở mức 3,7%, thấp nhất trong gần 50 năm qua, trong khi số việc làm trong tháng 10 vừa qua đã tăng thêm 250.000 và mức lương trung bình tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng cao nhất trong gần 10 năm.

Quyết định của FED không gây bất ngờ trong giới phân tích và đầu tư, bởi đây là lộ trình đã được ngân hàng này định sẵn. Trước đó, các chuyên gia kinh tế và đầu tư chứng khoán Mỹ đều dự báo FED sẽ không tăng lãi suất tại cuộc họp ngày 7-8/11 trong bối cảnh cuộc bầu cử quốc hội Mỹ giữa nhiệm kỳ vừa kết thúc. Điều này xuất phát từ lo ngại khả năng cao đảng Dân chủ sẽ lần đầu tiên trong 8 năm qua giành lại quyền kiểm soát Hạ viện từ tay đảng Cộng hòa, khiến việc triển khai chính sách kinh tế của Tổng thống Donald Trump trong thời gian tới gặp trở ngại. 

Quả đúng như dự đoán, kết quả cuộc bầu cử cho thấy đảng Dân chủ đã giành đủ số ghế để "soán" quyền cầm trịch Hạ viện từ đảng Cộng hòa, trong khi đảng Cộng hòa tiếp tục nắm quyền kiểm soát Thượng viện. Với việc cán cân quyền lực chia đều cho đảng con Voi (biểu tượng của đảng Cộng hòa) và con Lừa (biểu tượng của đảng Dân chủ), trong chặng đường nửa cuối nhiệm kỳ, Tổng thống Trump chắc chắn sẽ phải điều chỉnh chương trình nghị sự hiện tại, cũng như nỗ lực tìm kiếm sự đồng thuận từ các đối thủ chính trị để thúc đẩy việc thông qua các dự luật.

Bên cạnh đó, một quốc hội Mỹ chia rẽ trong năm 2019 cũng có thể khiến các nhà lập pháp nước này khó có thể đưa ra những dự luật hay những bước đi chính sách quan trọng trong 2 năm tới. Một trong những vấn đề quan trọng phía trước mà nhiều khả năng sẽ bị "treo" tại lưỡng viện Quốc hội là ngân sách liên bang, khi các nghị sĩ của hai viện khó tìm được tiếng nói chung.

Chính phủ liên bang Mỹ được cấp ngân sách hoạt động ngày 7/12 tới, và các ông nghị ở Đồi Capitol sẽ cần phải đạt được một thỏa thuận về kế hoạch chi tiêu để tránh nguy cơ chính phủ phải đóng cửa. Dù chuyên gia kinh tế hàng đầu của S&P Global, Beth Ann Bovino, nhận định những mâu thuẫn trong nội bộ Quốc hội Mỹ sẽ không "nhấn chìm" chiếc thuyền kinh tế nước này, song những bế tắc trong vấn đề ngân sách liên bang vẫn có nguy cơ gây ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của nền kinh tế đầu tàu thế giới. 

Tuy vậy, giới phân tích cho rằng sự thay đổi "thế trận" tại Đồi Capitol được cho là sẽ có ít tác động tới chính sách của FED trong tương lai. Trong thư gửi các khách hàng, nhà chiến lược thuộc ngân hàng Goldman Sachs, bà Marina Grushin, nhận định cuộc bầu cử quốc hội Mỹ giữa nhiệm kỳ sẽ không thay đổi triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế số một thế giới, qua đó bảo toàn lộ trình nâng lãi suất của FED. 

Hiện mọi con mắt đang đổ dồn vào cuộc họp chính sách của FED diễn ra ngày 18-19/12 tới, chỉ vài ngày trước khi kỳ nghỉ lễ cuối năm bắt đầu. Sau khi FED quyết định giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp vừa qua, giới phân tích nhận định đến 80% khả năng ngân hàng này sẽ tăng lãi suất ít nhất 0,25% từ nay đến cuối năm. Nếu FED nâng lãi suất trước năm 2019, đây sẽ là lần nâng lãi suất thứ 4 trong năm nay và lần thứ 9 kể từ khi FED bắt đầu tăng lãi suất ở mức gần như bằng 0 vào tháng 12/2015.

Các nhà hoạch định chính sách FED còn dự kiến tăng lãi suất 3 lần trong năm 2019, trong đó có 2 lần vào tháng 3/2019. Một số chuyên gia kinh tế dự báo trong năm tới, FED chỉ tăng lãi suất 2 lần nữa, song cũng có ý kiến cho rằng FED khả năng sẽ quyết định nâng lãi suất 4 lần nữa để kiềm chế lạm phát trong bối cảnh kinh tế Mỹ duy trì đà tăng trưởng mạnh và thị trường việc làm sôi động. 

FED hiện đang nâng lãi suất cơ bản ở mức 0,25% cứ mỗi 3 tháng. Với đà này, lãi suất cơ bản được dự đoán sẽ đạt khoảng 3% vào giữa năm 2019, gần bằng mức mà FED cho là "trung lập" trong khoảng 2-5% mà ngân hàng này từng ấn định trong lịch sử. Lãi suất trung lập là mức lãi suất mà FED sẽ không kích thích cũng như không kìm hãm các hoạt động kinh tế, thể hiện một cách tiếp cận khá thận trọng của FED khi đà phục hồi của kinh tế Mỹ vẫn duy trì, trong khi những tác động từ kết quả cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ này sẽ chỉ xuất hiện trong vài tháng tới.

Có thể thấy, cuộc họp chính sách vừa qua của FED mặc dù không đưa ra một quyết định mang tính đột phá nhưng là dịp để giới chức ngân hàng này thảo luận dữ liệu kinh tế mới nhất, làm tiền đề cho khả năng tăng lãi suất trong các cuộc họp tiếp theo. 

Tuy nhiên, cũng có những ý kiến cho rằng việc cuộc họp này không đề cập tới những bất ổn của thị trường tài chính sau khi xảy ra phiên bán tháo cổ phiếu phủ sắc đỏ lên thị trường chứng khoán Mỹ hồi trung tuần tháng 10 vừa qua, có thể được hiểu là ngân hàng trung ương đang cân nhắc giảm tần suất các kế hoạch nâng lãi suất.

Phan An (TTXVN)
Giá vàng sụt giảm trong phiên giao dịch ngày 9/11 sau cuộc họp của FED
Giá vàng sụt giảm trong phiên giao dịch ngày 9/11 sau cuộc họp của FED

Sau cuộc họp hôm 8/11 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), USD tăng mạnh đã góp phần làm suy yếu giá vàng trong phiên giao dịch ngày 9/11.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN